Người nào từng tụng kinh, thọ trì, biên chép mười lời đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, thì có thể thấy mình sanh về thế giới Tây phương Cực lạc trong hoa sen.
Thế giới Tây phương Tịnh độ chỉ có người nam không có người nữ. Người sanh về đó đều hóa sanh trong hoa sen, hoa nở thấy Phật, tức liền được Phật A Di Đà thọ ký, cho đến khi thành Phật. Sau khi thọ ký, trải qua vô lượng na do tha trong trăm ngàn vạn kiếp, đến mười phương thế giới chẳng tính được thì tự mình thành tựu trí huệ, tâm tùy thuận chúng sanh làm lợi ích vô số chúng sanh. Người này ngồi ở tòa Bồ đề đạo tràng hàng phục Thiên ma và ma quân ngoại đạo, thành Phật, chuyển diệu pháp luân, giáo hóa chúng sanh, có thể khiến cho tất cả chúng sanh nhiều như số vi trần ở trong các thế giới phát tâm bồ đề, tùy theo căn tánh của các chúng sanh, dùng phương tiện quyền xảo để giáo hóa họ. Khi căn tánh của họ thành thục, trải qua nhiều kiếp làm lợi ích tất cả chúng sanh.
Người nam tu thiện và chúng sanh nào có thọ trì đọc tụng “Phổ Hiền hạnh nguyện” hoặc nghe được mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền, tin tưởng mười đại nguyện vương này, tâm ưa thích, thân thọ trì, đối trước tượng đọc tụng thọ trì, hoặc nói cho người khác nghe về mười đại nguyện này, công đức đó không thể nói hết được. Chỉ có Phật và các bậc Bồ tát La hán mới biết công đức họ nhiều hay ít mà thôi. Khi các bạn gặp được mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền thì không nên khởi tâm nghi hoặc. Nên nói:
Tâm người tu đạo chớ nghi
Nghi tâm sanh khởi dễ đi đường tà.
Người tu đạo, khi nghe những lời của Phật và các bậc Tổ sư giảng nói chớ có sanh tâm nghi ngờ. Bạn có tâm nghi ngờ thì dễ rơi vào đường tà, nên tin tưởng và chân thật thọ trì, lắng lòng tiếp nhận đạo lý. Sau đó chí thành thọ trì như thọ trì mười đại nguyện vương. Tụng lâu rồi, càng thông hiểu, sau khi trì tụng mười đại nguyện vương, phát tâm biên chép ấn tống, hoặc giảng nói cho người khác nghe mười đại nguyện vương này.
Mọi người mà hành trì như thế, chuyên tâm trong một thời gian ngắn thì nguyện lực tu hành và công đức đều thành tựu. Người nào trì tụng Phổ Hiền hạnh nguyện được phước nhiều vô lượng vô biên, ở trong biển khổ cứu độ tất cả chúng sanh khiến họ được an vui lợi lạc, giúp họ thoát khỏi biển khổ sanh tử khổ đau, đạt đến Niết bàn giải thoát và được vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà.
“A Di Đà Phật” chỉ có bốn chữ, nhưng bao quát tất cả Phật pháp. Mỗi bộ Kinh do đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, đều có người thưa thỉnh, chỉ riêng Kinh A Di Đà là không người thưa thỉnh, không ai hỏi mà chỉ tự Phật nói. Tại sao không có người thưa hỏi? Bởi vì không có người hiểu rõ pháp này. Pháp môn Tịnh độ, chúng ta thấy rất đơn giản, nhưng thật tế có bốn chữ “A Di Đà Phật” bao quát tất cả tam tạng Kinh điển, mười hai bộ Kinh.
Mười năm về trước tôi chuyên niệm Phật có sự cảm ứng, nên làm ra một bài kệ:
A Di Đà Phật vạn pháp vương
Ngũ thời bát giáo tận hàm tàng
Hành nhân đản nhân chuyên trì tụng
Tất chí tịch quang bất động tràng.
“A Di Đà Phật” là chỉ câu Phật hiệu, nếu bạn chuyên tâm trì niệm câu Phật hiệu đó, thì tất cả các pháp bạn đều thông hiểu rõ ràng, cho nên nói “A Di Đà Phật vạn pháp vương”. “Ngũ thời” là thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương đẳng, thời Bát nhã, thời Pháp hoa. “Bát giáo” là Tạng, Thông, Biệt, Viên, Đốn, Tiệm, Bí mật, Bất định giáo. Ngũ thời, bát giáo đều bao hàm trong bốn chữ “A Di Đà Phật”. Cho nên người tu chỉ cần chuyên tâm trì niệm câu danh hiệu A Di Đà Phật, nhất định đạt được Thường tịch quang Tịnh độ và tâm như trong đạo tràng bất động.
Có số người nhận định sai lệch rằng: “Công phu niệm Phật là dành cho ông già bà lão, không phải của người tri thức”. Đây là hiểu một cách sai lầm. Niệm “A Di Đà Phật” pháp môn này, người trí thức cũng tu được, ngu si cũng tu được. Nói tóm lại, pháp môn này dành cho ba hạng người ai cũng tu được đó là hạnh thượng căn, trung căn và hạ căn.
Vì sao chúng ta phải niệm A Di Đà Phật? Bởi vì chúng sanh ở thế giới Ta bà rất có duyên với Bồ tát Quán Thế Âm. Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện ba mươi hai thân để cứu độ họ. Còn đức Phật A Di Đà lại càng có nhân duyên thù thắng, bởi vì đức Phật A Di Đà là thầy của Bồ tát Quán Thế Âm, là giáo chủ ở thế giới Cực lạc. Khi xưa, lúc chưa thành Phật A Di Đà, Ngài tên là Tỳ kheo Pháp Tạng, từng phát ra 48 lời nguyện, mỗi nguyện đều tiếp dẫn chúng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, mới nguyện thành Phật.
Thế giới Cực lạc chỉ có người nam, vì người ở đó đều hóa sinh từ hoa sen ra. Người sinh về thế giới Cực lạc, trước hết thác sinh đầu thai vào hoa sen. Chúng ta nhất tâm niệm Phật thì hoa sen bên Cực lạc sẽ lớn từ từ, niệm một câu Phật hiệu, hoa sen từ từ nở ra, niệm nhiều câu Phật hiệu thì càng lớn ra, đến lúc bằng bánh xe chuyển luân. Khi lâm chung, đức A Di Đà Phật hiện thân đến tiếp dẫn chúng ta về thế giới Tây phương Cực lạc. Tánh linh chúng ta ở trong nhụy hoa sen, khi hoa sen nở ra tức thời pháp thân hiện bày, cho nên nói “hoa nở thấy Phật”. Khi hoa sen nở ra thì bạn sẽ là một vị Phật tương lai.
Thế giới Cực lạc cách thế giới Ta bà qua mười vạn ức cõi Phật, người ở thế giới Cực lạc đều từ hoa sen hóa sanh, cho nên nói: “Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu”. Tất cả chúng sanh niệm “A Di Đà Phật” thì sẽ sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Phật A Di Đà từng phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, nếu xưng danh hiệu tôi, đều sinh về nước của tôi, hóa sinh trong hoa sen, được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Do vậy, người nào ở thế giới Ta bà xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khi lâm chung, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn người này vãng sanh Tây phương Tịnh độ.
Thập phương tam thế Phật
A Di Đà đệ nhất
Cửu phẩm độ chúng sanh
Uy đức vô cùng cực.
Vào thời mạt pháp, Phật pháp dần đi đến hủy diệt, tất cả Kinh điển dần biến mất. Vì sao vậy? Vì chúng sanh thiếu phước báu, tội nghiệp sâu nặng, không có nhân duyên để xem Kinh điển, chẳng cần phải nói tương lai, hiện bây giờ có số người không có mắt, tay và các bệnh tật, nên một chữ trong Kinh cũng không thấy, thật là nghiệp chướng làm cho chướng ngại, đây chính là mạt pháp, người có mắt mà không thấy và hiểu Phật pháp rõ ràng.
Vào thời mạt pháp các Kinh điển lần hủy diệt hết, đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, sau đó đến các Kinh điển khác, cuối cùng là Kinh A Di Đà. Bộ Kinh A Di Đà này sẽ trụ ở đời hơn một trăm năm để độ tất cả chúng sanh. Đến hết thời gian đó, Kinh A Di Đà cũng diệt mất, chỉ còn câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trụ ở đời một trăm năm nữa để độ tất cả chúng sanh. Qua một thời gian chỉ còn lại câu hồng danh bốn chữ “A Di Đà Phật” lại trụ ở đời một trăm năm nữa độ thoát vô số chúng sanh. Cuối cùng bốn chữ “A Di Đà Phật” cũng diệt mất luôn. Phật pháp đến lúc này có thể nói là hoàn toàn hủy diệt.
Kinh A Di Đà, chẳng ai thưa hỏi mà tự Phật nói ra, bởi vì bộ Kinh này vô cùng quan trọng. Chúng ta là người học Phật có duyên gặp được pháp môn này, chớ có xem thường bỏ qua. Người tham thiền, tham câu “Niệm Phật là ai”, đủ thấy trong quá khứ chúng ta đều có niệm Phật qua, mới biết tham thiền “niệm Phật là ai”. Nếu như không có niệm Phật qua mà tham câu “Niệm Phật là ai?”, căn bản bạn chưa từng niệm Phật thì ai niệm Phật đây? Bạn là người chưa từng niệm Phật thì làm sao có thể nói “Niệm Phật là ai?”. Từ câu thoại đầu “Niệm Phật là ai” đủ biết trong quá khứ mỗi chúng ta trong đây ai nấy cũng từng niệm Phật qua rồi. Chẳng qua niệm nhiều hay ít mà thôi, có thành tâm niệm hay lúc niệm lúc không mà thôi. Mọi người chúng ta siêng năng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, sẽ được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, thế giới này có vô lượng chúng sanh vui hưởng đầy đủ lạc thú.
Trích từ: Quê Hương Cực Lạc