Home > Khai Thị Niệm Phật
Tâm Miệng Niệm Phật Dễ Tương Ưng
Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Thích Tâm An, Việt Dịch


Chư vị về đây tham dự Phật thất, thông thường mà nói, niệm Phật chỉ dụng tâm niệm, mà không dụng khẩu niệm. Song, chúng ta tu pháp môn Tịnh độ trọng ở trì danh niệm Phật, pháp trì danh là từ kim khẩu của Đức Thế Tôn thuyết, cho nên lấy miệng chấp trì danh hiệu cũng rất trọng yếu. Như trên đã nói, niệm Phật là dụng tâm niệm, không cần dụng khẩu niệm; nên biết rằng tâm niệm đương nhiên là trọng yếu, song không thể phế bỏ khẩu niệm. Người xưa căn tính rất lanh lợi nên dụng tâm niệm, niệm Phật Thật tướng, đương nhiên là có thể được. Song, hiện tại chúng ta đang ở thời đại mạt pháp, căn tính không thể sánh với người xưa được. Cho nên, chúng ta không thể phế bỏ khẩu niệm, khẩu niệm nếu có thể tương tục không gián đoạn, niệm niệm rõ ràng, tuy tu trì danh nhưng cũng có thể đạt đến Thật tướng.

Mọi người cần phải biết, chữ “niệm” trong hai chữ “niệm Phật” là do hai chữ “kim tâm” hợp lại mà thành. Chúng ta tu trì danh niệm Phật, cố nhiên là phải dùng miệng niệm, song không phải là quên tâm đi, mà nhất định dụng tâm mà niệm. Dụng tâm như thế nào? “Kim tâm” chữ “kim” tức là chỉ cho hiện tại, là giây phút hiện tại, giây đầu tiên là hiện tại, thế nhưng khi bước sang giây thứ hai, thì giây thứ nhất đã trở thành quá khứ rồi, giây đồng hồ chạy tích tắc, tích tắc rất có quy luật. Tâm chúng ta niệm Phật cũng như giây đồng hồ vậy, từng giây từng giây, tích tắc tích tắc, không ngừng niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật… câu này tiếp nối câu kia, niệm không cho gián đoạn, câu này qua liền chú ý vào câu kế tiếp, niệm niệm phải từ tâm mà lưu xuất, nếu tâm không có chú ý tức tâm bạn đã tán loạn, tâm tán loạn làm sao mà thành tựu việc vãng sinh được?

Chúng ta niệm Phật là nhờ vào tha lực, tức là nhờ vào nguyện lực đại từ bi của Phật A Di Đà. Song, trong khi niệm bạn không được quên tâm chí thành, tâm cung kính, mỗi câu danh hiệu từ tâm thành kính mà lưu xuất, miệng niệm từng câu từng chữ rõ ràng, tai nghe từng câu từng chữ rõ ràng. Nếu miệng bạn niệm mà tâm không có chú ý tức bạn sẽ bị vọng tưởng khởi lên, cho nên điều quan trọng bạn phải dụng tâm mà niệm. Mọi người phải chú ý, nếu bạn không dụng tâm mà niệm, thì giống như Đại sư Hám Sơn có nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, chỉ luống phí mất công”, cho nên khi niệm Phật mà bạn không có dụng tâm chú ý vào câu Thánh hiệu, tán loạn sẽ khởi lên. Nếu có chú ý thì tâm khó mà tán loạn được. Khi công phu niệm Phật, chúng ta phải tùy trước vào thời gian, không lo ngại đến tán tâm hay hôn trầm. Nếu bạn có thể chân thật dụng “kim tâm” mà niệm, thì càng niệm tâm bạn sẽ càng an lạc, càng niệm tâm càng thanh tịnh. Một giờ công phu là một giờ an lạc, một giờ công phu là một giờ giải thoát. Bạn niệm Phật mà cảm thấy khổ đau hay khó chịu, không thích thú chứng tỏ trong quá trình dụng công niệm Phật tâm bạn có nhiều vọng tưởng, do có vọng tưởng nên tâm không an, tâm không an tức là tâm tán loạn, tâm tán loạn thì làm sao có an lạc được.

Bạn cần phải biết “Phật” có nghĩa là giác, chúng ta niệm Phật tức là chúng ta thời thời giác ngộ. Bạn có thể dụng “kim tâm” mà niệm, từng giây từng phút niệm niệm rõ ràng, bạn sẽ có được an lạc và tự tại. Bạn muốn có pháp lạc chỉ cần bạn niệm niệm tương ưng, tương tục là có thể đạt được rồi, pháp lạc của việc tu hành, không có một thú vui nào trong thế gian có thể sánh bằng.

Nếu bạn có thể dụng “kim tâm” mà niệm, thì một ngày công phu bạn có thể đạt đến mười vạn câu. Thế nhưng đối với người sơ phát tâm, một ngày công phu niệm được bốn hay năm vạn câu là khá lắm rồi, chư vị sơ phát tâm phải chú ý điều đó, vì chúng ta là người mới tập tểnh bước vào công phu, chư vị chỉ cần quy định bốn hay năm vạn câu là khá nhiều, không nên học đòi theo những người có công phu thành thục, mong muốn mình như họ niệm mười vạn câu. Thế nhưng khi vào công phu chúng ta mới thấy được, mình không thể làm được việc đó, lý do vọng tưởng mình quá nhiều, từ chỗ công phu không thành tựu như người thành thục sẽ dẫn đến tâm lý bức xúc, đó là kinh nghiệm tu hành xin chư vị sơ phát tâm chú ý cho. Điều thiết yếu công phu niệm Phật không chú trọng ở nhiều hay ít, mà là ở chỗ tâm có an định hay không.