Home > Linh Cảm Ứng
Ngô Doãn Thăng
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Ngô Doãn T hăng, tự Thường Đạo người huyện Hấp ở Huy Châu. Lúc tuổi trẻ ông thường đi lại mua bán nơi vùng Tô, Hàng. Trong cuộc du ngoạn chùa núi Hổ Khâu, một vị t ăng tình cờ gặp mặt ông nhìn kỹ đoạn bảo: "Ngươi cũng có căn lành, song tiếc vì lúc hai mươi chín tuổi bị nạn chết đắm, biết làm sao?". Doãn Thăng nghe nói sợ hãi, cầu thỉnh phương pháp giải cứu. Vị t ăng trầm ngâm giây lát rồi dạy: "Từ nay trở đi, ngươi phải giới sát phóng sanh. Mỗi ngày đều nên chí thành trì chú Đại Bi và niệm Phật, may ra có thể thoát khỏi!". Doãn Thăng tin nhận thật hành, lại thường đem điều này khuyên người.

Đến năm hai mươi chín tuổi, cư sĩ từ Hàng Châu nương thuyền trở lại quê nhà. Bạn đồng hành được tất cả mười bảy người. Khi thuyền trương buồm ra đi độ vài mươi dặm, ngọn thủy triều chợt ầm ầm xô đến, sóng to nổi dậy thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị t ăng nói khi trước, vội chấp tay niệm Phật. Giây phút thuyền lật úp, ông và tất cả hành khách đều bị cuốn lôi theo sóng nước. Trong cơn hoảng hốt mơ màng, bỗng nghe tiếng nói: "Ngô Doãn Thăng khuyên người niệm Phật có công, được thoát khỏi nạn này!". Cư sĩ vội mở mắt nhìn xung quanh thì thân đã nằm trên bờ, bên mình có những người chài lưới đang vực tỉnh. Kiểm điểm lại, mũ giày hành lý đều bị nước tuôn mất hết, duy có xâu chuỗi mười tám hạt bình nhật thường trì niệm hãy còn nắm chắc nơi tay. Còn mười sáu người kia đều bị trôi chìm không thấy tung tích. Từ đó ông càng tin công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Cư sĩ không trở về quê, ở lại mở ngôi quán xem tướng, mượn nhân duyên này để nói lý nhân quả, khuyên người tu niệm.

Sau cơn hoạn nạn, Doãn Thăng hành trì càng tinh tấn. Ông đốt liều hương nơi cánh tay thành bốn chữ "Cầu sanh Tây Phương" để nêu rõ hạnh nguyện của mình. Người ở Hàng Châu theo di phong của Tổ Liên Trì, phần nhiều đều tín hướng pháp môn niệm Phật. Song những kẻ thật hành, lại là người già cả, không có hạng thiếu niên. Mỗi tháng họ tập họp lại chùa niệm Phật, gọi là Lão Nhi Hội. Sự tập hợp cũng không dám đi đông nhiều, vì sợ bị hiềm nghi là dị giáo mưu đồ chánh trị. Doãn T hăng khẳng khái tuyên bố với mọi người: "Môn niệm Phật không phân biệt nam nữ già trẻ sang hèn. Đạo Phật là chánh giáo được triều đình mến ưa công nhận, tại sao lại phải e sợ?". Lúc ấy Diên Kiểm Điền, một quan chức quyền quý, đang chủ duyệt kiểm tra về thuế muối ở Hàng Châu, cùng cư sĩ có tình cựu hảo. Nhân cơ hội, ông mở cuộc lạc quyên, trước tiên đến Diên công được ngài góp vào hai trăm lượng vàng để làm thủ xướng. Với số tiền quyên được, cư sĩ đặt thành quỹ phương tiện thâu lợi tức nhẹ mở mang hội niệm Phật tại chùa Bảo Thành ở núi Tử Dương và làm các việc từ thiện. Mỗi khi gặp ngày hội kỳ, ông vì quần chúng giảng giải Phật pháp, nói lý nhân quả. Kẻ chưa phát tâm khuyên cho phát tâm, người đã phát tâm khuyên tinh tấn tu niệm. Cư sĩ lại mở thêm chi hội nơi chùa Tiên Lâm ở trong thành cùng các chỗ khác để khuyến hóa. Kẻ tin tưởng niệm Phật ngày càng đông có đến số ngàn. Mỗi khi tập hợp, tất cả đều nghiêm trang kính cẩn, không buông lung rộn ràng huyên náo. Tượng Tam Thánh cao một trượng sáu nơi điện Tây P hương tại chùa Tiên Lâm, cũng do người trong hội kiến tạo. Một buổi sáng đang lúc tập hợp niệm Phật, đại chúng thấy từ trong mũi tượng Đại Thế Chí Bồ T át phóng ra một đạo bạch quang bay vòng quanh nơi điện đình hơn vài khắc mới tan mất.

Từ đó ở thành Hàng Châu phong thái niệm Phật thạnh hành. Các vùng xung quanh cũng được ảnh hưởng cảm hóa, trẻ già trai gái tay cầm tràng, miệng niệm Phật, là chuyện thông thường không còn xa lạ. Danh hiệu Doãn Thăng đàn bà con trẻ đều biết. Mỗi kỳ hội, các nơi thay phiên nhau thỉnh cư sĩ đến diễn giảng. Ở Tây Hồ có chùa Linh Phong, nguyên là di tích của Phục Hổ thiền sư, hư phế đã lâu. Trong niên hiệu Đạo Quang năm đầu, Doãn Thăng phát nguyện trùng hưng, tu tạo vài năm mới lạc thành. Cư sĩ mãn phần lúc sáu mươi sáu tuổi. Khi lâm chung ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: "Tôi thấy vô số Bồ Tát đi kinh hành ở trước mặt!". Rồi ngồi ngay lặng lẽ mà hóa. Bấy giờ nhằm ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ chín.

Lời Bình:

Lộ Khôn niệm Phật vốn cầu vãng sanh, mà kiêm thoát được bịnh khổ trong hiện tại. Doãn Thăng niệm Phật chỉ mong khỏi nạn, nhưng lại cảm điềm lành tốt lúc lâm chung. Thế thì ai bảo: "Công đức niệm Phật duy có lợi ích sau khi mãn phần ư?". Xem gương trên, hai vị đều gắng sức thật tu, tin chắc không đổi. Người đời nay đem công phu chút ít, cầu lợi ích quá phần, đến khi thấy vô hiệu, trở lại cho rằng Phật pháp không linh nghiệm, rồi bỏ hết việc tu hành há chẳng đáng ngậm ngùi thương tiếc lắm ru!