Ý nghĩa đích thực của cuộc đời là gì? Sanh từ đâu đến và chết đi về đâu? Đây là một vấn đề rất hiện thực. Người đời hay phê bình người xuất gia rằng: “Người xuất gia trốn tránh hiện thực”.
Được! Vậy tôi xin hỏi các bạn: “Hiện thực là gì?”. Bạn biết không? Ồ! Tôi biết rồi! Hiện thực là ‘tiền’ và ‘tiền’, càng nhiều càng tốt, thành tựu càng lớn, đây chính là bộ mặt của hiện thực.
Ý nghĩa đích thực của cuộc đời này là như vậy thôi sao? Không đúng! Phật giáo dạy rằng, hiện thực chính là giây phút hiện tại, là chính tình hình sinh hoạt thực tế mà bạn đang kinh nghiệm, nhưng bạn đã từ bỏ và không tư duy, giác ngộ về nó.
Đức Phật nói về chân tướng hiện thực của cuộc đời này là gì?
Trước hết, cuộc đời là vô thường. Một kiếp người tuỳ theo thời gian đều phải kết thúc! Hoặc do tai nạn xe cộ, tai nạn máy bay, hoả hoạn, thuỷ tai … mà chết. Đi một bước, chạy một bước, xuất huyết não mà chết!…
Sự sống tuỳ theo thời gian đều đi đến chỗ chết, bạn có hiểu không?
Thứ hai, tâm lý của con người trong một ngày luôn thay đổi. Sáng thức dậy rất là vui vẻ, đến trưa đã phiền não, ưu sầu, không vui, nhưng tối về lại nói chuyện gì cũng tốt. Ngày mai lại thay đổi. Năm nay quyết định làm việc này, sang năm lại quên mất. Đây gọi là ‘tâm người vô thường’.
Chân tướng hay sự thật của thế gian này là ‘cuộc đời vô thường’ và ‘tâm người cũng vô thường’. Thế gian này không có gì bền chắc, vĩnh hằng.
Vì vậy, lúc nam nữ nói chuyện yêu đương đều là giả dối, mơ hồ. Người con trai tuỳ tiện nói thế này: ‘anh mãi mãi yêu em!’. Người con gái cũng tuỳ tiện nghe: ‘Ôi, anh mãi mãi đều yêu em sao!’. Bạn có nghĩ rằng họ thật lòng mãi mãi yêu nhau không? Một ngày kia, khi người con gái đã là bà lão châu hoàng rồi, mọi việc đã đâu vào đó rồi, cô ta bắt đầu cảm nhận sự đau khổ, khi đức lang quân có thêm người yêu khác bên ngoài, sự đau khổ cũng lớn dần lên. Lúc trước đã nói: ‘anh mãi mãi yêu em’ rốt cuộc chẳng thực lòng.
Nhà Phật đã sớm thông suốt, hiểu thấu điểm này và nhận thức rõ ràng rằng bên trong cuộc sống chỉ là giả dối, hư vọng, là không có ‘tự tánh’. Nói ‘không có tự tánh’ là vì ‘không có gì bền lâu, vĩnh hằng’. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đồng thời cũng cần phải từ bỏ những ý niệm sai lầm, quan niệm chủ quan về tự ngã, những quan niệm phân biệt xấu tốt của người, rồi sau chúng ta mới có thể sống được một cuộc sống chân chính, ý nghĩa.
Hôm nay, sau khi đến Tân gia ba, tôi thấy xe cộ tới lui tấp nập. Tân gia ba đã làm cho tôi có cảm giác như là một quốc gia thân thiết, gần gũi. Công ty truyền hình Đài Loan đã gặp và phỏng vấn Lý Hiển Long, trong cuộc đàm thoại với Lý Hiển Long, tôi có một vài nhận xét về Tân gia ba. Toàn thế giới đều khen ngợi thủ tướng Lý quang Diệu, đều khen ngợi hoạt động kinh tế về tiền tệ, khoản vay, tồn khoản, hối đoái, điện tử, giao thông, trị an, hoàn cảnh… của Tân gia ba. Vì vậy, người dân ở Tân gia ba có rất nhiều phước báo. Không giống như tôi đây, người Đài Loan, nghiệp chướng nặng nề, không có phước báo ở Tân gia ba. Tôi đến đây để giảng một lần rồi trở về nước mà thôi. Tân gia ba là một đất nước đẹp, các bạn phải lấy đó làm tự hào. Một đất nước cường thịnh, nhất định nhân dân cũng rất cường thịnh. Bởi vì chính phủ và nhân dân đã phối hợp với nhau mới hình thành một Tân gia ba như thế này, do đó, các bạn cũng có công đức vô lượng.
Chúng ta tuy hoàn cảnh sống khác nhau, các bạn sống ở Tân gia ba còn tôi sống ở Đài Loan, nhưng chúng ta có nhiều điểm giống nhau: ngôn ngữ của chúng ta giống nhau, chữ viết giống nhau, văn hoá chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau, và chúng ta đều là những người mắt đen, da vàng, tóc đen, đều là người của dân tộc Trung Hoa.
Tôi xem Tân gia ba như là nhà của mình. Bởi vì, tôi đến đây cảm thấy rất là thân thiết. Hơn nữa, hôm nay có hàng vạn người nơi đạo tràng này nghe tôi nói chuyện, thật sự khiến cho tôi rất cảm động.
Đề tài mà chúng ta nói chuyện có tựa đề: “Đạo Phật và con người”. Đề tài này sẽ được giảng trong hai ngày, hôm nay và ngày mai. Ngày thứ ba sẽ giảng về “Phật giáo và luân hồi”, đề tài này do pháp sư Quảng Học giúp tôi chọn. Thầy đã chọn đề tài, tôi không thể không giảng, sợ sau này thầy không mời tôi đến giảng nữa. (Đại chúng cười).
Nói cho vui vậy thôi! Hôm nay chúng ta cùng nhau nghiên cứu đề tài “Đạo Phật và con người”. Trong Tam tạng, Mười hai bộ kinh, hết thảy đều nói đến hai vấn đề: Vũ trụ và con người. Đức Phật thuyết pháp với một mục đích duy nhất là chỉ ra cho chúng sanh thấy chân tướng, sự thật của cuộc sống con người và vũ trụ, chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào để từ bỏ những lỗi lầm và có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc chân thực.