Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Van-De-Hoc-Phat-Tu-Xua-Den-Nay

Vấn Đề Học Phật Từ Xưa Đến Nay
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Không kể ngày con người còn sống lạc hậu, với dụng cụ đơn sơ, sống đời du mục rày đây mai đó, chỉ tính từ khi con người biết tập họp thành xã hội, biết sắp đặt tổ chức, và chế biến vật dụng vật phẩm tiêu dùng, cũng như giao thiệp qua lại các láng giềng lãnh thổ với nhau. Và gần hơn hãy tính từ thời gian Phật xuất hiện, vì đó là thời điểm để xét được lòng người và hoàn cảnh với ngày nay. Trước Phật vài ngàn năm, cũng như ngay thời Phật, ngày đó quan niệm con người ngoài việc ổn định đời sống sinh nhai, thì còn gì nữa? Họ có suy tư, tư tưởng về thân phận con người, và giải quyết được những thao thức nhân sinh không? Họ có giải quyết được vấn đề siêu hình, và giải thoát được những bí mật của con người và vũ trụ?

Vâng! Họ vẫn có đầy đủ tư tưởng suy niệm, quan sát tư duy về thân phận con người; và tôn giáo cũng đã thành lập từ những thời gian đó. Tuy vậy đa số tôn giáo chỉ bắt nguồn và phản ảnh một đời sống lo sợ hão huyền không thực tế, và đương nhiên phải mâu thuẫn với đời sống thiên nhiên con người bấy giờ.

Đó là nói thời kỳ trước Phật hơn vài ngàn năm trước. Về sau ngay thời Phật, Tôn Giáo cũng lần sáng sủa hơn; nhưng đa số vẫn còn phó thác, giao phó thân phận mình cho niềm tôn kính siêu hình không giải thích được. Như vậy năng lực sáng tạo, thể lực của tâm, niềm thao thức tư duy của con người lúc bấy giờ vẫn còn trong sự an phận, luôn gởi gấm vào hình thức nghi lễ cúng kiếng. Nói rõ hơn khó tìm được vị giáo chủ nào khai thác được tâm ngoài Đức Phật.

Nhưng rồi thậm chí Phật xuất hiện rồi, mà con người vẫn còn chưa tin chưa tìm hiểu thế gian là gì, con người tại sao phải bám vào thế gian để sống!

Đệ tử của Đức Phật, giáo pháp giải thoát của Ngài cũng không làm sao giải bày hết cho những người mãi say ngủ với dục vọng đam mê của trần gian ái lạc! Dù con số học Phật kết duyên với giáo lý giải thoát càng ngày càng nhiều; nhưng so với người chưa học hiểu đạo giải thoát lại còn quá đông. Chúng ta không kể những vùng xa xôi cách xa miền Bắc Ấn, chỉ nói ngay tại miền Bắc và thời điểm Phật hiện hữu. Thế thì thế gian ngày xưa hoàn cảnh thế nào chúng ta không rõ, nhưng rõ ràng đời sống vẫn phải có đầy đủ những đam mê lôi kéo con người.

Nói là ngày xưa lạc hậu hơn bây giờ vì thiếu nhiều phương tiện ăn ở đi lại, nhưng phải là con người của ngày xưa mới thấy được tất cả đủ làm cho tâm không thể không dính mắc. Chẳng hạn một chiếc xe ngựa đẹp ngày xưa chẳng khác chiếc xe mắc tiền sang trọng hôm nay, vì cả hai đều tạo ra lực hấp dẫn lôi kéo người nhìn ngắm, do đó tất cả vật dụng khác cũng vậy. Thế thì thế gian ngày xưa vẫn đầy đủ những điều say đắm lòng người, làm cho sáu căn mờ mịt với sáu trần, sinh ra ý thức vô minh chìm đắm.

Tìm hiểu lược qua hoàn cảnh của ngày xưa, thế ngày nay thì sao?

Ngày nay quá rõ ràng, dễ phân tích lý giải việc học Phật ở thế gian. Bởi vì hai hoàn cảnh cách nhau quá xa, cuộc sống phương tiện càng cách biệt. Nếu ngày xưa còn Phật tại thế, người tin Phật, học Phật phỏng theo tỷ lệ phần trăm, thì ngày xưa sẽ có đến ba mươi phần trăm học Phật (Chỉ tính phạm vi Ngài hoằng pháp). Trong ba mươi đó sẽ có tám mươi phần trăm chứng đắc, còn lại hai mươi phần trăm sẽ chắc chắn chứng đắc trong tương lai. Riêng những người không tin, không học Phật, nhưng nếu đã nghe vào tai, hay thấy qua tu sĩ đệ tử Phật, hoặc thắng duyên hơn thấy được Phật, những người này cũng đã có duyên trong tương lai. Thậm chí kẻ nhạo báng, chống đối Phật, sau khi bị quả nghiệp vẫn được kết duyên.

Ngày nay con số phần trăm học Phật đương nhiên rất lớn vì phạm vi là cả thế giới, chứ không phải chỉ có miền Bắc Ấn, nhưng con số chứng đắc có lẽ sẽ không có tới một phần trăm. Một phần trăm cũng còn quá lớn, vì cả thế giới có khoảng gần nửa tỉ người Phật tử, nên làm gì có được đến một phần trăm là năm triệu người chứng đắc! Phải tính thêm nữa là chỉ có một phần trăm trong con số một phần trăm vừa tính, thì may ra mới có thể suy ngẫm được. Tuy nhiên một phần trăm của năm triệu, con số vẫn lên đến mấy chục ngàn người! Vậy trong nửa tỉ người tin Phật, học Phật, chỉ có mấy chục ngàn người chứng đắc thì quả thật là ít oi. Thế nhưng dù ít oi, chúng ta có thật sự tin là hiện trên thế giới có đến mấy chục ngàn vị chứng Thánh đang sống không? Hoàn toàn là không! Vì cho đến nay chỉ nghe được đâu đó có một số ít, rất ít, rất ít người đạt Thánh quả.

Trên thế giới quốc gia có Phật Giáo là tôn giáo chính, hay được xem là quốc giáo, chỉ có vài nước mà thôi. Chẳng hạn Thái Lan, Burma, Cambốt… Ở đó chắc chắn có nhiều Thánh Tăng, dù vậy thông tin Phật Giáo thời nay được cập nhật phổ biến rộng rãi rất mau, vậy mà Phật tử trên thế giới cũng khó mà nghe biết đến. Như thế chứng tỏ việc chứng quả Thánh không phải là chuyện dễ dàng. Nếu tính vài thế kỷ trước có lẽ nhiều hơn. Nhất là Tây Tạng, một quốc gia có truyền thống tâm linh rất cao, lại sống cô lập ít bị ô nhiễm bởi nền văn minh vật chất bên ngoài; nhờ vậy các tu sĩ được đầy đủ thuận duyên đạt Thánh quả, con số không phải là hiếm. Và Trung Hoa quốc gia đông dân nhất thế giới, việc tìm Thánh Tăng không phải là khó. Ngày nay quả thật khó tìm, vì Phật Giáo đâu đâu cũng bị nặng vào hình thức, do vậy hình ảnh Thánh Tăng từ đó càng mờ dần.

Cho đến nay thế kỷ 21, Thái Lan là quốc gia Phật Giáo được Phật tử thế giới chú ý đến nhiều, bởi có truyền thống Tăng sĩ cư trú trong rừng, nhân duyên này khiến mọi người chứng kiến tận mắt một số tu sĩ đạt được phẩm hạnh giới đức rất cao. Sinh hoạt đời sống tu sĩ ở rừng núi, gần giống như đệ tử thời Phật ngày xưa, ngày ngày ra làng xóm khất thực, rồi liền quay về rừng tập trung thiền định tư duy. Do đó có nhiều tu sĩ thực sự đạt chứng Thánh Quả. Sự thật này đã khiến nhiều vị khách nước ngoài tìm đến tu học, và trở thành tu sĩ Phật giáo. Hiện nay những vị Tăng sĩ người Mỹ, Anh, Úc… đã có cơ sở đạo tràng tại quốc gia của họ, và còn giữ phần nào truyền thống của Phật giáo nguyên thủy ngày xưa.

Dù sao Phật Giáo ngày nay vẫn trên đà phát triển, cho dù Thánh quả là việc rất khó khăn chinh phục; nhưng hễ thế gian còn có một người chứng đắc, thì giáo pháp vẫn còn kiên cố tạo duyên cho hàng học Phật nương theo. Chỉ có vấn đề thời gian càng về sau sắc thái Phật Giáo hay nặng lo hình thức nhiều hơn; đôi khi vô tình biến Phật Giáo thành tôn giáo như thế gian thường gọi. Vấn đề này khiến người học Phật không thể không suy nghĩ; cũng như làm thế nào nhìn nhận việc học Phật giữa hai truyền thống nguyên thủy và cấp tiến có hài hoà không trong bối cảnh thế kỷ nay!

Nhân đây thử tìm hiểu hình ảnh hoằng truyền giáo pháp của hai truyền thống nguyên thủy và cấp tiến.
 
Truyền thống Phật Giáo nguyên thủy có sức ảnh hưởng thế nào trong thời đại nguyên tử tin học ?

Là Phật tử nên khách quan tìm hiểu học hỏi cả hai, không nên nặng bên này nhẹ bên kia. Trước hết hãy tìm hiểu truyền thống tu tập nguyên thủy, xa lìa phố thị, yên tịnh nơi cô tịch thiên nhiên núi rừng, sẽ ảnh hưởng và lợi ích thế nào cho tha nhân, cho việc hoằng truyền chánh pháp.

Chắc chắn chia sẻ hiểu biết nơi đây chỉ là khởi lên một ý tưởng khái niệm, chứ không thể khẳng định vấn đề, thành ra ý tưởng nơi đây chỉ là chia xẻ học hỏi.

Theo nhận định trên, vấn đề là phải nghĩ ngay đến lời Phật dạy. Phật dạy ngay sau khi Tăng đoàn chính thức thành lập, khi các đệ tử đã học được, chứng được pháp giải thoát, đắc quả vô sanh (A La Hán) thì nên ra đi hoằng truyền chánh pháp. Thế thì tứ phương mỗi người mỗi ngã tùy duyên lập hạnh độ sanh. Mãi cho đến Phật Niết Bàn, thì lời dạy Thế Tôn vẫn được thực hiện, tuy nhiên lại không tránh được sự phát sinh hai quan niệm khi thực hành giáo điển. Một là giữ truyền thống của Thế Tôn là sống như Thế Tôn sống, có nghĩa phải tránh xa phố thị, giữ hạnh thanh tịnh ba y, biết đủ, chỉ tiếp cận thế gian vừa phải đó mới là cách tôn quý giữ gìn truyền thống Thế Tôn.

Ngày hôm nay Phật giáo truyền thống còn duy trì được, phải nói vô cùng mầu nhiệm, hay nói thêm rằng, nhờ sự an lạc tịch tĩnh giải thoát trong Thánh quả, nên duy trì được truyền thống Phật giáo nguyên thủy cho đến ngày nay. Lại có thể suy ra nơi nào có Thánh Tăng, nơi đó có lực gia bị của thiên thần hộ pháp gìn giữ hình ảnh giáo pháp giải thoát.

Trãi qua mấy ngàn năm, cho đến thời nay văn minh vật chất đạt đến thời kỳ vô cùng tinh xảo, mà truyền thống nguyên thủy sống nơi rừng núi của chư vị Tăng sĩ đã không hề bị thao túng, lại còn tác động vào tâm của nhiều người học Phật. Như thế đâu ngại gì xã hội tiến bộ phát triển ra sao! Và nếu không nói xã hội càng văn minh vật chất, càng phải nương nhờ vào hình bóng giải thoát tự tại của những con người thanh tịnh an nhiên sống nơi thiên nhiên cô tịch.

 Vì sao? Vì ở nơi hình ảnh chư vị xuất gia giải thoát này, cho thấy một sự tự tại vượt lên của tâm thức, mà đã chinh phục được những sắc trần dục lạc của thế gian; hơn nữa hình ảnh đó còn cho thấy an lạc hạnh phúc nơi tâm mới chính là hạnh phúc chân thật tuyệt đối, vì nó không hơn thua phân biệt như hạnh phúc ô tạp phiền não của thế gian. Thành ra thế gian vẫn luôn cần đến những hình ảnh những người tu sĩ điềm nhiên an định nơi núi rừng yên tịnh.
 
Thứ hai truyền thống phát triển cấp tiến, có trở thành phản biện lại đời sống tu sĩ vốn lìa xa dục lạc thế gian.

Như vậy, truyền thống Phật Giáo phát triển cấp tiến thì sao? Có ảnh hưởng lợi ích tác động đến nhân gian, hay phản tác dụng sự hoằng truyền giáo pháp? Nhất là giáo lý còn chủ trương pháp không vô ngã?

Như đã thưa, phương tiện hoằng truyền chánh pháp sau khi Đức Phật viên tịch, đã được chia làm hai định hướng; một là lập trường chung thủy với hình ảnh giải thoát bằng hình thức không khác ngày Đức Phật còn tại thế. Hình thức này dễ dàng nhiếp phục thân và tâm của tu sĩ. Thân sống xa phố thị, gần gũi núi rừng thiên nhiên, và tâm luôn giữ an định với pháp giải thoát không ô nhiễm. Lập trường thứ hai là hội nhập, sát cận vào phố thị để hoằng truyền giáo pháp. Lập trường của truyền thống này phải tạo cho chúng sinh thấy được giáo lý giải thoát không bị hạn cuộc phạm vi nào, và vượt lên hết thảy chướng ngại thế gian. Điều này tạm chia hai điểm: Tinh thần từ bi và trí huệ, hài hòa trong hai truyền thống học Phật xưa nay.
 
Tinh thần từ bi và trí huệ.

Tìm hiểu Phật pháp, trên căn bản mọi người đều hiểu thế nào là từ bi. Từ bi rõ ràng phải mang đến hai điều lợi ích, cho người phát tâm và cho đối tượng đón nhận. Lợi ích đó là phải nhận ra đời sống khổ của chúng sanh. Việc từ bi chỉ nhắm vào mục đích giải thoát khổ ở hai mặt vật chất và tinh thần; tinh thần là hiểu được giáo lý giải thoát. Như vậy nếu giúp người về mặt vật chất, mà thiếu phần giải thích giáo lý giải thoát, vẫn chưa gọi là từ bi trọn vẹn. Đương nhiên dưới mắt thế gian phần vật chất cần được cứu nguy cấp tốc, trong trường hợp cần thiết. Nếu hỏi tại sao chưa trọn vẹn, câu trả lời vì từ bi của nhà Phật phải có trí huệ. Giúp người mà không giải thích nhân quả, vô thường, khổ, không, vô ngã, thì việc giúp đó đến bao giờ mới hết được. Bởi nguồn gốc khổ đau là do tham, sân, si, nếu không hiểu tham, sân, si thì vật chất có nhận được bao nhiêu cũng thành kết quả khổ. Và muốn hiểu do đâu tham sân si, tất phải hiểu vô thường, vô ngã… không hiểu vô thường vô ngã, sẽ khó bỏ được tham sân si. Cho nên từ bi gọi là thương người cứu khổ không được trọn vẹn nếu không có giáo lý giải thoát kèm theo. Như vậy phần từ bi và trí huệ là điều tất nhiên của một hành giả tu Phật, không luận xuất gia hay tại gia.

Thế thì Từ Bi, Trí Huệ ứng dụng thế nào với tinh thần truyền thống Phật Giáo cấp tiến từ xưa đến nay. Phải nói rằng nếu không đủ từ bi hay thiếu trí huệ, truyền thống Phật Giáo cấp tiến sẽ chỉ còn là hình thức Phật Giáo vào nhân gian, mà phẩm chất sẽ biến mất ngay từ đầu. Hiện tượng biến mất, là khiến tín đồ trở thành mê tín, không còn chánh tín của một Phật tử tu học theo chân lý giải thoát. Vì sao? Vì tín đồ trở nên yếu mềm phó thác vào hình ảnh Tam Bảo, mà không biết Tam Bảo cũng từ thân chúng sinh lưu xuất. Một chúng sinh hôm nay còn là phàm phu vô minh, nhưng ngày mai học Phật, trở thành một Tăng sĩ Thánh Tăng với phạm hạnh giải thoát, và kiếp tương lai trở thành Phật Bảo. Truyền thống cấp tiến hẳn nhiên đi vào đời không thể quên được phận vụ trách nhiệm của người xuất gia ly tục; sống ở thế gian mà tâm không bao giờ vướng bận thế gian. Điều đó trên lý thuyết rõ ràng minh bạch, nhưng trên thực tế không thể dễ dàng thực hành được.

Nhưng tại sao truyền thống vẫn được duy trì? Đó là nhờ vào tinh thần từ bi và trí huệ, thành lực thúc đẩy họ vào con đường nhập thế độ sanh, mà quên đi sự nguy hại thân tâm mình. Từ đây lại thấy hành đạo giải thoát bằng con đường cấp tiến, có lợi cho người nhiều hơn lợi mình. Chính như vậy mới nghe tinh thần Bồ Tát nhập thế, là vượt qua khuôn khổ hình thức để hành đạo.
Chúng ta lại tìm hiểu lời Phật dạy, tất cả pháp tu chỉ là phương tiện, làm sao thanh lọc được tâm, làm sao phát triển lòng từ bi tâm trí huệ. Và công đức bố thí pháp sẽ là công đức thật cao lớn, vì cứu người thoát khổ luân hồi.

Cho nên khi tiếp cận vào đời, nếu bằng tâm từ và trí sáng suốt của một hành giả tu Phật; sẽ thấy rõ cuộc đời đau khổ vây bủa khắp mọi nơi, không luận giai cấp nào. Từ đó lòng từ bi và tâm sáng suốt khiến ta thấy được chính mình đang sống một đời sống hy hữu, vì đang hiểu biết đạo giải thoát. Rồi cũng chính thấy như vậy ta phát đại bi tâm thương hết thảy chúng sinh, để tìm phương cứu độ.

Nhớ lời Phật dạy mọi người đều có Phật tánh, như vậy giúp được một người, là khơi dậy Phật tánh từ nơi người đó. Đây chính là điều thao thức ưu tư tạo thành năng lực sinh khởi tâm từ bi, tâm giải thoát. Và đương nhiên khi tiếp cận đời, rất dễ bị sa ngã, dễ bị đời kéo lôi với sắc trần cảnh. Đôi khi việc độ sanh chưa thành mà bản thân mình lại mất đi tất cả thân mạng và huệ mạng. Mất thân huệ mạng thế nào, việc này ai cũng hiểu không cần phải giải thích.

Tóm lại tu theo truyền thống cấp tiến không phải mất đi tính ly trần thoát tục; nhưng phải nói hình ảnh tu sĩ, ngôi chùa Phật Giáo xuất hiện ở chốn thị thành, sẽ làm xoa dịu phần nào lòng người trần thế, một khi con người rơi vào đau khổ, muốn tìm một nơi an ổn tinh thần. Nhất là khi gia đình có người thân chết, nhất định cần có nghi thức cầu siêu, nhắc nhở thần thức người quá cố ra đi khỏi cảnh sợ hãi đau đớn. Cụ thể là khuyên giải người thân trong gia đình biết lý vô thường, biết tin nhân quả, nếu được quy y Tam Bảo sẽ trở thành Phật tử chứng đạo giải thoát tương lai.
Về phần lý tưởng giải thoát của truyền thống cấp tiến có phản biện lại giáo lý quán pháp không vô ngã?

Thưa rằng, hoàn toàn không mâu thuẫn tương phản với giáo lý quán không vô ngã. Vì tâm niệm người tu Phật lúc nào cũng phải đặt vấn đề hoằng pháp theo giáo lý các pháp là sinh diệt. Và tinh thần vô chấp của con đường Bồ Tát Đạo chính là Có và Không theo nhân duyên nhân quả. Cho nên hình thức sẽ lập thành có, nhưng nội dung tự thể bên trong phải hiểu là chỉ tạm có theo nhân duyên chứ không thật có. Không những không có chùa chiền, tín đồ Phật tử mà cũng chẳng có xác thân ngũ uẩn đang hành đạo, đang cứu độ lợi sinh; mà tất cả chỉ là nhân duyên hội tụ liên kết thành. Giáo lý này trong Kinh Kim Cang có ghi rõ.
 
Hài hòa giữa hai truyền thống học Phật

Vấn đề hài hòa của hai tư tưởng truyền thống Phật Giáo, giữa hình ảnh duy trì dè dặt theo nếp sống nguyên thủy bằng cách sống khất thực, nghỉ ngơi nơi yên tịnh núi rừng, tự rèn luyện tâm mình để được giải thoát; và phát triển theo bối cảnh xã hội, để hoằng truyền giáo lý giải thoát vào nhân gian. Cả hai đều làm lợi ích nhân gian trong việc duy trì chánh pháp. Nếu không nói đây là một pháp sự nhiệm mầu được phân định làm hai. Một là giữ được tính chất nguyên thủy từ hình dáng Đấng Điều Ngự ngày xưa, hai là phát triển nhân gian hóa Phật học. Thiết nghĩ truyền thống Nguyên Thủy nên cảm nhận tri ân vấn đề Phật hóa xã hội; là phổ cập vào thế giới nhân gian bằng những hình thức học Phật hiện đại, mà truyền thống cấp tiến đang nỗ lực thực hành. Cũng vậy, truyền thống cấp tiến nhất định phải cảm niệm nhớ nghĩ đến hình ảnh truyền thống nguyên thủy đã gìn giữ được Phật sự thời Phật còn tại thế. Vậy vấn đề cả hai chỉ hài hòa phương tiện hoằng hóa, chứ không một chút gì gọi là mâu thuẩn hay thành kiến lẫn nhau.

Nhân loại hiện nay càng ngày càng đi vào con đường rối ren khó ổn định, bởi chính sản phẩm tư duy con người làm ra; do đó mỗi người Phật tử không luận xuất gia tại gia, truyền thống nguyên thủy hay cấp tiến đều có bổn phận hóa giải, đều nên xây dựng giáo lý giải thoát bằng mọi hình ảnh để đem lại hòa bình cho nhân loại. Giáo lý giải thoát của Như Lai không dành riêng cho một tông phái nào hay một cá nhân giai cấp thấp cao chi cả. Chỗ nào có người thực hành chánh pháp, có giới hạnh đầy đủ, chỗ đó Phật pháp được lưu truyền, và hơn nữa chỗ đó sẽ có người đang chuyển phàm thành Thánh; đang tích cực chân thiện việc hoằng hóa lợi sinh. Rừng núi hay phố thị, chỉ là sắc trần cảnh giả tạm, không phải là cứu cánh để làm con người giác ngộ; người giác ngộ là giác ngộ tự nơi tâm mình. Khi tâm giác ngộ thì cảnh vật sẽ biến mất nơi con người đó, biến theo cách thực thấy chúng vô thường, không bao giờ bị chúng ràng buộc dính mắc. Tuy nhiên thế gian phiền trược, khổ nhiều hơn vui, vì vô số nghiệp thức vô minh của chúng sinh dệt thành; do đó cần được dung hòa, cần phải trải rộng mọi nơi làm thành hết thảy phương tiện để nhắc nhỡ chúng sinh quay về Chánh Pháp.

Như vậy, bàn về vấn đề học Phật từ xưa đến nay, là bàn về sự hài hòa giữa hai truyền thống nguyên thủy và cấp tiến chính là hai hình ảnh nhiệm mầu phương tiện độ sinh, mà chư Thánh chúng đã và đang nỗ lực hoằng dương Chánh Pháp. Chỉ còn vấn đề cấp bách là tự mỗi con người chúng ta phải biết kịp thời nhận thấy, đời sống vô thường mạng người khó được, rồi tự xét mình tùy duyên tùy lực thực hành tinh tấn, thì Chánh Pháp giải thoát sẽ cụ thể xuất hiện nơi tâm. Chừng ấy mới gọi là đền đáp ân nghĩa Chư Thánh Tăng, Chư Phật.
Cầu nguyện thế giới hòa bình, tất cả chúng sinh sớm muộn thực hành được Chánh Pháp.
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 
Phật Đản năm Nhâm Thìn – 2012

Thích Phổ Huân
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về
2 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về
3 Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông Tải Về
4 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
5 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
6 Trình Tự Của Cư Sĩ Học Phật, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
7 Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam Tập 3, Lê Mạnh Thát Tải Về
8 Học Phật Nên Biết, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
9 Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam Tập 1, Lê Mạnh Thát Tải Về
10 Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam Tập 2, Lê Mạnh Thát Tải Về
11 Học Phật Tam Yếu, Hòa Thượng Thích Pháp Chánh Tải Về