Phật Học Vấn Đáp


Tại sao tu hành mà còn dùng da bò làm trống đánh ở trong chùa?
Bạch thầy, lâu nay con có một thắc mắc, Phật dạy người tu hành không được sát sanh hại vật, Nhất là đối với người xuất gia tuyệt đối không được sát sanh. Thế nhưng con không hiểu tại sao trong chùa dùng trống đánh bằng da bò. Như vậy, có lỗi gì không? Và còn có lòng từ bi không? Kính mong thầy giải thích rõ cho con hiểu.

8/1/2022 7:44:17 AM

Xin thưa ngay là không có lỗi gì cả. Trống là một trong những pháp khí mà trong chùa thường sử dụng. Thường trong chùa có hai loại trống để dùng đến trước và trong khi tụng niệm. Các loại trống nầy thường làm bằng đá, cây, đồng v.v... Xưa kia, thời của đức Phật cũng đã có sử dụng trống để báo thời gian, cảnh báo. Khi có bố tát, hoặc nghe pháp... thì dùng nó để tập họp chúng tăng. Trong Ngũ Phần Luật có ghi: "Chư Tỳ kheo bố tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn nhược đả kiền chùy nhược đả cổ..." Nghĩa là các vị Tỳ kheo bố tát, tập họp không đúng thời, Phật dạy, nên đánh kiền chùy hoặc đánh trống... Trung quốc thời xưa người ta dùng nó trong các dịp lễ lộc, vũ hội. Về kích thước của trống có nhiều loại to nhỏ khác nhau. Có loại trống to để trên giá (gọi là trống tẩu)  trống nầy được dùng để đánh bát nhã. Loại trống nhỏ người ta gọi là trống ứng (dùng nó để tán tụng) còn loại treo để đánh thì gọi là trống treo.

Sử ghi: "Từ đời Đường về sau, theo thanh quy của thiền môn, trống là một trong những loại pháp khí dùng làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau nầy Phật giáo Trung Quốc tiến thêm bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là "kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng", dùng âm thanh làm Phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam bảo".

Việc sử dụng trống chuông trong thiền môn đã trở thành rất quen thuộc của quần chúng Phật tử. Đối với hai thứ pháp khí nầy không ai còn xa lạ gì. Tuy nhiên, Phật tử thắc mắc tại sao trong chùa dùng trống đánh bằng da bò và như thế còn có lòng từ bi không?  

Xin thưa, như đã nói việc sử dụng da bò làm trống đã có từ lâu đời. Vì đây cũng là một nghề nghiệp sinh sống đã có truyền thống văn hóa lâu đời. Nghề nầy là do các nghệ nhân khéo tay có kỹ thuật về thẩm âm và thủ công cao mới có thể thực hiện tốt được. Dĩ nhiên,  điều nầy không phải do người xuất gia giết bò rồi lấy da của nó làm trống. Hiểu như thế là sai lầm. Tuy đây là việc làm của người thế gian, nhưng vì xét thấy rất hữu ích cho việc sử dụng trong chùa, cho nên nhà chùa mới dùng nó. Sở dĩ, trong chùa dùng trống, như trên đã nói là cốt để báo thời gian, cảnh báo cho đại chúng biết. Đồng thời cũng còn sử dụng trống trong việc lễ nghi tán tụng v.v...Tuy con bò đã chết đi, nhưng nó còn để lại cái tấm da mà người ta khéo biết lợi dụng dùng nó để làm lợi ích cho mọi người. Việc làm nầy đứng về mặt lợi ích hành thiện, thì rất là có ích lợi. Vì người ta dùng da của nó làm trống vừa để cảnh tỉnh người đời tỉnh thức tu hành, vừa sử dụng trong nhịp điệu tán tụng v.v... Nói chung, việc làm nầy đều nhắm vào sự lợi lạc cho mọi người. Như thế, thì sao nói là không có từ bi? Bởi vì nhờ đó mà nó càng tăng thêm phước đức. Biết đâu, nó sẽ chuyển kiếp tái sinh ở một môi trường tốt đẹp an lành khác thì sao? Như vậy, thì từ cái vô ích không có phước mà người ta làm cho nó tăng thêm hữu ích phước báo, thế thì sao dám nói là không có từ bi?

Tóm lại, việc sử dụng da bò trong nhà chùa không có lỗi gì và cũng không phải là không có từ bi.

Kính chúc Phật tử tâm Bồ đề kiên cố, chánh tín tu hành cho đến ngày viên thành Phật quả.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Xuất Gia        Tu Hành        Sát Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật