Home > Linh Cảm Ứng > Tu-Giac
Tự Giác
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đời Đường, Thích Tự Giác, người ở Bác Lăng, xuất gia tại chùa Khai Nguyên lúc còn trẻ. Niên hiệu Trí Đức thứ hai, sư sang chùa Thiền Pháp ở huyện Linh Thọ, học tập kinh, luật, luận. Trải chín năm cần khổ, hạnh giải đều đến chỗ tinh vi.

Niên hiệu Đại Lịch năm đầu, Tự Giác qua huyện Bình Sơn, ngụ tại Trùng Lâm viện ẩn tu niệm Phật. Từ đó, mỗi ngày sư chỉ dùng một bữa ngọ, cơm rau áo vải, sư ăn mặc rất là thanh đạm. Gặp năm trời hạn lâu, quan Tiết độ sứ ở Hằng Dương là Trương Công nghe tiết hạnh sư, tự thân vào núi thỉnh cầu đảo võ. Tự Giác thành tâm tụng niệm, khẩn cáo với chư vị long thần. Nhiều cơn mưa to liền tiếp tục rơi xuống. Trương công cùng dân chúng đều cảm đức mến trọng.

Ban sơ Tự Giác muốn đúc tượng Đại Bi Quán Âm và xây dựng chùa. Sau cơ hội đảo võ, của đàn tín đến nhiều, sư mới thật hành bản nguyện, tạo tượng Bồ Tát cao 49 thước, phạm tướng rất nghiêm đẹp. Đến cuối năm ấy, ngôi chùa cũng lạc thành. Mọi việc an bài, Tự Giác lên bảo điện quỳ phát nguyện, xin nhờ Phật lực được sớm sanh về Tịnh Độ. Đến canh ba, sư thấy kim quang chiếu đến rực rỡ, Tây Phương Tam Thánh hiện trong ánh sáng, đức A Di Đà Thế Tôn đưa tay vàng xoa đầu Tự Giác và bảo: "Giữ chí chớ đổi, lợi sanh trước tiên, hoa sen ao báu, sẽ hợp tâm nguyện!".

Đêm rằm tháng hai năm Trinh Nguyên thứ 11, sư thấy thần nhơn hiện nửa mình trong mây, cúi xuống gọi bảo: "Hạn kỳ Tây quy đã đến, nên sớm chuẩn bị!". Tự Giác chấp tay đưa lên tỏ dấu tạ ơn. Đến ngày 14 tháng 6, sư từ biệt chúng, lên chánh điện ngồi trước tượng Quán Âm, niệm Phật mà qua đời.

Tượng Đại Bi Bồ Tát của sư tạo, mọi người cầu nguyện đều được ứng nghiệm. Đầu niên hiệu Hiển Đức đời nhà Châu Võ Đế, sắc lịnh hủy phá tất cả tượng đồng trong dân gian. Khi thợ phá đến tôn tượng này, tất cả đều bị uổng tử. Đến đời nhà Tống, Thái Tổ sắc lịnh đúc lại tượng ấy tại ngôi chùa cũ.