Home > Linh Cảm Ứng
Diệp Cửu Thành
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Diệp Cửu Thành pháp danh Huệ Cơ, người huyện Dư Dao tỉnh Triết Giang, ông từng theo cha đi đó đây tập nghề buôn bán từ thuở nhỏ. Sau khi thân phụ từ trần, Cửu Thành thu dọn công việc trở về quê nhà an dưỡng. Trong sự giao tế, ông được tiếng khen là người tinh tường sáng lẹ.

Trên bước đường học Phật, trước tiên Cửu Thành được cư sĩ Hà Mai Sơn trao tặng cho quyển Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam. Sau khi xem xong, ông phát lòng tin, gia nhập vào Phật học hội ở Dư Dao. Lâu ngày được Hà cư sĩ và các bạn đồng tu nhắc nhở, lòng tín nguyện của ông càng thêm bền chắc. Thời bấy giờ hàng phụ nữ địa phương này còn tập quán mê tín, nghĩ rằng niệm một câu Phật sẽ được phước báu một đồng tiền. Cửu Thành cùng cháu là cư sĩ Chiếu Không thường giảng diễn hết sức giải thích điều sai lầm ấy. Do đó nữ chúng ở Dư Dao mới biết sự lợi ích niệm Phật được sanh về Tây Phương, nên tu Tịnh Độ mỗi ngày càng thêm đông. Kế tiếp nhân các cư sĩ thỉnh Tịnh Quyền pháp sư đến Phật học hội giảng về kinh điển đại thừa, Cửu Thành hiểu biết càng sâu rộng thêm, tin chắc cõi Tây Phương quả thật có, cảnh ngũ trược dễ chìm mê, lòng ưa chán lại thâm thiết hơn. Mỗi buổi sáng ông đều thức dậy sớm trì niệm, sự tu tập hàng ngày đều có định khóa. Đối với việc giới sát phóng sanh, ông tuân hành rất cẩn mật.

Mùa hạ năm Đinh Mão thời Dân Quốc, Cửu Thành mới chánh thức thọ Tam quy với Bảo Tịnh pháp sư. Đến năm Canh Ngọ, nhằm ngày vía Địa Tạng lại thọ thêm Ngũ giới. Sang tháng chín ông bị bịnh hạ lỵ thuốc thang điều trị không công hiệu, liền quyết ý gác bỏ muôn duyên, ở riêng trong một gian tịnh thất chuyên tâm tinh tấn niệm Phật. Đêm mười chín tháng ấy, trong khi tịnh niệm, Cửu Thành bỗng thấy cảnh giới Cực Lạc mầu đẹp trang nghiêm, hiện ra tỏ rõ. Giây lâu thắng tướng mới ẩn, song ánh sáng vẫn còn rạng rỡ trước mắt. Cách vài đêm sau lại trông thấy nữa. Lúc đó bịnh trở nặng, ông tự biết mình không qua khỏi. Các liên hữu cùng Chiếu Không cư sĩ đến viếng thăm, an ủi sách tấn. Cửu Thành nói: "Mỗi ngày tôi đều cầu Quán Thế Âm Bồ Tát gia bị cho nghiệp chướng mau tiêu trừ, tịnh duyên sớm thành tựu!".

Vài hôm sau, ông gọi hai con trai lại dặn dò hậu sự, dạy thỉnh các bạn đồng tu mỗi ngày đến trợ niệm. Lại bảo vợ rằng: "Từ giờ phút này, tôi chỉ để tâm cầu Phật tiếp dẫn. Khi tôi sắp mãn phần, đừng cho dâu con lại gần, vì e chướng ngại đến sự vãng sanh!". Đêm trước khi lâm chung, hai cư sĩ Hà và Lý hướng dẫn đoàn liên hữu trợ niệm. Cửu Thành vẫn theo đại chúng thầm trì danh niệm Phật. Bảy giờ sáng hôm sau, Hà cư sĩ thấy sắc mặt ông hơi đổi khác, liền cảnh giác rằng: "Thời khắc này rất khẩn yếu, phải nên gắng sức!". Đại chúng đều đứng vây quanh to tiếng niệm Phật, Cửu Thành sẽ động môi thầm niệm theo. Độ mười lăm phút sau, thấy môi miệng chẳng còn máy động, một liên hữu sẽ dò thăm, thì ông đã tắt hơi. Bấy giờ nhằm ngày hai mươi mốt tháng mười một, năm Dân Quốc thứ mười chín.

Ông hưởng dương được năm mươi lăm tuổi.

Lời bình:

Kinh nói: "Đức A Di Đà thường phóng ánh sáng đến khắp mười phương nhiếp lấy những chúng sanh niệm Phật!". Cho nên nếu kẻ nào chí tâm thanh tịnh niệm hồng danh A Di Đà, do duyên cơ cảm sẽ thấy ánh sáng đó, và cũng nương theo quang minh ấy mà được thấy Phật hoặc cõi Tịnh Độ. Sự mục kích ánh sáng và cảnh Tây Phương của Diệp Cửu Thành, chứng tỏ cõi Cực Lạc có thật, không phải là lời thí dụ, hoặc cõi phương tiện giả lập để khuyến dẫn người tu.