Cư sĩ Trương Sư Thành, tự Tâm Hữu, hiệu Lan Chữ, quê ở thôn Quy An tại Hồ Châu. Cha mộng thấy vầng nhựt chiếu sáng vào cửa song, tỉnh giấc thì ông đã sanh ra. Mẹ mất sớm, Sư Thành thờ cha được tiếng khen là hiếu hạnh.
Ông đỗ tiến sĩ lúc còn trẻ, làm quan trải qua các miền biên cương, kế đó được thuyên chuyển về giữ chức Tuần phủ tại Giang Tô. Thấy dân chúng nơi đây tạo nghiệp sát rất nhiều, ông hằng đưa ra những điều khuyến giới ngăn dứt bớt. Mấy chỗ sông hoặc ao hồ phóng sanh, Sư Thành đều sai quân dựng bảng nghiêm cấm không cho sát hại loài thủy tộc. Trong dinh thự không sát sanh, chẳng bày yến tiệc chiêu đãi khách. Kế đó ông trường trai thờ Phật, chuyên tu Tịnh Độ, tự hiệu là Nhứt Tây cư sĩ. Ông từng biên soạn những luận thuyết về Tịnh Độ của bậc tiên hiền, tập hợp lại thành một quyển gọi là Kinh Trung Kính Hựu Kính. Đoạn sau lại phụ lục thêm những ca vịnh về Tịnh Độ. Cư sĩ từng làm vài mươi bài khuyến hướng niệm Phật, lời lẽ hàm ý cảnh giác rất tha thiết. Nay xin lược chép ra 8 bài như sau:
I
Duyên lành may được biết hồng danh
Hỏa tốc về Tây một kiếp sanh!
Nếu chẳng quyết tâm dùng hết sức
Bào thai luân chuyển lạc mê thành!
II
Vừa đề hiệu Phật các ma xâm,
Hàng phục làm sao được nhứt tâm?
Miệng niệm, tai nghe, tâm tiếng hợp
Tràng châu rành rẽ mãi nghiên tầm.
III
Đường tu rất thiết mặc chê khen,
Danh lợi buồn vui cũng kém hèn!
Dây ái dứt trừ dùng huệ kiếm,
Vân Thê "Thất bút" vạn lần xem. (1)
IV
Thương mình xót chúng phát Bồ đề,
Thuyền nguyện thề dong độ bến mê.
Trước mượn cành sen nương cảnh Phật,
Cánh lông đầy đủ mặc bay về.
V
Chấp trì không hở thệ gìn lòng,
Cần lúc lâm chung một niệm thông.
Tiếc bấy Đông Pha công cứ đó,
Chưa năng gắng sức những hoài công. (2)
VI
Rất sợ ngày quy nghiệp thức mê,
Hơi mòn khó niệm lưỡi hầu tê.
Nếu như bình nhựt không chuyên thiết,
Đâu được tư lương giúp trở về.
VII
Tự tánh duy tâm lẽ khó tin
Trời in nước lặng dụ này minh.
Một lòng niệm đến tâm hòa Phật
Giờ tới, tự nhiên Phật tiếp nghinh. (3)
VIII
Chút còn niệm ái dứt chưa rồi
E lúc lìa trần bị nghiệp lôi.
Muốn thoát Ta Bà trừ phải sạch
Thứ công danh luận rõ mười thôi. (4)
Năm Đạo Quang thứ 8, cư sĩ tuổi đã hơn lục tuần, xin hưu dưỡng về quê. Hằng ngày ông ở nơi gian tĩnh thất, một lòng chuyên niệm Phật. Hơn năm sau, cư sĩ qua đời. Lúc lâm chung, ông tụng kinh A Di Đà vừa xong tiếp sang niệm Phật. Đến câu thứ năm bỗng ngồi lặng lẽ mà hóa.
Ghi chú:
(1) Thất bút, tức bảy bài mệnh danh “Thất bút câu” của Vân Thê đại sư lúc còn tại tục, đã có phóng dịch ở tập trước.
(2) Tô Đông Pha đi đâu cũng thường mang theo bức tượng A Di Đà, gọi đó là Tây Phương công cứ của mình. Đến khi lâm chung bịnh trở nặng, thân hữu khuyên niệm Phật, ông thều thào bảo: “Cõi Cực Lạc và sự tiếp dẫn có thật, nhưng chỉ khổ lúc này tôi gắng sức không nổi !”.
(3) Nguyên văn dẫn thí dụ mặt gương đủ tánh nước và lửa, nhưng e độc giả khó hiểu, bút giả đổi lại chỉ dùng thí dụ nước. Nước đủ tánh trong lặng chiếu soi, ví cho chúng sanh sẵn đủ tánh Phật thường lặng thường chiếu. Khi nước lặng, ánh sáng nhật nguyệt và hiện tượng trời mây đều thấu suốt in vào, dụ cho tâm chúng sanh nếu thanh tịnh thì sẽ được từ quang của Phật dung hòa nhiếp lấy. Như thế lúc lâm chung sự tiếp dẫn của Phật là điều tự nhiên dễ hiểu, không có chi là mờ mịt khó tin.
(4) Dương Thứ Công có lời nói mà tác giả khen là danh luận: “Nghiệp ái chẳng nặng, chẳng sanh Ta Bà, niệm Phật không chuyên không về Cực Lạc!”. Tuy nhiên, nếu tâm chúng sanh còn chút niệm ái trước, tức là bị dính mắc và ràng buộc, làm sao có thể niệm Phật chuyên nhứt và được vãng sanh? Cho nên ý tác giả muốn đổi lại là: “Nghiệp ái chẳng dứt trừ, chẳng ra khỏi Ta Bà. Niệm Phật không nhứt tâm, không sanh về Cực Lạc!” Như thế tợ hồ lại càng tinh đáo hơn,