Người Phật Tử
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Từ khi Đức Thế Tôn khai sáng đạo vàng giải thoát, đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ; hàng đệ tử của Ngài số lượng không thể tính biết được. Nói như vậy là tính luôn cả hàng phi nhân, ẩn hình khó thấy. Tuy nhiên hàng đệ tử chứng đạo, hay sống ít ra giống như Thế Tôn có lẽ chẳng có là bao, so với số đệ tử chỉ có mang danh, mang tiếng là đệ tử Như Lai. Trong thời chánh pháp nhận định như vậy là sai, nhưng thời mạt pháp hiện nay phải nói gần như hoàn toàn là đúng.

Nói rõ hơn hàng học Phật như chúng ta hiện nay, chỉ còn danh nghĩa đệ tử Như Lai hiện lên qua hình ảnh; dù rằng thế kỷ hôm nay vẫn còn xuất hiện các bậc Thánh tăng, các vị chân tu đang hành hoạt, hoặc ẩn mình tu hành đâu đó.

Thật may mắn cho người nào đã và đang sống gần gũi với bậc chân tu thánh thiện; và lại thật buồn cho chúng ta vẫn mãi được xưng gọi là Phật tử con Phật mà không hiểu lời dạy của Như Lai! Tại sao lại không hiểu lời Phật dạy? Hỏi tất phải trả lời, trả lời cái ngu ngơ mà người viết cũng chẳng hiểu! Chẳng hiểu cái mình cho là hiểu mà thành không hiểu!

Thôi đành phải phân bua, tự tìm hiểu chính nơi bản thân mình.

Tạm chia ra vài quyết đoán, để mong thấy rõ kết quả rồi mới quả quyết được ý nghĩa và mục đích mà bấy lâu tự cho mình hiểu Phật!

Thứ nhứt: thử tìm hiểu về cái gọi là ngộ và chứng đạo

Thứ hai: sống như Thế Tôn dạy!

Cái gọi Ngộ và Chứng đạo

Ngộ đạo, ai cũng hiểu là hiểu biết nhận thức được đạo lý giải thoát, để có kết quả vui mừng hạnh phúc không sao kể được. Người ngộ đạo có thể ví như mở được cổng vào sân nhà; có thể đến gần quan sát ngôi biệt thự một cách cụ thể rõ ràng, chứ không phải đứng ngoài hàng rào nheo mắt

nhìn ngó. Tuy nhiên dù đã vào tận sân nhà đứng gần sát mặt, thậm chí tiếp chạm biết được căn nhà làm bằng chất liệu gì; nhưng so với kẻ đã vào bên trong nhà, thì người bên ngoài chẳng biết chi cả. Ngộ đạo có thể tạm ví dụ như vậy, dù thật vui, thật hạnh phúc rờ chạm được ngôi nhà mà bấy lâu chỉ đứng bên ngoài ao ước, nhưng rồi vẫn mãi không hiểu được bên trong. Giáo lý Như Lai như ngôi nhà vàng, ai ai cũng đều mơ ước được vào bên trong thưởng thức tất cả đồ vật quý báu. Với hàng hậu học như chúng ta thế kỷ ngày nay, chỉ có đứng bên ngoài thấp thó, với tay mà chẳng làm sao đụng được. Nhưng dù bên ngoài, đã cảm thấy hạnh phúc, lắm lúc còn an lạc nữa, huống gì vào được sân nhà; và như vào bên trong nhà, thì không thể nghĩ bàn được.

Ta không vào được sân nhà, vì ta không có chìa khóa, đó là vấn đề dễ hiểu; nhưng khó hiểu là chìa khóa đó do chính ta làm ra! Vậy chìa khóa là sự hiểu biết về đạo giải thoát ta không bao giờ dám nói là hiểu được Đấng giải thoát. Chẳng nên lầm là đã hiểu Thế Tôn, biết Thế Tôn qua kinh sách, tức hiểu pháp giải thoát. Ta có thể hiểu pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Nghiệp báo, kể cả một ít về Duy thức, Tánh không… những giáo lý căn bản, thường được nhắc đến; nhưng đó là lý hiểu biết theo nhận thức của ta, và cái hiểu đó vẫn còn cách xa với sự giải thoát. Nói đúng ra ta chỉ có tạm hiểu, nên chẳng được sự hỷ lạc với niềm tin hiểu đó. Niềm hỷ lạc phải thật mạnh mới khiến gọi là hiểu; hiểu đến nổi thay đổi được đời sống phàm phu thế tục của mình mới là hiểu; đó chính là lúc chìa khóa tự nhiên hiện ở trong tay.

Thử nghĩ, ta nói là hiểu giáo lý giải thoát, dù là căn bản nhất như là Khổ, sự thật có đúng vậy không?

Nếu quả thật hiểu khổ, tất nhiên phải sợ, vì khổ không ai lại thích. Khi sợ ta phải làm gì? Phải tìm cách diệt nó đi, chứ không thể chạy xa tránh nó; vì làm gì có thể trốn nó được! Nó chính là hoàn cảnh trên địa cầu này, và thân thể con người này. Nói chính xác hơn, nó chính là thân thể và ý thức chúng ta. Nó dính kẹt ngay trên thân xác và tinh thần, thì làm sao trốn được; cho nên phải nhìn ngay nó mà diệt nó. Thế ai đã diệt được nó? Không diệt được nó, vậy chẳng khác gì là không hiểu nó! Đừng nói là tôi hiểu, nhưng vì khó diệt thôi! Xin thưa không đúng vậy. Nếu quả thật là hiểu ta nhất định thực hành làm được, cũng như hiểu bài toán, nhất định phải giải được. Còn hiểu mà giải không được thì không thể gọi là hiểu hoàn toàn.

Khổ là một cụ thể, ai cũng sợ, nhưng vì không hiểu hết ý nghĩa Khổ nên nói sợ chứ thật sự chưa sợ. Và do chưa sợ nên không nỗ lực tiêu trừ; nhưng dù nói sợ hay không sợ mà không giải quyết, thì khổ vẫn là đau khổ, rồi cuối cùng nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển, đó là lời Phật dạy chẳng sai.

Thế thì ta không có được chìa khóa trong tay, là do chỉ hiểu trên ngôn ngữ, tình thức mà thôi; ta chỉ hiểu bằng cách nhìn nhận nó theo tình cảm lý trí thường tình thế nhân. Cho đến có thể lý giải bình luận thật sâu sắc về khổ, một cách rõ ràng cụ thể; nhưng rồi chỉ là vô ích không giúp được mình, cũng vì điều đó toàn là ngôn ngữ văn chương, rỗng tuếch chẳng phải việc làm cụ thể.

Đó là nguyên nhân ta mãi đứng bên ngoài không tìm được chìa khóa. Thời nay người được chìa khóa, vào tận sân nhà tha hồ nhìn ngắm đụng chạm tường vách cửa sổ ngôi nhà quả là hiếm hoi. Người được vậy ta gọi là ngộ đạo; nhưng ngộ đạo vẫn còn rất xa với người chứng đạo.

Chứng đạo là thêm được một chìa khóa nữa, chìa khóa này lại làm bằng vàng ngọc, xứng hợp với ngôi nhà vàng, nên có thể mở được cửa khám phá bên trong.

Khi vào được trong nhà rồi, xem như hết việc, xem như không còn để luận bàn về ngôi nhà, sân nhà hay bất cứ việc gì, bên trong bên ngoài ngôi nhà nữa. Người ấy đã làm chủ ngôi nhà, người ấy đã tự tại, đã vào ra ngôi nhà, là vào ra sinh tử, mà chẳng bao giờ có sinh tử; người ấy là bậc giải thoát, là những gì thế gian chỉ hiểu rất ít, duy chỉ có mượn hình ảnh Thế Tôn và chư vị Đại Bồ Tát mà mường tượng diễn đoán thôi.

Kết lại vấn đề là ta chẳng hiểu giáo lý giải thoát bằng tâm chân thật, mà chỉ hiểu bằng tâm phàm phu phân biệt. Tâm chân thật mới thấy sự thật, sự thật chân lý Phật dạy. Dùng tâm chân thật nên không cần phải tốn công tư duy, quán sát, vì tự người đó đã là sự thật của vấn đề như Phật dạy: thế gian vô thường, thân người giả tạm v.v… Người chân thật nghe đời là vô thường, tức liền sinh tâm không bám víu, không đấu tranh… để kết quả chẳng được gì cả. Lại biết thân người giả tạm, nên chẳng bao giờ tạo ác nghiệp đau khổ cho mình, cho người; như vậy, người chân thật hiểu giáo lý Phật dạy bằng chân tâm, nên ngộ được giáo lý giải thoát.

Khi ngộ được lời Phật dạy, thì hành động sinh hoạt trong đời sống, đương nhiên phải tương hợp với tâm giác ngộ đó. Người chân thật này nếu là cư sĩ, sẽ tùy vào định lực mà ngộ đạo chứng quả; nếu là tu sĩ sẽ lần lượt đi trọn con đường Thánh đạo, cho đến lúc khám phá hết tất cả những gì bên trong nhà mà Đấng giải thoát chẳng bao giờ giấu giếm một điều chi.

Sống như Thế Tôn dạy!

Đời nay đã xa Phật đến hơn 25 thế kỷ, đời nay chẳng những không thấy được Thánh Tăng, ngược lại còn đương đầu với vô số nghịch cảnh đau lòng ngay trong lòng người con Phật. Học Phật chúng ta còn nghe câu nói “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, những con trùng trong thân sư tử, ăn thịt sư tử. Ý nói chỉ có người trong đạo giải thoát mới làm hoen ố đạo giải thoát, chứ không có chuyện thế lực bên ngoài có thể làm hư đạo giải thoát được. Lời dạy này đúng là chân lý, và cả hai giới con Phật, xuất gia, tại gia đều có trách nhiệm, đều tự mình suy nghĩ.

Thế thì vấn đề quyết đoán ở đây là ta chẳng sống như Thế Tôn dạy.

Lấy cơ bản đời sống Thế Tôn, Ngài thường sống trong rừng; khi có Tinh Xá, Ngài nhứt định vẫn xem chỉ là phương tiện dễ dàng cho việc hoằng pháp, chứ không phải để yên ổn chỗ ở, yên ổn đời sống. Ngài tuyệt đối sống khất thực, đây là cách bắt buộc ly dục, là tránh sự ham muốn tích trữ, sợ sinh ra phiền toái, lợi dưỡng cá nhân, sinh ra vọng tâm tham chấp. Và cuối cùng quan trọng nhất là đời sống của Ngài, hoàn toàn không phí phạm một giờ nào cả, dù ngay khi thọ trai, hay sinh hoạt cá nhân. Có nghĩa Ngài luôn tỉnh giác, tỉnh thức từng hành động. Đại khái là như vậy, không thể nêu ra hết, và cũng không cần phải thêm nữa vì ai cũng biết Thế tôn như vậy.

Thế thì đời nay đệ tử Phật đã gần như không còn sống như Thế Tôn nữa, dù mang tiếng là con Phật. Đương nhiên ta biết vẫn có rất nhiều chư vị Thánh Tăng sống đời Tượng Pháp, và đến ngày nay thời Mạt Pháp, cũng có người chứng đạo, dù sinh hoạt đời sống không giống Thế Tôn. Nhưng không thể phủ nhận, đời nay đệ tử Như Lai sống hoàn toàn khác Đức Như Lai, ít nhất là đời sống nơi Tu Viện quá xa hoa đầy đủ, so với những Tinh Xá đời xưa. Đó là vấn đề dễ thấy nhất.

Điều nữa dù ta có cố gắng giảm chế đời sống ngày nay, để phần nào thực tập khổ hạnh như xưa, vẫn cũng thành khó, vì thiếu vắng Thánh Tăng hướng dẫn, nên sự khổ hạnh, hay không khổ hạnh cũng thành mù mờ khó biết.

Tuy nhiên một điều buộc phải noi theo gương chư Tổ cận đại, để thấy các Ngài tu thế nào, và hành Phật sự ra sao? Thật sự thấy rằng, không phải chư Thánh Tăng nào cũng phải khổ hạnh mới chứng được đạo, và cũng chẳng thiếu các Ngài sống dung dị bình thường, nhưng ngộ đạo đắc pháp. Ngày xưa Đại sư Huệ Năng sau khi được tôn xưng ngộ đạo chứng pháp giải thoát, Ngài cũng vẫn sống bình thường như bao nhiêu Hòa Thượng lớn sống ở Tùng Lâm, chỉ có lúc từ bỏ thế gian là phi thường tự tại. Có lẽ cái bình thường của Ngài ta thấy như vậy, nhưng cái phi thường của Ngài ta lại không thấy, đó là cái mà Ngài đã làm giống theo Phật. Ngài đã theo phương tiện y như Phật đã làm; sống ở Tinh Xá mà chẳng bao giờ xem để yên thân, xem là cứu cánh. Đại Sư Huệ Năng xem tất cả chỉ là phương tiện, và chẳng phí phạm một giờ phút nào ra ngoài chánh pháp. Cho nên lấy hình ảnh Lục Tổ Huệ Năng mà suy ngẫm, để có thể thực hiện phần nào, và nhứt là để thay thế hình ảnh Thế Tôn, mà ngày nay Phật tử chúng ta tưởng chừng đã quên hẳn.

Thế thì đời nay, người tu Phật phải hiểu cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện; và nỗ lực tinh tấn, sống nghĩ về cứu cánh nhiều hơn là phương tiện, vì dù ta không muốn phương tiện cũng bị phương tiện bao trùm đời sống chúng ta; bằng chứng ta chỉ còn nghe chuyện xưa của chư vị Thánh Tăng, chứ không dễ dàng tìm thấy Thánh Tăng nữa.

Tóm lại hai điều quyết đoán: hiểu biết ngộ đạo, chứng đạo, và làm theo Thế Tôn dạy, giúp ta có thể quả quyết khẳng định rằng, người học Phật hôm nay, phải luôn luôn ý thức, luôn luôn tụng đọc kinh điển và tiểu sử chuyện tích lời dạy của chư Tổ Sư chứng đạo. Đó là việc có thể khả dĩ thực tập, hành động phần nào theo chân chư Tổ; nếu không ta khó có thể hiểu được giáo pháp Như Lai, và càng khó theo lời Phật dạy; vì chư Tổ là người gần thời đại chúng ta, ta lại không làm được, nói gì làm theo đức Phật.

Thế giới ngày nay, càng lúc càng văn minh, thì con người không thể sống lùi lại những thế kỷ trước, đó cũng là nguyên nhân việc tu niệm thường trở thành lý tưởng, lý thuyết suông; vì khó thực tập, hành động phù hợp theo hoàn cảnh suy

nghĩ của người xưa. Tuy nhiên trên hết tất cả, Phật tử chúng ta phải biết, dù thế giới có thay đổi thế nào, con người vẫn nguyên vẹn sự Khổ không thể trốn tránh được; đó là vấn đề cứu cánh để thực hiện lời Phật dạy. Và điều còn lại là phương tiện sống, làm sao cho đúng người Phật tử trong một xã hội văn minh mà không mất đi tính từ bi, trí huệ.

Vậy thì có thể kết luận rằng, hàng con Phật cả hai giới xuất gia, tại gia đời nay thường chỉ còn là danh nghĩa, chứ nội dung thật chất đã quá mờ nhòa so với thời chánh pháp hay tượng pháp. Vì chỉ có hiểu đạo chứ không ngộ đạo, mà hiểu đạo hoàn toàn khác xa với ngộ đạo. Nhưng ngộ cũng chỉ là phần LÝ, chưa thể sống và hành nghiệp qua SỰ được, nghĩa là chứng đạo, giác ngộ như bậc Thánh.

Thêm nữa đời sống hành đạo ngày nay, lại chẳng y theo đời sống Thế Tôn, dù trên tinh thần Đại thừa phương tiện, hợp theo hoàn cảnh y báo ngày nay; nhưng chúng ta đã quên đi cứu cánh, là muốn giải thoát phải dứt trừ nhiễm pháp. Thế Tôn là bậc vô nhiễm, cũng phải thị hiện thiểu dục lánh xa bụi trần, chúng ta như thế nào dám gọi là phương tiện? Cũng may thế gian vẫn còn chư Thánh, chư Tổ cận đại hành đạo tha thiết với giáo lý Như Lai, cho nên ta còn có nơi nương tựa, không thì hình bóng Thế Tôn và lời dạy của Ngài sẽ biến thành tôn giáo thần linh không hơn không kém.

Tóm lại, hiểu được như vậy, Phật tử chúng ta dù sống đời mạt pháp hiện nay, vẫn còn là nhân duyên lớn, hạnh phúc cho chính mình; và ngôi nhà vàng Phật pháp, ta đã nhìn thấy được một cách rõ ràng, dù hãy còn đứng ngoài sân, nhưng niềm hân hoan hỷ lạc, có thể giúp ta nỗ lực thực hành tu học xa hơn; và một ngày không xa, nhất định chìa khóa vàng sẽ hiện đến trong tay một cách tự nhiên vậy.

Nam Mô A Di Đà Phật

2008 –



Trích từ: Ý Thức Giải Thoát