Phí thị, vợ của Trầm Xuân Giao, nhà ở trấn Song Lâm tại Hồ Châu. Bà góa chồng sớm, làm nghề dệt vải để sanh sống. Cảm xúc về thân thế mình, bà phát tâm ăn chay trường tu niệm, nhà có thờ tượng vẽ Tam Thế Phật và tượng cốt Quán Âm bằng gỗ chiên đàn. Mỗi ngày bà tụng một quyển kinh Kim Cang, niệm Phật ngàn câu, cứ giữ mực thường như thế không hề thiếu sót.
Niên hiệu Sùng Trinh thứ mười một, bịnh dịch hoành hành khắp vùng ấy. Chàng rể là Trương Thế Mậu, rước và tản cư về ở nhà mình. Phí thị đem theo cốt tượng Quán Âm, thờ riêng ở một gian lầu nhỏ để chiêm bái trì tụng. Mỗi ngày trong thời khóa lễ, bà đều khấn nguyện cho khói hương bay đến chỗ thờ tượng Tam Thế Phật ở ngôi nhà cũ. Như thế trải qua ba năm, một hôm giữa hư không bỗng có khói hương nhiễu quanh gian lầu nhỏ vài ngày. Kế tiếp nơi bức tường quét vôi trên chỗ thờ tượng Quán Âm, nổi hiện lên tượng Tam Thế Phật rất trang nghiêm tịnh diệu, hình nét màu sắc đều rõ ràng. Kẻ gần xa nghe chuyện ấy, đến chiêm lễ mỗi ngày một đông. Có người thử dùng khăn sạch lau mạnh chà xát, màu nét càng hiện lên sáng rỡ.
Đến năm thứ tư, một hôm Phí thị bảo chàng rể rằng: “Mẹ muốn trở về thăm ngôi nhà cũ, để viếng tượng Tam Thế Phật”. Vừa về đến nơi xưa, bà liền quét dọn rửa lau sạch sẽ, rồi đốt hương lễ Phật tụng kinh. Đến sáng sớm ngày thứ ba, Phí thị tắm gội thay y phục, ngồi ngay thẳng niệm Phật. Đến giờ Ngọ, bà bỗng to tiếng bảo: “Đức Phật A Di Đà đã quang lâm tiếp dẫn. Mọi người ở lại cố gắng tu hành. Tôi đi đây”. Nói xong, liền nhắm mắt mà vãng sanh, hưởng thọ bảy mươi ba tuổi.