Trăm đời làm cha Phật không tiếp tục, Bởi gây chướng ngại Bồ Tát đạo.
Lúc đức Như Lai ở thành Xá vệ, có một lần đức Như Lai đang trên đường đến vườn Kỳ đà bỗng gặp một ông già Bà la môn. Ông già này vừa thấy đức Như Lai, không cầm được lòng liền gọi lớn một cách mừng rỡ:
– Con yêu của cha! Con yêu của cha!
Nói xong, ông cắm đầu chạy nhanh đến, định ôm chầm lấy đức Như Lai. Ngay tức khắc, các thầy tỳ kheo đi phía sau vội bước tới cản lại, không cho ông làm như vậy.
Đức Như Lai từ bi bảo các vị tỳ kheo:
– Các con không nên ngăn cản ông ấy, bằng không ông ta sẽ lập tức thổ huyết chết.
Các vị tỳ kheo liền buông ông già ra, ông nhào đến ôm chầm lấy đức Như Lai, giống như người cha lâu ngày thương nhớ con, cuối cùng đã được gặp, miệng lắp bắp gọi:
– Con yêu của cha! Con yêu của cha!
Đức Như Lai vẫn đứng yên như vậy rất lâu. Ông già khi ấy mới nhẹ nhàng buông tay ra, tâm kích động dần dần lắng xuống, ông bình tĩnh trở lại.
Lúc đó, đức Như Lai liền thuyết giảng với ông giáo pháp giải thoát thích hợp. Ngay tức khắc, ông già này được chứng đắc quả Dự lưu.
Sau khi chứng quả, ông quỳ xuống phát nguyện với đức Như Lai:
– Con mong muốn được xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai, xin Ngài từ bi chấp nhận.
Đức Như Lai hoan hỷ nhận lời, lại dùng cách gọi “thiện lai tỳ kheo” để truyền giới cụ túc cho ông.
Sau khi xuất gia sống đời tỉnh thức, ông luôn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp.
Sau đó, đức Như Lai tùy theo căn cơ của ông mà thuyết giảng những pháp giải thoát thích hợp. Ông nỗ lực tu tập tinh tấn, không bao lâu dứt trừ được hết phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A la hán.
Lúc đó, chúng tỳ kheo cung kính đảnh lễ thưa hỏi đức Như Lai:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Trong ngàn vạn người nam từng quỳ mọp đảnh lễ Ngài, chẳng có ai cư xử với Phật giống như ông già này. Hành vi kỳ lạ của ông già này, rốt cuộc là do nhân duyên như thế nào? Ngưỡng mong đức Như Lai từ bi giảng nói cho chúng con được rõ.
Đức Như Lai từ bi nhìn khắp đại chúng một lượt rồi chậm rãi nói:
– Này các tỳ kheo! Ông lão này đã từng làm cha của ta trong suốt 500 kiếp trước. Do tập khí đời trước còn sót lại nên mới có hành vi như vậy.
Chúng tỳ kheo lại bạch hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Ông lão này đã làm cha Ngài suốt 500 kiếp, vậy sao đời này lại không tiếp tục như vậy?
Đức Như Lai đáp:
– Khi ta tu hành đạo Bồ Tát, rất ưa thích sự bố thí rộng khắp, tâm xuất ly mãnh liệt, nhưng ông lão này trong suốt 500 đời đó thường không ủng hộ ta, cố ý tạo ra rất nhiều chướng ngại, nghịch duyên. Vì thế ta đã phát nguyện là sau này ông ấy sẽ không làm cha ta nữa. Ngoài ra, đức vua Tịnh phạn, cha của ta trong đời này, trước đây đã từng phát nguyện khi ta thành Phật sẽ được làm cha ta. Do hai nhân duyên đó nên đời này ông ta không còn được làm cha ta nữa.
Các vị tỳ kheo lại thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy không biết vào đời trước vua Tịnh phạn đã có nhân duyên phát nguyện như thế nào?
Đức Phật dạy:
– Cách đây 91 đại kiếp về trước, vào thời đức Phật Câu lưu tôn còn tại thế, có một người lái buôn lớn cúng dường đức Phật Câu lưu tôn, thấy sắc thân vàng ròng đủ 32 tướng tốt, vô cùng thù thắng trang nghiêm của đức Như Lai, ông ta liền phát nguyện:
“Do công đức cúng dường đức Phật hôm nay, nguyện cho sau này tôi sẽ có được người con giống như Đức Phật.”
Người lái buôn thuở đó nay chính là vua Tịnh phạn. Do nguyện lực ngày trước nên đời này trở thành cha của ta.
Chúng tỳ kheo lại thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy do nhân duyên gì mà ông lão Bà la môn đó phải chịu quả báo đời này bần cùng, mãi đến cuối đời mới gặp được đức Như Lai và xuất gia sống đời tỉnh thức?
Đức Phật dạy:
– Này các tỳ kheo! Do nhân duyên nhiều đời gây chướng ngại cho sự bố thí rộng khắp và sinh tâm xuất ly của Đại Bồ Tát, nhất là ngăn cản sự xuất gia sống đời tỉnh thức, như vậy tạo tác không ít duyên xấu. Vì thế nên đời này ông ấy phải chịu quả báo nghèo khổ, mãi đến những năm cuối đời mới được gặp Phật, xuất gia sống đời tỉnh thức.
Các vị tỳ kheo lại hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy do nhân duyên gì mà ông ấy khởi tâm hoan hỉ đối với Như Lai, lại xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát, chứng đắc quả vị A la hán?
Phật dạy:
– Đây đều là do nguyện lực đời trước của ông ấy, đến đời này đã thành thục. Trong Hiền kiếp này, lúc đức Phật Ca diếp còn tại thế, tuổi thọ con người đến 20. tuổi, có một vị tỳ kheo khi lâm chung phát nguyện rằng:
– Do công đức xuất gia sống đời tỉnh thức, trọn đời giữ giới thanh tịnh, tu tập giáo pháp giải thoát của Phật đà, nguyện cho sau này tôi sẽ được sinh trong giáo Phật của đức Thích ca Mâu ni Thế Tôn, khởi tâm hoan hỉ, xuất gia sống đời tỉnh thức, dứt trừ hết phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A la hán.
Do nguyện lực ấy, ngày nay ông ấy được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát, trở thành bậc A la hán.
Đại chúng tỳ kheo nghe Phật thuyết dạy nhân duyên đời trước, thảy đều sinh tâm hoan hỷ, tin sâu giáo lý nhân quả, cung kính đảnh lễ lui ra.