Ngày xưa tại kinh thành có người đàn ông sanh sống bằng nghề chế tạo mặt nạ. Nhà ông bày la liệt những hình vẽ, những khuôn mặt bằng giấy cứng đủ loại tướng mạo màu sắc lòe loẹt, lúc nào sơn mực cũng bừa bãi khắp phòng.
Lúc ấy ông đang nhận làm một mặt nạ ác qủy Dracula cho một ban kịch lớn. Suốt mấy ngày đêm hì hục tô vẽ, cố gắng làm nổi bật những nét đanh ác, ma quái cho khuôn mặt qủy. Tình cờ một người bạn đến thăm, nói chuyện quanh co một hồi. Người bạn ngạc nhiên thấy vẻ mặt chủ nhân có chiều bực bội hắc ám, liền Hỏi:
Dạo này tôi thấy khí sắc anh hơi sút kém, hay anh có việc gì bực mình?
Không có gì cả.
Người bạn không tin hỏi lại:
Có thật không anh?
Cuộc nói chuyện mất hẳn hứng thú, nên một lát sau người bạn đứng lên cáo từ.
Bẵng đi một thời gian khoảng nửa năm, người bạn lại đến thăm người làm mặt nạ. Vừa trông thấy chủ nhân, người bạn reo lên mừng rỡ:
Ồ! Lúc này trông anh hồng hào tốt tướng hơn trước nhiều, chắc hẳn anh đã được nhiều điều may mắn phải không?
Chủ nhân vẫn tỉnh bơ Đáp:
Không có gì lạ bạn ơi.
Chủ nhân thật không hiểu được vì sao người bạn có nhận xét lạ lùng như vậy. Dần dần, ông mới vỡ lẽ ra rằng: Vì nửa năm trước làm mặt nạ quỷ, suốt ngày cứ tưởng tượng hình ảnh nhe nanh, trợn mắt, thè lưỡi, các tướng mạo hung ác dữ dằn để làm mặt quỷ cho thật giống, vì thế vẻ mặt ông cũng biểu hiện những nét sân giận, dữ tợn, người nhút nhát trông thấy đến phát sợ. Sau đó nửa năm, ông nhận làm mặt nạ một vị công thần chánh trực và đức độ. Ông miệt mài tìm những nét thanh cao, khả ái để thể hiện những đức tính đặc biệt này, vẽ làm sao để ánh mắt đầy nhân từ và công chính, tô khéo đến mức nào để có đôi môi hiền hòa nhưng cương nghị, nụ cười độ lượng mà vẫn uy nghiêm. Ngày đêm chỉ liên tưởng đến đề tài sáng tạo này nên tự nhiên bên ngoài nó thoát ra từ thái nhu hòa, khuôn mặt chủ nhân có nét thỏa ái, dễ chịu. Ðến lúc khám phá ra điều này, người làm mặt nạ thầm công nhận: những điều tâm ta nghĩ ngợi, tư duy đều được biểu lộ ra ngoài dung mạo.
Kinh Phật đã nói đến động lực của Tâm trong câu nói hàm xúc: “Tâm như họa sư, khéo vẽ muôn hình tượng”.
Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức
“Lòng buồn thì mặt cũng buồn
Lòng buồn thì mặt có vui bao giờ”