Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Vườn Nai
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Vào một thuở xa xưa, tại thành Ba La Nại nước Ấn Ðộ, có một khu rừng xanh tốt, rậm rạp. Một đàn nai quy tụ lại đó sinh sống. Lúc mới di cư đến chúng không khỏi phập phồng lo sợ, mỗi ngày chúng phải cắt phân nhau canh phòng, nếu có nguy hại thì lo tầm đường tẩu thoát, nhưng dần dần dọ dẫm, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng cho đến cả năm vẫn không thấy dấu hiệu gì điềm chỉ một tai biến có thể xảy ra, nên chúng yên lòng sinh sống một cách hiền lành thanh thản, vui vẻ. Nhưng một việc đáng buồn đã xảy ra giữa chúng. Một con nai nay tánh kiêu hãnh, hẹp hòi, nổi máu háo danh đòi lên làm chúa đầu đàn, song lạ lùng gì tư cách, tài năng và tâm địa của hắn, ai mà tôn hắn làm chúa đầu đàn?

Chẳng kể phải quấy, dư luận, con nào theo hay không theo, hắn vẫn mang râu đội mũ xưng là nai chúa đầu đàn. Rồi bằng những mánh khoé dỗ dành, mua chuộc, van lơn dần dần hắn cũng lôi được một số nai nhẹ dạ theo hắn. Thế là đàn nai thuần nhất khi mới đến, bây giờ bị chia ra làm hai. Tuy vậy chúng vẫn sống lẫn lộn với nhau trong khu rừng đó. Năm này qua năm khác, chúng sống và tiếp tục sinh sôi nẩy nở, mới đó mà bây giờ mỗi đàn của chúng đều có tới năm trăm con. Chúng sống ở đây như vậy đã không biết bao nhiêu ngày rồi mà chẳng có điều gì tai biến, nên tâm hồn chúng trở nên giản dị vô tư. Chúng tưởng mọi loài, mọi vật chung quanh cũng đều như chúng nên không đề phòng. Không ngơ, ø trong khi đó, ông vua Phạm Ðạt Ða ở thành Ba La Nạïi đã nghe tin đồn về chúng, ông lập tâm để dành một ngày dò biết chúng tập trung về đó đủ cả, ông sẽ kéo quân đến vây bắt hết để làm thịt. Sớm nọ khi ông biết rõ tình hình đàn nai đã quy tụ như ý ông chờ đợi, ông cắt quân đến bao vây. Cả đàn nai đều không để ý. Lúc đầu tưởng người ta đi chơi hay làm việc gì, không dè vòng vây mỗi lúc một thắt chặt, nhìn phía nào cũng thấy toàn gươm giáo, cung tên, chúng hoảng hốt lên, con này chạy báo con kia, hoang mang nhốn nháo, sợ hãi, khủng khiếp tràn lan, bỗng chốc khu rừng, tổ ấm an lành của chúng trở thành khu rừng lửa, phen này đành phải chết hết không còn cách gì thoát khỏi. Quả vậy, vua đã ra lệnh vây chặt khu rừng rồi châm lửa đốt để bắt thịt lớn bé một lần. Trước cảnh nguy biến cấp bách ấy, một con nai chúa đầu đàn vốn thông minh nhân từ được tôn trọng ngay từ đầu, dõng dạc đứng lên tuyên bố cho cả hai đàn nai biết, nó sẽ đi thẳng tới vua, trình bày ý kiến xin hoãn sự chết cho cả đàn và tưởng thế nào cũng được nhà vua chấp thuận. Khi nghe qua lời tuyên bố, ngoại trừ con nai đầu đàn kiêu hãnh, vì tự ái không biểu lộ vẻ hân hoan, còn con nào con nấy đều sáng cả con mắt lên, lấy lại sự bình tĩnh để chờ đợi. Nai chúa nhân từ một mình mạo hiểm ra đi.

Khi trông thấy nó, thì bao nhiêu mũi tên, giáo mác châu lại. Nhưng, “Ồ! Con nai này hình thù đẹp quá, để bắt sống, chớ bắn, chớ giết”. Nghe một người trong đám quân nói vậy, các người khác hưởng ứng theo, con nai khỏi bị chết, nhưng đã lọt vào tay đám quân. Nó xin đưa trước mặt nhà vua. Vừa đến nó liền quỳ xuống trình bày:

“Thưa nhà vua, hôm nay nhà vua hạ lệnh vây đốt rừng để bắt chúng tôi làm thịt, dẫu biết mạng sống đã nằm trên dao thớt, chúng tôi không trái lệnh, song thiết nghĩ đàn chúng tôi có tới một ngàn con, nếu chúng tôi phải chết một lần để làm món ngự thiện, thì nhà vua cũng chỉ dùng được đôi ba ngày đầu, đến ngày thứ tư, thứ năm chắc thịt chúng tôi sẽ bị sình thúi ắt phải đổ đi, sau đó nhà vua muốn dùng thịt chúng tôi nữa cũng khó lòng. Vậy điều hay nhất, chúng tôi xin hứa mỗi ngày tự đem thân đến nạp nhà vua một con để nhà vua làm thịt, như vậy món ngự thiện được tươi tắn, ngon lành mà chúng tôi cũng sống thêm được ít lúc, khỏi bị chết một cách oan uổng vô dụng”.

Nhà vua nghe xong tấm tắc khen chí lý, liền truyền lịnh cho nai lui về và không quên dặn phải giữ lời hứa, và hạ lịnh giải vây, kéo quân về. Khi ấy ông liền yết lịnh cho toàn dân biết không ai được phép xâm phạm khu rừng bắt nai. Nếu ai thấy nai đi về phố thì phải dẫn đến cung vua, không được phá phách, ngăn chận hay bắt giết. Còn đàn nai thì lo sắp đặt thứ tự đi nạp mình. Sáng này một con nai xấu số bị thui trên lửa. Sáng nọ lại một con nai xấu số khác bị đưa vào cỗ ăn của nhà vua. . .

Ăn thịt nai vài ba hôm, nhà vua lại hạ lịnh cho hoãn 10, 15 ngày lại tiếp tục con nai khác đến nạp mạng. Lần này đến phiên một con nai đang chửa, nó đến trước nai đầu đàn kiêu hãnh của nó van xin cho nó đi phiên sau, bây giờ chọn con nai khác đi thay, viện lẽ nó sắp sinh. Ðến phiên nó nạp mạng nó không có tránh né, đưa đẩy kêu oan, nhưng nghĩ đứa con trong bụng sắp sinh, chưa đến phiên mà phải bị chết thì rất tội, chi bằng cho nó sinh xong, nó sẽ đi nạp mạng. Ngưng con nai đầu đàn kiêu hãnh khư khư không chịu, nộ nạt mắng nhiếc: “ Mầy không đi, đây ai dại gì đi chết thế cho mầy”. Con nai chửa ríu ríu ra về tìm đến nai chúa nhân từ ở đàn nai kia cầu khẩn. Vừa nghe qua, nai chúa nhân từ chấp nhận liền. Nó suy nghĩ chọn con nào đi thay thế bây giờ dễ gì đã có, thôi ta hãy đi nạp mạng, nếu không thì tức khắc chết rụi hết cả đám, nó liền bình tĩnh ra đi. Khi vừa đến phố thì mọi người xúm lại chỉ trỏ, trầm trồ: “Con nai đẹp quá!”. Có người muốn chận lại, nhưng nhớ lệnh nhà vua nên tức tốc đưa nó đến cung đình.

Vừa thấy nó nhà vua ngạc nhiên Hỏi: “Nay tới phiên ngươi sau?” Nai chúa nhân từ Đáp: “Không phải” và trình bày đầy đủ lý do mà nó đi nạp mạng sớm như vậy. Nhà vua nghe xong liền đổi ra dáng đăm chiêu nghỉ ngợi: “Không ngờ, không ngờ, trong loài thú mà có con nai đầu đàn này vừa thông minh, vừa nhân từ đại độ, vừa cam đảm thành tín như vậy. Nó là chúa đầu đàn của chúng nó, nó biết thương yêu đùm bọc, biết can đảm hy sinh cho sự sinh tồn của đàn nó như vậy. Còn ta, ta là người, là chúa đầu đàn của một đám thần dân rộng lớn, ta có bằng nó không? Liệu khi thần dân ta bị bao vây sát hại, ta có đủ trí lực thông minh, nhân từ, can đảm để đối phó với sự nguy hiểm như nó không? Có lẽ ta sẽ không bằng! Không bằng! Nếu bây giờ ta chỉ nghĩ đến một chút khoái khẩu trong giây lát mà giết nó, thì khác nào ta tự chôn vùi lương tâm sâu thêm một từng nữa. Ta giết nó tức là ta giết một đạo lý sống cao thượng, giết một tình thương rộng lớn, một lòng quả cảm hy sinh, tức là giết hết những gì cao quí nhất của cuộc đời. Ôi! Nếu cuộc đời không từ bi, thiếu trí tuệ, không dũng cảm, chỉ là cuộc đời trống rỗng tối tăm, ta còn mặt mũi nào để xưng mình là một ông vua trong loài người ở trên chúng nó”.

Con nai chúa nhân từ vẫn đương quỳ yên đợi lịnh, nhà vua sau một hồi chìm đắm trong ý nghĩ miên man, vụt ngồi thẳng mình, lộ vẻ hân hoan như vừa tìm ra chân lý, ông dùng hết lời ca ngợi nai chúa, hạ lịnh đưa nó trả về rừng và truyền cho toàn dân từ nay không ai được phép xâm phạm đến khu rừng, cũng như không ai được phép phá nai, bắt nai, giết nai làm thịt. Từ nay đàn nai trở lại đời sống yên lành như trước dưới sự thương yêu chăm sóc của nai chúa sáng suốt nhân từ ( một tiền thân của Ðức Phật) và cũng từ đây khu rừng này mang tên là Rừng Nai hay Vườn Nai ( Lộc Uyển).

Lúc Ðức Phật ra đời, Vười Nai này lại một lần đặc biệt nổi tiếng, trở thành một trong bốn chỗ động tâm của Phật giáo. Vì sau khi Ðức Phật thành đạo, Ngài liền tìm đến năm ông đạo sĩ nhóm Kiều Trần Như đang tu tại Vườn Nai để chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên cho họ nghe.

Lại một thuở xa xưa khác, có 500 vị tiên vừa đi ngang qua chỗ này thì gặp đoàn cung nữ của nhà vua đi du ngoạn, liền động lòng mê đắm mà bị sa đọa, nên chỗ này cũng có tên là Chư Tiên đọa xứ ( Isipatana – chỗ các vị tiên đọa).

Giới Ðức. Người biết “đạo” tất không khoe.

Người biết “nghĩa” tất không tham.

Người biết “đức” tất không thích tiếng tăm lừng lẫy.