Công việc dễ sinh phiền não, tâm không thanh tịnh. Vậy nên xử sự như... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi | Xem: 618


Câu Hỏi

Bạch Hòa thượng! Nếu mình làm công việc quản lý nhân sự, điều hành công việc nhưng lại dễ sinh phiền não, tâm không thanh tịnh. Vậy nên xử sự như thế nào? Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ.

Trả Lời

Làm việc đã khó, làm người càng khó hơn. Đặc biệt là hiện nay, con người phiền não tập khí rất nặng, chúng ta cần phải có tâm tốt giúp đỡ họ. Khi làm việc, thông thường dễ xảy ra những chuyện hiểu lầm. Nếu như chúng ta không có trí tuệ, phương tiện thiện xảo khi làm việc thì rất dễ xảy ra phiền não. Đây là một điều khó tránh khỏi. Cho nên cổ nhân nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng vô sự”. Phật tử nên gặp những người lớn tuổi, tâm sự trò chuyện để họ chỉ vẽ thêm những kinh nghiệm của người đi trước. Mình không chỉ biết quản lý nhân sự mà còn phải biết quản lý quan hệ xử sự trong công việc cho có kết quả.

Quản lý con người là một điều rất khó, dễ nảy sinh phiền não. Do đó cần phải có trí cao, nhà Phật gọi là “phương tiện thiện xả”. Điều tối quan trọng trong quản lý nhân sự là “bình đẳng”, tâm không thiên lệch, nếu không thì khó tránh khỏi việc tạo nghiệp. Người nào đối xử với ta tốt một chút, ta quan tâm nâng đỡ họ; người nào đối với ta không tốt, thấy sai phạm, mình tìm cơ hội gây những khó khăn cho họ. Điều này chính là tạo nghiệp, nhất định bị quả báo.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường gặp những tai nạn, vì sao vậy? Vì đời trước chúng ta đã tạo nhiều chướng nghiệp với người khác, hôm nay đủ duyên, họ trở lại cản trở ta. Nhân quả báo ứng không một mảy may lẫn lộn. Sau khi học Phật pháp, chúng ta thay đổi cách nhìn nhận, đối với mọi việc tâm vẫn yên bình, những chuyện thuận, nghịch đến, chúng ta vẫn chấp nhận, để rồi từ từ hoá giải các vấn đề thì nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ.

Cho nên, người đệ tử Phật khi làm việc phải có trí tuệ, có lòng hoan hỷ thì mới cảm nhận được Phật pháp vô cùng ích lợi đối với chúng sanh. Nhiều người không có duyên với Phật pháp, khi gặp những chuyện rắc rối, họ không hóa giải được, thậm chí phải tìm cách tự tử. Tự tử không giải quyết được vấn đề mà hiện tại phải nhận chịu hậu quả. Người có trí tuệ, khi giải quyết vấn đề là phá mê khai ngộ. Cuộc sống giữa con người với con người có sự tương quan nhau rất mật thiết, điều quan trọng là phải chân thành với nhau. Phật tử hãy cố gắng học hỏi Phật pháp nhiều và khéo léo vận dụng vào trong cuộc sống để đem lại sự lợi lạc cho mình và tất cả mọi người.  

Trích từ: Tịnh Độ Vấn Đáp