Phật Học Vấn Đáp


Vô minh là gì?

2/18/2023 7:14:33 PM
Vô minh (avijjā), như được định nghĩa trong kinh điển, là sự mê mờ, không hiểu rõ một cách toàn diện về Bốn chân lý (Thánh đế), đó là: khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau. Do vậy, vô minh luôn đối lập với minh (vijjā) hay còn gọi là giác ngộ. Hễ bên này là vô minh thì bên kia là giác ngộ. Ở đây, vô minh và giác ngộ đồng thời biểu thị cho hai thế giới đối lập giữa sinh tử (samsāra) và Niết bàn (Nirvāna); do đó, vô minh được xem là nền tảng của khổ đau, là hạt nhân của sinh tử luân hồi. Trong giáo thuyết về Bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo , thì Diệt đế (nirodha) đồng nghĩa với Niết bàn; vì Diệt đế là sự chấm dứt vô minh vốn là nguyên nhân đích thực của khổ đau (dukkha). Vì thế, vô minh luôn có mặt trong 11 chi phần nhân duyên còn lại, nó có mặt trong hành, thức, danh sắc... cho đến lão tử. Trong thực tế, thân phận của con người, vô minh được biểu thị qua sự si mê chấp ngã, cho rằng có một cái tôi thường hằng hay một cái ngã linh hồn bất tử. Và do bám víu vào một cái tôi/ cái ngã như thế mà con người bị đắm chìm trong đại dương sinh tử và tạo ra các nghiệp: thiện và bất thiệnVì vậy nên Đức Phật dạy: “Vô minh làm điều kiện cho hành sinh khởi”. (vô minh duyên hành/ avijjāpaccayā sankhārā).
 
Trích từ:  Cẩm Nang Của Người Phật Tử Tập 2. Khải Thiên



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật