Thưa anh!
Qua những lời dạy của cổ nhân, em như người vừa tỉnh mộng. Tất cả sự mê chấp cảnh trí phù du của cuộc đời lần lần tan biến như sương sớm gặp thái dương, lòng em cảm thấy lâng lâng không còn chút gì ràng buộc. Nhưng em rất lo ngại, vì Phật pháp cao siêu mầu nhiệm, nếu không phải là bậc thượng căn, có nhiều túc nghiệp thiện, sợ khó có thể thực hành. Lại nữa, em gần suốt cuộc đời, đắm chìm trong danh lợi, trong nghiệp khổ mộng mơ, tội nghiệp chất chồng, phúc duyên quá mỏng. Sợ rằng, dù có thật sự hồi đầu cũng khó có thể đến bờ kia. Mong anh vì thương đứa em sơ cơ này mà chỉ cho phương pháp thật dễ tu, dễ làm, để từ đó em có cơ hội trở về bến giác!
Em thân thương của anh!
Đường vào cõi Phật có rất nhiều lối, có ngõ tắt, đường cong. Có người ý chí kiên cường muốn tự mình chiến thắng tất cả ma quân phiền não để đi vào, dù phải vượt qua vô vàn nguy hiểm. Có người cảm thấy bóng quang âm thấp thoáng, ngày chết gần kề, cần nương vào đại nguyện của đức Từ phụ mà thoát qua bể khổ. Nhìn mái tóc em đã điểm sương, thân thể võ vàng tiều tụy, răng rụng mắt lờ, chứng tỏ thiệp mời vô thường đã nhiều lần gởi đến. Vì thế, anh trân trọng giới thiệu cho em một phương pháp thẳng tắt dễ tu, hợp thời cơ mà đức Thế Tôn đã ân cần khuyên bảo.
Trong Tịnh Độ Truyện, ngài Long Thơ nói: “Đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát nương theo thuyền đại nguyện, vượt bể sinh tử đến cõi Ta bà, dẫn dắt chúng sinh lên thuyền từ, đưa về Tây phương Cực lạc, được sinh trong hoa sen, dự vào hàng bất thối”. Qua lời kể trên, chúng ta thấy Phật và Bồ tát thương nhớ chúng sinh chìm đắm trong bể khổ không bao giờ ra khỏi, nên dùng oai lực của thệ nguyện tiếp độ mọi người sinh về cõi tịnh, như vị thuyền trưởng đưa mọi người lên thuyền để thẳng đến bờ kia.
Hành giả nếu có lòng tin, muốn được vãng sinh, dù có nghiệp nặng cũng được vãng sinh. Lòng ham muốn vô cùng quan trọng trong hiện tại. Nếu tâm muốn đi, thân họ cũng phải đi theo. Tâm muốn đứng, thân vẫn đứng theo. Tất cả hành động của thân này đều do tâm niệm mà hành động. Vì thế, nếu người có tâm niệm vãng sinh, thân thoát được sự trói buộc, chỉ còn có tâm niệm, chắc chắn tâm niệm muốn chỗ nào sẽ sinh vào chỗ đó. Do đó, người có tâm niệm muốn sinh về Tịnh độ, chắc chắn được sinh, huống chi còn thêm sức Phật và Bồ tát tiếp dẫn, việc vãng sinh càng thêm chắc chắn.
Ngài Thừa Tướng Đặng Thanh nói: “Người học Phật đời nay thường nghiên cứu Thiền, Giáo, Luật. Nều nói về cứu cánh viên đốn không pháp nào bằng thiền, nhưng không phải là bậc thượng căn, thần lãnh, ý giải sẽ khó khỏi dẫn vào chỗ sai lầm ngoan không. Nghiên cứu Tam thừa không pháp nào bằng Giáo, nhưng không phải là người được cá quên nôm, theo ngón tay để thấy mặt trăng, vẫn chưa khỏi bị chê là con mọt đục giấy. Bỏ dữ làm lành không pháp nào bằng Luật, nhưng không phải người thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong ngoài là một, vẫn chưa khỏi cái khổ tự trói buộc. Tóm lại, chỗ quy túc của Thiền, Giáo, Luật là Giới, Định, Huệ. Không do Thiền, Giáo, Luật mà được Giới, Định, Huệ chỉ có một pháp môn duy nhất là pháp môn Tịnh độ. Vì trong khi niệm Phật, miệng niệm, tâm dừng, các việc ác không làm, tức là Giới. Lòng nhớ cõi tịnh, mảy trần không còn tức là Định. Niệm Phật khi không niệm là niệm, ánh sáng thường chiếu tức là Huệ. Nếu có người trừ hết muôn việc nghĩ xằng, một lòng hướng về Tây phương, thời không cần lấy gậy đánh hoặc la hét (thiền cơ) mà thuộc về căn cơ viên đốn. Không cần xem hết Đại tạng kinh mà được chánh pháp nhãn tạng, không cần giữ tứ oai nghi mà đặng đại tự tại. Không nhơ, không sạch, không trói buộc, không giải thoát, trong lúc ấy hoàn toàn được Giới, Định, Huệ, hoàn toàn được công năng trọn vẹn Thiền, Giáo, Luật, tâm ta và tâm Phật không khác gì. Đây chính là chỗ rốt ráo của pháp môn niệm Phật. Chừng đó, nước tám công đức đầy trong ao báu, nghiễm nhiên ngồi đài sen, còn có ngại chi!
Liên Trì đại sư nói: “Người tu theo pháp môn niệm Phật là theo một con đường vô cùng thẳng tắt, thực hành rất giản dị nhưng thành công rất to lớn và mau chóng, nên Hòa thượng Thiện Đạo khuyên: “Chỉ có đường tắt tu hành, gắng niệm A Di Đà Phật”. Người tu hành có mục đích duy nhất là thoát ly sinh tử, như con mọt đục ống tre, mục đích làm thế nào thoát khỏi ống tre. Người học các pháp môn khác là phương pháp thoát ly sinh tử theo đường dọc, như con mọt đục theo chiều dọc phải qua 52 lóng mới thoát được ra ngoài thật vô cùng khó. Còn người niệm Phật cầu vãng sinh thoát sinh tử theo chiều ngang, như con mọt chỉ cần đục trong chốc lát là có thể ra ngay, khỏi cần trải qua nhiều thềm bậc. Do đó, pháp môn niệm Phật được coi là pháp môn thẳng tắt dễ tu hành nhất”.
Niệm Phật có 4 cách:
01. Thật tướng niệm Phật: Bản tánh chúng sinh có đủ thật tướng, nhưng bị nghiệp chướng nặng nề nên ít có người được giác ngộ.
02. Quán tượng niệm Phật: Khi tượng mất lại về không, do đó mỗi niệm trở thành giai đoạn.
03. Quán tưởng niệm Phật: Chúng sinh rất khó quán tưởng vì tâm thô mà Thánh cảnh rất vi tế, diệu quán khó thành.
04. Trì danh niệm Phật: Phương pháp này vô cùng giản yếu, thẳng tắt. Chỉ gắng niệm danh hiệu Phật không gián đoạn sẽ được vãng sinh. Khi được vãng sinh rồi, lo gì không tỏ ngộ. Lúc ấy, không cần thật tướng, mà thật tướng hiện rõ ra. Niệm Phật pháp môn là con đường tắt tu hành, mà trì danh là ngõ tắt nhất trong con đường tắt ấy.
Trong Liên Tôn Bửu Giám viết: “Ta bà là cõi trược, rất nhiều khổ và cầu đạo khó thành. Tịnh độ là cõi vui, các lành đều họp và vị lên bất thối. Người xưng hiệu Phật nhờ chư Phật hộ niệm mà được vãng sinh. Kẻ phát Bồ đề tâm đó, ánh sáng từ bi chiếu rọi mà luôn luôn tinh tấn. Bồ tát, La hán đều là bạn tốt; cây nước, chim rừng nghe rồi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Bên tai thường nghe diệu pháp, trong lòng dứt hết tham sân. Vui vẻ vô biên, sống lâu vô lượng. Người vừa vãng sinh Cực lạc, liền được vào vị bất thối. Điều ấy, người trời không bao giờ dám nghĩ đến”.
“Trái lại, cõi trược mở mắt ra dẫy đầy thuận nghịch. Trên đường đến quyền thừa, người căn lành ít, khó được chu toàn. Ở quốc độ Tam thừa, trải qua muôn ngàn ức kiếp mà công hạnh khó thành, niệm Phật pháp môn chỉ trong khảy móng tay liền được sinh về An Dưỡng. Người sơ cơ học đạo không nương vào tha lực, khó có thể tiến tu. Đức Phật có nguyện rộng sâu, nếu người có duyên trì danh chắc được tiếp dẫn. Các pháp môn khác học đạo khó như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật cầu vãng sinh dễ như buồm căng gặp nước thuận. Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn thẳng vào quả Bồ đề, các Thánh dắt dìu mau ra ba cõi. Bậc thượng phẩm hoàn thành Phật quả, hạ sinh còn vui hơn thiên cung. Kính mong toàn thể đừng nghi, chắc sẽ chứng được quả bất thối”.
Trong Tây Phương Công Cứ dạy: “Làm lành ở thế gian có muôn ngàn cách, tại sao chỉ khuyên người niệm Phật? Ý niệm con người có nhiều quan hệ đến đời sống. Người có ý niệm lành sinh về thiên đường, có ý niệm ác sinh về địa ngục. Ý niệm ngay thẳng làm người, ý niệm tà vạy làm quỷ, súc. Ý niệm là động cơ chánh của đời sống. Ý niệm ma thành ma, ý niệm Phật thành Phật. Nếu muốn ra khỏi ba cõi sáu đường phải một lòng niệm Phật, để mất thân người muôn kiếp khó gặp lại. Đức Phật dạy người niệm Phật, Tổ sư khuyên niệm Di Đà, những lời ấy hoàn toàn là chơn thật. Sở dĩ niệm Phật không được thành Phật, vì người niệm Phật miệng niệm nhưng tâm không niệm, tuy nói là có niệm, nhưng hoàn toàn giống như người chưa niệm, uổng qua một đời, chưa niệm được một tiếng. Khi niệm, chữ mình niệm phải phát xuất từ tâm, gốc không phải từ miệng. Mỗi niệm từ tâm sinh, tiếng từ miệng phát ra. Tâm là Phật, miệng là Phật, cả hai hợp nhau đó gọi là niệm Phật”.
Có người nghi, trong mười phương có muôn ngàn vị Phật mà tại sao Phật, Tổ lại khuyên ta chỉ nên niệm Phật A Di Đà? Nguyên nhân do đức Phật A Di Đà có 48 đại nguyện, thệ nguyện độ hết tất cả chúng sinh trong mười phương. Trong ấy có nguyện: “Nếu tất cả chúng sinh trong các thế giới ở mười phương, có người xưng niệm danh hiệu ta, mà không được sinh về cõi nước ta, ta thề sẽ không làm Phật”. Cõi nước Cực lạc có chép đủ trong kinh A Di Đà.
Người đời giàu sang vinh hiển, trăm tuổi rồi cũng thành không! Cõi trời hoa trổ ngàn năm, rồi cũng dứt! Sao bằng vào được thế giới Cực lạc sống lâu vô lượng, và phương pháp vãng sinh chỉ có một câu Di Đà mà tựu thành! Ở thế gian có người dốc lòng tìm đạo, mòn gót phong trần. Nếu không phát thệ nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương là tự dấn thân mình vào con đường gian khổ nhiều ma lực. Ba tạng, mười hai bộ kinh nhường cho người khác. Thiền ngộ, tám muôn bốn ngàn pháp môn để cho người khác (giáo) thực hành. Ngoài câu Nam Mô A Di Đà Phật không dùng thêm một chữ.
Khi đã quyết tâm, ban đầu mỗi người cần một gian tịnh thất, một ảnh Phật, một lò hương, một bát nước, một ngọn đèn, một tờ giấy vẽ. Từ sáng đến chiều chí thành chí kính, xâu chuỗi chẳng rời tay, câu Phật hiệu không rời miệng. Niệm lớn, niệm nhỏ hoặc sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc bốn chữ A Di Đà Phật. Niệm gấp, niệm hưởn, niệm chậm, niệm thầm, chấp tay niệm, quỳ gối niệm, nhìn tượng niệm, hướng phía Tây niệm, đánh mõ niệm, lần chuỗi niệm, kinh hành niệm, lễ bái niệm, một mình niệm, hòa chúng niệm, ở nhà niệm, ra ngoài niệm, rảnh niệm, bận rộn niệm, đi niệm, đứng niệm, ngồi niệm, nằm niệm, niệm lúc thức, niệm trong mộng… Niệm được như thế gọi là chơn niệm. Dần dần niệm đến nước mắt rơi đầy thất (chí thành), niệm đến lửa tắt lò lạnh (vọng niệm tan mất), niệm đến thần sầu, quỷ khóc (ma đều tiêu diệt), niệm đến trời vui đất cười (thiên nhân cung kính), vạc than xa lắc, ao sen báu gần kề. Dù có muôn ngàn áp lực bắt ta không niệm Phật cũng không thể được. Quyết chí như thế là chuyên tu. Ngàn người tu ngàn người được vãng sinh.
Thiền sư Hán Nguyệt dạy: “Cầu sinh Tịnh độ phương pháp rất nhiều, không cần ham hố, chỉ chọn một pháp. Chúng ta có thể hằng ngày phân thời khóa, mỗi thời tụng kinh A Di Đà, trì chú vãng sinh, rồi niệm danh hiệu Phật. Niệm ra tiếng nên niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, khi niệm thầm nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, vì bốn chữ dễ niệm, dễ thành công. Dù vậy, trong thời khóa tụng, để việc niệm Phật càng ngày càng tinh tiến, cần nên lần chuỗi, thiết niệm. Đọc không luống theo hơi, tuy có niệm mà không khít khao, khó được thành tựu. Khi niệm cần phải hết lòng, câu trước đuổi theo câu sau, một tiếng khít một tiếng. Gắng niệm từ một ngày đến bảy ngày, niệm đến hư không tan hết (hết vọng), năm uẩn đều tiêu (dứt hết bỉ thử), gọi là nhất tâm bất loạn. Chừng đó, Tịnh nghiệp đã thành, chỉ chờ ngày vãng sinh Cực lạc”.
Em thân thương của anh!
Qua dẫn chứng trên, chúng ta thấy, Phật pháp có nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều phải tự mình diệt trừ vọng nghiệp để vượt qua bể khổ sinh tử, thật vô cùng khó đối với chúng sinh trong thời mạt pháp nghiệp chướng nặng nề. Duy có pháp môn niệm Phật nương vào sức mình và sức Phật để được vãng sinh. Khi về Cực lạc rồi, pháp nào không ngộ, quả nào không tròn! Chỉ cần một danh hiệu Phật, do đó việc làm dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu nhanh chóng, mà cũng là pháp môn duy nhất để những người nhiều trần ai hệ lụy có cơ hội quay về. Khuyên em nên nghe theo ngài Đại Trí luật sư khuyên:
“Cực lạc Tây phương thật dễ cầu
Cuối thu lá đổ, nghiệp còn đâu
Lần châu lần mãi không ra mối
Mới biết Di Đà ước nguyện sâu!”.