Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Trung-Tin
Trùng Tín
Sa Môn  Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương, Thích Tuệ Giác | Hòa Thượng Thích Trung Quán, Việt Dịch


Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.

Thuở đó có ông Trưởng giả, nhà giàu lại không có con trai, ông bà thường hay đi cầu đạo ở các miếu thần, vì lòng thành kính khẩn nguyền, nên bà sinh được cậu con trai quý.

Một hôm ông bà ẵm cậu đến bờ sông, để thưởng thức các thú vui ngày đầu năm của gia tộc: Ăn các mùi ngon, uống các rượu tốt, ca hát, nhảy múa xem các trò vui.

Ông vừa bế cậu vừa nhảy múa, múa xong lại trao cho bà. Muốn cho cậu bé tươi cười vui vẻ, nên bà cứ tung cậu lên lại đỡ lấy, vừa cười, vừa đi trên mé sông, vì bỡn với cậu con quý của bà, nên tâm hồn tán loạn không cẩn thận, sảy tay đánh rơi cậu bé xuống sông kêu chỏm, bà hô la khản tiếng, có nhiều người nhảy xuống mò nhưng ôi thôi! Sông sâu nước chảy mạnh tuyệt vô tăm tích! Ông bà Trưởng giả ngất đi hồi lâu mới tỉnh.

Cuối dòng sông này có một thôn nhỏ, thôn ấy có một nhà giàu cũng không có con. Hết sức cầu Trời khẩn đất, đền nọ, miếu kia, vẫn vô hiệu quả.

Hôm ấy ông sai người ở trại thả lưới tại cuối con sông này, bắt được con cá lớn đem về mổ ra, thấy một đứa bé trai bị con cá nuốt mà vẫn còn sống; anh bế nó ra tắm rửa sạch sẽ rồi đưa cho ông chủ. Ông chủ xem xong vui vẻ nói:

Nhà ta từ trước đến nay chí thành cầu đảo, hôm nay thực là trời cho ta đứa con này, ông trao cho bà ẵm nuôi bú mớm cẩn thận.

Ông Trưởng giả mấc con hay tin có người mách bảo, cuối dòng sông này có người bắt được con cá lớn mổ ra được đứa con trai vẫn còn sống.

Ông bà rủ nhau đến xem, quả nhiên là con của ông thật.

Ông thưa rằng:

Thưa ông! Đây chính là con tôi, bữa trước bà cháu giỡn chơi với nó không may đánh rơi xuống sông, phúc đức quá! Ông bà lại cứu được cháu. Vậy xin ông bà cho tôi chuộc lại, bao nhiêu chúng tôi cũng xin trả?

Đáp: Thưa ông, nhà tôi thành kính cầu đảo thần kỳ đã lâu, được sự báo ứng cho tôi đứa con này, tôi để nuôi chứ không thể bán được!

Thưa ông bà, chúng tôi thương con đứt ruột, giờ đây được thấy cháu như người sống lại, ông bà hoan hỷ, nếu ông bà có lấy nửa gia tài tôi cũng xin vâng!

Thôi ông đừng nói nữa làm chi có chuyện lạ như vậy. Con ông rơi xuống sông là mất rồi, nếu bị cá nuốt thì chết rồi, còn sống sao được, đây là cái thai của con cá, đâu phải người đẻ.

Hai ông tranh luận mãi không giải quyết được, đưa nhau lên vua xử đoán.

Ông mất con tâu rằng:

Tâu Bệ Hạ! Bữa trước vợ tôi ẵm nó đi chơi xẩy tay rơi xuống sông, xin Bệ Hạ minh xét.

Ông được con nói:

Tâu Bệ Hạ! Người ở nhà tôi đánh lưới được con cá, đem về thấy đứa bé nầy ở trong bụng, chứ không phải anh ấy sinh nó ra.

Nhà vua nói: Bây giờ có một đứa bé hai nhà cùng nhận. Trẫm không biết cho ai là phải. Vậy hãy nghe ta giải quyết, đứa bé này ta cho hai nhà nuôi chung, sau nó sẽ là con của hai nhà, mỗi nhà cưới cho nó một con vợ, vợ nhà ai sinh thì thuộc con nhà ấy.

Hai ông đều thưa:

Dạ! Muôn Tâu Bệ Hạ, chúng con xin tuân mạng.

Cứ thế, hai ông về nuôi chung, năm qua tháng lại không bao lâu đã lớn, mỗi nhà đều cưới cho một cô vợ, đôi bên cha mẹ giàu một mình cậu tận hưởng.

Nhân có việc cậu đi sang xứ khác, cũng là đại nhân duyên, khi xong việc ra về gặp Phật đi du hóa nhân gian, cậu nhìn thấy Phật oai đức lớn lao, quang minh sáng sủa, đầy vẻ tôn nghiêm và thấy các người dân theo Phật tu học rất nhiều, cậu tới trước lễ Phật rồi lui ngồi về một bên nghe Phật thuyết pháp như cây kia bị nắng héo khô hạn, gặp trận mưa tưới mát, cành lá xanh tươi, cậu được nghe Phật thuyết pháp cũng thế, nghe xong lễ tạ lui ra.

Về nhà cậu rất sung sướng, với một ý niệm xuất gia sắt đá đã phát khởi tự đáy lòng, mặc dầu cho đôi bên cha mẹ lắm bạc nhiều tiền, vinh hoa phú quý, cậu coi nó như mây bay, như bọt nước, thưa với cha mẹ đôi bên rằng:

Kính thưa song thân, lúc con mới sinh, đã mắc nạn rơi xuống sông bị cá nuốt mạng thoát chết, con nhìn lại đời không có gì vững chắc, dù cho lắm bạc nhiều tiền, quyền cao chức trọng, vợ đẹp hầu sinh, không ai tránh khỏi hai chữ vô thường, chỉ có xuất gia cầu đạo giải thoát là vui thú nhất. Vậy kính xin cho con xuất gia tu học!

Ông bà trưởng giả nghe cậu nói có lý cao siêu, nên vui lòng cho tùy ý cậu.

Sau khi được sự đồng ý của đôi bên cha mẹ, cậu lên đường đi đến chốn Phật cúi đầu làm lễ bạch rằng:

Kính lạy đức Thế Tôn, thân người khó được, đời là ảo mộng con thành thực trút bỏ nơi tục lụy, tới đây cầu Thế Tôn cho con được nhập đạo tu hanh, xin từ bi tế độ!

Phật nói: Thiện Lai Tỷ Khưu!

Ngài nói dứt lời tóc trên đầu cậu tự nhiên rụng hết, áo mặc trên mình biến thành áo Cà Sa. Phật đặt pháp hiệu cho là "Trùng Tín".

Chăm chỉ tu hành không lâu đã đắc quả A La Hán.

Thấy thế tôi hỏi Phật rằng:

Kính lạy đức Thế Tôn! Không hay Trùng Tín quá khứ kiếp làm hạnh gì, trồng nhân lành gì, rơi vào mồm cá không chết, hơn nữa lại được hưởng hai gia nghiệp giàu có, cúi xin Ngài chỉ giáo cho chúng con được rõ nguyên nhân?

Phật dạy rằng: A Nan! Ông nên biết, đời quá khứ đã quá lâu có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi, một hôm Ngài đương thuyết pháp cho đại chúng, khi đó có một ông Trưởng giả đến dự thính. Buổi ấy Phật nói về phúc Bố thí, phúc Trì giới, ông vui mừng phát khởi lòng tin mạnh mẽ, xin Phật thụ Tam quy và thụ giới bất sát, thụ xong đem một đồng tiền dâng Phật. Bởi thế cho nên đời đời được phúc báo vô biên, trên cõi nhân gian, ít người bì kịp. A Nan! Ông Trưởng giả thuở đó nay chính là Trùng Tín Tỷ Khưu. Từ đó tới nay Trùng Tín đã được hưởng phú quý trong chín mươi mốt kiếp, nay được hưởng thụ gia nghiệp của đôi nhà. Do Trùng Tín giữ giới bất sát được hoàn toàn, nên cá nuốt không chết, và cũng thụ Tam quy nên nay mới được gặp ta, tắm gội pháp hóa của ta và đắc quả A La Hán, giải thoát sinh tử ba cõi.

Khi đó tôi và tất cả mọi người nghe Phật nói xong, ai nấy đều sung sướng phát tâm tu đạo, cúi đầu lễ tạ lui ra.