Home > Khai Thị Niệm Phật > Phu-Luc-3-Van-Khuyen-Phat-Tam-Bo-De
Phụ Lục 3: Văn Khuyến Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch


Từng nghe: Cửa yếu vào đạo, phát tâm làm đầu. Việc gấp tu hành, lập nguyện ở trước. Nguyện lập, tất chúng sanh có thể độ. Tâm phát, thì Phật đạo mới kham thành. Nếu không phát tâm rộng lớn. Lập nguyện vững bề, thì trải kiếp số như vi trần, vẫn còn trong vòng sanh tử. Dù có tu hành siêng khổ, chỉ luống công khó nhọc mà thôi!

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu quên mất tâm bồ đề mà tu các pháp lành đó là nghiệp ma”. Quên mất còn như thế, huống là chưa phát ư? Cho nên, muốn học Như Lai thừa, trước phát bồ đề nguyện, điều này vẫn không thể lần lửa vậy.

Nhưng sự sai biệt của tâm nguyện, tướng trạng có rất nhiều. Nay xin vì đại chúng, mà ước lược tỏ bày. Phát tâm gồm tám tướng: là tà, chánh, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên. Tám tướng ấy như thế nào?

Trong đời có người tu chỉ một bề hành theo sự tướng, không xoay vào tham cứu chân tâm. Hoặc theo việc bên ngoài, ưa thích hư danh, mong cầu lợi dưỡng. Hoặc đắm mê huyển cảnh, tham dục lạc hiện tại, cầu phước báo đời sau. Phát tâm như thế gọi là Tà.

Bậc không cầu lợi dưỡng, cũng chẳng thích hư danh, vui hiện thế không màng, phước vị lai chẳng tưởng. Chỉ vì sống chết, mong cầu đạo Bồ đề. Phát tâm như thế gọi là Chánh.

Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh. Nghe thành Phật lâu xa chẳng khiếp lui, thấy chúng sanh khó độ không chán mỏi. Như leo cao muôn dặm, quyết trèo tận đỉnh. Như lên tháp báu chín cấp, đến ngọn chót cùng. Phát tâm như thế gọi là Chân.

Có tội không sám hối, có lỗi chẳng biết trừ. Trong trược mà ngoài thanh, trước siêng nhưng sau trể. Tuy có lòng tốt, song xen lẫn với lợi danh. Dù tu pháp lành, bị tội nghiệp làm ô nhiễm. Phát tâm như thế gọi là Ngụy.

Chúng sanh độ hết, bản nguyện mới cùng, Phật đạo tròn nên, thề nguyền mới mãn. Phát tâm như thế gọi là Đại.

Xem ba cõi như tù ngục, nhìn sống chết tợ oan gia. Chỉ mong tự độ, không muốn độ người. Phát tâm như thế gọi là Tiểu.

Thấy ngoài tâm có chúng sanh mình phải độ. Hiểu ngoài tâm có Phật đạo rồi nguyện thành. Công tu tập chẳng sạch quên, sự kiến giải không tiêu mất. Phát tâm như thế gọi là Thiên (lệch).

Biết chúng sanh có tánh minh, nên nguyện độ thoát. Rõ Phật đạo là tánh minh, nên nguyện viên thành. Lìa ngoài nguồn tâm thể, không thấy có pháp chi. Rồi dùng tâm rỗng như hư không, phát nguyện lớn như hư không, tu hạnh rộng như hư không. Kết cuộc chứng quả vô chứng đắc như hư không, cũng chẳng thấy có tướng Không. Phát tâm như thế gọi là Viên.

Tám cách phát tâm trên đã biết rành rẽ. Nên tự xét kỷ, xem mình phát tâm thuộc về cách nào? Nếu thấy Tà, Ngụy, Tiểu, Thiên phải lập tức sửa đổi. Như thuộc Chánh, Chân, Viên, Đại nên bền chắc thêm lên. Như thế mới gọi là chân chánh phát tâm Bồ đề.

Bồ đề tâm này là vua trong các pháp lành, phải có nhân duyên mới phát khởi được.

Nhân duyên ấy đại lược có mười thứ:

Vì nghĩ đến ơn Phật: Đức Thích Tôn khi mới phát tâm, vì độ chúng ta, tu Bồ tát đạo, trải vô lượng kiếp chịu đủ sự khổ. Lúc ta tạo nghiệp, đức Phật xót thương, phương tiện giáo hóa mà ta ngu si không chịu tin theo. Ta đọa ác đạo, Phật lại càng thương, muốn thay chịu khổ. Nhưng ta nghiệp nặng không thể cứu vớt. Ta sanh làm người, Phật dùng phương tiện, khiến gieo căn lành, nhiều kiếp theo dõi, lòng không tạm bỏ. Phật mới ứng thế, ta còn trầm luân, nay được thân người, Phật đã diệt độ. Tội chi mà không thấy kim thân? May gì mà được gặp Thánh tượng?

Rồi tự suy nghĩ: Nếu đời trước chẳng trồng căn lành thì làm sao được nghe Phật Pháp? Không nghe chánh pháp, đâu biết mình thường thọ Phật ân? Ân đức này, bể thẳm khôn cùng, non cao khó sánh! Nếu không phát tâm bồ đề, tu hạnh Bồ tát, giữ vững chánh pháp, cứu độ chúng sanh. Thì dù nát thịt tan xương cũng không đền đáp được! Đây là nhân duyên thứ nhứt.

Vì nhớ ơn cha mẹ: Than ôi! Cha mẹ sanh ta ra khó nhọc. Mười tháng mang thai nặng nhọc, ba năm bú sữa mớm cơm. Khi được nên người, chi mong ta nối dõi tông đường, tự thừa tiên tổ. Ngờ đâu ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, không dâng cơm nước, chẳng đở chân tay. Cha mẹ còn, ta không thể nuôi dưỡng thân già. Cha mẹ mất, ta chưa thể dắt dìu thần thức. Chừng hồi tưởng lại thì, nước trời đà cách biệt từ dung, mồ biếc chỉ hắt hiu thu thảo. Như thế, với đời là sự tổn lớn, với đạo lại không ích chi, hai đường đã lỗi, khó tránh tội khiên!

Nghĩ như thế rồi, làm sao chuộc lại? Chỉ có trăm kiếp nghìn đời, tu Bồ tát hạnh, mười phương ba cõi độ khắp chúng sanh. Được như vậy, chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời đều nhờ độ thoát. Chẳng những cha mẹ một người, mà cha mẹ nhiều người, cũng được siêu thăng. Đây là nhân duyên thứ hai.

Vì tưởng ơn Sư trưởng: Cha mẹ tuy sanh dục sắc thân, nhưng nếu không có thầy thế gian, thì ta chẳng hiểu biết nghĩa nhân. Không có thầy xuất thế, tất ta chẳng am tường Phật Pháp. Không biết lễ nghĩa, liêm sỉ, nào khác chi loài cầm thú? Không tường nhân quả Phật Pháp, đâu khác gì hàng ngu mông? Nay ta biết chút ít lễ nghĩa, hiểu đôi phần Phật Pháp là nhờ đâu? Huống nữa, thân giới phẩm đã nhuận phần đức hạnh, áo ca sa thêm rạng vẻ phước điền, thực ra đều do ân sư trưởng mà được.

Đã biết như thế, nếu ta cầu tiểu quả thì chỉ có thể lợi riêng cho mình. Nay phải phát đại tâm, mới mong độ các loài hàm thức. Như vậy, thầy thế gian mới dự hưởng phần lợi ích, mà xuất thế cũng thỏa mãn vui lòng. Đây là nhân duyên thứ ba.

Vì nghĩ ân thí chủ: Kẻ xuất gia hôm nay, đồ mặc thức ăn đều nhờ tín thí, thuốc men giường chiếu cũng của đàn na. Người nhọc sức cày vẫn còn kém thiếu. Ta ngồi không thọ hưởng sao nở an lòng? Kẻ dệt may gian khổ chẳng kể đêm hôm. Ta y phục dư thừa, há không mến tiếc? Người nhà lá vách phên, trọn đời bận rộn. Ta nền cao đền rộng thong thả quanh năm. Đem công cực nhọc để cung cấp cho ta sự an nhàn, lòng nào vui được? Lấy tài lợi riêng để giúp cho ta được no đủ, lý có hợp không?

Thế nên tự nghĩ: Phải vận lòng bi trí, tu phước huệ trang nghiêm để đàn tín được phước duyên, chúng sanh nhờ lợi ích. Bằng chẳng vậy thì chút hạt cơm tấc vải đền đáp có phần, thân nô dịch súc sanh, nợ nần phải trả. Đây là nhân duyên thứ tư.

Vì biết ơn chúng sanh: Ta cùng chúng sanh từ vô thỉ đến nay, kiếp kiếp đời đời thay đổi làm quyến thuộc, kia đây đều có nghĩa với nhau. Nay dù cách đời đổi thân, hôn mê không nhớ biết, song cứ lý suy ra, chẳng thể không đền đáp.

Vậy loại mang lông đội sừng ngày nay, biết đâu là con của nó trong kiếp trước? Loài bướm ong trùng dế trong hiện tại, biết đâu là thân sinh tiền thế của mình? Đến như tiếng rên xiết trong thành ngạ quỷ, giọng kêu la dưới cõi âm ty, ta tuy không thấy chẳng nghe, họ vẫn van cầu cứu vớt. Ngoài kinh ra, nơi đâu bày tỏ việc này? Không Phật nói, chẳng ai hiểu rành điều ấy, cho nên Bồ tát xem ong kiến là cha mẹ quá khứ, nhìn thú cầm là chư Phật vị lai. Thương nẻo khổ lâu dài, hằng lo cứu vớt. Nhớ nghĩa xưa sâu nặng, thường tưởng báo ân. Đây là nhân duyên thứ năm.

Vì tuởng khổ sanh tử: Ta cùng chúng sanh nhiều kiếp đến nay hằng trong vòng sanh tử, chưa từng được thoát ly. Khi ở cõi này, lúc thế giới khác, khi sanh lên thiên cảnh, lúc sống ở nhơn gian, siêu đọa phút giây, xuống lên muôn nẻo. Cửa quỉ sớm đi rồi chiều lại âm ty, nay thoát bổng mai vào. Lên non đao rừng kiếm, thân thể đứt rời. Nuốt sắt nóng dầu sôi, ruột gan rã cháy. Khóc than trong lửa, rên xiết trong băng. Muôn lần sống chết nội ngày đêm, giây phút khổ đau bằng thế kỷ. Lúc ấy dù biết tội khổ, nhưng ăn năn sao kịp! Khi ra khỏi vội liền quên mất, vẫn tạo tội như thường. Tâm không hằng lữ khách ruổi rong. Thân chẳng định dường cửa nhà thay đổi. Cát bụi cõi đại thiên không tính nổi số thân luân chuyển. Nước đầy trong bốn biển chẳng nhiều bằng giọt lệ biệt ly. Nếu không lời Phật, việc này ai thấy ai nghe? Ví chẳng xem kinh, lý ấy đâu hay đâu biết! Thẳng hoặc luyến mê như trước, chỉ y cũ luân hồi. Rồi ra muôn kiếp nghìn sanh, khó hối một lầm trăm lẫn. Giờ tốt vội qua mà chẳng lại, thân người dễ mất nhưng khó tìm. Âm cảnh mịt mờ, xót nỗi biệt ly dài dặc! Tam đồ ác báo, thương cho thống khổ ai thay?

Vì tôn trọng tánh linh: Tâm tánh của ta cùng Thích Ca Như Lai không hai không khác. Tại sao đức Thích Tôn đã thành chánh giác sáng suốt tự tại, mà ta vẫn còn phàm phu điên đảo hôn mê? Lại đức Thế Tôn có đủ vô lượng thần thông trí tuệ, công đức trang nghiêm. Còn chúng ta thì đầy vô lượng phiền não nghiệp duyên, lụy trần ràng buộc?

Tâm tánh tuy vẫn đồng một, vì mê ngộ nên cách vực trời. Ví như hạt bửu châu vô giá vùi dưới bùn nhơ, người xem thường đất đá. Cho nên phải dùng vô lượng pháp lành đối trị phiền não, để tánh đức hiển bày. Như bảo châu được rửa sạch lau khô, treo đề trên tràng cao liền phóng quang rực rỡ. Thế mới không uổng công Phật giáo hóa, chẳng phụ tánh linh mình, xứng đáng bậc trượng phu. Đây là nhân duyên thứ bảy.

Vì sám hối nghiệp chướng: Kinh nói: “Phạm một giới nhỏ, phải đọa vào địa ngục bằng tuổi thọ Tứ Thiên Vương”. Lỗi nhỏ còn như thế, huống chi tội nặng ư? Chúng ta mỗi ngày một cử một động thường sai giới luật, lúc ăn lúc uống hằng phạm thi la (giới). Tính kỹ trong một ngày cũng đã nhiều tội, huống chi trọn đời, cho đến vô lượng kiếp về trước! Cứ lấy năm giới mà xét thì mười người đã hết chín phạm, ít phát lộ nhiều dấu che. Năm giới còn như thế, huống là giới sa di, tỳ kheo và Bồ tát ư?

Nay ta phải phát lòng thương mình, thương người, lệ rơi theo tiếng, thân khẩu thiết tha, cùng với chúng sanh, cầu xin sám hối! Chẳng thế thì ngàn đời muôn kiếp các báo khó trừ, làm sao thoát khổ? Đây là nhân duyên thứ tám.

Vì cầu sanh Tịnh độ: Ở cõi này tu tập việc tiến đạo khó khăn, về Cực Lạc hành trì sự thành Phật dễ thuận. Vì dễ thuận nên một đời liền đắc quả. Bởi khó khăn nên nhiều kiếp vẫn chưa thành. Cho nên Thánh trước Hiền sau người người xu hướng. Ngàn kinh muôn luận, chỗ chỗ chỉ quy. Sự tu hành giữa thời mạt pháp thật không chi hơn pháp môn Tịnh độ. Như kinh nói: Ít căn lành khó được vãng sanh, nhiều phước đức mới về cõi Tịnh. Nhiều phước đức không gì bằng chấp trì danh hiệu. Nhiều căn lành chẳng chi hơn phát ý bồ đề. Tạm trì danh hiệu thắng hơn bố thí trăm năm. Một phát đại tâm vượt quá tu hành nhiều kiếp. Bởi niệm Phật vẫn mong thành Phật, đại tâm không phát thì niệm Phật để làm chi? Còn phát tâm vốn để tu hành, Tịnh độ chẳng cầu dù phát cũng dễ thối chuyển. Cho nên gieo hột giống bồ đề, cày lưỡi cày niệm Phật, đạo quả tự nhiên tăng tiến. Nương chiếc thuyền đại nguyện, vào biển màu Tịnh độ. Tây phương quyết định sanh về. Đây là nhân duyên thứ chín.

Vì hộ trì chánh pháp: Đức Thế Tôn vô lượng kiếp đến nay vì chúng ta mà tu đạo bồ đề. Ngài đã làm việc khó làm, nhịn điều khó nhịn, công tròn quả mãn, thành đấng Như Lai. Sau khi thành Phật, duyên giáo hóa đã xong liền vào Niết Bàn. Nay chánh pháp đã qua, tượng pháp đã hết, chỉ còn mạt pháp, có kinh giáo mà không kẻ đắc thành. Thời nay tà chánh chẳng phân, thị phi lẫn lộn, tranh đua nhơn ngã, đeo đuổi lợi danh, Tam bảo chẳng còn thật nghĩa, suy tàn tồi tệ không nở thốt lời, khi nghĩ đến đây khó cầm giọt lệ!

Ta là Phật tử không báo được ân, trong không ích cho mình, ngoài không ích cho người, sống không ích dương thế, chết không ích đời sau. Suy nghĩ như vậy đau lòng xót dạ, vội phát bồ đề, nguyện nguyện độ sanh, tâm tâm cầu Phật, thề hết báo thân sanh về Cực Lạc. Những mong sau khi chứng quả trở lại Ta bà khiến cho Phật nhật rạng soi, pháp môn rộng mở. Tăng hải đẹp thanh nơi cõi trược, nhân dân tu đức ở phương Đông. Kiếp vận nhờ đó mà tiêu trừ, chánh pháp do đây mà bền vững. Đây là nhân duyên thứ mười.

Như trên tám cách đã thông, mười duyên đã biết, phát tâm có chỗ, xu hướng có nơi. Trông mong đại chúng đồng lập đại nguyện, đồng phát đại tâm. Nếu chưa phát thì nay phát, đã phát nên tăng trưởng, đã tăng trưởng khiến tương tục. Chớ thấy khó mà thối khiếp, chớ thấy dễ mà khinh thường. Chớ dục tốc mà chẳng bền lâu. Chớ biếng trể mà không tiến ích. Cũng đừng vì tối dốt mà một mặt vô tâm, đừng vì trí cạn mà tự hiềm vô phận. Ví như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn lần sâu. Lại như mài dao, mài bền thì lưỡi lụt lần bén. Đâu nên vì rễ cạn mà bỏ khô không vun tưới, dao lụt mà để luống thành phế hư!

Còn nếu cho tu hành là khổ, tất chưa biết biếng trể lại càng khổ hơn! Tu hành tuy siêng nhọc nhứt thời, nhưng an vui mãi mãi.

Biếng trễ chỉ tạm nhàn một kiếp, song khổ lụy đời đời. Huống chi dùng Tịnh Độ làm thuyền bè, đâu lo gì thối chuyển? Lại được Vô sanh làm sức nhẫn, há còn sợ gian nan? Chớ bảo ý niệm vô thường, nguyện suông vô ích! Phải biết tâm chân thì sự thật, nguyện rộng tất hạnh sâu. Hư không chẳng rộng lớn bằng nguyện tâm, kim cương không cứng bền bằng nguyện lực.

Đại chúng nếu không chê bỏ lời này thì xin nguyện cùng làm quyến thuộc bồ đề, bạn lành Tịnh độ. Nguyện đồng sanh Cực Lạc, đồng thấy Di Đà, đồng hóa chúng sanh, đồng thành chánh giác.

(Trích trong tập Mấy Điệu Sen Thanh do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch)


Chú thích:

Nhị giác: tự giác và giác tha

Ba tâm: tâm chí thành, thâm tâm và hồi hướng tâm.

Tứ cú: Có, không, cũng có cũng không, chẳng phải có chẳng phải không.

Tam hoặc: Kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc.

Tam pháp: định, huệ, xả.

Ngũ độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, trừ bát nhã (trí tuệ).

Như đạo: Như người hướng dẫn đường lối.

Ba quán: quán không, quán có và quán trung đạo

8a. Thập bát bất cọng pháp: cũng gọi là thập bát bất cụ pháp. Phật có 18 món công đức chẳng chung cùng với hai thừa (Thanh văn và Duyên Giác) nên gọi là bất cọng pháp, và ba thừa không đủ nên gọi là bất cụ. 18 pháp là:

1. Thân không lỗi. 2. Miệng không lỗi. 3. Ý tưởng không lỗi. 4. Không có tưởng khác. 5. Tâm không phải không định. 6. Chẳng phải không biết chuyện đã bỏ. 7. Sự dục không diệt. 8. Sự tinh tấn không diệt. 9. Ý tưởng không diệt. 10. Trí huệ không diệt. 11. Giải thoát không diệt. 12. Giải thoát tri kiến không diệt. 13. Hết thảy thân nghiệp tùy theo trí huệ mà thật hành. 14. Hết thảy khẩu nghiệp tùy theo trí huệ mà xuất phát 15. Hết thảy ý nghiệp tùy theo trí huệ mà suy tưởng. 16. Trí tuệ biết đời quá khứ không ngại. 17. Trí huệ biết hết đời vị lai. 18. Trí huệ biết đời hiện tại vô ngại.

Ngũ đạo: năm đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh …

Chướng, nghiệp: phiền não chướng như tham, sân, si v.v…nghiệp chướng như tội ngũ nghịch, thập ác …và báo chướng như quả báo ở địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh …

Ngạn ngữ có câu: bình sanh không lo đào giếng, đến khi khát nước làm sao lo kịp.

Nghĩa là giả sử sự tạo nghiệp trong trăm ngàn kiếp trước không mất, một khi nhân chín mùi duyên trọn đủ thì quả báo liền đến nơi.

Tiệm giáo thuộc tiểu thừa giáo. Pháp môn dạy lần lần vì chúng sanh căn tánh chậm lụt nên hướng dẫn từ thấp đến cao. Trái với đốn và viên giáo.

Ba thứ tịnh nhục: ăn thịt chúng sanh nếu: mắt không thấy giết vì mình, tai không nghe giết vì mình, nghi giết vì mình. Trong kinh Niết Bàn quyển 4 chép: Bồ tát Ca Diếp hỏi đức Phật vì sao không cho tỳ kheo ăn thịt, đức Phật nói: ăn thịt là đoạn mất tâm đại bi, sở dĩ cho ăn ba thứ tịnh nhục là tùy duyên tạm cho đó thôi.

Tám thứ gió: danh lợi, thương yêu, nói xấu, khen ngợi, tâng bốc, chê bai, khổ, vui. Tám điều này làm cho ta thối thất đạo tâm.

Tứ dân: bốn hạng người: sĩ, nông, công, thương.

Ca Lợi Vương: vua Ca Lợi là tiền thân của ngài Kiều Trần Như. Ca Lợi là tiếng phạn tàu dịch Hung bạo.

Nhơn địa là đối với quả địa. Sự phát tâm tu hành, thời gian tu tập là nhơn, chứng Phật quả là quả.

Hoa phân đà lợi: hoa sen trắng đang thời kỳ vừa nở.

Lục niệm: sáu điều nhớ nghĩ: niệm Phật; niệm Pháp; niệm Tăng (thánh tăng); niệm giới tức giới luật; niệm thí tức xả bỏ; niệm thiên tức suy xét ba cõi trời dục giới thiên, sắc giới thiên và vô sắc giới thiên tự mình không mong muốn sanh về đó.

Hạ bối sanh: chỉ cho ba bậc thượng, trung, hạ của hạ phẩm.

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả, Đệ tử và chúng sanh

Đều sanh về Cực Lạc,

Dịch xong ngày 8 tháng 4 năm 2001 Phật lịch 2545 ngày 15 3 Tân Tỵ.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Phụ Lục 3: Văn Khuyến Phát Tâm Bồ Đề