Home > Khai Thị Phật Học
Cuộc Sống Không Còn Trống Trải Vô Nghĩa
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Khuyết Danh, Việt Dịch


Hiện nay, đa số chúng ta không còn sợ thiếu thốn về đời sống vật chất nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là nội hàm trong cuộc sống chúng ta được nâng cao. Suy cho cùng, chúng ta là người chứ không phải động vật, không chỉ cần thỏa mãn bản năng, dừng ở đời sống vật chất, mà còn phải có đời sống tinh thần phong phú. Nhưng con người không thể, nếu tồn tại chỉ để thỏa mãn bản năng, chúng ta đâu có điểm gì khác so với động vật?

Hiện nay, hầu hết mọi người trên thế giới đều đang theo đuổi sự thỏa mãn về vật chất, tuy nhiên cuộc sống vật chất chỉ làm cho ngũ quan chúng ta bị kích thích, tê liệt, không thể khiến cho trái tim của chúng ta được trong sạch, cũng không thể khiến cho chúng ta cảm thấy sự toàn vẹn. Bởi vì hưởng thụ và kích thích của vật chất thì tạm thời, an ủi mình trong thoáng chốc, khi qua đi nó sẽ để lại khoảng trống vô biên trong tâm hồn. Để bù đắp khoảng trống đó, nhiều người lao mình vào các cuộc chơi như rượu chè, cờ bạc, cá độ bóng đá như con thiêu thân lao mình vào đống lửa, cuối cùng trở thành kẻ nô lệ vật chất. Cứ như vậy, một người từ khi sinh ra đến chết, do cảm thấy trống rỗng trong lòng mà luôn theo đuổi sự thỏa mãn vật chất, càng theo đuổi càng thấy trống rỗng. Cuộc sống cứ lặp lại như vậy, tính ác lại trỗi dậy. Trạng thái đó kéo dài cho đến khi sắp đi xa cuộc đời, thật bi thương, đáng sợ! Chết là điều lo sợ nhất, tiếc nuối nhất của con người.

Vì vậy để đời sống tinh thần phong phú, chúng ta nên bắt đầu từ việc làm trong sạch nội tâm. Tuy nhiên nếu chỉ nói mà không làm khác nào bàn binh pháp trên giấy?

Vậy, làm thế nào để nâng cao đời sống tinh thần?

Có người dùng nghệ thuật để nâng cao tinh thần, có người dùng tư tưởng hoặc quan niệm triết học để làm phong phú cho mình. Nhưng đó chỉ được coi là một nhà họa sĩ, nhà tư tưởng, nhà triết học, khi học vẽ tranh, đọc sách, dạy học hay thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, có thể trong lòng cảm thấy thỏa mãn, khi tưởng tượng, suy luận, khi viết văn hoặc khi giảng giải, có vẻ như cảm thấy tràn đầy sự tự tin, nội dung thật phong phú, nhưng một khi đã rời xa những thứ đó, họ vẫn cảm thấy trống rỗng.

Chúng ta từng nghe nhà chính trị than “càng lên cao càng lạnh”, người làm kinh tế than “thời gian không cho phép”, người theo đuổi văn học than “trước không gặp được cố nhân, sau không biết đến người sẽ gặp”. Bất kỳ ai cũng có nỗi niềm cô đơn riêng, nhà triết gia cũng có sự cô đơn của triết gia, nhân vật vĩ đại cũng có sự cô đơn của vĩ đại. Một khi lòng mình còn cảm thấy trống vắng, cô đơn chứng tỏ cuộc sống bạn chưa phải phong phú về mặt tinh thần đích thực.

Theo quan điểm các nhà tôn giáo, đời sống tâm linh là một thứ quý báu khiến cho cuộc sống tinh thần trở nên đầy đủ và phong phú. Con người sẽ không bị trống rỗng và cũng không cảm thấy cô đơn.

Với tôi, mặc dù hiện tại tôi không có tài sản, cô đơn, trông có vẻ trống rỗng, nhưng khi tôi niệm Phật, Phật sẽ luôn bên tôi, khi tôi niệm Bồ tát, Bồ tát sẽ ở trước mặt tôi. Cũng vậy, khi tôi nghĩ đến chúng sinh, chúng sinh sẽ luôn ở bên tôi, khi tôi nghĩ đến thế giới cực lạc ở Tây phương, lập tức tôi như được sống trong thế giới cực lạc. Như vậy, tất nhiên tôi sẽ không cảm thấy cô đơn, trống rỗng.

Mặc dù con người yếu đuối, thời gian và sức lực của chúng ta có hạn, nhưng vì cuộc đời quá ngắn ngủi, năng lực không đủ, nên cần phải được hiến dâng tích cực. Cần có niềm tin của tôn giáo sẽ tốt hơn. Nhưng niềm tin này cũng không phải là thứ hư vô, chúng phải có được thông qua quá trình thực tiễn và sự lĩnh hội sâu sắc của bản thân mọi người.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Cuộc Sống Không Còn Trống Trải Vô Nghĩa