Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Thai-Tu-Ma-Ha-Tat-Doa-Dem-Than-Cho-Cop-An
Thái Tử Ma Ha Tát Đỏa Đem Thân Cho Cọp Ăn
Sa Môn  Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương, Thích Tuệ Giác | Hòa Thượng Thích Trung Quán, Việt Dịch


Chính tôi được nghe: Một lần Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà.

Tới thời khất thực, đức Phật mặc áo mang bát và tôi (A nan) đi theo hầu. Khi vào tới thành gặp một bà lão và hai cậu con trai; hai cậu này trộm cắp ngang tàng, không có nhân cách. Giữa hôm ấy sa lưới chánh quyền bị đem đi xử tử.

Giờ phút hãi hùng này thì tôi và Phật vừa tới, ba mẹ con đều cúi đầu lễ Phật và kêu Phật cứu mạng. Phật bèn sai tôi (A nan) đến xin vua tha cho, sau khi tôi đến nói với nhà vua, vì có lời Phật đến để xin vua phóng thích cho ba mẹ con bà lão, nên nhà vua tuân lời dạy tha cho tội chết.

Mong ơn cao cả của đức Phật, ba mẹ con bà này đến tạ ơn, tới nơi cúi đầu làm lễ và bạch Phật rằng:

Kính lạy đức Thế Tôn! Mong ơn sơn hải mẹ con được thoát chết, không biết lấy gì để đền đáp ơn đức cao dầy ấy. Kính lạy Đức Thế Tôn, mẹ con một lònh thành kính cúi đầu bái tạ, xin Từ bi hoan hỷ nhận tấm lòng thành kính của mẹ con chúng con

Phật dạy: Quý hóa! Tội phúc do mình tạo tác gây nhân kết quả, từ nay chăm tu thiện nghiệp, lai sinh hưởng phúc lâu dài.

Dạ, kính lạy Đức Thế Tôn! Mẹ con xin tuân lời chỉ giáo! Và xin cho cả ba mẹ con chúng con được nhập đạo tu hành.

Phật dạy: Quý hoá! Muốn trút bỏ những trần duyên ràng buộc của thế tục, để tìm đường giải thoát thì ta cũng cho.

Nói xong Ngài gọi lên rằng: Thiện Lai Tỳ kheo!

Ngài gọi xong, cả ba mẹ con, tự nhiên rụng tóc, áo mặc tại mình biến thành áo Cà sa, lòng tin vững chắc, sau khi nghe Phật thuyết pháp, những trần cấu phiền não đều tiêu mất, tâm ý sáng tỏ, hiểu thấu đạo chân thật. Lúc đó hai người con được chứng quả A la hán, còn người mẹ chứng quả A na hàm.

Thấy việc như thế tôi (A Nan) cũng khen ngợi, và cũng lấy làm kỳ ngộ, không biết nhân duyên của ba mẹ con người này, đời trước thế nào? Nên tôi quỳ xuống bạch Phật rằng:

Kính lạy Đức Thế Tôn! Không hay ba mẹ con người này, đời trươc có phước gì, nay được gặp Ngài cứu cho thoát nạn, hơn nữalại được chứng đạo Niết bàn? Xin nói cho chúng con được rõ nguyên nhân.

Phật dạy: A Nan! Ông hãy để ý nghe Ta nói.

Dạ, con xin chú ý nghe.

A Nan! Ông nên biết, cách đây đã vô số kiếp, ở Châu Diêm Phù Đề này có một ông vua tên là Ma Ha La Đàn Na, cai trị ba ngàn nước nhỏ, vua có ba người con trai, người thứ nhất tên là Ma Ha Phú Na Binh; người thứ hai tên là Ma Ha Đề Bà; người thứ ba tên là Ma Ha Tát Đỏa.

Người con thứ ba Ma Ha Tát Đỏa, có phúc đức lớn, lòng Từ bi quảng đại, chí khí cao cả, nhân hiền hiếu thảo, có lòng thương dân giúp vật. Một hôm nhà vua đưa Phu nhân thể nữ (nàng hầu) và ba người con vào rừng chơi. Nhân lúc nhà vua nằm nghỉ dưới gốc cây, thì ba Hoàng tử đưa nhau đi chơi, đi tới rừng kia chợt gặp một con hổ mẹ và hai hổ con; con hổ mẹ nằm gục đầu vào tảng đá gầy còm, da sát xương, hơi thở thoi thóp, hai mép phung ra hai bãi bọt lớn, tựa như bọt xà bông, còn hai con nằm chui đầu vào hông mẹ, tuy nhìn thấy người nhưng không hề cử động, vì bị đói lâu ngày khí lực bạc nhược. Song có ý muốn ăn thịt con.Thấy thế, Thái tử Ma Ha Tát Đỏa nói với hai anh rằng:

Thưa anh! Con hổ mẹ, em thấy đói khát quá, lại thêm nuôi hai con nhỏ, em xem ý nó muốn ăn thịt con, có phải chăng?

Đáp: Phải! Anh cũng nghĩ thế.

Thưa anh! Vậy nó hay ăn những thứ gì?

Đáp: Nó hay ăn những thứ thịt tươi máu nóng.

Thưa anh! Bây giờ phỏng có ai cứu được nó không?

Đáp: Việc ấy khó lắm.

Khi đó Thái tử Ma Ha Tát Đỏa động lòng thương! Thầm nghĩ rằng: Ta bị sống thác trong bao kiếp tới nay, bỏ thân cũng đã nhiều, song những thân ấy chỉ gây thêm những tội nghiệp, tham, sân, si chứ chưa từng đem thân ấy mà làm lợi ích cho nhân vật bao giờ; ta hãy bỏ thân tham, sân, si này cho hổ ăn, để đổi lấy thân Từ bi trí tuệ bất diệt.

Nghĩ xong rảo đi trước hai anh, đi chưa được bao xa, quay lại nói với hai anh rằng: Hai anh hãy đi trước, em có chút việc riêng.

Nói rồi cứ nhắm thẳng con đường cũ, đi tới chỗ ba con hổ nằm, tới nơi gieo mình vào cho hổ ăn thịt. Hổ bị đói lâu ngày run rẩy không thể há mồm ăn được. Thái tử dùng cây nhọn đâm vào cổ họng cho phọt máu, hổ thấy máu lè lưỡi liếm, dần dần tỉnh táo, mới có sức ngồi dậy để ăn thịt, ăn xong thân thể được khoẻ mạnh, mẹ con dẫn nhau đi nơi khác trú ẩn, chỉ còn để lại đống xương trên mặt đất.

Hai người anh ngồi chờ mãi không thấy em về, tự nhiên ruột nóng như lửa đốt, nước mắt chảy dạt dào. Rồi đi tìm em và tự nghĩ rằng: "Em ta có ý định cứu hổ đói". Cứ thẳng lối tìm đến chỗ con hổ, quả nhiên không thấy hổ mà chỉ thấy đống xương và cái đầu nằm trơ trên bãi đất, quá thương em, nên hai người anh ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại!

Đoạn này nói đến nhà vua và Hoàng hậu nằm nghỉ mát dưới bóng cây, Hoàng hậu nằm chiêm bao thấy ba con chim cáp bay vào rừng, con chim thứ ba bị chim ưng bắt ăn thịt, sực tỉnh dậy bà sợ quá! Liền đem chuyện đó nói với vua:

Tâu Bệ Hạ tôi vừa mộng thấy ba con chim cáp bay vào rừng, con chim thứ ba bị chim ưng bắt ăn thịt, tôi nghe lời ngạn ngữ nói: Chim cáp thuộc con cháu, cáp nhỏ bị chết tất nhiên con yêu của tôi gặp sự bất tường.

Bà nói vừa dứt lời thì thấy hai cậu con lớn đã về, bà lật đật Hỏi:

Em đâu? Em đâu? Hai con?

Hai cậu quỳ xuống thưa rằng:

Thưa Phụ vương cùng Mẫu hậu! Em con bị hổ ăn thịt. Nhưng không biết bị hổ ăn, hay em con thương nó đói mà cho nó ăn, việc đó chưa tường.

Được tin như sét đánh bên tai; ông bà chết ngất giờ lâu mới tỉnh lại! Đồng thời vua cùng Hoàng hậu và quan quân đi đến chỗ Thái tử, chao ôi! Chỉ còn đống xương trắng phơi dãi trên mặt đất, ai nấy đều than khóc tiếc thương! Hoàng hậu tự mang lấy cái đầu lâu, còn vua mang hai ống xương tay, trong lòng rầu rĩ xót đau, ngơ ngẩn! Tâm hồn như mơ như mộng, chứa chan rơi lệ!

Đoạn này nói đến Thái tử, vì lòng Từ bi cứu hổ đói, sau khi trút khỏi xác, được sinh về Trời. Tự nghĩ rằng:

Ta được phép thiên nhãn, coi xa năm cõi như coi vật trên bàn tay, chắc đời trước đây ta làm phúc gì, nên mới được quả báo như vậy.

Nghĩ xong nhìn xuống nhân gian, thấy mình là Thái tử, vì hy sinh cứu hổ đói, tử thi nằm ở rừng xanh, phụ mẫu hãy còn đương than khóc, Thái tử động lòng thương cha mẹ, ngu si mê muội, khóc thương quá chừng như vậy, hoặc nhân thế mà táng mất thân mạng, liền từ trên Trời bay xuống, đứng trên hư không thưa rằng:

Kính thưa Phụ hoàng cùng Mẫu hậu! Xin hãy khoan tấm lòng, đừng quá thương Thái tử nữa! Nên trở về hoàng cung trị quốc an bang tu thiện nghiệp.

Thấy thế nhà vua liền hỏi rằng:

Ông là vị thần nào xin chỉ bảo cho chúng tôi được rõ.

Đáp: Con là Thái tử Ma Ha Tát Đỏa đây, bởi con xả thân cứu hổ nên con được sinh lên cõi trời Đâu Suất, kính thưa Phụ vương tất cả muôn vật cho đến nhân sinh, có hình tất có hoại, có sinh tất có tử, có rồi phải không, tạo ác thì sa Địa ngục, làm lành được sinh lên trời, sống chết là một luật nhất định cho tất cả chúng sinh, Phụ vương không lo buồn làm chi, cho tổn tâm can, nên tỉnh ngộ để tu đạo hạnh.

Nhà vua nói: Người làm hạnh đại từ tế độ cho khắp muôn loài, bỏ ta mà chết! Lòng ta thương nhớ, đến nỗi quặn lòng đứt ruột, đau đớn không tả xiết vậy người tu hạnh đại từ có xứng hay không?

Nghe nhà vua nói, Thái tử dùng vô ngại biện tài, đem những ý nghĩa nhiệm mầu thiện đức, cao siêu xuất phàm để báo tạ và khuyên vua.

Khi đó nhà vua mới nguôi nguôi tấm lòng, và tỉnh ngộ tâm thức, rồi sai người làm hòm Thất bảo thu bỏ hài cốt làm lễ an táng và xây tháp cúng dàng.

Tới đây cha con Từ biệt: Thái tử hóa thân về thiên cung; vua, Phu nhân và quan quân trở về kinh thành.

Phật nói tới đây rồi Ngài nhắc lại cho tôi:

Này A Nan! Nhà vua thuở đó là cha của ta ngày nay, Hoàng hậu thuở đó, nay là mẫu thân ta bây giờ,  ông Ma Ha Phú Na Ninh nay là ông Di Lặc, Thái tử Ma Ha Đề Bà, nay là ông Bà Tu Mật, còn Thái tử Ma Ha Tát Đỏa chính là ta đây. Hổ mẹ bấy giờ, nay là bà lão này, hai hổ con tức là hai người con trai này. Thời đó ta đã cứu sống cho ba mẹ con được an toàn tánh mạng, tới nay ta thành Phật ta lại cứu cho khỏi tội chết và được thoát sinh tử luân hồi.

Phật thuyết xong thì tôi và tất cả mọi người trong đại hội hoan hỷ kính mến đức cao cả của Ngài, ai nấy đều cúi đầu lễ tạ lui ra.