Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Một Ðạo Sĩ Chí Hiếu
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Thuở đời quá khứ vô số kiếp về trước, có một người đạo sĩ tên là Quang Thiểm, tánh tình thuần hậu, hiếu hạnh đáng khen. Tuy là số phận của chàng hàn vi mặc dầu, song tấm lòng trọng đạo thương người và việc xử thế chẳng chút gì lỗi phạm.

Nhưng rủi thay! Chàng gặp hoàn cảnh rất gian nan, vì cha mẹ của chàng tuy còn sanh tiền, mà tuổi đã già và đui mù bóng quáng.

Vì vậy, chàng phải hết lòng báo đáp, cứ gần gũi một bên cha mẹ, lo bữa sớm bữa trưa và quạt nồng đắp lạnh, đặng đền đáp bồi ơn sanh dưỡng cho trọn phần hiếu hạnh.

Chàng thường thấy phần đông người đời, cứ lo xu danh trục lợi, chẳng chút gì quan niệm đến sự nhân từ, lại còn khinh khi ngôi Tam bảo là khác nữa, nên chàng chán ngán mới vào nơi chốn sơn lâm, cất một túp chòi tranh, rồi đem cha mẹ về mà bảo dưỡng, đêm ngày làm việc không hở tay, sớm tối thăm nom thường bên gối.

Chí như chỗ lập khước của chàng, thì hay kỉnh thờ chư Phật và giữ tròn mười điều lành chẳng khi nào sát sanh hại vật, đến đỗi tấm lòng thanh tịnh, không hề trước nhiễm đến sự ái tình.

Gần chỗ ở của chàng, lại có một mạch suốt nước đầy trong vắt, bông sen đua nở bốn mùa, còn chung quanh thì cây trái sum suê, trái ngon đủ thứ.

Mỗi ngày chàng thường đến nơi mé suối ấy mà kiếm trái cây, và múc nước đem về dâng cho cha mẹ. Vì chàng hiếu đạo như thế, nên loài cầm thú thường lân la gần gũi, chớ không sợ sệt gì cả.

Có một bữa, trời nắng chang chang, khí trời nóng nực, chàng thấy cha mẹ hơi khát nước, nên lần mò đi đến suối ấy mà múc nước. Khi vừa bước chân trở về, thình lình bị một mũi tên trúng bên hông, té nhào xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Số là ngày ấy, vua Ca Di dẫn quân đi săn trong rừng, đương lúc rình mò, bỗng nghe tiếng sột soạt, thì ngỡ là hươu nai, nên giương bắn càn, chừng chạy xúm lại thì thấy một người thanh niên nằm bên triền suối.

Chừng đó kẻ kêu người đỡ, giây phút chàng hồi tỉnh lại, nhìn thấy đông người, biết mình bị bắn lầm, nên than rằng: “Các Ngài ôi! Cái số phận bạc mệnh này, dầu có chết cũng cam tâm, không để tiếng gì oán trách, song ngặt vì còn cha mẹ già, hai con mắt lại bị mờ tối, nếu không có tôi bảo dưỡng, thì chắc phải chết đói. Ôi! Nghĩ lại con voi có cặp ngà là quí, con tây có cái sừng để làm vị thuốc, và con chim súy điểu có đôi lông tốt đẹp. Còn tôi đây, tay không chẳng có cái chi cống hiến cho đời, cớ sao ngày nay lại bị chết một cách rất thảm thiết như vậy! Phật trời ôi! Có rõ thấu nông nỗi này cho chăng?

Vua Ca Di nghe tiếng than thở của chàng, thì động lòng thương xót, bèn lật đật xuống ngựa mà hỏi rằng:

Ðạo sĩ tuổi hãy còn xuân, sao không lo lập công danh để đặng tiếng thơm muôn thuở, lại ở chi chốn núi thẳm rừng xanh, đến đỗi phải khổ thân tâm như vậy? Quang Thiểm Đáp:

Bởi vì cha mẹ tôi có tật nguyền và phận tôi lại cô độc, nên đành ẩn nơi chốn này, mà lo nuôi dưỡng song thân và yên bề học đạo!

Vua Ca Di nghe chàng bày tỏ sự tình thì sa nước mắt rồi than rằng: “Ôi! Ta thiệt là bất nhân thái quá, vì ham mê săn bắn, sát sanh hại vật đặng nuôi dưỡng cái huyễn thân, nên mới bắn lầm một người đại hiếu như vậy! Thôi, bây giờ đạo sĩ hãy chỉ chỗ của cha mẹ chàng ở, đặng quả nhân đem về triều thay thế chàng cung phụng cho, cũng là để chuộc một phần nào lỗi lầm của trẫm, xin chàng an tâm. Quang Thiểm bèn thưa:

Bẩm Ðại Vương! Cách đây chẳng bao xa, nơi mé đường tắt này có một lều tranh. Ðó là chòi của song thân tôi đang ở, nếu Ðại vương mở lượng hải hà, ra tay tế độ cho cha mẹ tôi được trọn tuổi già thì ơn ấy tôi nguyện đời đời ghi tạc.

Vì mũi tên có thuốc độc đã thấm vào, nên Quang Thiểm nói dứt lời, bèn cúi đầu xuống sa nước mắt dầm dề, phút chót đã trút hơi thở cuối cùng. Vua Ca Di thương xót vô cùng, bè truyền quân lính ở lại giữ thi hài, còn Ngài lật đật theo dấu đường mòn mà tìm đến lều tranh.

Ðây nhắc qua cha mẹ của Quan Thiểm, ngồi ở nhà cứ nhắc nhở sao con đi múc nước lâu mà chẳng thấy về, thì trong lòng có hơi lo ngại, kế nghe tiếng người đi rầm rộ đến, thì hai ông bà cất tiếng mà hỏi rằng: “Ai đi đó! Có chuyện chi mà đến đây đông vậy?”.

Vua ứng thanh Đáp:

Ta đây là vua Ca Di, nhân đi săn đi lạc vào chốn này, vậy cho ta nghỉ tạm ở đây một lát, rồi sẽ trở về.

Hai ông bà nghe nói, liền lính quýnh thưa rằng:

Bẩm đại vương, Nhà tôi nghèo hèn, nếu thánh giá có quang lâm, xin ngồi tạm nơi bộ phên tre, chiếc chiếu lác mà nghỉ. Vì tôi bóng quán không thấy đường, cúi mong Ðại Vương miễn chấp, để chút nữa con tôi về sẽ bái yết mà chịu tội. Vua Ca Di nhìn thấy tình cảnh của hai ông bà thì động tâm bèn nói thiệt rằng:

Ta không giấu chi nhà ngươi, số là ta đương đi săn trong rừng, rủi cho phần đạo sĩ là con của ngươi vừa đi đến, bị ta bắn lầm một mũi tên bây giờ đã thiệt mạng rồi, nên ta đến đây đặng tin cho nhà ngươi biết, rồi ta sẽ đem hai ngươi về triều mà nuôi dưỡng. Còn thi hài của đạo sĩ, ta sẽ truyền quân lính chôn cất tử tế; vậy hai ngươi nên an tâm đừng buồn rầu mà thêm bệnh. Ôi thôi! Hai vợ chồng nghe nhà vua nói vừa dứt lời, liền lăn xuống đất mà khóc ngất, và kể lể:

Hai vợ chồng tôi đã đui mù, chỉ có một đứa con sớm hôm nuôi dưỡng mà nay đã chết oan rồi vậy Phật trời có thấu nỗi này cho chăng?

Sau đó, hai vợ chồng xin vua cho người dẫn đến chỗ tử thi của con, đặng tỏ chút lòng yêu dấu.

Vua Ca Di thấy cái tình cốt nhục, nghĩa cha con, kẻ còn người mất như vậy, thiệt là quá thảm não, liền hối quân lính dẫn hai ông bà đến chỗ đạo sĩ lâm nạn.

Thảm thay! Khi hai ông bà đến chỗ tử thi của chàng Quang Thiểm, thì ông rờ rẫm trên đầu, còn bà vuốt ve dưới chân mà than thở rằng: “Trời ôi! Con tôi thiệt là chí hiếu, hết lòng nuôi dưỡng cha mẹ, cứ ban ngày thì đi múc nước và kiếm trái cây, đêm lại trì tụng kinh Phật. Nay rủi vì bị một mũi tên độc mà phải bỏ mạng nơi rừng xanh; từ rầy về sau, bóng ra vào vắng bặt, tiếng thăm nom hết thỏ thẻ bên tai. Tôi vái cùng thiên địa chứng minh và thánh thần soi xét, cho con tôi sống sót lại mà hủ hỉ với thân già; nếu con tôi bạc mệnh mà vội bỏ cõi đời, thì chúng tôi nguyện chết một chỗ cho trọn kiếp.

Linh dị thay! Khi hai ông bà khóc kể, thì tiếng sầu tư cảm động đến Hoàng thiên nên Ðế Thích mới hóa ra một vị thần y ở trên chót núi đi xuống, đến hứa cứu Quang Thiểm sống lại.

Vị thần y liền cạy miệng mà đổ thuốc vào, thì trong giây lát chàng cựa quậy rên la, rồi lần lần tỉnh lại, mở mắt ra thấy song thân ngồi một bên và quan quân đứng kề đông đúc. Chàng bèn lạy tạ ơn vua và mừng rỡ cha mẹ. Khi ấy cha con mừng mừng tủi tủi, nào dè sự trùng sanh được như vậy, nên đồng lạy giữa hư không mà đáp đền ơn tái tạo.

Sau đó, vua Ca Di từ tạ ra về, còn Quang Thiểm thì dìu dắt thân sanh trở về chòi tranh.

Ðây nói qua từ ngày vua Ca Di đi săn, thấy sự linh ứng như thế, thì ra lệnh cấm không cho ai vào rừng săn bắn nữa; và lại chiêu dụ quần thần phải phụng hành theo Phật giáo, giữ trọn mười điều thập thiện và bắt chước theo gương hiếu hạnh của Ðạo sĩ Quang Thiểm mà phụng thờ cha mẹ.

Nhờ chánh lịnh của vua Ca Di như thế mà cảm hóa đến bốn phương, nên khiến trong quốc độ mưa thuận gió hòa, muôn dân yên ổn. Thiệt là một thời kỳ thái bình an lạc.

Còn chàng đạo sĩ Quang Thiểm cứ giữ mực thường, mỗi ngày lo nuôi dưỡng song thân và tu tập theo Phật giáo, rồi sau cả gia đình theo thời gian đều đặng thiện chung nơi núi ấy.

Nguyên vua Ca Di là tiền thân của ông A Nan; thân phụ của đạo sĩ Quang Thiểm là tiền thân của Tịnh Phạn Vương, và thân mẫu là tiền thân của bà Hoàng Hậu Ma Gia.

Còn đạo sĩ Quang Thiểm có lòng chí hiếu mà bị vua bắn lầm đã nói trên đó chính là tiền thân của Phật Thích Ca.

Thiện Dụng