Phật Học Vấn Đáp


Xin hỏi chữ “không” đều nghĩa là “không tịch” phải không?
Tướng có thể không, sự có lý không”, xin hỏi chữ “không” đều nghĩa là “không tịch” phải không? Và nên lý giải “sự có lý không” như thế nào?

8/13/2022 11:08:25 AM

Vấn đề này khi giảng kinh chúng tôi đã giảng rất nhiều, nếu nói rõ ràng cho bạn thì phải mất thời gian tương đối dài. Những việc này không những trong kinh Phật, ba nghìn năm trước Phật giảng rất thấu triệt, mà nhà khoa học hiện nay cũng đã phát hiện ra rồi, cho nên chúng ta không thể không bội phục Ngài. “Tướng có thể không, sự có lý không”, nhà khoa học đã phát hiện ra rồi. Phát hiện gì vậy? Vật chất là tướng, vật chất từ đâu tới? Từ trong không sanh ra có. Cái có thể sinh ra vật chất là không, điều này được họ nhìn thấy rồi. Nhưng hiện tượng được sinh ra này, thời gian tồn tại của hiện tượng là vô cùng ngắn tạm, có lẽ tính khoảng một phần vạn giây, cách tính như thế, nhanh hơn tia sét, vừa xảy ra thì lập tức không còn nữa. Chúng ta nhìn thấy tướng phần gì? Lời nhà khoa học nói rất có đạo lý, gọi là tướng tương tự tương tục, tướng trước tương tự với tướng sau, tuyệt đối không như nhau, khác biệt rất nhỏ. Tướng mà chúng ta nhìn thấy ở đây là tướng tương tự tương tục, đúng thật là không tồn tại, sanh diệt trong sát na. Cho nên nói với bạn là có “tướng”, còn “thể”, “thể” chính là tánh, không có tự tánh; “sự có lý không”, “sự” cũng là sự tướng, với ý nghĩa phía trước là như nhau, “lý”, lý thể thì không có.

Bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn có thể buông xuống được vạn sự vạn vật ở trước mắt, bạn sẽ không chấp trước chúng nữa, sẽ không khởi vọng tưởng, không chiếm đoạt nữa. Vì sao vậy? Chiếm không được, bao gồm thân thể, thân thể cũng là giả, cũng là tương tự tương tục, ta của một niệm trước với ta của một niệm sau không phải là một ta. Chúng ta đến nơi này, cái ta khi bước vào giảng đường và cái ta khi rời khỏi giảng đường không phải là một ta, không biết đã thay đổi bao nhiêu rồi. Việc này tôi có thể nghiệm, khi tôi còn trẻ thích nhiếp ảnh, tôi đi đây đi đó mấy chục năm, rất thích chơi máy quay phim nhỏ, chính là máy quay 8 ly. Là loại phim ảnh rời, tôi tự mình quay, tự về nhà rửa phim, cả bộ thiết bị đều có đủ. Từ chỗ này thể hội được gì? Thể hội được tướng là hư vọng. Ví dụ nói chúng ta ở nơi này cùng nhau học tập một giờ đồng hồ, bạn dùng tấm phim để chiếu, chiếu từng tấm từng tấm, mỗi tướng so với mỗi tướng đều không như nhau, bạn hiểu được đây là giả, không phải là thật. Hơn nữa chúng ta ở đây một giờ là tướng tương tục, điện ảnh là rất sơ sài, rất dễ phát hiện, một giây có hai mươi tư tấm hình. Một cuộn phim chỉ có bốn phút, trước đây tôi chơi cái này, 40 phút, một băng có 10 cuộn, 10 cuộn liên tiếp nhau mới chiếu ra được 40 phút, mỗi tấm không như nhau! Bạn mới hiểu được hình ảnh của chúng ta là từng tầm từng tấm một, giống như đèn chiếu màn ảnh vậy, từng tấm nối tiếp từng tấm. Trong Kinh Nhân Vương, Phật nói tốc độ nhanh cỡ nào. Phật nói một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na là thời gian bao lâu? Là một phần sáu mươi một khảy móng tay. Trong một sát na có chín trăm lần sanh diệt, chính là hiện tướng, giống như máy quay phim của chúng ta trập ống kính, 900 lần trập ống kính. Cái khảy móng tay của chúng ta khảy rất nhanh, tốc độ giống như vậy, một giây có thể khảy được bốn lần, bốn nhân với sáu mươi rồi nhân với 900, vừa đúng bằng hai trăm mười sáu ngàn (216.000) sanh diệt, đó là trong một phút. Phật nói với chúng ta hiện tướng, sanh diệt của hiện tướng vật chất có bao nhiêu? Hai lần mười vạn, là hai trăm mười sáu ngàn lần sanh diệt, chúng ta làm sao mà nhìn ra được nó là giả! Chiếu lên màn bạc điện ảnh, là một giây 24 tấm, chúng ta đã bị nó lừa rồi, giống như thật vậy. Hiện nay chúng ta là một giây là 216.000 lần sanh diệt. Bạn hiểu đạo lý này thì vấn đề này bạn đã sáng tỏ rồi. Cho nên Phật nói “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, bạn hà tất cho là thật! Nếu bạn không cho là thật thì ở trong hiện tướng bạn rất vui sướng, không có gì là không tốt ; nếu bạn cho là thật thì phiền não của bạn sẽ khởi lên, bạn sẽ trải qua rất khổ. Phải biết toàn là giả, không có gì là thật. Điều này phải nhìn thấu, trong Kinh Kim Cang nói là “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (tất cả pháp hữu vi như mộng giả bọt bóng), sao bạn có thể xem là thật được!

Bạn phải hiểu rõ đạo lý này. Đời người, Phật thường hay nói, thứ mang đi được thì cần phải nỗ lực, thứ không mang đi được thảy đều buông xuống. Thứ mang đi được là gì? Là nghiệp, bạn mang theo thiện nghiệp thì đi đến ba đường thiện; mang theo ác nghiệp thì đến ba đường ác. Cho nên, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta thì phải rất lưu ý, tuyệt đối không tạo ác nghiệp, nhất định không hại người. Người khác hại ta, ta không hại lại họ. Nguời bình thường nói là bị thiệt thòi, người xưa nói thiệt thòi là phước! Thiệt thòi sao lại là phước? Bây giờ chịu thiệt thòi, tương lai nơi ta sinh đến là tốt, tâm ta thiện, ta không có ác niệm, nhất định sẽ sanh đến nơi rất thiện. Có tâm báo thù, vậy thì bạn rơi xuống rồi, bạn có báo thù, có oán hận thì nhất định sẽ rơi xuống thấp. Thuần tịnh thuần thiện sẽ đi lên trên, nếu mang theo niệm ác thì bạn sẽ rơi xuống đọa lạc. Cho nên thiệt thòi là phước, người chịu thiệt thòi có đại phước báo, người không chịu thiệt thì không có phước, phải biết điều này. Trong đây có đạo lý.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật