Home > Khai Thị Phật Học
Đức Phật Huyền Ký Tỷ Khiêu Phi Pháp Trong Tương Lai
Thượng Tọa Thích Tiến Đạt


Trong Kinh Phật Thuyết Phân Biệt có chép: “Đức Phật dạy “Tương lai có Tỷ khiêu không tự trong sạch, súc dưỡng vợ con, thân hành ô uế, tham cầu cúng dàng, không tin tội phúc mà mong cầu an vui, khó có thể thoát khỏi đọa lạc, thật đáng thương thay”.

A Nan bạch Phật rằng: “Như vậy đời sau này, có người xuất gia mặc pháp phục đều là nhờ vào uy thần của Phật, người đó tuy ở đời Tượng pháp, Mạt pháp mà gặp được nhân duyên chân chính sẽ được giải thoát, nhưng vì nhân duyên gì trong đó có người không tin, trái lời Phật dạy? Họ sẽ phải chịu thống khổ trong bao nhiêu kiếp?”.

Phật bảo A Nan: “Người đó đều do vô số kiếp về trước bị đọa trong đau khổ lâu dài, trong khi gặp phải sự thống khổ đó họ sinh tâm hối hận tự trách, mong muốn được làm điều lành để chuộc tội, do đó mà thoát ra, duyên nhất thời tự hối mà được phúc, tương lai trong đời mạt pháp được sinh làm người, tạm thấy Phật, Kinh, lại có thể cạo bỏ râu tóc làm vị Tỷ khiêu (Tỷ khiêu ny) nhưng vì bản thức không sáng, tâm ý do dự, mờ mịt không rõ, cho nên có sự ô trược, phần lớn không có khả năng xa lìa thói tục, không gặp được thầy bạn minh tuệ, như thế sẽ đọa vào chốn cực khổ, chịu tội vô số kiếp”. Phật dạy: “Này các Tỷ khiêu! Các ông đã xuất gia, cắt đứt ân ái xa lìa vợ con, bỏ đi sự nghiệp thế gian, làm vị Sa môn, phải nên tu hành Giới Hạnh đúng như pháp của một vị Thanh Văn La Hán; Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng, nuốt xuống liền cháy tan ruột gan, chứ chẳng được không có đức hạnh mà ăn của tín thí. Thà lấy giao bén cắt thịt trên thân, chặt bỏ chân tay, chứ chẳng được không có đức hạnh mà thụ dụng của tín thí. Người không có đức hạnh mà nhận dùng của tín thí sẽ nhiều kiếp đọa lạc chịu khổ, lâu dài mới được ra khỏi, nhờ chút phúc thừa tuy được làm người nhưng phải đền nợ, mỗi mỗi đều phải bồi thường; Có người phải làm nô tỳ để trả nợ, có người phải làm cha mẹ để trả nợ”.

A Nan hỏi Phật: “Thế nào là trả nợ?”. Phật dạy: “Có người phải làm nô tỳ, bị mọi người đánh đập, sai bảo bất chấp đạo lý, mà kẻ nô tỳ chỉ biết cam chịu không có lòng oán hận, siêng năng cần khổ làm việc, không quản lao nhọc, quý tiếc bảo vệ tài sản của chủ nhà, không dám tiêu dùng hay để thất thoát, đó là đời này làm nô tỳ để trả nợ. Bởi do đời trước nhận dùng của Tín thí mà không biết tu hành, làm việc công đức, nên phải chịu báo đến để trả nợ, chỉ cam chịu mà không oán than. Thế nào là làm con để trả nợ? Con cái kiếm ra tiền của, nhưng cha mẹ tiêu dùng, thất thoát không có giới hạn, mà con cái không dám than tiếc đó là làm con cái để trả nợ. Thế nào làm cha mẹ để trả nợ? Cha mẹ khó nhọc làm ra chút ít của cải, nhưng con cái tiêu dùng, làm thất thoát vô độ mà cha mẹ không có tim oán giận, để mặc cho chúng pháp phách. Đều do nghiệp thức nhân duyên tương tục, cho nên không có lòng tham tiếc. Các cách đền nợ đó do nhân duyên hòa hợp mà thành, đền nợ xong rồi liền thôi cũng không phải là thường hằng. Người có trí giác ngộ được điều này cho nên sẽ không tạo nghiệp đó. Duy chỉ có Đạo đức mới giữ gìn được lâu dài. Ta ở đời quá khứ cũng đã từng phải làm nô tỳ, Con cái, Cha mẹ để đến đền nợ người chẳng thể tính kể, đều do nhân duyên nhất thời chẳng thể miễn thoát. Đến nay Thành Đạo, Cha mẹ hiện đời này của ta đều do nhân duyên đạo đức đời trước, chẳng phải do trả nợ, cha mẹ đời đời buông bỏ, cho phép ta học đạo, khiến ta lũy kiếp tinh tiến cầu đạo, nay được thành Phật, đều là ơn lớn của Cha mẹ. Người muốn học đạo, không thể không tinh tiến Hiếu thuận, một khi để mất thân người, muôn kiếp khó trở lại”. (Đại chính Q17,Tr542 a)

Trích từ: Đại chính Q17,Tr542 a