Cư sĩ Bành Thiệu Thăng, pháp danh Tế Thanh, tự là Doãn Sơ, người đời Thanh, ở huyện Trường Châu, tại Tô Châu. Từ thuở bé ông đã thông tuệ, lên mười sáu tuổi được bổ làm Chư Sanh, năm sau đỗ Hương thi. Năm kế đó lại đỗ Tiến sĩ, trọn đời an dưỡng không ra làm quan.
Ban sơ cư sĩ không tin Phật, chỉ ưa văn tự thế gian, có chí muốn giúp đời. Một hôm ông bỗng tự cảnh giác nói: "Tâm địa ta chưa sáng tỏ, biết làm sao?". Có kẻ bảo cho phép tu luyện đạo Tiên, ông tập theo ba năm không kiến hiệu. Sau đọc đến sách Phật, chợt tỉnh ngộ bảo: "Chỗ về của đạo là đây!". Từ đó ông mới tín hướng Phật thừa. Cư sĩ mến phong cách của Cao Trung Hiếu ở Lương Khê và Lưu Di Dân ở Lô Sơn, nên lại tự hiệu là Nhị Lâm, vì chỗ tu học của hai ngài trên đều gọi là Đông Lâm. Tế Thanh tánh thuần hiếu, khi cư tang mẹ, ngủ bên nhà tẩn ba năm. Lúc cha mất, ông lập đạo tràng niệm Phật nguyện đem công đức tụng mười bộ kinh Hoa Nghiêm, một ngàn quyển kinh Di Đà, một ngàn quyển kinh Kim Cang và mười triệu câu Phật hiệu của mình đã tu, hồi hướng cầu cho thân phụ được sanh về Cực Lạc.
Kế đó không bao lâu, cư sĩ bỏ hết tập quán theo đời, chuyên tâm tu học Phật pháp. Ông rất thích những tác phẩm của hai ngài Phương Sơn, Vĩnh Minh, suy tôn ngài Liên Trì và Hám Sơn làm bực tiền đạo của tông Tịnh Độ. Năm hai mươi chín tuổi, cư sĩ ăn chay trường. Qua năm năm lại thọ giới Bồ Tát nơi ngài Văn Học Định. Từ đó ông không còn gần đàn bà, tự xưng là Tri Quy Tử, từng nói: "Tế Thanh này chí ở Tây Phương, hạnh ở kinh Phạm Võng". Cư sĩ có lời văn quì phát thệ trước bàn Phật rằng: "Nếu Tế Thanh con, đã thọ giới rồi mà còn phá giới, tăng trưởng pháp ác, hủy hoại căn lành, xin Hộ pháp chư Thiên tru diệt ngay để làm gương cho thế tục. Như con nghiêm sửa thân tâm, giữ gìn giới phẩm, thì hết kiếp này nguyện được sanh về An Dưỡng. Xin mười phương Tam Bảo chứng minh, khiến con mau đắc Niệm Phật Tam muội. Nguyện con khi lâm chung xa lìa trần cấu, thấy đức Di Đà, nhẹ thoát về Tây, không còn chướng ngại. Khi đó nguyện cho kẻ thấy người nghe đều phát tâm như con, cầu về Cực Lạc, chứng Vô sanh nhẫn, rồi cùng trở lại Ta Bà độ khắp loài hữu tình đồng thành Chánh giác!". Sau cư sĩ bế quan ở Văn Tinh các tu môn Nhất hạnh tam muội, đề chỗ ở là Nhất Hạnh Cư. Ông có làm mười bài thi bế quan như sau:
I
Lẩn quẩn phong trần tự bấy lâu,
Mà chân hạnh phúc những là đâu?
Ngày nay hồi hướng về An Dưỡng,
Kiếp mộng vô minh đã dãi dầu!
II
Thân Phật bao la khắp thái hư,
Điểm trần lặng lẽ chẳng còn dư!
Chớ đem tri kiến nhiều phân biệt,
Một niệm hồi quang thấy Đại Từ.
III
Chuỗi lần trăm tám chẳng đuôi đầu,
Mỗi niệm tinh minh mỗi hạt châu.
Sáu chữ mở toang Vô tận tạng,
Như như buông thả lại hồi thâu.
IV
Cảnh vườn tịch mịch tợ thâm san,
Ngày vắng kia ai gõ bế quan?
Nhắn bạn đồng tu nên tự tỉnh,
Đừng theo ngoài cửa mãi mơ màng!
V
Dưới đỉnh Nghiêu phong ngập ráng mây,
Ngon mùi lê hoát dạ vui đầy!
Gió đông khéo mách niềm tâm sự,
Tiếng Phật thâm trầm quá gác tây.
VI
Rừng lạnh ngàn mai nở trắng phau,
Cành xuân chim hót giọng thanh thao.
Hương nguyền vì niệm Quan Âm hiệu,
Thinh sắc đường kia chớ lạc vào!
VII
Giữa đêm trừ tịch chốn môn đình,
Phá cảnh u trầm xướng kệ kinh.
Mãn khóa Pháp Hoa nhàn rỗi việc,
hén trà Long tỉnh uống vơi bình.
VIII
Ngước lên rồi lại cúi đầu trông,
Liên quốc đâu từng cách điểm lông?
Tiếng hát C a lăng dà nói rõ,
Đây miền chân tịnh chớ mê lòng!
IX
Lại đối Ni Sơn hỏi cựu manh? (1)
Cung đàn réo rắt điệu vô sanh.
Trong bầu xuân sắc đi thong thả,
Dưới gót hoa luân nở một vành.
X
Hương Sơn lão tử rất thanh chân,
Lối rẽ nhiều phen phải hỏi thăm! (2)
Chớ xót nguồn hoa tin tức vắng,
Cảnh xưa bên suối vẫn đầy xuân! (3)
Cư sĩ lại thuê họa sĩ vẽ bức tranh Cực Lạc thế giới, căn cứ theo chánh báo y báo trang nghiêm của ba kinh Tịnh Độ. Bức đồ này sửa đi đổi lại tất cả bốn lượt, trải nửa năm mới hoàn thành. Tế Thanh tự đề lời kệ rằng: Nếu người muốn biết rõ, Chư Phật trong ba đời. Nên quán tánh pháp giới, Tất cả do tâm tạo. Tôi đọc kệ Hoa Nghiêm, Tin vào môn Tịnh Độ.
Do tịnh nguyện chư Phật, Thành cảnh diệu trang nghiêm. Tịnh nguyện như hư không, Chẳng ngăn các hình tướng. Nước công đức vô biên, Nổi hiện hoa sen báu. Mỗi hoa một chúng sanh, Có đủ Như Lai tạng. Bảo trì và bảo thọ, Câu lơn báu vây quanh. Lớp lớp lầu các màu, Đầy khắp hư không giới. Hoặc tắm dòng hương thủy, Hoặc hưởng vị diệu trân. Hoặc ngồi thiền kinh hành, Hoặc tụng kinh nghe pháp. Hoặc giỏ đựng hoa đẹp, Cúng dường Phật mười phương. Hoặc bạn lành hội họp, Đồng vào Bồ Đề tràng.
Các chim cùng nhạc trời, Phát xướng tiếng hòa nhã. Từ Văn vào Tư, Tu, Một niệm đều siêu việt. Huống đức Vô Lượng Thọ, Ngồi yên đài bảo hoa.
Mây từ che trời người,
ưa pháp nhuần nhã khắp.
Nghe rồi được giải thoát,
Thẳng đến ngôi nhất sanh.
Việc lợi ích như thế, Vô cùng, chẳng nghĩ bàn! Cũng như họa sư kia, Một tâm biến các cảnh. Chẳng lìa đầu lông nhỏ, Hiện chỗ ở Bảo Vương. Không phân biệt kia đây, Một tức khắp tất cả. Bức họa cùng người họa, Kết cuộc chẳng có chi!
N guyện những người nghe thấy, Như tôi cùng phát tâm. Nương niệm công đức này, Lên ngôi Bất thối chuyển. Đường vạn ức đâu xa, Ngay đây đã đầy đủ!
Cư sĩ thương chúng sinh đời mạt pháp không đủ chánh nhãn chống báng lẫn nhau, viết ra quyển Nhứt Thừa Quyết Nghi Luận, dung thông quan điểm hai đạo Nho, Thích. Lại trước tác quyển Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, hóa giải sự tranh chấp giữa Tịnh cùng Thiền. Và soạn thuật quyển Tịnh Độ Tam Kinh Tân Luận, phát huy những ý chỉ từ trước nói chưa hết của Liên tông. Ngoài ra còn biên soạn các quyển: Cư Sĩ Truyện, Thiện Nữ Nhơn Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, tùy cơ tiếp dẫn. Những tác phẩm này được nhiều người truyền tụng và lưu hành rộng trong đời. Ông lại xuất ra muôn lượng vàng, phương tiện cho gây quỹ lấy lợi tức để tu tạo chùa, ấn tống kinh, trai cúng t ăng, mở Cận Thủ Đường nuôi kẻ cô quả, đặt Nhuận Tộc Điền giúp hạng đói nghèo, dựng Truất Ly Hội trợ cấp người sương cư, lập Phóng Sanh Hội để châu toàn vật mạng. Những công đức ấy đều có văn phát nguyện hồi hướng cầu cho mình và các loài hữu tình đều sanh về Cực Lạc.
Cư sĩ nương các t ăng xá thuộc vùng Tô, Hàng tịnh cư hơn mười năm, mỗi ngày đều có khóa trình tu niệm. Ông dự chế các điều khoản khi mình mạng chung, và không cho lập hậu. Mùa thu năm Càn Long thứ sáu mươi, cữ sĩ bị nhiễm bịnh ở Văn Tinh Các. Sang tiết đông, tinh thần lần suy kém. Ông gọi cháu là Chúc Hoa giao cho quản lý các hội từ thiện, di chúc bảo duy trì đừng để suy mất. Một vị t ăng là Chơn Thanh hỏi ông có thấy điềm lành chăng? Cư sĩ Đáp: "Đâu có điềm chi lạ, việc lớn của tôi ở vào ngày Khai ấn sang năm!". Qua xuân nhằm đầu niên hiệu Gia Khánh, ngày hai mươi tháng giêng, cư sĩ viết kệ từ thế rằng: Thân số trầm luân tợ điểm trần Duyên sao chìm nổi chốn mê tân? Ngày nay thẳng hướng Liên hoa quốc Chớp mắt thu về vạn kiếp xuân!
Viết xong, ngồi kiết già niệm Phật mà thoát hóa . Lúc ấy quả nhiên nhằm ngày Khai ấn trong nhà. Ông hưởng dương năm mươi bảy tuổi.
Ghi chú:
(1) Ni Sơn, tức Ni Khâu Sơn, nơi sanh quán của đức Khổng Tử. Cựu manh, là lời ước hẹn cũ, có ý thầm trỏ cho tông chi đạo Nho. Một hôm, môn đệ của đức Khổng Tử đánh đàn, đến đoạn cuối khảy lên vài tiếng rền rang rồi chấm dứt. Ngài gọi thầy Tăng Tử bảo: "Này Tăng Sâm! Đạo ta một mà suốt tất cả!". (Sâm hồ! Ngộ đạo nhất dĩ quán chi!). Câu này tự nhiên thầm hợp với ý "Một tâm hàm muôn pháp" của đạo Phật, nên cư sĩ gọi là cựu manh. Qua câu ấy, cung đàn kia chính là khúc điệu vô sanh vậy.
(2) Tuyết Sơn hay là Hương Sơn lão tử đều chỉ cho đức Thích Ca, vì cảnh Tuyết Sơn ở Ấn Độ có một vùng xanh tươi gọi là Hương Thủy. Hai câu trên ý nói đường tu nhiều lối rẽ, phải học hỏi Phật pháp mới đi đúng nẻo chánh.
(3) Nguồn hoa, tức là sự tích Đào Nguyên đã nói ở tập trước. Đây ý bảo: "Ngư lang chớ buồn xót vì lạc lối nguồn đào dẫn đến động Tiên, vì các pháp đều là Niết Bàn chân cảnh, nếu tâm thanh tịnh tất sẽ thấy nơi đâu cũng đầy vẻ xuân tươi đẹp cả".