Phật Học Vấn Đáp


Ngoài tâm thấy Phật đều cho là ma. làm sao được Phật hộ niệm để sinh về cõi Tịnh?
Kinh Phật Tạng ghi: “Nếu Tỳ kheo nào thấy có Phật, Pháp, Tăng và Giới để thọ trì thì người đó là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử của ta, ta cũng không phải thầy và cũng không tiếp nhận người đó”. Hỏi: Theo kinh Phật Tạng, ngoài tâm thấy Phật đều cho là ma, Phật không phải thầy họ và nói họ chẳng phải đệ tử của Phật. Như thế, pháp môn Tịnh Độ dạy người chuyên niệm danh hiệu Phật, quán tướng hảo Phật, cầu sinh Phật quốc, vậy người ấy chẳng phải đệ tử Phật, Phật không phải thầy của người ấy, làm sao được Phật hộ niệm để sinh về cõi Tịnh? Xét hai pháp môn ấy đều là lời Phật dạy, nhưng lại khác nhau, vậy nên định đoạt thế nào?

8/31/2022 7:22:04 AM
Giáo môn có muôn ngàn sai biệt, nhưng cùng trở về một thể chân thật, tùy theo căn cơ mà lập nghĩa, nên ngôn giáo có sai biệt. Nghiên cứu kỹ hai kinh, văn tuy khác nhau, nhưng lý cùng một thể.
 
Vì sao? Vì Phật, Pháp, Tăng và Giới có ba ý nghĩa:
 
Chân đế.
Biệt tướng.
Trụ trì.
 
1. Chân đế: Thể chân như thanh tịnh, bặt dứt phiền não chướng và sở tri chướng , bản giác sáng ngời đó là Chân Phật. Giữ gìn thể tánh không biến đổi, chư Phật từ đây mà thành tựu, bậc Đại sĩ đồng nương gá, muôn hạnh nhân đây mà hiển bày, đó chính là Chân Pháp. Thầm thể hội muôn pháp, dứt bặt ngôn từ, hý luận, đó chính là Chân Tăng. Tánh thanh tịnh trang nghiêm, thể tinh khiết vô cấu đó chính là Chân Giới. Căn cứ vào những nghĩa thù thắng này, cho nên nói là Chân đế, đó cũng là điều mà kinh Niết bàn ghi: “Quán Tam Bảo thường trụ đồng với Chân đế, chính là thệ nguyện tối thượng của chư Phật”.
 
2. Biệt tướng: Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân . Pháp có bốn loại là giáo, lý, hạnh và quả. Tăng có hai loại là Hữu vi và Vô vi. Giới là tất cả các giới phẩm Chỉ trì và Tác trì  mà người xuất gia và tại gia phải thực hành. Nhưng tu Biệt tướng là để cầu chứng Chân đế, hàng Khởi hạnh  vừa biết Biệt tướng lại cho là cứu cánh nên không ngộ được nguồn chân. Còn hàng Học giới  thì cho tất cả đều là trợ đạo. Danh tướng Phật ứng hiện chẳng phải chân thật, nhưng để tiếp độ hàng phàm phu mà phương tiện lập ra Hóa thành . Kẻ thấp kém không hiểu được mới chấp là chân thật, nên bị Đức Phật quở trách, cho là quyến thuộc của ma. Là Phật tử cần phải đạt được Hai không , xa thì hợp chân như, gần thì đúng với bổn nguyện, nếu cứ chấp chặt mãi danh tướng mà không ngộ được chân không thì lại rơi vào chốn ma, xa Phật trái Pháp. Muốn vượt Ấm ma  phải nhờ Pháp thân thường trụ; trừ Phiền não chướng cần nương vào Định hư không; ra khỏi cõi Thiên ma nên nhờ sức định Từ; cầu vượt Tử ma phải khéo nương vào định Thần túc. Xem khắp bốn phương, chẳng phải Đại thánh thì không ai có thể làm được, chinh phục Bốn ma  đâu phải khả năng của kẻ phàm phu. Nếu không để tâm vào chí đạo, thì biết lấy gì để dứt trừ lưới ái. Còn buộc niệm hướng về chân thì ngăn dứt các nẻo trong đường sinh tử.
 
Thế nên, Đức Phật chỉ dạy hàng phàm phu hãy nên học quán môn Tịnh độ. Nếu nghĩ đến Tây Phương thì phải cầu sự bất thoái, được sinh cõi Tịnh, thấy Hóa thân Phật, đức Hóa chủ dẫn dắt, đạt Vô sinh nhẫn , tỏ ngộ pháp giới bình đẳng. Nương vào thần lực ấy phá các lưới ma, gần thì vượt khỏi ba cõi, xa thì được chứng đắc Bồ đề. Nếu không như thế lại chìm trong đường ác, thọ khổ dài lâu, không bao giờ giải thoát. Hiểu rõ hai nguyên nhân này hoàn toàn không khác nhau, chớ chấp một bên nào để sinh tâm nghi ngờ. Thuận pháp môn cơ bản này mà quán tưởng cõi kia, lìa hẳn Ta bà, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi; suy nghiệm pháp môn này rồi theo đó tu hành, quán nhân duyên cạn sâu, tự có lợi ích. Rõ ràng do niệm mà khế hợp với bản nguyện, nào có sai khác!
 
(Phần Trụ trì trong nguyên bản Hán, tác giả không đề cập đến).
Trích từ:  Tây Phương Yếu Quyết . Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn


Thẻ
Giới        Tịnh Độ        Phật Học        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật