Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > La-Han-Mu
La Hán Mù
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Vào một mùa an cư, Trưởng lão Đại Thọ dẫn đầu sáu mươi Tỳ kheo đến một trú xứ để tu tập thiền định. Vì tinh tấn quá mức, Trưởng lão bị chứng đau mắt nặng, nhưng Ngài vẫn không bỏ dở nguyện đã lập ban đầu là chỉ giữ ba oai nghi đi đứng ngồi, không nằm suốt mùa an cư. Với ý chí kiên cường mãnh liệt Ngài tự nhủ: Từ vô lượng kiếp ta đã từng bị mù tối vô minh, đã bao nhiêu đời chư Phật, hằng hà sa số đấng Giác Ngộ đã hiện thân, thế mà ta chưa hề biết đến, mãi đến kiếp này may mắn được đức Thế Tôn dạy ta tu tập, ba tháng an cư này ta quyết không ngủ dù thân ta khô gầy bịnh tật, dù đôi mắt ta tàn lụi, mù lòa. Phát nguyện xong, tâm thái Ngài nhẹ nhàng, siêu thoát.

Chưa hết mùa an cư mà đôi mắt của Ngài như ánh đèn sắp sửa phụt tắt, vào một đêm Ngài thấy toàn không gian một màu đen vô tận, nhưng cùng lúc đó tâm thức Ngài lại sang bừng chân lý nhiệm mầu, tất cả phiền não vô minh đều vén sạch. Ngài đắm chìm trong thiền định quên cả không gian, thời gian cho đến khi chư Tăng vào thăm, họ mới khám phá ra Ngài đã mù.

Từ hôm ấy Trưởng lão Đại Thọ không đi khất thực nữa, dân làng biết Ngài bị mù họ vô cùng xúc động, ngày ngày họ mang cơm cháo, thức ăn đến cúng dường Ngài thật chu đáo.

Sáu mươi Sa Môn được sự hướng dẫn tu tập thiền định của Trưởng lão đều đắc A La Hán quả. Đã hết mùa mưa, ba tháng an cư chấm dứt, các Sa Môn náo nức muốn về Xá Vệ gặp lại đức Bổn Sư, họ xin phép Trưởng lão. Trưởng lão nghĩ thầm: “Năm nay ta già yếu nhiều, trên đường đi rừng rậm hiểm nguy lại có lắm ma quỷ quấy phá. Nếu ta đi với các huynh đệ, lại them bận rộn, mất thì giờ của họ, vả lại ta không thể khất thực được, lại thêm phiền cho họ lắm! Ta cứ để cho các huynh đệ đi trước. Suy nghĩ xong Ngài quả quyết nói:

Vâng, các huynh đệ, tôi rất đồng ý đề nghị này, nhưng các vị cứ đi trước.

Nhưng còn Ngài?

Tôi già yếu, nếu tôi cùng đi sẽ mất thì giờ các vị và gây bận rộn cho các huynh đệ, vì thế tôi muốn các huynh đệ đi trước. Thưa Ngài, chúng tôi chỉ đi khi có Ngài cùng đi thôi!

Đúng, các ông đừng trái lời tôi và đừng lo cho tôi. Vì em trai tôi khi nó trông thấy chư Tăng thế nào hắn cũng hỏi thăm tin tức của tôi, các huynh đệ hãy nói với hắn cho người đến đây đưa tôi về. Thôi! Tôi kính thăm tất cả chư vị Trưởng lão nhé!

Sau cuộc hành trình vất vả chư Tăng đến Xá Vệ, vào tịnh xá Kỳ Viên diện kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài và thăm các trưởng lão. Ngày hôm sau họ đi khất thực gần nhà của em Trưởng lão Đại Thọ, nên trông thấy các Sa Môn, Tiểu Thọ hy vọng sẽ gặp lại được anh. Tiểu Thọ vui mừng đón tiếp chư Tăng và lo lắng hỏi thăm: Còn Trưởng lão Đại Thọ anh của tôi bây giờ ra sao?

Chư Tăng thuật rõ mọi việc, Tiểu Thọ bàng hoàng, đau xót thương anh tật nguyền và nóng lòng muốn gặp anh. Qua cơn xúc động Tiểu Thọ vâng theo lời các Sa Môn cho người cháu trai đến rước Trưởng lão về. Nhưng đường đi nguy hiểm nhiều tà ma quỷ quái, theo lời bàn luận của chư Tăng, nên cho chú cháu trai ấy xuất gia thọ giới pháp của Phật rồi đi mới có thể an toàn được, vì dù sao đi nữa ma cũng nể sợ đệ tử của Phật, không dám xâm hại. Người cháu trai của Trưởng lão được xuất gia thọ giới trong một đêm và trở thành Sa Môn. Chàng Sa Môn bất đắc dĩ lặn lội mấy ngày mới đến nơi Trưởng lão, tìm gặp được Ngài và sau đó dìu Ngài đi về. Lúc cùng đi xuyên qua cánh rừng hoang vu, chàng tu sĩ thoáng nghe giọng hát du dương từ xa đưa lại, như tiếng người con gái đi nhặt củi trong rừng, tiếng hát truyền cảm như xoáy tận tâm thân chàng trai, (vì thế đức Phật đã nói một câu bất hủ về Tâm lý học: “Ta biết không còn một thứ âm thanh nào ngự trị nổi trên trái tim của người nam hơn là tiếng nói của người nữ) bị âm thanh kỳ diệu mê hoặc, chàng ta quên hẳn bổn phận của chàng đối với Trưởng lão. Chàng xin Trưởng lão dừng lại đợi chàng một tí, nói xong chàng chạy thoát đi, tìm xuất xứ của tiếng hát kia. Chàng gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp, nàng không hát nữa, nhưng…sắc đẹp của nàng còn quyến rũ gấp trăm ngàn lần tiếng hát của nàng. Nàng im lặng mỉm cười và chàng Sa Môn càng đắm đuối… và chỉ thoáng chốc chàng tu sĩ trẻ tuổi đã vướng vào mùi ái dục.

Vị Trưởng lão chờ lâu không thấy tăm dạng chàng Sa Môn. Ngài băn khoăn: “Ta vừa nghe tiếng hát đàn bà. Có lẽ chú ấy đã bị quyến rũ và lỡ dại phạm giới rồi!”

Chàng Sa Môn trả trở lại, thưa:

Thưa Ngài, chúng ta cùng tiếp tục đi!

Nhưng Trưởng lão nghiêm nghị Hỏi:

Này Sa Môn, ông đã phạm tội rồi phải không?

 

Sa Môn trả tuổi xấy hổ im lặng. Ngài lại nói tiếp một cách đanh thép: Một kẻ không thanh tịnh như người không thể nào ở trong đoàn thể của ta được.

Sa Môn trẻ vô cùng hối hận, chàng cởi chiếc y vàng xếp lại, khoác lại chiếc áo thế tục và ngập ngừng quỳ xuống thưa:

Thưa Ngài, ngày hôm qua con là tu sĩ, hôm nay con trở lại làm cư sĩ. Thật ra con đi tu là một sự bất đắc dĩ, chứ không phải vì lòng chân thành tin nguyện, vì sợ hãi những hiểm nguy trên cuộc hành trình nên con phải mượn hình thức Sa Môn để dọa tà ma. Thôi! Xin Ngài thứ lỗi cho con và con xin đưa Ngài đi!

Trưởng lão trả lời chậm rãi, bình tĩnh:

Dù là Sa Môn hay người thế tục, hễ kẻ hành động xấu vẫn bị xem là kẻ xấu. Ngươi là Sa Môn ngươi không giữ gìn phạm hạnh và khi thành kẻ thế tục biết ngươi có được là kẻ tốt lành chút nào không? Đâu có phải cởi chiếc áo ra là hết xấu? Ta không bao giờ đi chung với một kẻ tội lỗi như ngươi! Nhưng thưa Ngài! Đường đi nguy hiểm xa xôi, còn Ngài đã già yếu lại thêm mù lòa, Ngài không thể nào đi tiếp tục một mình, chẳng lẽ Ngài ở lại đây sao?

Trưởng lão cương quyết – Đừng bận tâm, dù ta phải nằm ở đây mà chết nơi đây ta cũng cam lòng, ta không bao giờ đi với ngươi. Ngài lại đọc bià kệ:

Ôi! Đôi mắt ta khép kín

Đường nhọc nhằn dấn bước

Ta sẽ nằm chết rũ

Như chiếc lá khô rơi Kẻ đồng hành si dại Thôi! Hãy từ giã nhau.

Chàng trai rợn cả người, xúc động đến run rẩy và sự hối hận khiến chàng đau khổ ăn năn quá sức, chàng ôm lấy đầu khóc nức nở và chạy đi như một kẻ điên loạn.

Âm vang của bài kệ làm cả thế giới chuyển động và trên tầng trời, vua Đế Thích bỗng thấy trên thiên quốc Ngài bị chấn động lạ lùng. Vua trời Đế Thích dùng thiên nhãn xem thấy Trưởng lão mù là người quyết xả thân vì đạo, cảm kích đạo tâm dũng mãnh của Trưởng lão, Đế Thích tức tốc đến hộ trì bậc tu hành chân chánh.

Trời Đế Thích hiện hình người đến gần Trưởng lão, đi tới chạm chân Trưởng lão.

Ai đấy? Trưởng lão lên tiếng hỏi.

Thưa, tôi là lữ khách, tôi muốn đi về Xá Vệ.

Nhưng thôi, ông đi trước đi.

Lữ khách ôn tồn bảo:

Như vậy chúng ta cùng đi, vì được đi với Ngài tôi sẽ được chút phước chớ, Ngài đừng phiền chi cả.

Trời Đế Thích dùng thần lực thu ngắn quãng đường nên chỉ trong chớp mắt đã đến thành Xá Vệ, Trưởng lão bỗng nghe tiếng trống, tiếng đàn, âm nhạc rộn ràng, Ngài ngạc nhiên Hỏi:

Đây là đâu lại có những âm thanh này?

Thưa đã đến Xá Vệ rồi!

Trưởng lão nghe nói như thế thầm biết người lữ khách này không phải phàm phu, có lẽ là thần thánh nào đây.

Đế thích dìu Trưởng lão vào một túp lều tranh do Tiểu Thọ cất để cho Trưởng lão tạm trú. Xong rồi Đế Thích hóa thành người bạn của Tiểu Thọ đến nhà Tiểu Thọ báo tin Trưởng lão Đại Thọ đã về. Báo tin xong người bạn ấy biến mất.

Tiểu Thọ vội vàng chạy đến lều tranh, gieo mình dưới chân anh, ôm chân Trưởng lão kể lể bao nỗi nhớ thương. Tiểu Thọ cắt đặt cho hai người giúp việc đến xuất gia với Trưởng lão và ở lại đó để lo hầu hạ, giúp đỡ những việc lặt vặt cho Ngài.

Chư Tăng được tin Trưởng lão về, cũng rủ nhau đến thăm Ngài. Thình lình sang hôm ấy, có cơn bão dữ dội xảy đến, họ đành hẹn lại ngày thuận tiện sẽ tới thăm. Sau hai ngày mưa, đất ẩm ướt, loài côn trùng chui ra khỏi đất nằm la liệt trên đất, Trưởng lão vẫn giữ thói quen đi kinh hành trong thất như hằng ngày. Ngài bước đi dò dẫm, đạp chết vô số côn trùng mà không biết. Hôm sau chư Tăng đến Thăm Ngài, thấy quá nhiều côn trùng bị dẫm chết trong thất Trưởng lão, họ bất bình quay về bạch Phật.

Đức Phật hỏi chư Tăng:

Các ông có thấy Trưởng lão sát sanh không?

Thưa không!

Rõ ràng là các ông không thấy ông ấy giết và ông ấy mù không thấy côn trùng bị chết, tâm ông ấy không có chứa một chút xíu ý tưởng sát sanh. Sa Môn các ông nào biết vị Trưởng lão này đã dứt sạch tất cả triền phược và sẽ chấm dứt luân hồi sanh tử, thực sự chứng đắc quả A La Hán. Các Sa Môn ngạc nhiên Hỏi:

Bạch Thế Tôn, nhưng vì saovị A La Hán này lại bị mù lòa?

Phật bảo:

Các Sa Môn, ta sẽ nói rõ nhân duyên.

Vào thời Phật xa xưa, lúc vua Kasi ngự trị nước Ba La Nại, có một vị y sĩ đi khắp nơi hành nghề. Một hôm, gặp một người đàn bà đau mắt, ông đến hỏi thăm:

Bà làm sao thế?

Người đàn bà ôm mắt rên siết:

Mắt tôi sưng đau nhức mấy ngày nay, tôi sợ bị mù quá!

Lương tâm nghề nghiệp khiến cho y sĩ không thể làm ngơ được, ông sốt sắng:

Tôi thử chữa trị cho bà nhé?

Ồ quý hóa thay!

Người đàn bà muốn tỏ lòng tri ân nên vội vàng hứa rằng:

Nếu mắt tôi được lành mạnh, suốt đời tôi xin làm tôi tớ phục dịch cho ông, đến các con tôi, con trai, con gái, cũng đều xin phục dịch cho ông để đền đáp ơn này.

Vâng, thật quá tốt!

Vị y sĩ chế thuốc và xức thuốc cho người đàn bà, chỉ trong vài hôm sau mắt người đàn bà hết đau nhức, trở lại bình thường.

Người đàn bà thầm nghĩ: “Ta đã hứa làm nô tỳ cho ông ấy và bắt các con cũng phục dịch để trả ơn thật là quá đáng. Ông ấy chữa trị có tốn hao gì đâu, chỉ dùng vài lá cây tán nhuyễn rồi đắp vào mắt là khỏi ngay. Nhưng để khỏi thi hành theo lời hứa vừa rồi, mình phải nói dối, cho ông ta hết mong được thù đáp, trả công.

Vài ngày sau, y sĩ tới thăm bà thân chủ đau mắt hỏi bà có bớt chút nào không, bà trả lời: “Đã không đỡ đau, thuốc dán của ông còn hành nhức nhối thêm nữa”. y sĩ ngẫm nghĩ: Từ hôm trước ta biết mụ này keo kiệt, không muốn trả tí thù lao cho ta, bây giờ muốn nuốt luôn lời hứa, nên dối gạt ta đây. Thôi ta chẳng cần, bây giờ ta làm cho mụ mù luôn cho bõ ghét!

Ông ta ấm ức lắm nên về kể chuyện này cho vợ nghe, vợ ông không dám bày tỏ ý kiến, để mặc ông cặm cụi chế thuốc. Y sĩ nấu một lọ thuốc dán đặc biệt toàn là những độc tố đem biếu không cho người đàn bà và căn dặn phải xức một ngày ba lần. Người đàn bà thấy có thuốc không mất tiền mua, và nghĩ rằng xức nhiều chắc mau lành bệnh nên bôi thuốc thật nhiều và không bao lâu đôi mắt của bà ta mù luôn. Ông y sĩ đó là tiền nhân của Trưởng lão Đại Thọ.

Này Sa Môn! Nếu đời trước chúng ta tạo nhân không lành, đời này dĩ nhiên chúng ta phải gánh lấy quả xấu, vì nhân quả đi với nhau như bóng theo hình. Và gốc của mọi sự đau khổ hay an lạc cũng đều do tâm thức của chúng ta chủ động. Vì tâm suy nghĩ mới đưa tới hành động, lúc hành động đã là kết nghiệp và nghiệp sẽ đẩy chúng tới sự luân chuyển không ngừng trong các cõi.

Điều quan trọng của chúng ta ngay bây giờ là chuyển hóa nghiệp lực bằng cách nỗ lực quay về hoán chuyển nội tâm. Tâm chúng ta thuần hòa, trong sáng, việc làm chúng ta được hướng dẫn bởi tâm niệm tốt lành, dĩ nhiên sẽ đem lại sự an lạc và lợi ích cho chính mình cũng như cho người khác. Đây là một sự thật hiển nhiên.

Học đạo quý vô tâm.

Làm nghĩ, nói không lầm.

Sáng trong và lặng lẽ.

Giản dị mới uyên thâm