Từ kinh thành Ba La Nại, ngược dòng sông hằng độ ba bốn ngày đường, người ta đi kiếm một khu rừng rậm của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Khu rừng già này có rất nhiều cây gỗ quý. Ven rừng, bên triền sông, một đám nhà lá san sát nhau, đây là một làng nhỏ. Dân làng kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em độ trên vài trăm người. Họ sống về nghề làm gỗ. Họ hạ cây, xẻ ván ghép thành bè chở về bán tận kinh thành. Công việc tuy vất vả nhưng họ kiếm được khá tiền để nuôi miệng họ và cả gia đình.
Một hôm kia, trong lúc mọi người trong làng đang hì hục đốn cây, cưa gỗ trong rừng, họ nghe có chân thình thịch bước đến và tiếng rống đau đớn. Rồi một con voi khổng lồ hiện ra, nhắc bước nặng nhọc trên ba chân. Chân trước bên phải của nó nâng lên khỏi mặt đất bàn chân sưng húp lên. Nó chậm rải, nhăn nhắc, tiến đến rừng các thợ rừng, tỏ ý cầu cứu họ. Thấy dáng điệu hiền lành của voi, một người thợ rừng đến gần, vết thương đang làm mủ. Cũng khá trầm trọng, nhưng đối với các người thợ rừng quen sống trong rừng sâu và từng gặp những tai nạn như thế, họ thấy không khó khăn gì trong việc cứu chữa cho voi. Họ gỡ gai ra, nặn hết mủ, rồi rửa chân voi bằng nước nóng. Họ hái lá, nhai nhỏ, rịt vào vết thương. Voi thấy dễ chịu, nhẹ hẳn đi. Và chỉ còn thời gian là vết thương sẽ lành. Voi gật đầu ba lần tỏ vẻ cám ơn rồi từ biệt.
Thời gian qua. Người ta cũng không nhớ ra câu chuyện trên đã xảy ra đã bao lâu rồi. . . Bỗng một hôm, một con voi đã đi vào giữa đám thợ đang làm việc. Phải rồi chính là con voi hôm nọ. Nhưng trông nó mập mạp, tươi trẻ hơn hôm trước nhiều. Vết thương ở chân đã lành hẳn rồi. Nó bước mạnh dạn. Nó đến bên người đã cứu chữa cho nó hôm trước mà quỳ xuống. Nó tỏ ý muốn gíúp đỡ các người thợ rừng để trả ơn họ. Không ai ngờ lại có câu chuyện như thế. Người ta đứng im xem nó làm gì. Voi đứng dậy, đến bên các cây vừa hạ xong, dùng vòi khuân các thân cây to đem đến chỗ cưa rồi những bó gỗ từ trại cưa đến bờ sông. Sức khoẻ của nó thật là kinh khủng. Nó làm một cách gọn gàng công việc của vài mươi người. Thế là từ đó, trong đoàn thợ gỗ có thêm một năng lực vô cùng dồi dào và chen vào trong tiếng cưa, tiếng búa đốn cây, lâu lâu lại có tiếng voi rống trầm hùng, vui vẻ. . .
Năm, tháng trôi qua, sức khoẻ của voi không còn như buổi mới đến. Các người thợ rừng cũng thấy rõ điều ấy nên không để voi làm nhiều. Cho nên một hôm voi thấy không thể tiếp tục công việc nặng nhọc được nữa, nó cúi chào mọi người rồi đi lẫn vào rừng sâu. Ai cũng thương nó đã giúp quá nhiều cho họ.
Nhưng đến chiều, voi lại trở về và dẫn theo một con voi trẻ đẹp. Ðây là con voi con, chịu tuân theo lời cha, đến đây để thay thế cha nó mà trả ơn cho các người thợ rừng. Thật là cảm động. Nhiều người thợ rừng đã rưng rưng nước mắt.
Voi con tiến đến gần. Lông nó trắng như tuyết. Ðôi mắt voi sâu, hiền lành và cương quyết. Toàn thân voi như thoát lên một oai lực làm cho mọi người kính nể. Ðích rồi! Voi con là một con voi chính thống. Cũng cần phải nhớ rằng đời xưa, voi chính thống có một thể lực lạ thường trong các trận chiến tranh. Sức khỏe nó, hơi hám nó có thể trong phút chốc làm tan rã bao đàn voi của địch quân để đem lại thắng lợi chắc chắn cho chủ nó.
Voi con làm tất cả công việc trước đây cha nó đã làm cả ngày. Voi hết sức gíúp đỡ các người thợ rừng, rồi đến chiều voi trở về làng chơi đùa với bọn trẻ con sau khi đã tắm rửa sạch sẽ. Mọi người vì thế đều thương mến và kính phục voi.
Có một điều lạ là duy nhất có nhiều lúc phải lăn lộn ngoài sông nhưng không bao giờ voi đại tiện bừa bãi trong dòng nước. Những đống phân của voi khi nào cũng tìm thấy ở nơi cao ráo và kín đáo.
Nhưng cuộc đời không luôn bình thường như thế, có một lần trời mưa to suốt ba ngày. Nước sông Hằng dâng lên ngập cả vùng. Nhiều bè gỗ bị nước cuốn trôi phăng. Dân làng bị thiệt hại nhiều, và đến khi nước rút xuống, nước cũng đã rút theo các đống phân voi. Những đống phân to này lềnh bềnh trôi đi và một hôm tình cờ đưa dạt vào bờ, trong đám lau gần kinh thành Ba La Nại. Chỗ này lại là chỗ bầy voi của nhà vua thường tắm.
Khi trời nắng ráo lên, bọn quản tượng nhà vua, lại dẫn voi đi tắm. Ðến nơi, cả bầy voi năm trăm con cùng nhận ra một mùi đặc biệt, mùi của con voi chính thống, một con voi chúa. Cả bầy voi dừng lại, không con nào dám xuống nước. Rồi bỗng chúng sợ hoảng lên, dựng thẳng đuổi, cắm đầu chạy trốn mặc sức cho bọn quản tượng tìm hết cách trấn tĩnh chúng, không ai hiểu nguyên do kỳ lạ này. Sau cùng, nhờ kinh nghiệm của một quản tượng cao niên, họ dự đoán rằng: Tất trong nước sông có điều gì khác thường. Theo ý đó, người ta tìm tòi và thấy được trong đám lau, vật “quý báu” trên kia. Ðiều này đã làm họ nghiệm rằng trên dãy rừng Hy Mã Lạp Sơn phải có một con voi chính thống. Họ tâu lên nhà vua điều nhận xét của họ. Vua Ba La Nại mừng rỡ vô cùng. Ngài truyền lệnh chuẩn bị thuyền lương để vượt ngược sông Hằng.
Nhà vua đã mất công tìm kiếm nhiều ngày ròng rã. Mãi đến hôm kia nhà vua đến làng của đoàn thợ rừng đông đảo. Nghe vua đến, mọi người đều nghỉ tay, cùng với vợ con họ ra bờ sông để đón tiếp. Có người đã nói với vua:
Tâu Bệ hạ nếu ngài cần dùng đến gỗ, cần dùng đến chúng con thì không phiền gì Ngài phải đến đây, nhọc thân Ngài. Chỉ cần có lịnh của Ngài là chúng con sẽ đích thân mang đến tận tay Ngài những điều gì Ngài muốn.
Nhà vua không trả lời, chỉ đăm đăm nhìn voi. Nhà vua ngắm kỹ làng trắng tinh bạch của lông voi, đôi mắt cương quyết lạ thường của voi. Một lúc sau vua quay lại các người thợ, nói với họ:
Ðiều ta muốn đòi hỏi ở các ngươi không phải là gỗ rừng mà chính là con voi đang đứng đàng kia.
Dân làng ngơ ngác. Nhà vua thiếu gì voi mà phải băng rừng tìm cho được con voi khuân gỗ của họ. Dâng voi cho nhà vua? Họ thấy không tiếc cái công sức mà voi đã giúp họ, nhưng họ mến thương lòng trung nghĩa của voi. Tuy vậy họ cũng không dám trái ý vua. Riêng đám trẻ con thì tỏ ý không bằng lòng. Chúng nghĩ đến những buổi chiều trèo lên mình voi, đùa giỡn với voi và chúng muốn khóc rống lên.
Mọi người quay nhìn về phía voi đang đứng im không nhúc nhích. Nó còn món nợ ân nghĩa phải trả đối với thợ rừng. Vua dò đợc ý voi và hỏi thăm dân làng. Biết được câu chuyện đầu đuôi, nhà vua càng tỏ ý khâm phục voi hơn nữa. Rồi nhà vua sai khuân vác lương thực dưới thuyền để thưởng tặng cho toàn thể dân làng, tặng cho mỗi người đàn bà 2 đồng để sắm áo quần nói là để trả ơn thay con voi. Nhưng voi chưa chịu đi, nhìn sang các bạn thiếu niên đang âu yếm nhìn về phía voi rơm rớm lệ. Nhà vua đem tiền túi phát cho mỗi đứa bé 1 đồng gọi là chút tình đối với các bạn thân mến của voi. Bọn chúng phải cầm lấy tuy trong lòng không đứa nào tích nhận cái mà hằng ngày chúng mơ ước.
Lúc bấy giờ voi mới chịu bước đi, voi đến gần vua, cúi đầu cảm tạ và chịu đi theo đoàn thuyền để trở về kinh thành. Trước khi lên đường, voi còn nhìn lại toàn thể dân làng và núi rừng quen thuộc một lần chót, vô cùng lưu luyến.
Ðến kinh thành nhà vua dành cho voi một sự săn sóc ân cần. Nhà vua gọi là voi D õng Mãnh bộ giáp trận thật oai vệ. Vua ngồi trên lưng voi, dạo khắp các đường lớn trong kinh thành trước khi đưa voi về nhà riêng của nó. Vua xem Dõng Mãnh như người bạn thân thiết và Dõng Mãnh thường quấn quít bên vua, xem thật hết lòng trung nghĩa.
Ít lâu sau đó, Hoàng hậu có thai. Ngày sanh đẻ gần đến thì một chuyện đau đớn bất thình lình xảy đến: Vua băng hà. Cả triều đình đều nhất trí dấu không cho voi hay. Người ta sợ tin buồn này sẽ làm tan vỡ tim gan Dõng Mãnh.
Liền ngày hôm đó, một tin hung dữ khác lại đến làm náo động cả kinh thành. Ðó là tin quân lính nước Cô Xa La hùng hổ tràn vào, và vua Cô Xa La định nhân cơ hội Ba La Nại thiếu vua, chưa có người kế nghiệp mà muốn tóm thâu đất nước, chiếm đoạt ngôi báu. Quân giặc đã vây chặt kinh thành.
Các cửa thành Ba La Nại đóng kín. Triều đình đã gởi người thương thuyết với vua Cô Xa La hoãn việc tấn công bảy ngày nữa, chờ Hoàng hậu sanh đẻ, hẹn 2 điều, hoặc là sẽ mở cửa thành khi Hoàng hậu sanh công chúa, hoặc là sẽ nghinh chiến khi Thái tử ra đời để kế tục ngôi báu. C ô Xa La bằng lòng.
Ngày thứ bảy đúng theo dự tính của các ngự y. Hoàng hậu sanh ra được Thái tử. Thế là giòng vua đã có người kế nghiệp. Lệnh truyền ra cho mọi người sẳn sàng chống giặc. Thái tử mới sinh có tướng mạo khác thường đã làm vững lòng triều đình. Nhưng chuyện chống giặc, thắng giặc đâu phải chuyện dễ vì thiếu người điều khiển tối cao. Trong cơn nguy cấp này người ta còn một hy vọng mạnh mẽ, hy vọng ở tài trí của voi Dõng Mãnh.
Hoàng hậu nghiêm trang trong đồ lễ phục, mặc áo vàng cho Thái tử và tự tay ẵm Thái tử đi thẳng xuống chỗ voi ở. Nhiều vị quan trong triều cũng đi theo Hoàng hậu, đặt Thái tử trước mặt voi rồi long trọng nói với voi:
Hỡi Dõng Mãnh! Vua ta, chủ của ngươi và cũng là bạn thân của ngươi đã qua đời. Ta đã bảo dấu không cho ngươi biết tin đau xót ấy sợ làm đau xót tâm can ngươi. Nhưng mà, ngươi hãy bình tĩnh: Ðây là Thái tử, con vua, sẽ thay vua để chăm sóc dân chúng, chăm sóc ngươi. Hiện nay, kinh thành đang bị vây khổn và sắp sửa bị dày xéo bởi quân lính của vua nước Cô Xa La. Toàn nước ta đang đứng trước hai điều, hoặc là để Thái tử mới sinh phải chết dưới lưỡi gươm quân địch, hoặc là chúng ta phải gìn giữ non sông gấm vóc.
Hoàng hậu vừa dứt lời, voi Dõng Mãnh rống lên một tiếng trầm dài não ruột. Bỗng nó đứng dậy, đến bên Thái tử, quỳ xuống, lấy vòi nâng Thái tử lên cao rồi đặt xuống trên bắp thịt trước trán nó. Voi muốn nói sự tôn thờ trung nghĩa của nó đối với người chủ bé nhỏ cũng như trước đây nó đã hết lòng với vua cha.
Voi trao Thái tử cho Hoàng hậu rồi phủ phục chờ lịnh. Hoàng hậu khoát tay cho nó đứng dậy và dặn: “Hỡi voi Dõng Mãnh. Bây giờ là lúc ngươi hành động để tỏ lòng trung nghĩa của ngươi, để tỏ giòng máu quật cường trong ngươi trong một con voi chính thống” Hoàng hậu vẫy tay cho nó lên đường. Một vị đại thần mặc áo giáp cho voi, và xuống lệnh cho quân lính sẳn sàng.
Voi rống lên hùng dũng, rung chuyển cả không gian. Tiếng rống xuất trận của một con voi chính thống đã làm bầy voi địch nhớn nhác. Bây giờ là lúc đánh bật quân địch. Người ta mở cửa thành cho voi xông ra. Voi Dõng Mãnh rống lên một lần nữa. Thật là kinh hoàng. Bầy voi tiên phong của Cô Xa La khiếp sợ. Trong giây phút, tất cả đều quay đầu về phía sau, cướp đường mà chạy. Hàng ngũ địch rối loạn nhanh chóng. Voi Dõng Mãnh lanh lắm. Nó xông tới trước mặt vua nước Cô Xa La, lấy vòi nắm chặt thân vua và quay trở về trong lúc quân địch hoàn toàn tan rã. Thế là trận đánh kết liễu và thắng lợi thuộc về nước Ba La Nại.
Voi Dõng Mãnh đặt vua giặc dưới chân Thái tử mới sinh chờ triều đình xét xử. Dân cúng đòi phải xử tử tên vua xâm lược tàn bạo. Nhưng Hoàng hậu thể theo sự thông cảm của mình đối với Thái tử truyền thả vua Cô Xa La được trở về xứ sở với điều kiện là từ nay về sau, không được lợi dụng Thái tử còn nhỏ mà trả thù buổi thất trận này. Voi Dõng Mãnh rống lên tỏ ý bằng lòng sung sướng.
Từ đấy, nhờ voi Dõng Mãnh mà Thái tử mới còn niên thiếu đã truyền được sự tin cậy trong toàn thể các nước ở Ấn Ðộ, trị nước một cách công minh.
Quảng Huệ
“Tình thương sẽ thắng hận thù,
Chùa thiêng phải dựng ngục tù phải tan”