Phật Học Vấn Đáp


Xin hỏi Mật tông Tây tạng rốt cục là Tạng truyền Phật giáo chân chánh hay là tôn giáo bổn thổ của chính họ?
Không ít cư sĩ người Hán chỉ trích rất lớn đối với Mật tông Tây Tạng, họ trích dẫn trong “Kinh Lăng Nghiêm”, đối với Tứ Quy Y, Lạt Ma uống rượu ăn thịt hoặc đả kích hành vi lấy danh nghĩa song tu để lừa đảo, trực tiếp quở mắng là tà ma ngoại đạo, hầu như là đều phủ định Mật tông Tây Tạng. Xin hỏi Mật tông Tây tạng rốt cục là Tạng truyền Phật giáo chân chánh hay là tôn giáo bổn thổ của chính họ ?

8/14/2022 7:47:10 AM

Phật giáo Tây Tạng là từ Ấn Độ truyền đến. Phật pháp, các vị nhất định phải biết, Phật không có pháp nhất định có thể nói, Phật pháp vĩnh viễn là hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức. Ấn Độ xưa và người bản địa Tây Tạng, trong bổn thổ có một số Thần Đạo giáo, cho nên Phật dạy học, việc dạy học này vô cùng cao minh, Ngài không bài xích, Ngài không phủ định người khác, Ngài có thể thông hiểu và dung hòa với họ, cho nên gọi là Mật, chữ Mật này là thần bí. Bản thân Phật dạy học nói Mật là thâm mật, đạo lý này quá thâm sâu, không phải là người thông thường có thể hiểu, cho nên gọi là thâm mật. Ở Tây Tạng đúng là ngoài thâm mật ra thì họ còn có thần bí, vì sao vậy? Những thần giáo này của Ấn Độ xưa, giống như Bà La Môn giáo, những tôn giáo này thảy đều dung hòa với nhau, Phật đã làm cho họ một sự giải thích mới, giáo nghĩa mới, thật sự đều chuyển họ thành Phật giáo, điều này rất cao minh, không bài xích họ, dạy họ giác ngộ. Cho nên Phật là ý nghĩa giác ngộ, giác mà không mê chính là Phật giáo; mê mà không giác đó chính là một loại thần đạo giáo mê tín. Đây là tôn giáo bản địa. Đạo lý nhất định phải rõ ràng, phải sáng tỏ, Tây Tạng giáo là do Phật truyền, Mật tông là một tông phái Phật giáo chính quy, hơn nữa là thuộc về tôn giáo cao cấp. Vì sao vậy? Bạn xem “Kinh Hoa Nghiêm” nói đến bốn loại vô ngại: “Lý vô ngại, Sự vô ngại, lý sự vô ngại, Sự sự vô ngại”, loại cao nhất là nói đến “Sự sự vô ngại”. Nếu họ không có cảnh giới này mà họ muốn theo học thì toàn bộ đều đọa địa ngục.

Lão sư của tôi là Thượng sư Mật tông, cùng một nhà với Mật giáo Tây Tạng, là Đại sư Chương Gia. Truyền thừa Mật giáo Tây Tạng là bốn vị Lạt ma, hiện nay người mà mọi người biết rõ, chỉ là hai vị Đạt Lai Lạt Ma và Lạt Ma Panchen ở Tây Tạng. Không nhiều người biết hai vị còn lại, nhưng trước đây đều biết, chỉ là gần đây lơ là đi thôi. Ở Nội Mông, Ngoại Mông, Nội Mông là Đại Sư Chương Gia, Ngoại Mông là Triết Bố Tôn Đan Ba, họ là bốn huynh đệ, đều là học trò, là truyền nhân của Đại sư Tông Khách Ba. Đại sư Chương Gia có cống hiến đặc biệt lớn, bạn xem vào triều nhà Thanh, Tứ Đại Lạt Ma chỉ có Đại sư Chương Gia sống ở Bắc Kinh, thường trụ trong Triều Đình, cơ hội tiếp xúc với bậc Đế Vương là nhiều nhất, đó là Quốc Sư! Bạn đi xem lịch sử triều nhà Thanh thì bạn sẽ hiểu. Cho nên tôi theo Đại sư ba năm, tôi biết Ngài. Khi theo học với Ngài thì Đại sư Ngài đã sáu mươi lăm tuổi, Ngài sáu mươi tám tuổi qua đời. Nền tảng học Phật của tôi là do Đại sư Ngài xây dựng, đây là Thiện tri thức chân chánh. Ngài nói với tôi thì tôi mới hiểu được, Mật pháp trong Phật pháp giống như lớp Tiến sĩ ở trong trường học vậy, nó là lớp tiến sĩ cao nhất. Bạn sẽ hiểu phải là người như thế nào mới có thể tu ở trong lớp tiến sĩ? Phải là Thạc sĩ thì mới có thể học Tiến sĩ. Nếu bạn không phải là Thạc sĩ mà bạn nói tùy tiện theo một người để học Mật, đâu có loại đạo lý này chứ? Giống như tôi chẳng có chút nền tảng gì mà tôi lập tức đã học lớp tiến sĩ, vậy thì không thể nào, vậy sao không đọa địa ngục chứ?

Cho nên Phật giáo Tạng Truyền trước hết phải học Hiển giáo mười năm, họ quy định là mười năm, mười năm học Hiển giáo. Trải qua kỳ thi lấy bằng, bằng cấp thì họ có học vị gọi là Ghese (gê xê), lấy được học vị Ghese thì mới có thể học Mật. Đây là thứ tự học tập trong Mật giáo Tạng truyền, không phải là người nào cũng có thể học được. Vậy ở trong Phật pháp Đại thừa chân chánh nói học Mật là khi nào? Chúng tôi nói rất cởi mở, tiêu chuẩn thông thường là Sơ Trụ Bồ Tát. Cũng chính là nói họ đã chứng đắc pháp thân, họ đã vượt khỏi thập pháp giới thì họ mới có tư cách. Chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước thảy đều buông xuống, họ mới “Sự sự vô ngại”, mới có năng lực này. Bạn vẫn chưa buông xuống phiền não tập khí, ví dụ như nói tu song thân, tu song thân mà họ vẫn có ý niệm dâm dục thì họ sẽ đọa địa ngục. Tu song thân thì không có ý niệm dâm dục, đoạn dâm dục từ đâu? Từ trong dâm dục mà không có ý niệm thì dâm dục này thật sự đoạn rồi. Đây là người nào? Bạn có thể làm được không? Bạn không làm được mà bạn dâm dục thì phải đọa địa ngục, bạn làm được thì bạn vượt ra khỏi Thập pháp giới. Cho nên Mật Tông chỉ có cõi Thật Báo Trang Nghiêm và Địa Ngục A Tỳ, không có ở lưng chừng, bạn không lên được thì bạn sẽ đọa xuống thôi. Đây là Lão sư nói với tôi.

Cho nên, chúng tôi vô cùng tôn trọng đối với Mật Tông, nhưng mà sao? Không dám học, vì thật sự có phiền não tập khí. Bạn ăn thịt là thật có tâm tham, thật sự cảm thấy ăn rất ngon, vậy thì đọa lạc rồi; người chân thật có công phu thì ăn miếng đó giống như không ăn. Họ có thể ăn thịt, bạn bưng ra một bát phân chó cho họ ăn, họ cứ thế ăn, họ không có phân biệt, đây là chân chánh. Nếu ăn thịt thấy rất thơm ngon, đưa bát phân cho họ mà họ không dám ăn thì họ chính là giả. Bạn nói xem điều này khó biết bao! Khi xưa, đây là trong “Cao Tăng Truyện” có câu chuyện, cũng là có vị cao tăng sau khi đắc đạo, hành vi của mình thì Ngài không chú ý trau chuốt, nhưng dạy học trò thì dạy rất nghiêm, trì giới rất nghiêm, đốc thúc rất nghiêm; chính Ngài cũng uống rượu, cũng ăn thịt, cũng đi ra xã giao bên ngoài. Học trò không phục, không phục thì Ngài cười cười, được, ngày mai ta mời các trò ăn thịt, các trò đi cùng với ta. Ngày hôm sau bảo mọi người chuẩn bị đồ xúc đất, vác theo cuốc xẻng đi, đi lên núi để đào tử thi người, khi đào ra rồi, các trò ăn đi, ta mời các trò ăn. Không ai dám ăn, Ngài ở đó từng miếng từng miếng rất thích thú, mọi người cứ ngẩn người ra. Ngài nói các trò có thể giống như ta thì được; các trò không thể giống như ta thì ngoan ngoãn trì giới, các trò không được học ta. Học trò phục! Điều này thật không dễ.

Cho nên, Mật là không học Mật thì không thể thành Phật, Mật là cửa ải sau cùng, bạn phải thông qua toàn bộ. Thật sự là không khởi tâm, không động niệm, không những là không phân biệt chấp trước, không phân biệt chấp trước là tầng đáy, cao nhất là không khởi tâm, không động niệm, bạn mới thành tựu viên mãn. Hiện nay, những Đại đức này trong Mật Tông, chúng tôi nhìn thấy hành động của các Ngài, chúng tôi không dám chỉ trích, vì sao vậy? Không biết là cảnh giới của họ sâu đến đâu, chúng tôi chỉ có tán thán Mật pháp, nhất định không phê bình. Nhưng chính chúng tôi hiểu là chúng tôi không đến được công phu này. Họ là thật hay là giả, không cần để ý, trong đây có thật, đương nhiên giả cũng có không ít, tôi biết là có giả, rồng rắn lẫn lộn. Nhưng chúng tôi có tâm cung kính đối với họ, đây là đức hạnh của chính mình.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Lăng Nghiêm        Phật Giáo        Phật Học        Quy Y        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật