Phải chăng học phật cũng cần đến tri thức và học vấn? Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả : Thích Minh Quang | Xem: 511


Câu Hỏi

Phải Chăng Học Phật Cũng Cần Đến Tri Thức và Học Vấn?

Trả Lời

Câu này hỏi khá hầm hồ, dễ gây lẫn lộn. Trước hết chúng ta khẳng định câu nói của Khổng Tử "Dân có thể khiến họ làm theo, chẳng thể khiến họ hiểu biết" (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi). Câu nói có nghĩa là đại chúng thông thường hiểu càng ít thì càng có thể chuyên tâm nhất ý cứ theo phương pháp giản đơn của thầy dạy cho mà đi sâu vào một môn chuyên chú tu hành và thu được lợi ích. Cho nên người trình độ thấp, thậm chí người mù chữ chưa từng đọc qua sách vở cũng không phải là không tiếp thu được nhiều về Phật pháp, ví dụ Lục Tổ Huệ Năng theo truyền thuyết là người tiều phu đốn củi chưa hề đọc sách, mà cuối cùng đã trở thành vị tổ sư thứ sáu trong lịch sử Thiền Tông Trung Quốc.

Song căn cứ vào nội dung của "Lục Tổ đàn kinh" và căn cứ vào khảo sát của các học giả thì đại sư Huệ Năng tuy chẳng phải là một vị học giả, nhưng không thể nói rằng Ngài là người mù chữ. Vì thế, theo truyền thuyết, trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, người mù chữ trở thành tổ sư Phật giáo, hơn nữa có ảnh hưởng sâu xa rộng lớn đối với Phật giáo thì là độc nhất vô nhị. Bắt đầu từ đức Thích Ca Thế Tôn trong Phật giáo Ấn Độ truyền nối cho đến các vị tổ sư ở các đời Trung Quốc đều là các bậc trí thức, các nhà đại học vấn hiểu rộng ngũ minh, hiểu rộng học vấn trong nước và ngoài nước.

Loài người thượng thượng đẳng thì chẳng cần giáo dục, chẳng cần văn hóa mà là tự thông suốt tất cả, họ có thể nắm được cái lý cơ bản để quán thông cái sự toàn thể, chứ không phải từ trong sự nhận biết vạn sự vạn việc vụn vặt tủn mủn mà thấy cái lý thống nhất. Đúng như trong bài ca "Vĩnh Gia đại sư chứng đạo" có câu : "Vạch lá tìm cành ta chẳng thể" (trích diệp tầm chi ngã bất năng) và "Xuống biển đếm cát chỉ nhọc mình" (nhập hải toán sa đồ tự khốn), có nghĩa là từ hiểu một mà hiểu cả trăm, chẳng cần phải tủn mủn vụn vặt.

Học pháp là biết rõ cái lý để mà hiểu thấu cái gốc, học Phật là kiến tín mà thành Phật, đương nhiên chẳng cần tri thức và học vấn. Thế nhưng sau khi kiến tính và ngộ rồi, vì lợi ích chúng sinh nên phải thông hiểu kinh giáo, trau giồi tri thức để làm công cụ lợi sinh.

Những người trung thượng đẳng và trung hạ đẳng phải dựa vào sinh giáo, học hỏi minh sư mới có được chuẩn mực tu hành và phương hướng học tập, nếu không thì tu hành, luyện tập một cách mù quáng. Trước khi gặp được minh sư, hoặc sau khi đã gặp được minh sư, cần phải căn cứ vào kinh giáo mới có thể lựa chọn được minh sư thật hay giả. Nếu thuận với kinh giáo, thâm nhập pháp lý, hiểu rõ pháp nghĩa thì đó là minh sư thật. Nếu chỉ đem những điều tự mình ức đoán và những điều cảm ứng, kinh nghiệm của mình trong việc tu trì để tự do tùy tiện giải thích kinh giáo và chê bai các vị đại tổ sư chánh thống các đời cùng Tam Bảo thì chính đó là các tà sư chứ chẳng phải là minh sư.

Cho nên, nếu ai chưa biết chọn minh sư như thế nào thì trước hết phải thâm nhập kinh giáo, xác nhận Phật pháp, rồi mới đi tìm minh sư để giúp đỡ mình theo kiểu vẽ rồng điểm nhỡn khiến cho ngàn vạn điều nghi vấn thắc mắc có thể chỉ qua một lời chỉ giáo mà được triệt để giải quyết. Đó mới chính là minh sư của bạn.

Nếu không biết tí gì mà đi học hỏi minh sư, thì ngay đối với bạn mà nói ông ta vẫn là một phàm nhân bình thường !

Nếu đã hiểu sâu kinh giáo thì dù có đi nát giầy sắt, tìm khắp thiên hạ, chưa gặp minh sư, cũng sẽ không bị lạc đường. Hơn nữa nếu đã nắm vững phương hướng rồi thì chỉ cần bóc từng lớp một những điều vướng mắc trong lòng thì tuy không thể phá thủng được đáy thùng vô minh đen kịt ngay trong một lúc, nhưng vẫn là an toàn hơn.

Người tu pháp môn niệm Phật, nếu không có thời gian, hoặc hoàn cảnh không cho phép thì chỉ cần nắm vững một câu sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật" là đủ.

Song các vị tổ sư hoằng dương Tịnh độ các đời như Ngài Tuệ Viễn ở Lư Sơn cùng các Ngài Đạo Xước, Đàm Loan, Thiện Đạo, Ca Tài đời Đường, cho đến cái Ngài Liên Trì, Ngẩu Ích cuối đời Minh cùng đại sư Ấn Quang đầu thời Dân Quốc v.v… đều là những bậc học rộng, thông hiểu cả ba giáo : Nho, Thích, Đạo và cũng đều là những nhà tư tưởng lớn trong lịch sử Phật giáo.

Như vậy thì làm sao lại có thể nói rằng : Niệm Phật chẳng cần đến kinh giáo ? Chẳng thông pháp nghĩa mà chỉ niệm Phật, làm sao biết được niệm Phật có thể vãng sinh Tịnh Độ ? Hơn nữa, cái gọi là Tịnh Độ gồm có mấy loại ? Tuy rằng người hạ đẳng chẳng biết hỏi, chỉ biết làm theo. Nhưng là người đã biết hỏi, hơn nữa thường xuyên cần phải giúp đỡ người khác học Phật, tin Phật, niệm Phật, nếu không biết tí gì về kinh giáo pháp nghĩa thì làm sao có thể sản sinh ra lực lượng khuyến hóa được ?

Nếu không thì là người mù dẫn dắt người mù, tu hành luyện tập mù quáng, tà chính chẳng phân, tâm thái chẳng tỏ, mục đích không rõ ràng, thế thì làm sao có thể tự lợi lợi tha, đạt tới mục đích vãng sinh Tịnh Độ được ?

Đúng là con người đang giữa lúc dụng công, dù là tham thiền niệm Phật hay tu hiển, tu mật, đều yêu cầu "tâm vô nhị dụng" (tâm chẳng dùng hai), không thể vừa tu hành vừa nghiền ngẫm kinh giáo, hoặc lúc nào cũng đem nội dung, pháp nghĩa trong kinh giáo ra đối chiếu với tình hình tu hành của mình, đó là một thứ nhiễu loạn, là đại chướng trong việc tu hành.

Nhưng trong việc nhận rõ chỉ tiêu trước khi tu hành và việc ấn chứng tình huống, chỉ đạo việc học tập sau này sau khi tu hành, việc nghiên cứu tụng đọc kinh giáo lại là phần không thể thiếu được.

Trích từ: Học Phật Quần Nghi