Phản Văn Văn Tự Tánh Là Gi? Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa | Xem: 646


Câu Hỏi

Bồ tát quán thế âm dạy: "phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo". Vậy phản văn văn tự tánh là gì?

Trả Lời

Quan Thế Âm Bồ Tát dạy chúng ta 1 phương pháp niệm Phật tối thù thắng nhất, đó là: "Phản văn văn tự tánh, tánh thành Vô Thượng Đạo". Dùng phương pháp "Phản Văn văn tự tánh" này để niệm Phật thì đi đến Nhất Tâm nhanh, công phu dễ đắc lực. Vậy thế nào là "Phản văn văn tự tánh"? Đây cũng chính là đô nhiếp lục căn mà Đại Thế Chí trong Kinh Lăng Nghiêm đã dạy. Mắt chúng ta toàn nhìn ra bên ngoài, bây giờ phải nhìn vào bên trong. Tai hướng ra ngoài để nghe ngóng, bây giờ phải hướng tánh nghe vào bên trong. Bên trong ở đây là chỉ cho tự tánh, chúng ta hồi đầu lắng nghe tự tánh, hồi đầu thấy tự tánh. Khi lục căn đều quay trở lại vào bên trong thì chính là Minh Tâm Kiến Tánh.

Hướng tánh nghe vào bên trong là như thế nào? Là lắng nghe từng chữ, từng câu Phật hiệu do mình niệm ra. Nghe cho rõ ràng, rành rẽ từng chữ một, đừng để cho bị lộn lạo, đừng để cho mất chữ. Vọng niệm có dấy khởi lên cũng hãy mặc kệ, đừng quan tâm đến nó. Chỉ chuyên chú lắng nghe từng chữ, từng câu Phật hiệu mà thôi. Lâu rồi tâm sẽ dần thanh tịnh, phiền não vọng tưởng sẽ nhẹ bớt đi. Khi tâm đã thanh tịnh thì chúng ta rất dễ dàng đi vào trạng thái của Định, và Nhất Tâm không còn là chuyện quá xa xôi nữa.

Trước đây chuyện gì, việc gì mình cũng để tâm nghe ngóng, để tâm tìm hiểu. Mà tìm hiểu càng nhiều, nghe ngóng càng nhiều thì phiền não càng nhiều, dẫn đến tâm không chuyên nhất trên câu Phật hiệu, việc niệm Phật cũng theo đó mà bị gián đoạn, phiền não phân biệt, chấp chước càng tu càng dày thêm, vậy thì làm sao đi đến Nhất Tâm, chiếc vé đi Cực Lạc làm sao có thể nắm được trong tay chứ?

Hướng tánh nhìn vào bên trong là gì? Là nhìn vào nội tâm của mình. Trước đây cái gì cũng chạy đi nhìn, đi xem, còn muốn đi thăm viếng danh sơn này, còn muốn đi ngắm cổ tự kia, mà khi mắt vừa tiếp xúc với sắc trần thì tâm liền động, tâm động thì câu Phật hiệu lập tức bị gián đoạn. Bây giờ không đi tìm hiểu, không đi nhìn ngắm nữa, mà hướng cái nhìn này vào bên trong nội tâm của mình. Nhìn ngắm cái gì bên trong nội tâm của mình vậy? Nhìn cái tâm đang vui, đang buồn, đang yêu, đang ghét, đang tham lam, đang hờn giận của mình. Bất cứ ý niệm nào vừa khởi lên là yêu, là ghét, là giận, là buồn, là tham lam, là ích kỷ liền lập tức nhận biết ngay.

Người thật sự biết niệm Phật, khi vọng niệm thứ nhất vừa khởi lên liền nhận biết, lập tức dùng câu A Di Đà Phật áp chế nó, tức là niệm thứ 2 đã được chuyển thành A Di Đà Phật. Niệm thứ 3 là vọng niệm, thì niệm thứ 4 liền chuyển trở lại thành A Di Đà Phật. Công phu như vậy lâu dần vọng niệm sẽ không còn lẫy lừng được nữa, tâm sẽ dần an Định, công phu theo đó mà đắc lực.

Nếu chúng ta y theo phương pháp này mà thiết thật hành trì, thì tình chấp của chúng ta đối với thế gian này sẽ lần lần lợt lạt bớt, phiền não chấp chước theo đó mà ít lần đi, công phu sẽ đột phi mãnh tiến, căn cơ đạo nghiệp của chúng ta sẽ được buộc chặc bền vững. Chính chúng ta sẽ cảm thấy 1 cách rõ ràng sự hộ niệm của chư Phật, Bồ Tát, sự ủng hộ của Long Thiên Thiện Thần. Không cần hỏi người khác, chính mình rõ ràng hơn ai hết có bao nhiêu sự an lạc, tự tại bên trong nội tâm của mình, đây gọi là uống nước nóng lạnh tự biết vậy

Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa