Lưu Xuân Tài, chưa được rõ sanh quán, mồ côi cha sớm, thờ mẹ rất chí thành hiếu cẩn. Ông cung phụng mẹ từ thức uống ăn, y phục, thuốc thang, chăn màn, cho đến nhìn trông dung sắc của mẫu thân mà uyển chuyển tùy thuận. Vì nhà nghèo, nên từ bé ông thất học không biết chữ, chỉ làm nghề lấy tre đan thúng rổ cùng các vật dụng khác đem bán để sinh sống. Khi được thức ngon không dám tự ăn, để dành đem về dâng cho mẹ. Tùy theo mỗi mùa, có bánh trái hay trân tu mỹ thực chi khác, cũng gắng hết sức mua về cung phụng mẫu thân.
Ông giữ hạnh hiếu thuận như thế hơn 40 năm không đổi thay thiếu sót. Khi mẹ có bịnh, Xuân Tài nghỉ việc, lo thuốc thang săn sóc, ăn không biết vị, áo chẳng cởi đay. Tuổi tráng niên, vợ mất sớm, không có con cái, ông vẫn chẳng nghĩ đến sự tục huyền. Nhiều người đem việc ấy khuyên nhắc, Xuân Tài bảo: "Lợi tức của tôi làm ra, nuôi mẹ còn không đủ, đâu nỡ có vợ con để mất bớt phần ăn của mẫu thân!". Khi nói đến đó liền sa nước mắt. Ông có mướn thợ vẽ sẵn hình tượng của mẫu thân. Khi mẹ mất, Xuân Tài treo bức tượng ấy nơi vách chỗ bàn thờ, khi đi về đều thưa trình, lúc ăn uống cũng mời gọi, y như lúc bà còn sống. Ông mặc áo sô gai, giữ đồ hiếu phục, luôn 9 năm mới giải tang. Cứ mỗi tháng ông đem hương đèn đến phần mộ của mẹ, lễ bái và quét dọn sửa sang một lần.
Tánh ông thích làm lành không biết chán mỏi. Khi đi theo đường rao bán đồ tre, gặp giấy chữ liền lượm đem về đốt. Đến mùa đông lại chịu khó quét tuyết nơi lộ, để hành khách khỏi bị trơn trợt. Mùa hạ thì nấu nước trà đem để các ngã ba đường bố thí. Nhà tuy không dư dả, song từ khi mẹ mất, có ai cầu xin giúp đỡ, ông đều tùy phần vui vẻ mà chu cấp, không lộ nét khó khăn. Trong xóm có cư sĩ Lý Thời Tân chuyên tu Tịnh Độ, vì mến nết hạnh hiền lành hiếu thuận của
Xuân Tài, nên cùng ông kết làm bạn thân. Thời Tân có lập một ngôi Niệm Phật Đường công cộng trong khuôn lạc viên nhà mình, thường ở tại đây chủ trì và tu niệm. Nhân đó trong lúc tuổi già, Xuân Tài hôm sớm đều đến Niệm Phật Đường để tu tịnh nghiệp.
Năm Ất Sửu thời Dân Quốc (1952), Lưu Xuân Tài đã 73 tuổi. Vào hạ tuần tháng giêng, ông cảm bịnh. Qua rằm tháng hai, tự biết mình khó vượt khỏi, ông đoạn thực chuyên niệm Phật, chỉ uống nước nấu chín luôn hơn 10 ngày. Đêm 12 tháng 3, Xuân Tài nằm mộng thấy 500 vị tăng đến hẹn đón rước, cho biết vào giờ Thìn ngày mùng 5 sẽ được sanh về Tây Phương. Quả nhiên đúng thời hạn, ông từ giã các bạn thân, ngồi niệm Phật mà hóa. Một văn sĩ trong thôn ấp là Hồ Bằng có lời văn phúng điếu rằng:
Hiếu hạnh nức danh thơm, xuất phát từ hàng buôn bán tiểu dân, rau đậu kính vui thành đức cả.
Phật hiệu vang tiếng niệm, thọ mãn hồn gặp 500 La Hán, trời Tây Cực Lạc tất sanh về.
Hai câu đối trên không phải lời sáo khen ngợi suông, chẳng qua là ghi đúng sự thật vậy.