Home > Khai Thị Phật Học
Bản Và Tích
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Giáo lý nhất thừa của Phật pháp được coi là cứu cánh pháp hay chân thật pháp, ngoài ra đều là quyền pháp. Theo kinh Pháp Hoa nhất thừa chính là bảo sở, từ bảo sở nhất thừa này năng lưu xuất nhất thiết bảo pháp ứng cơ với nhất thiết chúng sinh, bố thí các pháp bảo phương tiện này khiến chúng sinh được giác ngộ.

Bảo sở là bản, lưu xuất bố thí pháp bảo khiến chúng sinh giác ngộ là thùy tích hay ứng tích. Sở dĩ gọi là bản vì đó là nguồn gốc, là bản thể của nhất thiết chư Phật và chúng sinh. Bản là nói tắt của bản thể, bản giác, Phật tính, chân như, bảo sở, cứu cánh pháp, pháp thân, Phật tri kiến…Tích là vết tích, chỉ Như Lai ứng tích nơi đời, để khai thị chúng sinh có trí huệ nhất thừa tức bất nhị pháp, để ngộ nhập trở về với bảo sở nhất thừa tức bản giác.

Chư Phật và nhất thiết chúng sinh đều đồng bản thể là tính giác hay Phật tính, chân như, nên vì vậy đức Thế Tôn tuyên thuyết “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”, tất cả chúng sinh đều đã có sẵn đủ Phật tính, nên “tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, đồng với nghĩa tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật đạo. Lãnh hội được tư tưởng nhất thừa này, ngài Huệ Năng đáp lời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn “nhân tuy hữu nam bắc, Phật tính bổn vô nam bắc. Cát liệu thân dữ Hòa thượng bất đồng. Phật tính hữu hà sai biệt?”, người tuy có nam có bắc, nhưng Phật tính không có nam bắc, thân mọi rợ này với Hòa thượng không đồng, nhưng Phật tính nào có khác biệt?”.

Do nơi bản là cứu cánh pháp, nên nhất thiết chúng sinh cùng Phật bình đẳng trên bản thể tức bản, song vì chúng sinh mê chấp nhận vọng làm thật, nên chư Phật từ bản ứng tích, “ưng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp”, khai thị cho chúng sinh thật pháp nhất thừa tức bản, để chúng sinh từ tích quy hồi bản, tức thành Phật quả. Vì vậy Như Lai biết chắc rằng chúng sinh nào cũng có thể thành Phật, và sau khi các chúng sinh được khai thị, đều tin chắc rằng chính mình cũng sẽ thành Phật. Muốn từ tích hồi quy bản, tất diệt trừ vọng nghiệp, vì do vọng nghiệp mà quên mất bản, sống lang thang cùng khổ trong cảnh giới uế độ của nghiệp lực tạo nên, như trưởng giả tử quên mất nguồn gốc, liền trở thành gã cùng tử, nay được trưởng giả thùy tích thiết lập phương tiện pháp dẫn dắt cùng tử trở về cội nguồn trưởng giả. Muốn diệt trừ nghiệp chướng tất phải phát đại nguyện “quy bản thùy tích”.

Bản và tích là điểm khác biệt lớn giữa Phật pháp thật đại thừa và các tôn giáo, cũng như Tiểu thừa Phật giáo, thậm chí cả quyền đại thừa.

Đối với mọi Tôn giáo, con người vốn do Thượng đế sáng tạo nên, từ đó con người hiện hữu bất diệt (chấp thường), có những tông phái của tôn giáo thì cho chết là hết hẳn (chấp đoạn). Phái chấp thường chủ trương, hạnh phúc cao tột của loài người, chính là được sống trong sự chở che của Thượng đế ở cảnh giới thiên đường, bằng đời sống tôn thờ và phụng sự Thượng đế.

Tiểu thừa Phật giáo nhận Phật và chúng sinh bình đẳng nơi (căn) bản, nhưng bản này không phải bản giác hay Phật tính, mà là bản lai Phật và chúng sinh đều là phàm nhân, chúng sinh nhờ tu tập trí huệ mà thành người giác ngộ, được gọi là Phật. Phật và chúng sinh bình đẳng theo Phật giáo tiểu thừa và đại thừa khác nhau ở bản và tích. Phật chẳng qua là  phàm nhân cộng với tu hành (phàm + hành), còn phàm phu là những kẻ không hề trải qua sự tu tập định huệ nên bị nghiệp khổ kéo lôi, gọi là chúng sinh. Lại nữa do nơi chưa được khai thị về bản và tích, nên những người tu thiền định khi vào được cảnh giới diệt đế, không còn khổ tập, liền trụ trong cảnh giới an lạc niết bàn này, không tiến tới bảo sở nhất thừa, bằng thùy tích ứng hóa độ sinh. Nói chung là không phát bồ đề tâm nguyện, nên không quy bản và thùy tích, vì vậy chỉ chứng quả A La Hán. Nếu A La Hán phát bồ đề tâm nguyện tất sẽ quy bản thùy tích ứng hóa độ sinh, nhờ đó lìa quả vị La Hán chứng thành Phật quả. Song như đa phần người tu tập ngày nay chỉ cầu tiểu quả tức phúc báo nhân thiên mà không hề phát tâm dõng mãnh cầu vô thượng đạo quả, ngay thời Như Lai thuyết pháp nhất thừa “quy bản thùy tích”, có đến 5 ngàn người lìa bỏ pháp hội không muốn nghe pháp thậm thâm, an phận với tiểu quả, không cần cầu “cứu cánh pháp”, vì cho là nan hành. 5 ngàn người này bị Như Lai quở trách là hàng tăng thượng mạn không hội đủ nhân duyên nghe pháp cứu cánh nhất thừa, nên khó thành Phật quả.

Đại thừa Phật giáo nhận Phật và chúng sinh bình đẳng nơi căn bản, bản này là bản giác, Phật và chúng sinh bổn lai đều là giác, do một niệm vô minh quên mất thực thể, nhận vọng hoặc làm thực thể, giống như người bệnh tâm thần, quên mất mình là ai, nhận mình là một người khác, chúng sinh cũng giống vậy, mê muội tính bản giác, vọng nhận mọi thứ nhân duyên giả hợp làm ngã và ngã sở, tạo thành thân phàm phu và cảnh giới tương ưng gọi là thế giới phàm tục. Người bệnh tâm thần khi hành theo lời y sĩ dần dà khôi phục lại nguyên trạng, biết mình vốn thật là ai, diệt bỏ hết các thứ vọng tưởng điên đảo, khôi phục lại trí hiểu biết cũ, tất khỏi bệnh, khỏi bệnh chỉ là khôi phục lại mọi thứ căn bản của mình, mà không phải là đắc hay chứng được điều gì khác. Tu hành cũng vậy, giác ngộ là do hành theo lời dậy của đại y vương mà khôi phục lại được tính giác xưa nay, diệt sạch mọi vọng tưởng hiện tại. Tính giác tức giác, xưa nay tức bản, gọi là bản giác. Bản này mới là căn bản của mọi thứ. Trí giả đại sư gọi đây là bản môn.

Tích là dấu vết, đại thừa cho các pháp tu hành hay độ sinh của chư Phật thuộc về tích, còn bản là “bản lai là Phật” . Như vậy bản và tích bao gồm hai phương diện.

Thứ nhất bản và tích của Phật, bản là chư Phật cùng chúng sinh đồng chân như tính, Phật từ căn bản này thùy tích ứng hiện vô lượng thân, hành vô lượng pháp, độ vô lượng chúng sinh, mà vẫn bất động nơi căn bản, vì hiện thân nào đi nữa cũng không hề có hiện, do nơi Phật không có thân tướng nhất định, nên không thật có từ tướng này hiện ra tướng khác, như đồng làm thành nhiều hình dạng, nhưng chung cục đồng vẫn không có hình dạng nào nhất định cả, do vậy tích không làm thay đổi bản, bản không trở ngại tích. bản và tích dung thông viên mãn, bản là thể, tích là dụng, thể và dụng không hai.

Thứ hai bản và tích theo chúng sinh, chúng sinh vốn cùng chư Phật đồng chân như tính, song do mê muội chân như này thành chúng sinh, sau đó nhờ hành theo lời giáo hóa của chư Phật mà khôi phục lại tính chân như, gọi tiến trình này là thùy tích của Như Lai khiến chúng sinh quy bản. Như vậy đối với đại thừa giáo, tiểu thừa hay phàm phu tu tập chỉ đơn thuần thuộc về tích của đại thừa, mà chưa thấy bản của đại thừa.

Hành theo tiểu thừa sẽ đưa đến kết quả siêu việt phàm phu và thế giới của phàm phu cho chính mình (tự giác), nhưng không độ nhất thiết chúng sinh được, vì chỉ nhận ra mình và người cùng chư Phật vốn đều là phàm nhân, nay nhờ tu hành mà mình và chư Phật được siêu việt thế gian. Hành theo đại thừa tức dùng tích (sự tu hành) để đạt bản (tự giác), đạt bản rồi tất rõ ngã và nhất thiết chúng sinh đồng tính giác, nên từ bản lại thùy tích ứng hóa lợi sinh (giác tha), khiến chúng sinh đồng nhập vào tính giác xưa nay.

Thùy tích chính là nguyện, do nguyện mà quy bản, Vì vậy bản nguyện của nhất thiết chư Phật chính là thượng cầu hạ hóa. Thượng cầu là quy bản, hạ hóa là thùy tích. Thượng cầu gồm hai phương diện, cho ta và cho người, khai ngộ độ hóa cho người là thượng cầu cho người đó, và cũng chính là thượng cầu cho bản thân. Hạ hóa cũng có hai phương diện tự và tha, dùng trí thượng cầu tự hóa độ, và hóa độ chúng sinh. Không thể có hóa độ nếu không có trí thượng cầu, không thể có thượng cầu nếu không có trí hóa độ, nên thượng cầu và hóa độ bất nhị, vì vậy bản và tích không hai đó mới chân thật là bản môn.

Bản môn dung nhiếp bản và tích, đồng với nguyện “thượng cầu hạ hóa”, chúng sinh do nghiệp vong thất đại nguyện này của bản môn, nên xa lìa tính giác đắm trong vọng nghiệp. Do vậy chư Phật dùng bản nguyện “hạ hóa, thệ độ nhất thiết chúng sinh” làm phương tiện để nhiếp chúng sinh vào cảnh giới nguyện của chư Phật gọi là tịnh độ, một khi chúng sinh đã được “cảnh giới bản nguyện” nhiếp thì thượng cầu là việc làm duy nhất còn lại của chúng sinh.

Niệm Phật cầu sinh tịnh độ kì thật không giống như tín chúng của các tôn giáo phụng sự Thượng đế cầu sinh thiên đường. Niệm Phật cầu sinh tịnh độ để “quy bản thùy tích” mới thật sự là pháp thậm thâm nan tín, là pháp mà chư Phật lục phương đều hộ niệm.

Không có bản nào không thùy tích, cũng chẳng có thùy tích nào không quy bản. Nếu muốn quy bản thùy tích tất phải lập nguyện để ra khỏi lưới nghiệp. Nhờ bản nguyện mà lìa nghiệp quy bản, quy bản nhưng vẫn tự tại thùy tích trong nghiệp cảnh, đó là thật cảnh giới của nhất thiết chư Phật. Niệm Phật là niệm nhất thiết trí huệ và công đức này. Nhất thiết trí huệ và công đức là bản nguyện của chư Phật.