Thám Hiểm
(探險) Mạo hiểm đi thăm xét những nơi xa xôi.Những cuộc hành trình mà các nhà cầu pháp từng trải, trên thực chất là những cuộc thám hiểm. Như Phật quốc kí của ngài Pháp hiển đời Đông Tấn, Đại đường tây vực kí của ngài Huyền trang đời Đường... đều là những tư liệu ghi chép về địa lí, dân tộc, chính trị, học nghệ, ngôn ngữ, tông giáo, dân tục... của Ấn độ và các nước vùng Tây vực. Từ thế kỉ XIX đến nay, người Âu tây đối với việc nghiên cứu Á châu, về phương diện sưu tầm các tư liệu Phật giáo đã có những đóng góp rất lớn lao. Như các học giả Hodgson, Wright, Bendall, Lévi... đã sưu tập rộng rãi các văn hiến từ Népal, Burgess, Cunningham đã đào bới điều tra nhiều nơi ở Ấn độ; Huc, Csoma de Kôrôs, Sarat Chandra Das, Schlagintweit, Rockhill, Hà khẩu Tuệ hải, Tự bản Uyển nhã, Tuci... thì đến Tây tạng đào bới điều tra; Hackin, Foucher... thì điều tra ở Afghanistan. Ngoài ra, các cuộc thám hiểm của các ông Bower, Le coq, Grünwedel, A. Stein, P. Pelliot... ở vùng Trung á đều rất nổi tiếng ở đời, đồng thời đã phát hiện rất nhiều tư liệu và di tích. Trước cuộc đại chiến thế giới lần thứ 2, người Nhật bản từng đến vùng Hoa bắc như Mãn châu, Mông cổ... điều tra các di tích Phật giáo. Sau chiến tranh, ở các vùng Tây bắc Trung quốc, các nhà thám hiểm cũng đào tìm được nhiều di tích.