Home > Khai Thị Phật Học
Chim Ðại Bàng Kim Sí Ðiểu
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


"Kim sí điểu mệnh chung,

Cốt nhục tận tiêu tán,

Duy hữu tâm bất hóa,

Viên minh quang sán lạn.

Long Vương thủ vi châu,

Năng phá thiên niên ám.

Chuyển Luân đắc Như ụ,

Năng cứu nhất thiết nạn.

Như hợp tại nhân trung,

Nhật dụng nhi bất kiến!"

Dịch là:

"Chim Ðại Bàng chết rồi,

Xương thịt tiêu hóa sạch,

Song tim chẳng tiêu tán,

Ánh sáng tròn sáng lạng.

Vua Rồng lấy làm ngọc,

Phá đặng ngàn năm tối.

Chuyển Luân được Như ụ,

Cứu thoát trăm thứ nạn.

Như ở trong loài người,

Ngày dùng mà chẳng thấy!"

Ðó là bài thơ do Ngài Hám Sơn Ðại Sư viết; bài kệ này là một trong sáu bài, vịnh tâm con người. Chúng ta đều biết rằng chim Ðại bàng Kim sí điểu khi trương đôi cánh ra thì có thể bao phủ 360 do tuần (một tiểu do tuần là 40 dặm, một trung do tuần là 60 dặm, một đại do tuần là 80 dặm). Chim Ðại bàng khi vỗ cánh thì có thể làm cho nước biển hoàn toàn khô sạch. Nó có thể vỗ cánh làm nước biển dời tới chỗ khác, cho nên mới thấy sức mạnh vô cùng của nó. Song chim Ðại bàng thì cũng có ngày sẽ chết. Khi nó chết thì xương đều hủy họai nhưng chỉ có trái tim thì không hủy diệt.

Chim Ðại bàng này ăn uống như thế nào? Nó chuyên môn ăn rồng. Rồng là vật có thần thông, có thể biến lớn, có thể biến nhỏ, có thể tàng hình, có thể hiện thân. Song khi rồng mà thấy Ðại bàng thì dù có thần thông cách nào nó cũng chịu thua, chỉ có cách chờ Ðại bàng tới ăn thịt mà thôi. Bởi vậy khi Ðại bàng ăn nhiều thịt rồng quá thì vua rồng chỉ còn cách cầu cứu với Phật. Y than phiền với Phật rằng: "Nếu Ðại bàng cứ tiếp tục ăn rồng như vậy thì loài rồng chúng tôi chẳng bao lâu sẽ hoàn toàn tuyệt diệt; xin Phật nghĩ phương pháp giúp cho, để Ðại bàng đừng ăn hết giống rồng."

Phật liền nói Pháp cho Ðại bàng, dạy nó rằng: "Từ đây về sau ngươi không được ăn thịt rồng nữa." Ðại bàng trả lời: "Nếu không ăn thịt rồng thì làm sao tôi sống?" Phật mới dạy: "Ta sẽ dạy các đệ tử của ta mỗi ngày đến giờ thọ trai thì cúng dường cho ngươi ăn!"

Bởi vậy, người xuất gia trước khi ăn thì cúng dường cho chim Ðại bàng này, gọi là Thí thực (tức là bố thí đồ ăn cho chim Ðại bàng). Ðây là bài kệ được tụng lúc đó:

"Ðại bàng Kim sí điểu,

Khoáng dã quỷ thần chúng,

La sát quỷ tử mẫu,

Cam lồ tất sung mãn."

Dịch nghiã:

"Ðại bàng Kim sí điểu,

Quỷ thần nơi khoáng dã,

Mẹ con quỷ La sát,

Ðầy đủ nước Cam lồ.

Khi cúng cho con Kim sí điểu này ăn thì cũng cúng cho mấy thứ quỷ thần ở nơi khoáng dã và mẹ con loài quỷ La sát. "Khoáng dã" tức là chỗ hoang vu, không người ở; những chỗ cây lớn, rừng rậm là nơi quỷ thần ở. Có mẹ con loài quỷ xuất hiện, trên đời không ăn được gì cả, chỉ chuyên ăn thịt con nít sơ sinh. Chúng cho rằng thịt con nít rất mềm, rất thơm tho, đầy chất bổ, so sánh với vitamins thì còn công hiệu hơn nhiều!

Bà mẹ quỷ có một ngàn đứa con mà đứa nào cũng thích thịt trẻ thơ. Nếu con nít mà bị chúng ăn thì nhân loại mau tuyệt chủng, bởi vậy nên Phật không thể khoanh tay đứng nhìn. Ngài bèn dùng thần thông bắt đứa con nhỏ nhất của bà mẹ quỷ đem giấu trong bình bát của Ngài. Khi bà mẹ đi ăn thịt con nít về thì phát hiện đứa con út của mình đã biệt tích rồi. Vì bà ta cũng có thần thông nên biết được rằng Phật đã bắt nó, bà tới vấn tội Phật rằng: "Tại sao chẳng duyên cớ gì Ngài bắt cóc con tôi?"

Phật dạy rằng: "Bà cũng biết là bà cần con bà sao? Nếu bà kiếm con kẻ khác mà ăn thì kẻ khác kiếm con ai mà ăn?" Bà mẹ quỷ nói rằng: " Tôi ăn thịt là để duy trì tánh mạng tôi, hiện Ngài bắt cóc con tôi, mà Ngài thì không ăn nó, vậy Ngài bắt nó làm gì?"

Phật nói: "Bà biết rằng bà cần con của bà thì thế giới loài người ai ai cũng cần con của họ cả. Nếu bà ăn thịt con của người ta thì những người đó trong lòng vô cùng đau xót. Từ đây về sau bà không được ăn thịt con nít nữa!"

Bà mẹ quỷ nói: "Nếu tôi không ăn thịt chúng thì tôi chẳng có gì ăn, vậy là Ngài muồn làm cho tôi chết đói sao?"

Phật dạy rằng: "Không sao! Bà không thể chết đói được. Ta sẽ dạy các đệ tử của Ta mỗi lần thọ trai thì dành ra một phần đồ ăn để cúng cho bà; từ đây về sau bà không được ăn thịt con nít nữa!"

Từ đó về sau bà mẹ quỷ La sát này mới đổi ác làm lành, không ăn thịt trẻ nhỏ nữa.

"Cam lồ tất sung mãn" có nghĩa là đối với chim Ðại bàng, hay loài quỷ thần nơi khoáng dã, hay bà mẹ quỷ, ta đều dùng pháp Cam lồ cúng dường, khiến chúng được no đủ, sung sướng. Cho nên người xuất gia mỗi lần ăn trưa thì niệm chú cúng dường Thí thực, là do nhân duyên như vậy.

Chim Ðại bàng lúc sống rất có thế lực nhưng chết rồi thì xương thịt đều tiêu sạch, lại trở về với Tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Song, trái tim thì không mất; dù cho lửa đốt, nước dìm cũng không bị hủy hoại, mà vẫn y nguyên như xưa. Trái tim này tròn trịa, có thể phóng ra hào quang sáng chói. Nếu vua rồng lấy được trái tim này thì nó trở thành viên ngọc rồng (Long châu). Khi đặt viên ngọc này tại Long cung, thì Long cung sẽ phát hào quang sáng chói. Nếu vị Chuyển Luân Vương được trái tim này thì có thể biến nó thành viên ngọc Như ụ (Như ụ bảo châu) để cứu độ tất cả tai ương, hoạn nạn, với sức thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Song, viên ngọc quý này phải chăng loài người chúng ta chẳng có dự phần vào? Không phải đâu! Mỗi người chúng ta đều có một viên ngọc vô giá! Viên ngọc Như ụ này có trong tự tánh của mỗi người, song bị vô minh che lấp, khiến cho mai một đi, chẳng thể phóng quang được. Dù dùng đủ cách cũng không tìm ra được nó, cho nên viên ngọc đó chẳng thể dùng đặng. Ðó là chuyện hết sức đau lòng!

Con người ở đời cứ bỏ gốc mà chạy theo ngọn, quay lưng lại với sự giác ngộ, hòa mình với bụi trần, không chịu phản bổn hoàn nguyên, không muốn xả trần lụy để quay về bờ giác. Cho nên mỗi một vị sáng lập tôn giáo đều hết sức tận lòng, tận tâm giáo hóa loài người, là chỉ vì muốn dạy mình mượn cái giả mà tu cái chân, lìa mê mà giác ngộ, quay về với nguồn gốc, nhận thức được "bản địa phong quang" của chính mình, cái gia tài quý giá vốn đầy đủ thứ ngọc Như ụ ấy của mình.

Song, chúng ta ai ai cũng muốn truy cầu những điều bên ngoài mà không biết quay ngược lại nhìn về bên trong để tìm đáp án nơi chính mình. Bởi vậy cho nên đời này đến đời khác luôn luôn lưu lạc trong biển khổ. Có kẻ muốn tu hành nhưng lại không thể buông bỏ được ý hưởng thụ, muốn sung sướng; cho nên từ đầu đến cuối không muốn trở về với thanh tịnh, xả bỏ trần lụy. Ðó là điều thật đáng thương thay!



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 4, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1-Quyển 4, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
3.    Bộ Du Già Sư Địa Luận Quyển 4, Bồ Tát Vô Trước | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
4.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 1, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
5.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 2, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
6.    Khai Thị 1, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
7.    Khai Thị 2, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
8.    Khai Thị 3, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
9.    Khai Thị 4, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
10.    Khai Thị 5, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
11.    Khai Thị 6, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
12.    Kinh Đại Bửu Tích Quyển 4, Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
13.    Phật Pháp Căn Bản - Basic Buddhist Doctrines Quyển 4, Thiện Phúc
14.    Quy Tắc Trợ Niệm Lâm Chung Và Pháp Ngữ Khai Thị, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam
15.    Trung Luận, Long Thọ Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Viên Lý, Việt Dịch
16.    Tứ Phần Luật Quyển 4, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch