Phật Học Vấn Đáp


Làm thế nào để thâm nhập vào một môn?

8/4/2022 3:12:22 PM

Tiên sinh Hồ Thích một nhà tư tưởng hiện đại đã từng nói "Học thì phải như Kim Tự Tháp vừa rộng lại vừa cao". Đọc nhiều học rộng là cơ sở của học vấn, thâm nhập vào một môn là bước đầu của học vấn mà chỉ có thể là thường thức thôi. Nếu không thể trong bất kỳ phạm trù chuyên môn nào cũng tỏ ra xuất chúng nổi bật lên thì không thể có thành tựu và có những nét độc đáo của mình. Như vậy không phải là chuyên gia mà là người giỏi bình thường thôi.

Do vậy Đức Phật đề ra quy luật Tỳ kheo xuất gia thì nên chuyên tu học về Kinh, Luật, Luận. Nếu tư chất xuất sắc thì có thể để 1/5 thời gian để học thêm kinh sách ngoài Phật giáo bởi vì thời gian của cuộc đời con người là có hạn. Kinh điển Tam Tạng của Phật giáo là bao la như biển cả, dù cho có đọc hết kinh sách nỗ lực cả cuộc đời cũng không có cách nào học được cái tinh túy kỳ diệu của đạo Phật. Do đó, từ xưa đến nay người học Phật nghiên cứu Kinh và Luật phải có sự lựa chọn. Khi bắt đầu vào học có thể đọc những sách khái quát về lý luận rồi những sách về lý luận thông thường, có tính chất thông sử để biết những nét lớn. Sau đó nên lựa chọn, dựa vào chí hướng, sở thích cá nhân để đọc bộ kinh nào đó hoặc là một số kinh có liên quan, một bộ luận nào đó, hoặc một số bộ luận có liên quan. Rồi có như vậy mà suốt cả cuộc đời nỗ lực học tập tu trì, nghiên cứu, hoằng pháp thì có thể một bậc đại sư.

Hiện nay đối với những Phật tử nói chung, cái gọi là "thâm nhập vào một môn" bức thiết cần phải biết nhất thiết không phải là vấn đề có liên quan đến kinh, luật, luận và là kinh nghiệm tôn giáo, pháp môn tu trì và việc lựa chọn và theo học các thiện tri thức. Bởi vì nói chung người ta không biết bản thân mình thích hợp tu hành tôn phái nào hoặc pháp môn nào, dù là tu khổ hạnh, tu theo kiểu hiển giáo, theo mật giáo đều không biết mình bắt đầu học từ đầu và bắt đầu học như thế nào? Về mặt hiển giáo, nếu theo tông Tịnh độ, theo thiền, luật Thiên Thai, Hoa Nghiêm duy thức, thì mỗi tôn giáo đều có một vị, thậm chí còn có nhiều vị Đại đức tăng và tục nổi tiếng, đều có thể theo học.

Hiện nay lại có một số mật giáo mà không có thầy truyền, những môn đệ tử của tín ngưỡng dân gian thường tự xưng mình là bậc thầy tối thượng, tự cho mình là Phật sống. Họ xuất hiện nhan nhản ở thế gian, tung ra một loạt luận điệu tuyên truyền, nói rất hay, lý lẽ rất vững tạo ra các phép làm lóe mắt mọi người. Nói chung, con người không có cơ sở Phật học, do yêu cầu phải có phương pháp tu trì và phải tu hành có hiệu quả ngay, nên không tránh khỏi lần mò khắp nơi, khắp chốn thấy được cái gì thì học cái nấy, kết quả là tâm thần rối loạn, tâm lý không ổn định, sinh hoạt không bình thường tách rời khỏi xã hội. Đó là những việc đáng tiếc.

Do vậy chúng tôi chủ trương muốn thâm nhập vào một môn thì không được đứng núi này trông núi nọ. Nếu Phật Pháp chính thống Phật giáo chính tín mà anh công nhận không phát sinh ra tác dụng phụ thì dù là niệm Phật, tham thiền, trì chú, anh cứ không ngừng tu trì, dần dà thì nhất định sẽ thấy kết quả trông thấy. Tuyệt đối chớ để sự hiếu kỳ lôi cuốn, không để các giác quan kích thích và tư tưởng bị kích động, mà nên theo con đường tu học Phật Pháp với cái tâm bình thường. Lại nhờ sự tự lực giúp đỡ của Đức Phật để khi lâm chung được vãng sinh lên cõi Tịnh độ nước Phật là đủ lắm rồi. Nếu không và muốn trở thành một vị cao Tăng và Cư sĩ, Đại đức Phật giáo, lại muốn thông hiểu các loại học vấn tri thức về văn chương, triết học, lịch sử tôn giáo xưa nay cả trong nước và ngoài nước thì lãng phí cả cuộc đời. Thế là vừa không lợi cho mình, cũng không lợi cho người, vừa không thể tự tu một cách đầy đủ lại không thể dùng cái sở trường của mình giúp đỡ người khác.

Trích từ:  Học Phật Quần Nghi. Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Minh Quang



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật