Tôi đã giảng qua đoạn tinh nghĩa này ở trong Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ, các vị có thể tham khảo. Đặc biệt là đoạn sau cùng, tôi không giảng hết đoạn sau cùng của kinh này, chỉ giảng đến ba bậc vãng sanh. Ba bậc vãng sanh cũng chưa giảng xong, tôi sẽ tìm thời gian khác để giảng tiếp, điều này giảng rất tỉ mỉ, có thể làm tham khảo, ở đây không mất nhiều thời gian nữa. Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Tông, có thể xem thấy ở trong mấy đoạn văn này. Tịnh Tông là từ trên quả mà tu, nhân quả đồng thời, không giống pháp môn khác là tu nhân chứng quả, khó!
“Từ có niệm khéo nhập vào vô niệm”, đoạn này rất quan trọng, chúng ta khởi tâm niệm Phật là có niệm, dùng câu Phật hiệu này để thay thế cho ý niệm của chúng ta, quy vào câu Phật hiệu này, Phật hiệu là quả hiệu của Như Lai chứ không phải là nhân hiệu. Chúng ta niệm Bồ tát là nhân, niệm Phật là quả. Quả này chính là quả từ trong tự tánh, cho nên các bạn có thể xem thấy trong Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm, “tâm ta tức là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức là tâm ta”. Đây là quả chân thật của tự tánh, mấu chốt vẫn là phải niệm bạt sạch vọng tưởng phân biệt chấp trước để cho trong tâm không có bất kỳ vọng niệm nào, chỉ có một câu Phật hiệu, đây chính là từ có niệm khéo nhập vào vô niệm, sau cùng chỉ có một câu A Di Đà Phật. Đến sau cùng một câu A Di Đà Phật này niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, có niệm và vô niệm là một không phải hai, đây mới đạt đến rốt ráo. Đúng thật tuy là phàm phu nhưng nhanh hiển bày quả đức. Cho nên pháp môn này thù thắng không gì bằng.