Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Loi-Pho-Thuyet-O-Thien-Ma-Vien-Hap-Pho
Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Nếu ai muốn biết rõ
Tam thế hết thảy Phật
Nên quán tánh pháp giới,
Thảy chỉ do tâm tạo.

Kinh Kim Cang dạy:

Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
Như sương, như ánh chớp,
Hãy quán sát như vậy.

Hãy biết rằng chỉ thú của hai bài kệ này không khác nhau. Ðã chỉ là do tâm tạo thì đều là hữu vi. Ðã chỉ là hữu vi thì đều như mộng huyễn. Nhưng hữu vi có hai thứ: một là hữu vi hữu lậu, tức là lục phàm pháp giới; hai là hữu vi vô lậu, tức là tứ thánh pháp giới. Mười giới phàm thánh tuy khác, nhưng rốt ráo đều chỉ là do tâm tạo. Hữu vi hữu lậu như mộng, huyễn, còn hữu vi vô lậu do thuận theo pháp tánh nên chẳng phải là mộng, huyễn.

Vì sao bảo là lục phàm đều chỉ là do tâm tạo? Nếu một niệm ứng với thượng phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là địa ngục. Một niệm ứng với trung phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là súc sanh. Một niệm ứng với hạ phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là Tu La. Một niệm ứng với trung phẩm thập thiện thì toàn thể pháp giới là nhân đạo. Một niệm ứng với thượng phẩm thập thiện thì toàn thể pháp giới là thiên đạo.

Trong sáu giới này, chẳng phải chỉ riêng mình tam đồ và trời người hạ giới phải chết đi, sanh lại như huyễn, như mộng, mà ngay cả trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng chẳng tránh khỏi đọa lạc, không vong, đều như huyễn, như mộng cả.

Vì sao bảo là tứ thánh đều chỉ do tâm tạo? Nếu có thể biết Khổ, đoạn Tập, ngưỡng mộ Diệt, tu Ðạo, siêng tu Giới - Ðịnh - Huệ phẩm, chứng được thiên chân Niết Bàn (11) thì toàn thể pháp giới là Thanh Văn. Nếu có thể quán đúng đắn sự lưu chuyển, hoàn diệt, mười hai nhân duyên mà được giác ngộ thì toàn thể pháp giới là Ðộc Giác. Có thể dùng tiên tri để giác hậu tri, dùng tiên giác để giác hậu giác, tu khắp lục độ, vạn hạnh, tự lợi, lợi tha thì toàn thể pháp giới là Bồ Tát.

Bồ Tát lại có bốn loại:

- Nếu dựa theo sanh diệt Tứ Ðế phát bốn hoằng thệ nguyện, trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chế phục Hoặc và độ sanh thì là Bồ Tát của Tạng Giáo .

- Nếu dựa theo vô sanh Tứ Ðế phát hoằng thệ, trước hết đoạn Chánh Sử, tập tành lợi lạc chúng sanh, độ chúng sanh như huyễn thì là Bồ Tát của Thông Giáo.

- Nếu dựa theo vô lượng Tứ Ðế phát hoằng thệ, chẳng chỉ độ lục phàm thoát khỏi phần đoạn sanh tử mà còn độ cả tam thừa quyền thánh thoát khỏi biến dịch sanh tử thì là Bồ Tát của Biệt Giáo.

- Nếu triệt ngộ rằng một niệm tâm tánh hiện tiền vốn sẵn thông suốt chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang, chúng sanh còn mê thì toàn thể là Tập - Khổ, nhưng tâm này chẳng giảm. Chư Phật đã ngộ thì toàn thể là Ðạo - Diệt, nhưng tâm này chẳng tăng. Diệu tâm tuy đồng nhưng do mê ngộ nên cách biệt vời vợi. Lại y theo vô tác Tứ Ðế, phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, xứng tánh tu hành lục độ vạn hạnh, tự giác, giác tha thì là Bồ Tát của Viên Giáo.

Những phước trí do bốn hạng Bồ Tát này tu tập gọi là hữu vi vô lậu. Huống hồ là công hạnh viên mãn, đồng quy Vô Thượng Bồ Ðề thì toàn thể pháp giới trở thành bốn trí Bồ Ðề, trên thân vô lậu đoạn sạch bờ mé vị lai, lợi lạc hữu tình, há cũng có thể nói là như huyễn, như mộng chăng? Trong tứ thánh, Nhị Thừa dù ra khỏi sanh tử, chỉ chứng được thiên chân, chẳng thấu đạt toàn thể tâm tánh nên chỉ gọi là hữu vi vô lậu. Chư Phật, Bồ Tát chứng được toàn thể tâm tánh. Vì thế, nếu ước trên phương diện toàn tánh khởi tu thì gọi là hữu vi vô lậu cũng được; nhưng nếu xét theo phương diện hoàn toàn tu nơi tánh thì gọi là vô vi vô lậu cũng được.

Kinh Kim Cang nói như huyễn, như mộng là để phá những thứ phàm, ngoại và hai thứ chấp: Ngã Chấp, Pháp Chấp. Bởi mộng cảnh tuy là Không, nhưng mộng tâm chính là giác tâm. Huyễn sự tuy là Không, nhưng huyễn vốn chẳng hoàn toàn là giả. Bọt nước tuy chẳng thật, nhưng phải đâu không là nước. Bóng dáng tuy không thực, nhưng nào phải không có chất.

Vì thế, biết được rằng: tuy lục phàm sanh tử qua lại như huyễn, như mộng, nhưng Phật tánh vẫn chẳng đoạn diệt, chỉ thường chẳng biết hay đó thôi! Bồ Tát hiểu rõ một niệm tâm tánh hiện tiền, xưa nay thường hằng, chẳng sanh, chẳng diệt, trên thì bằng với chư Phật, dưới thì bằng với chúng sanh. Dù chẳng muốn thượng cầu hạ hóa cũng chẳng thể được.

Nhưng, tuy phát đại tâm Bồ Ðề, tập khí hư vọng vô minh từ vô thỉ rất nặng, quán lực nhỏ yếu, e dễ bị lui sụt, nên phải hiểu trọn vẹn lẽ trên, chuyên niệm A Di Ðà Phật, cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Bởi lẽ, một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta vốn đã cùng tột theo chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang nên vốn đủ cả vô biên sát hải (13).

Nơi vô biên sát hải trong tâm tánh của ta, thật có thế giới Cực Lạc cách ngoài mười vạn ức cõi, thật có đức A Di Ðà Phật hiện tại, Ngài đã chứng tâm tánh trước, từ bi tiếp dẫn hết thảy loài mê. Nay ta dùng Bồ Ðề tâm lực này xưng danh hiệu Ngài thì cùng với đức A Di Ðà Phật như hư không hòa lẫn hư không, như nước hòa lẫn vào nước. Vì thế, xưng danh một tiếng thì mỗi tiếng nhất tâm bất loạn. Xưng danh mười tiếng thì mười tiếng nhất tâm bất loạn, cho đến xưng danh bảy ngày thì bảy ngày nhất tâm bất loạn. Ngay đang lúc xưng danh, không còn tâm thứ hai, nên chẳng thể loạn được.

Nếu như nói: ngũ nghịch, thập ác lâm chung mười niệm còn được vãng sanh, sao cứ phải hằng ngày khư khư xưng danh? Thật lầm to quá! Hạng ngũ nghịch thập ác được vãng sanh nói đến trong kinh phải là hạng trong quá khứ đã từng gieo trồng hạt giống Bồ Ðề. Nếu không có hạt giống Bồ Ðề, làm sao gặp được thiện hữu? Ví dù gặp thiện hữu khuyên lơn, cũng chẳng thể sanh ngay tín niệm, xưng niệm hồng danh được!

Vì thế, phàm là bậc tu tâm tịnh nghiệp thì phải gấp đề cao diệu tâm, phát Bồ Ðề nguyện, xưng niệm A Di Ðà Phật, dù chẳng đoạn Hoặc, vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh, hoành siêu tam giới. Ðây chính là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, mười phương chư Phật dùng vô lượng lưỡi, vô lượng âm, khen ngợi pháp môn này vẫn còn chưa nói hết được nổi. Hãy nên tin chắc chắn, tận lực thực hành.

Nay Thánh Hà Ngô cư sĩ ở Hoàng Nam cùng pháp hữu Kiên Mật riêng vì lệnh tiên từ là Thành Tịnh ưu bà di Hồng thái nhụ nhân (14) thỉnh tôi giảng pháp yếu nên tôi kính cẩn vì họ giảng nói.
 
Trích từ: Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về