Ngài là người nước Ca Tất Thí ở bắc Thiên Trúc, tên tục là Kiều Đáp Ma Đề. Mới bảy tuổi mà phát tâm xa lìa gia đình, quy y Tam Bảo. Bấy giờ, với thiên tư đỉnh ngộ, Ngài thường y theo lời dạy của chư đại đức mà học một trăm ngàn câu kệ của bốn bộ kinh A Hàm, và ba mươi ngàn bài kệ của kinh A Tỳ Đạt Ma. Lúc đến tuổi trưởng thành, Ngài theo vị tôn sư đi qua nước khác để thọ giới cụ túc. Lúc ấy, Ngài tụng thuộc gần bốn mươi ngàn bài kệ của bộ Tát Bà Đa, và hai mươi bảy ngàn bài kệ của bộ Câu Xá. Ngài lại đọc tụng và thông suốt nghĩa lý bộ luận Đại Bà Sa. Trong bảy năm, Ngài trú tại đó để chuyên tu học giáo lý Tiểu Thừa, rồi đến tu viện Na Lan Đà ở trung Thiên Trúc. Nơi đó, Ngài học kinh luật giáo lý Đại Thừa như Duy Thức, Du Già, Kim Cang, Bát Nhã, Luật tạng, và ngũ minh. Ngài lại y chỉ theo học ba đại luận sư đương thời như Trí Hộ, Tiến Hữu, Trí Hữu. Sau này, Ngài đến chiêm lễ rừng Song Lâm (Ta La Song Thọ), nơi đức Phật nhập Niết Bàn, và tám tháp lớn thờ xá lợi của Phật. Trong mười tám năm ròng, Ngài thường qua lại chiêm ngưỡng lễ bái các thánh tích.
Nghe tiếng một danh sư tại nam Thiên Trúc, Ngài bèn đến đó để cầu học đạo. Nơi đó có quán đảnh sư là Đạt Ma Da Xá. Vừa thấy ngài Bát Lặt Nhã, ngài Đạt Ma Da Xá biết đây là pháp khí, nên dạy kinh Du Già Pháp Nhập Mạn Trà La Mật Hộ Thân Ngũ Bộ Ấn Khế. Trong một năm, Ngài học thuộc ba ngàn năm trăm kệ tụng. Nghe Bồ Tát Văn Thù đang trụ ở nước Chi NaẠ, nên Ngài chống tích trượng đi về hướng đông để truyền bá chánh pháp. Thế nên, Ngài theo thuyền sang Đông Độ. Thuyền vừa vào biên cảnh Quảng Châu thì bị gió thổi ngược lại miền đông nước Sư Tử. Ngài lại lên thuyền lớn, chu du khắp các nước ở Nam Hải. Vừa vào vùng duyên hải tỉnh Quảng Đông thì có một cơn gió lốc thổi đến, khiến thuyền bể người chết, duy chỉ còn một mình Ngài sống sót. Đến tối canh năm thì lặng gió. Bấy giờ, kinh luận mà Ngài đem theo cũng bị trôi dạt mất. Lúc Ngài lội được lên bờ thì thấy kinh luận nằm rải rác trên bãi biển. Do đó, Ngài bèn lấy cây trúc mà vạch tìm kinh luận dưới cát biển. Ngài tự bảo:
- Chắc là căn tánh của người Chi Na chưa thành thục để tiếp nhận kinh luận giáo lý Đại Thừa này.
Ngài bèn mang kinh, đi bộ nửa tháng thì đến Quảng Châu. Đương thời nhằm vào đời vua Đức Tông.
Niên hiệu Trinh Nguyên thứ tám (792), nhà vua ban sắc lịnh cho Ngài vào kinh thành, khởi sự phiên dịch kinh điển. Bấy giờ, chư danh tăng cũng hội tụ, đồng hành việc phiên dịch. Sa môn Bát Nhã (người nước Kế Tân), tụng kinh văn tiếng Phạn. Các sa môn ở chùa Quang Trạch chuyển ngữ. Sa môn Viên Chiếu ở chùa Tây Minh ghi chép.
Suốt những năm trú nơi đó, Ngài luôn tham dự việc phiên dịch kinh điển. Lời văn lưu loát, khiến nhà vua cũng phải ban sắc viết lời tựa cho những bộ kinh mà Ngài vừa phiên dịch xong.
Sau này, Ngài thị tịch tại Lạc Dương. Phần mộ được an táng tại Tây Võng của Long Môn. Tháp hiện nay vẫn còn tồn tại.