Phật Học Vấn Đáp


Hạnh khởi giải tuyệt là thế nào?

8/19/2022 4:26:26 PM

Bắt đầu công phu phải buông bỏ mọi kiến giải (hiểu biết), kể cả kiến giải Tịnh Độ. Buông bỏ không phải là vứt bỏ, mà là không chấp trước, không dính mắc.

Chư Tổ dạy: “Thế trí biện thông là một trong tám nạn”. Nghĩa là sự hiểu rõ, biện luận thông suốt việc đời, là một trong tám nạn, (nạn là gây trở ngại đường tu). Tại sao thế? Vì người ấy (người thế trí biện thông) tự cao, tự mãn, chấp chặc vào sự học rộng, hiểu nhiều của mình, sanh ra so đo, tính toán, nghi ngờ pháp mới học, nên không lãnh hội được, (gây chướng ngại cho sự tu học, gọi là sở tri chướng). Người đời là thế, tu sĩ cũng không khác.

Thí dụ: cái ly phải là ly trống (trống, không có gì cả) đổ nước mới vào, bằng như ly đầy nước, dù đổ thêm bao nhiêu nước mới, đều bị tràn ra ngoài hết, không vô tí nào cả.

Ví như, dù là tảng đá hay thỏi vàng, (kiến giải ) cũng vẫn che ngăn sức chiếu soi của gương sáng (Phật tánh, Đại viên cảnh trí).

Chư Tổ dạy: “Hành giả Tịnh Độ có ba hạng người:

1/ Thượng căn, thượng trí.

2/ Phàm phu sát đất, chất phát, thật thà, tín tâm sâu.

3/ Ở giữa hai hạng trên (dở dở, ương ương)”.

Hai hạng đầu tu dễ thành tựu, hạng thứ ba là chúng ta đây tu rất khó thành tựu. Tại sao?

Hạng thượng căn, thượng trí thấu rõ chân lý, có trí tuệ nên buông xả được.

Hạng chất phát thật thà, tín tâm sâu, nên không nghi ngờ, họ y giáo phụng hành (bảo sao làm vậy, không so đo, tính toán hơn thiệt gì cả).

Hạng thứ ba, buông xả không được như đã nói trên (ly nước đầy rồi, có đổ thêm, nước mới cũng tràn ra ngoài, không vô tí nào cả), Mặt khác lại thắc mắc, nghi ngờ đủ thứ, gây chướng ngại đường tu (sở tri chướng).

Bởi vậy, Pháp Nhiên thượng nhơn nói: “Trở lại “ngu si” mà niệm Phật”, Cổ đức cũng dạy: “Người học đạo trước tiên phải học ngu”. “Ngu si” đây không phải là ngu dốt mà là buông xả hết cho đến không còn gì buông xả được nữa.

“Hạnh khởi, giải phải tuyệt”. Được vậy mới mong công phu đắc lực (hữu hiệu), chóng thành đạo quả.

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Hạnh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật