Hồng tiên sinh hơn 50 tuổi, là thợ máy làm trong xưởng cơ giới chính phủ. Một chiều nọ ông đi cùng lão cư sĩ đến bái kiến Sư phụ Diệu Pháp. Vừa vào cửa ông liền cười ha hả chắp tay vái và cung kính khom mình ba lần trước Sư phụ, cũng không đợi mời ngồi, ông tự tiện ngồi xuống.
Thoạt nhìn đã biết tính cách ông rất sảng khoái.
Sư phụ hỏi ông ta:
Chẳng phải vì đau lưng nên anh mới đến đây sao? Ông có chút kinh ngạc nói:
Sư phụ Ngài thiệt là thần thông, con chưa nói Ngài đã biết cả.
Nói xong ông đứng dậy, vén áo chìa lưng ra:
Sư phụ xem, đai bảo hộ lưng con nè.
Chỉ thấy dây lưng ông mang là một vòng ruột xe chế thành, rộng chừng 15 cm. Ông ngồi xuống nói tiếp:
Con đeo ruột xe bảo vệ lưng đã gần 10 năm rồi, bác sĩ nói là cơ lưng bị hao tổn, uống thuốc, tiêm chích gì cũng vô hiệu, chỉ có thể nương vào thắt lưng tự chế này, nếu không có nó bảo hộ, lưng con khó mà thẳng nổi! Tất cả là do hồi trẻ con lao lực quá độ...
Ngừng một lát ông nói tiếp:
Nghe bạn con nói, Ngài là một vị Bồ tát sống, xin Ngài hãy cứu con. Ngài phải trị lành lưng cho con, rồi hằng ngày con sẽ thắp hương cúng lễ Ngài cho dù phải lễ lạy trăm lễ mỗi ngày, con đều làm.
Nói xong, ông lại chắp tay vái Sư phụ.
Hòa thượng Diệu Pháp cười cười nói:
Thứ nhất, tôi không phải là Bồ tát. Thứ hai tôi không phải là thầy trị bệnh. Nếu tôi mà là Bồ tát, thì chúng ta còn có thể ngồi tại đây nói với nhau sao? – Còn như tôi mà có thể trị bệnh, thì tôi phải đến bệnh viện để làm nghề chẩn khám. Thực ra, bệnh ông tốt hay không, quyền quyết định ở nơi bản thân ông. Bởi vì, tháo chuông phải do người buộc tự tháo.
Bây giờ, tôi hỏi ông, nếu như bảo ông không hút thuốc, không uống rượu, không trộm cắp, không ăn mặn, ông làm được hay không?
Chỉ cần bệnh con có thể lành, kêu con giữ giới gì con đều làm tất, nhưng con không phải trộm hay đạo tặc!
Lưng ông ngoài cảm giác đau ra, có lúc còn cảm thấy bị sức ép rất nặng nề?
Dạ, đúng, giống như là có mấy chục ký lô đè nặng trên lưng con vậy.
Ông có lấy trong công xưởng các thứ như: sắt, bản lề, đinh, ốc, vít.., gì không? Có khi xách cả rương đem về nhà? Ông nghe xong ngồi ngây người ra, lát sau gật đầu nói:
Quả thật có việc này! Bởi con là thợ trong công xưởng, “ở hiên lầu trước được thưởng trăng mà”, thời buổi này có ai mà không lấy chút đồ của quốc gia làm của riêng? Như vậy mà gọi là trộm ư? Ngay cả trưởng xưởng của chúng con cũng lấy đồ đem về nhà kia kìa! – Ông Hồng phân trần biện bạch.
Đem tài vật quốc gia về nhà làm của mình, không phải trộm thì là gì? Vậy ông đường đường chính chính lấy đồ mang về nhà ư? Hay là len lén bỏ đồ vào trong cà mèn cơm trống, rồi mắt trước mắt sau... đem ra khỏi xưởng. Có vậy không? – Hòa thượng nghiêm nghị chất vấn.
Câu hỏi này khiến ông Hồng sợ chết cứng. Ông mở to mắt nhìn sững Hòa thượng, nói không ra lời.
Không chỉ thế, ông còn lấy kềm, tua vít, dây thép, lấy sắt thép trong xưởng về chế thành các vật dụng tư gia như: ống khói, ki hốt rác, bếp lò, đũa, kẹp gắp...
Ông Hồng đột nhiên ngắt lời Hòa thượng:
Sư phụ, Ngài làm sao mà biết được?
Thì chính chúng đang đè trên lưng khiến ông thẳng người không nổi đấy!
Tôi đột nhiên cảm thấy thư phòng giống như viện thẩm vấn, hào khí bừng bừng lúc tiến vào phòng ban nãy của ông Hồng đã biến thành ủ rũ tang thương, ông gắng gượng một cách đáng thương, nhỏ giọng nói:
Con lấy đồ về tuyệt không phải cho mình con xài, cũng không cầm đi bán, đa số đều cho thân hữu láng giềng. Do công nhân lương thấp, dù sao cũng lấy đồ công của nhà nước, kể cả thủ kho cũng làm vậy. Đây vốn là việc đồng tình thông cảm, cùng hỗ tương nhau, là chuyện “bất tuyên trong công xưởng”, nhưng con không biết đấy là trộm.
Vừa rồi Sư phụ nói, con nghe như sét nổ giữa trời quang, khiến tâm tư chấn động thức tỉnh. Thực là trời cao có mắt! Đồ công con lén lấy về Ngài biết hết trơn. Hơn nữa tất cả thứ đó giờ đều đè trên lưng con. Đây thực là “ác giả ác báo” mà.
Bao nhiêu năm nay con bệnh ngày càng nặng, té ra đồ con lén lấy ngày càng nhiều tạo thành. Hôm nay mới rõ: “Muốn người đừng biết chi bằng mình đừng làm”. Câu này thiệt là đúng ghê! Con xin đảm bảo với Sư phụ, bắt đầu từ nay trở đi, con quyết nghiêm trì điều kiện của Ngài, không hút thuốc, không uống rượu, không ăn mặn, không trộm lấy tài vật quốc gia, ngày mai con sẽ đi thỉnh tượng Phật về thờ phụng, con rất hối hận vì mình tin Phật pháp quá trễ như thế này. Nếu không con đã chẳng làm điều xấu. Xin hỏi Ngài, con phải tụng đọc sách Phật nào?
Tôi thật không ngờ ông Hồng có tâm tỉnh giác cao như thế, nghe ông bày tỏ lòng ăn năn sám hối, nội tâm tôi tràn trề pháp hỷ. Ngó bộ Sư phụ cũng vui giống vậy, tôi nói:
Tôi sẽ tặng cho ông vài sách Phật cho ông đọc trước, sau đó ông có thể đi chùa thỉnh kinh sách Phật về xem.
Ông cảm ơn rồi lại hỏi:
Những vật trước đây con lấy trong công xưởng đem về, nay có thể quy ra thành tiền đem trả lại được không?
Hòa thượng nói:
Ông nếu như đi trả như thế, phiền phức sẽ càng to. Hiện giờ trong tâm biết lỗi sám hối, tội nhờ vậy cũng tiêu trừ, nếu muốn hoàn nợ cho công xưởng, thì ông có thể “lấy công chuộc tội”, ráng làm nhiều việc cống hiến cho công xưởng để bù đắp, đồng thời phải giải thích cho thân hữu hiểu để họ tránh lỗi này, để họ không còn tham chiếm tài sản quốc gia làm của riêng. Ông phải đem thân mình làm gương, giữ phẩm hạnh thanh cao trong sạch. Đây chính là biết nhận lỗi hối cải, đã biết thì phải thực hành, nhất định có thể đem công đức bù đắp lỗi xưa.
Lúc ra về, ông Hồng trang trọng đón nhận sách Phật, cung kính nói với Hòa thượng:
Ngài hãy đợi xem nha, nếu như con không biết hối cải, thì rất có lỗi với Ngài!
Nửa tháng sau, ông Hồng tới chỗ tôi, vào cửa liền khấu đầu trước tượng Phật giữa nhà. Sau khi đứng dậy, ông vén y phục cho tôi xem, khoe dây bảo hộ lưng không còn nữa. Ông hớn hở nói:
Hôm ấy từ đây về nhà, cảm thấy bệnh đã lành hơn phân nửa. Những gì Hòa thượng yêu cầu tôi đều tuân hành hết. Tôi đã lập bàn thờ Phật và tủ đựng kinh sách, đã thỉnh tượng Quan Thế Âm về sớm tối thắp hương lễ bái. Mỗi ngày đều xem kinh, kinh Phật giảng thật hay quá. Đến nay thì tôi tâm an, khí hòa, bệnh cũng lành rồi. Những ngày tháng này gia đình chúng tôi mừng vui giống như tết, thật là cảm tạ Hòa thượng biết bao.
Tôi nghe xong, trong tâm cũng vui lây theo ông. Hồng huynh quả là “ buông dao đồ tể thành Phật liền” vậy đó!