Phật Học Vấn Đáp


Tại sao ông lại muốn biện giải bênh vực cho mê tín dị đoan?
Chúng ta học Nho, học thuộc Kinh Thư, làm theo Khổng Tử, phải xem việc bài trừ mê tín dị đoan là nhiệm vụ của mình, nay ông ngược lại muốn biện giải bênh vực cho những việc như thế là

9/12/2022 8:21:01 PM

Ông nói thế thật chưa hiểu thế nào là dị đoan. Chữ đoan là đầu mối xuất phát, là căn bản của sự việc, chữ dị là khác biệt, cho nên nói dị đoan là chỉ những điều mà căn bản xuất phát khác hẳn với lời dạy của Thánh Nhân.

Chẳng hạn như lòng trắc ẩn là căn bản của đức nhân, nên không có lòng trắc ẩn tức là dị đoan, biết hổ thẹn với điều xấu ác là căn bản của nghĩa, nên không biết hổ thẹn chính là dị đoan, tâm của Bậc Thánh Nhân không có bốn điều:

ý, tất, cố, ngã, nếu có những điều này tức là dị đoan, Khổng Tử lại có nói rằng: Đạo của ta chỉ một mối mà suốt thông tất cả, nếu không phải một mối suốt thông, ắt là dị đoan.

Tống Hiếu Tông nói rằng: Ngũ Giới của Nhà Phật chính là Ngũ Thường của Nho Gia.

Như vậy, đạo của Khổng Tử so với Giáo Pháp của Phật nào phải xa cách nhau?

Người đời nay không suy xét kỹ việc ấy, vừa nghe đến thuyết từ bi là do Phật dạy liền lập tức phản đối thuyết ấy, khiến cho đức nhân của Đạo Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà diệt mất, vừa nghe những giới không trộm cắp, không tà dâm là do Phật dạy, liền lập tức phản đối các giới ấy, khiến cho đạo nghĩa của Nhà Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà tiêu tan, vừa nghe đến giới không nói dối là do Phật dạy, liền lập tức phản đối giới ấy, khiến cho đức trung tín của Nhà Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà diệt mất.

Như vậy chẳng phải là muốn bảo vệ Đạo Nho mà ngược lại thành ra tổn hại Đạo Nho đó sao?

Huống chi, đạo lớn của Thánh Hiền luôn vì lợi ích chung mà không vì lợi riêng, Vua Nghiêu chí thành cung kính, thường khiêm tốn hạ mình cầu Bậc Hiền tài, Vua Thuấn bỏ mình, theo ý người, Vua Vũ không tự khoe mình tài giỏi, không tự đề cao công trạng của mình, Văn Vương luôn cầu học được chỗ chưa biết trong đạo lý, không lúc nào dừng, lời dạy của tất cả những vị ấy có bao giờ phản bác, bài xích lẫn nhau đâu?

Mạnh Tử phản bác Dương Chu, Mặc Địch, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ, cũng ví như các vị thuốc đại hoàng, ba đậu, Thầy thuốc giỏi chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến một lần, không thể mỗi ngày đều dùng.

Nếu nói rằng công lao của Mạnh Tử đối với hậu thế chỉ hoàn toàn ở nơi việc phản bác Dương, Mặc, vậy nếu như không có hai người ấy, lẽ nào Mạnh Tử lại không đáng tôn xưng, kính trọng hay sao?

Lẽ nào việc Mạnh Tử được hậu thế muôn đời thờ phụng cung kính hóa ra lại là nhờ vào phúc ấm của Dương, Mặc hay sao?

Nho Gia đời Tống thật không theo kịp Mạnh Tử, nhưng tánh khí nóng nảy phẫn hận thì ngược lại vượt xa Mạnh Tử. Người đời nay không theo kịp Nho Gia đời Tống, nhưng tánh khí nóng nảy phẫn hận thì cũng vượt xa các Nho Gia đời Tống. Từ nay về sau, thật không biết sẽ còn suy vi cho đến mức nào nữa.

Tôi vì lo sợ việc ấy nên mới buộc lòng phải nói ra những lời này. Người đời ví như hiểu được lòng tôi thì tốt, bằng ngược lại chê trách buộc tội tôi, cũng không có gì quan trọng.

Trích từ:  An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại. Chu An Sĩ | Dịch Giả :Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến


Thẻ
Phóng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật