Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Ngũ Xú Nương
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Thuở ấy tại một xóm nghèo trong khu tồi tàn của xứ Ấn Ðộ, có một cô gái đến tuổi cập kê (tức là tuổi có thể lấy chồng ) mệnh danh là Ngũ Xú Nương vì cô quá xấu. Sắc của cô đủ năm vẻ xấu của mặt mày, hai tay và hai chân nên được mệnh danh là như vậy. Trẻ con mới thấy mặt cô đều phải khóc vì sợ hãi. Nhưng cô có một xúc giác rất êm ái, đến nỗi ai động đến người cô đều cảm thấy khoan khoái vô cùng. Trẻ con thấy cô đều khóc, nhưng được cô ẵm lên thì không muốn rời ra nữa, bởi vì sự xúc chạm đến cô gây cho chúng một cảm giác êm ái lạ lùng, không khác gì được ấp ủ trong vòng tay của mẹ.

Tại sao cô lại chịu một số phận kỳ quái như vậy? Là vì kiếp trước cô là con gái một người thợ gốm nghèo. Một hôm, có vị Tỳ kheo đi khất thực tới nhà, cô đã không cúng dường mà lại xua đuổi vị ấy bằng những lời chua ngoa. Vị Tỳ kheo trước sự ngu si của cô bé động lòng từ bi muốn gieo cho cô một ít phước lành của sự bố thí, bảo cô:

Nếu cô không có cơm để bố thí thì cho bần tăng một ít đất sét vậy.

Cô gái vào lấy một ít đất sét nắn đồ gốm đem ra cho vị Tỳ kheo mà bảo:

Ðó! Ði cho khuất con mắt cho rồi. Cái ông lỳ lợm.

Do lời mắng nhiếc và thái độ bực tức của cô khi bố thí, kiếp này cô phải bị quả báo là nhan sắc xấu xí vô cùng. Nhưng do sự bố thí đất sét cho vị Tỳ kheo kiếp này cô được quả báo có một xúc giác êm dịu thần tiên.

Vì quá xấu, nên tuổi đáng lấy chồng mà cô vẫn được nhàn nhã rong chơi với bọn trẻ con suốt ngày trong xóm. Bấy giờ đức vua có thói quen giả dạng thường dân đi vào các khu đông đúc để xem xét dân tình mà chỉnh đốn đời sống của họ. Một hôm vua đến xóm Ngũ Xú Nương vào lúc xẩm tối. Ngũ Xú Nương đang chơi bịt mắt bắt dê với tụi trẻ. Nàng bịt mắt quơ tay chụp bọn nhỏ đang hò la né tránh. Ðức vua giả dạng đi qua bị nàng quơ trúng. Ngũ Xú Nương hớn hở reo lên:

Thằng Cột!

Không phải!

Thằng Kèo!

Không phải!

Nàng tiếp tục gọi tên năm bẩy đứa đều trật lất, bèn thả tay ra. Trong lúc đó Ðức vua như chết điếng cả người vì sự khoái lạc thần tiên. Ngài chưa bao giờ thưởng thức một sự xúc chạm nào êm ái kỳ diệu như vậy, dù đang sống trong nhung lụa gấm vóc, được đoanh vây bởi vô số cung nữ nhan sắc diễm kiều. Trước sự xúc chạm của Ngũ Xú Nương lần đầu tiên, Ngài bỗng thấy bao nhiêu phi tần đều vô dụng nên cho về vườn hết, Ngài chỉ cần một nàng này là đủ. Nhà vua giả dạng mặc dù đã được Ngũ Xú Nương thả ra vẫn đứng trơ trơ như phỗng đá ... Không muốn rời chân. Ngài đứng nhìn nàng tiếp tục trò chơi bịt mắt bắt dê trong bóng mờ. Cho tới khi trời tối, bọn trẻ thấm mệt giải tán, Ngũ Xú Nương đủng đỉnh về nhà. Vua lẽo đẽo theo chân cô gái. Vừa đi vừa tưởng tượng nhan sắc của nàng chắc là chim sa cá lặn, vì sự xúc chạm của nàng êm ái như thế. Vua muốn đến tận nhà nhìn cho rõ mặt hơn, nhưng ngài nhất quyết đặt cô gái lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Vừa đi ngài vừa hỏi cô bé (vua vẫn giả bộ thường dân):

Này em, qua muốn hỏi em về làm vợ, em có bằng lòng không?

Cô bé cười lớn:

Ha ha! Ông muốn cưới tôi hả? Cha mẹ tôi nghèo lắm, không có gì cho ông đâu! Chưa bao giờ ai hỏi tôi như vậy cả.

Qua không cần của hồi môn, tiền bạc gia tài chi cả. Qua chỉ muốn sống gần em thôi.

Cô bé vẫn cười nói hồn nhiên, chẳng tỏ chút gì e lệ:

Ha ha, cái ông này thật kỳ! Ông hỏi mẹ tôi đi. Tôi không biết!

Vậy em đưa qua về nhà hỏi mẹ nhé?

Ðược, ông cứ đi theo tôi.

Vua mừng khấp khởi đi theo cô bé về nhà. Vừa bước vô căn nhà lá lụp sụp, cô bé đã gọi lớn:

Mẹ ơi! Có cái ông này muốn cưới con về làm vợ đây nè!

Tốt! Thằng nào mà nó mê cái nhan sắc của mày đó, chắc cũng là đồ ma chê quỷ hờn, thần sầu quỷ khốc mới thèm vào cái thứ mày!.

Bà mẹ vừa nói vừa bưng cây đèn dầu đi ra để giữa nhà. Dưới ánh đèn leo lét, vua thấy ra mặt mày Ngũ Xú Nương, thất kinh hồn vía. Nhưng bùa lực sự xúc của nàng vẫn mãnh liệt nơi vua, vua nhất quyết cưới nàng dù nàng xấu hơn Chung Vô Diệm. Trong phút chốc, vua đã định đoạt xong chương trình vì say mê nàng quá đỗi. Chương trình ấy là, hằng ngày sau khi công việc triều đình xong xuôi, ngài sẽ cải dạng thường dân về nhà nàng vào lúc chiều tối, sáng sớm mai trở về cung. Như vậy vua được sống với nàng mà khỏi bị chê cười, ngài chắc chắn nếu rước Ngũ Xú Nương về cung, thì triều đình sẽ cho ngài đã loạn trí mới tuyển vào ngôi chánh hậu một Chung Vô Diệm như thế.

Bởi vậy vua đề nghị với bà mẹ như vầy:

Thưa bác, cháu muốn cưới cô em này, nhưng cháu chưa có nhà riêng xin bác cho cháu tạm “gởi rể”. Ban ngày cháu đi làm, tối về nhà vợ. Khi nào đủ tiền sắm nhà cháu sẽ đưa nàng đi.

Ðược, nếu ông chịu cưới nó thì tốt lắm, mà nhà tôi nghèo, ông cũng thấy đó, tôi không có đồng xu nào cho nó đâu!

Không hề gì, thưa mẹ!

Ðược lời như cởi tấm lòng của hai bên. Từ đó nhà vua tối tối lại về nhà Ngũ Xú Nương. Ngài xem túp lều tồi tàn này còn hơn muôn vàn lầu son gác tía, vì nơi đó ngài được sống với những xúc giác kỳ diệu như ở cõi trời.

Một thời gian khá lâu trôi qua, vua thấy thật bất tiện nếu cứ phải giả dạng lần mò về nhà nàng mỗi chiều như thế. Nhưng ngài không xa Ngũ Nương được. Ngài nghĩ cách đưa nàng về cung lên ngôi hoàng hậu mà khỏi bị ai chê cười là đồ ngu. Bởi thế, ngài bày ra một mưu kế lạ lùng.

Một hôm, Ngũ Xú Nương đang ngồi buồn rầu thì vua về. Ngài Hỏi:

Tại sao em buồn vậy?

Tại vì cha em bịnh, muốn ăn một bát cháo tôm cua mà em không tiền mua đồ nấu cháo.

Tưởng là gì! Mai anh sẽ gánh về một gánh cháo tôm cua cho cha, muốn ăn bao nhiêu cũng được. Vua nhân cơ hội ấy, mua một nồi cháo tôm cua tại nhà bà bán cháo ở chợ, đặt vào một đầu gánh, đầu kia vua lấy cái vương miện quý giá, gắn đầy hột xoàn năm ly của Ngài gói cẩn thận bỏ vào một cái thúng, trên phủ đầy lá chuối. Rồi gánh về nhà cô gái mà dặn:

Ðây, anh mua cháo tôm cua về cho cha đó. Ðầu gánh này là cháo tôm cua, đầu kia muốn tôm cua rùa ếch cóc nhái chi cũng có cả. Khi nào cần mua thì cứ lấy ra.

Cô gái được nồi cháo thì mừng quýnh, không vội để ý thúng lá chuối kia. Nàng dẹp nó vào một nơi, đem cháo cho cha ăn. Cả nhà cũng được một bữa ăn khoái thích.

Hôm sau trở về cung, vua hô hoán cái vương miện, vật quốc bảo đã biến mất, và ra lịnh các quan phải mở cuộc truy tầm. Triều đình nhốn nháo phái người đi tìm lục soát khắp nơi trong hoàng thành đều không có. Vua đề nghị:

Trong thành không có thì tìm ra ngoài thành, ở những khu tồi tàn xem kẻ gian có tẩu tán tài sản về đó không. Ban điều tra vâng lời, lục soát đến khu tồi tàn của Ngũ Xú Nương. Họ vào đến nhà nàng, lục tới thúng lá chuối tìm được cái vương miện, bèn bắt trói cả ông bà. Hai ông bà một mực kêu oan. Quan điều tra Hỏi:

Vậy thì cái thúng này của ai?

Ðó là của thằng rể tôi đem tới.

Thằng rể ở đâu?

Không biết! Hắn nói không có nhà, đi cả ngày tới tối mới trở về đây. Có thể là một thằng trốn lính. Các ông chờ tới tối sẽ gặp.

Ban điều tra ở lại chờ mãi không thấy thằng rể xuất hiện. Bà mẹ cô gái đấm ngực la làng:

Hắn có lẽ đã nghe động tịnh nên chuồn thẳng rồi! Oan ơi là oan, hỡi trời, hỡi đất!

Vậy bà hãy tả hình dáng mặt mày thằng rể cho tôi nghe.

Làm sao tôi thấy rõ mặt mày hình dáng hắn? Nhà nghèo, dầu hôi khan hiếm, tối chỉ thắp một ngọn đèn leo lét một lát là tắt. Thằng rể tôi thì tối mịt mới về khi tôi đã ngủ. Mà có thức thì tối quá cũng không thấy rõ được, mắt già lem nhem.

Họ bèn hỏi tới Ngũ Xú Nương:

Còn cô, mặt mũi hình dáng chồng cô ra sao, hãy tả ra nghe.

Tui cũng không thấy rõ được. Ảnh thường về lúc đã tối mịt, đèn lu tui cũng lờ mờ lắm.

Vậy thì làm sao cô nhận được chồng cô.

Sờ người thì biết. Cả ban cười rộ. Họ không biết giải quyết ra sao nên cho người về tâu vua. Vua pHán:

Vậy thì ta đã có cách bắt thủ phạm. Các ngươi hãy trả tự do cho vợ chồng nhà đó. Vua bàn với các quan rằng, theo lời khai của cô gái, sờ người thì biết được chồng cô. Vậy hãy làm một cái chòi như cái phòng bỏ phiếu ở giữa công trường cho cô gái đứng vào trong, chừa một lỗ vừa thò bàn tay vào thôi. Xong xuôi, hãy bắt tất cả đàn ông ở tuổi có thể lấy vợ, tới đưa bàn tay vào cho cô gái sờ. Gặp bàn tay nào cô gái cho trúng là chồng cô thì đó là thủ phạm đã đánh cắp vương miện. Ðình thần đều cho nhà vua cao kế và thực hành ngay.

Ðúng ngày, tất cả nam nhi từ 18 đến 45 tuổi nối đuôi tới đưa tay cho cô gái sờ. Nhà vua cũng dự cuộc. Sau một ngày, cô đã sờ hàng ngàn bàn tay đưa vào, song không người nào trúng (mỗi người khi được cô gái cầm tới tay đều cảm thấy sung sướng vô ngần, không còn ham muốn gì hơn trên đời này nữa). Cuối cùng, khi nhà vua đưa tay vào, Ngũ Tú Nương la lên:

Ðây đúng là tay chồng tôi!

Cả triều đình ngơ ngác. Khi ấy họ mới hiểu ra mưu mẹo của vua, bởi vì ai cũng công nhận cái hạnh phúc tối cao do sự xúc chạm của nàng thì chỉ có nhà vua là xứng đáng hơn cả. Vì chính họ cũng quên mất vẻ xấu xí của nàng sau khi được bàn tay nàng sờ đến.

Triều đình tuân lệnh làm lễ tuyển Ngũ Xú Nương vào ngôi chánh cung, mà không còn bận tâm đến vẻ xấu xí của nàng, đồng thời cũng không cho là vua điên, sau cuộc thử thách ấy.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Khoái lạc vật chất trong đời sống quả thật vô số kể, vừa êm dịu vừa ngọt ngào và quyến rũ, dưới đủ hình thức dục lạc làm lòng người say đắm, hãy nhận chân hiểm họa của nó.

Ðồng thời cũng cho chúng ta thấy: những kẻ có quyền thế thường lạm dụng uy quyền và dùng những mưu mô xảo quyệt để hợp thức hóa dục vọng xấu xa của mình”.

Có Niết Bàn không? Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra, nó không biết gì hết.

Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào:

Chào anh! Ðã từ lâu tôi không gặp anh. Vậy xưa rày anh ở đâu?

Ồ, tôi đi du lịch từ trên đất liền về. Trên ấy mặt đất khô ráo quá!

Ðất khô? Anh nói cái gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào kỳ lạ như vậy. Lẽ nào lại có đất khô?

Xin thề rằng tôi không nói đùa với anh đâu. Nhưng nếu quả tình anh không thể tin được thì tùy anh, không ai ngăn cản được anh. Nhưng dù sao, tôi cũng mới từ đó về.

Này, anh cố gắng diễn lại cho hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng: cách diễn đạt của anh chưa được rõ ràng lắm. Anh vui lòng cho tôi biết đất mà anh nói đó, nó giống như cái gì trong thế giới chúng ta nào? Nó có ẩm ướt không?

Không, nó không ẩm ướt.

Thế nó có mát dịu và lạnh không?

Nó không mát, không dịu mà cũng chẳng lạnh.

Thế nó có trong suốt để cho ánh sáng xuyên qua được không?

Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể xuyên qua được.

Thế nó có mềm và dễ bị ép để cho tôi có thể quậy vi và đi lại dễ dàng trong ấy không?

Không, nó không mềm, không bị dồn ép dễ dàng và trong ấy, anh cũng không thể bơi lội được.

Thế nó có lưu động và đổ thành thác được không?

Không, nó không lưu động và cũng không đổ thành thác được.

Vậy thì nó có dâng lên để tạo thành những mũi sóng bạc đầu được không?

Không, tôi chưa bao giờ thấy nó dâng lên thành làn sóng cả.

Ðến đây, con cá vênh váo tự đắc than rằng:

Tôi đã từng nói với anh rằng đất mà anh nói đó là không phải cái gì cả. tôi cũng vừa hỏi anh về đất ấy và với câu hỏi nào anh cũng trả lời rằng không. Ðất anh nói đã không phải bất cứ cái gì tôi nêu ra, vậy thì đất hẳn là ngoan không. Anh đừng tìm cách bịp tôi nữa.

Tốt! Anh đã quả quyết rằng không có đất liền. Tôi cũng không có cách nào hơn là cứ để anh tiếp tục tin như anh đã nghĩ. Nhưng một mai, có ai khác hơn tôi và đủ sức phân biệt cho anh thấy sự sai khác giữa đất và nước, ngày ấy anh sẽ thấy rằng anh chỉ là một con cá ngốc.

THÍCH THIỆN HOA

“Niết bàn là một cái gì tuyệt đối không dung Ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết Bàn vô tướng – Vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang thêm một hành lý nào mà hy vọng vào Niết bàn được cả. Cái thân ta cũng không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa

Niết bàn. Nên biết rằng: Hễ Hữu Ngã là luân hồi mà VÔ NGÃ LÀ NIẾT BÀN”.