1. Thuyết ba đời của Phật giáo
Sinh mạng của con người là vô thường, chúng ta sau khi được sinh ra, rồi từ từ lớn lên, trải qua thời gian mười năm, trăm năm, hoặc là dài hơn thế, cuối cùng cũng phải chết. Người bình thường cho rằng chết là hết, là một việc không có gì to tát cả. Nhưng theo Phật pháp, sinh mạng của một người, không phải sau khi sinh mới có, cũng không phải chết đi là kết thúc, nếu đơn giản như vậy, thì đời người có thể nhắm mắt qua ngày cũng không thành vấn đề gì lớn cả.
Nhưng sinh mạng chúng ta đã có trước khi được sinh ra, sau khi chết lại sinh ra sinh mạng mới và sinh đến một nơi khác, sinh tử tử sinh, liên tục không ngừng, là vấn đề rất khó giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề này cũng không phải là chuyện dễ dàng, chính vì thế mà nó trở thành việc lớn.
Cũng giống như người kinh doanh buôn bán, đầu năm bắt đầu kinh doanh, đến cuối năm tổng kết tính toán lời lỗ, nợ người ta, hoặc là người ta nợ mình, phải trả rõ ràng; qua đến năm sau cũng giống như thế, mỗi năm không phải chỉ cần cộng sổ là xong việc. Những năm sau họ muốn liên tục có lợi nhuận, thì đây là việc không dễ dàng.
Làm sao để giải quyết vấn đề này? Năm nay họ buôn bán khá, kiếm rất nhiều tiền, sang năm nắm bắt tình hình kinh tế, vạn sự như ý; cũng có khi, năm nay làm ăn thua lỗ, sang năm kinh tế khó khăn, vay mượn khắp nơi, khốn khổ vô vàn, nếu kịp thời điều chỉnh thích hợp, có thể miễn cưỡng vượt qua. Cũng vậy, người học Phật, mà đợi đến khi lâm chung mới lo chuẩn bị thì không còn kịp nữa, nên hàng ngày phải hướng thượng hành thiện, đến lúc lâm chung cũng phải đặc biệt chú ý.
Thông thường nói đến sinh tử, có khi chúng ta hiểu lầm chết là hết, vì thế, hôm nay trước tiên chúng ta nói về chết, tức là từ tử nói đến sinh. Phần nhiều con người đều có tâm lý sợ hãi đối với cái chết, chết không có gì phải sợ cả, giống như bình thường buôn bán tốt, cuối năm tổng kết đưa ra phương sách thích hợp, thì năm mới sẽ đến, nhất định là làm ăn không có gì khó khăn. Cũng vậy, khi chúng ta khỏe mạnh thì hoan hỉ đã đành, mà cho dù cuối năm có bệnh tật mất đi cũng không có gì phải sợ hãi, chỉ cần hàng ngày chuẩn bị tốt là được!
2. Chết có ba loại
Theo Phật pháp thì chết có ba loại khác nhau:
2.1. Tuổi thọ hết thì chết: Tuổi thọ thật sự phải hết, bất luận là sống thọ đến lúc nào, vì chúng ta đã từ nghiệp báo mà có thọ mạng này, thì nhất định phải chết. Như dầu hết thì đèn tắt, hiện tại con người sống khoảng 100 tuổi trở lại, đã đến lúc phải chết thì không thể cứu vãng được.
2.2. Phước hết thì chết: Trong sinh hoạt hàng ngày cần đến cơm ăn, áo mặc, nơi ở và đi lại, có những người tuổi thọ chưa hết, nhưng phước báo đã hết, vì không có cơm ăn, áo mặc, phải chịu đói lạnh mà chết.
2.3. Không đáng chết mà chết: Vì sinh mạng không còn, nên gặp phải lúc chiến tranh, lũ lụt, hỏa hoạn, bị đánh chết, bệnh không có thuốc chữa, không biết chăm sóc thân thể, dinh dưỡng không đủ, cực khổ quá sức, v.v., những thứ này không giống với phước báo hết mà chết.
3. Quan niệm về cái chết
Người học Phật đối với cái chết phải nhớ hai đạo lý:
3.1. Lúc nào cũng có thể chết, dù trẻ hay già, ai cũng có thể chết bất kì lúc nào. Tuổi thọ của con người, đại đa số là tương đồng, do phước hết hoặc do oan uổng mà chết, do đó, con người từ khi mới sinh ra tức là bắt đầu có sự hiện diện của cái chết, mãi đến khi thọ mạng hết, hoàn toàn không thể biết được thời hạn. Vì thế, chúng ta đã tin Phật học Phật thì phải lập tức tinh tấn, đừng hẹn để tới năm sau, năm sau nữa mới tu học.
3.2. Đừng cho rằng thọ mạng hoàn toàn là do nghiệp báo đời trước, thật ra, toàn do những ác quả trong đời này. Những việc không đáng làm mà đi làm, không tự chăm sóc bản thân tốt, hoặc là biếng nhác, không chịu lao động, nên cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chúng ta đừng cho rằng tất cả những cái chết của thiếu niên, thanh niên, trung niên, đều do tuổi thọ đã hết mà chết.
4. Tử sinh không nhất định do nghiệp lực
Trước khi chưa thoát sinh tử, chúng ta chết rồi lại sinh, sinh rồi lại chết, luân hồi sinh tử, vậy đó là vấn đề gì, hướng thượng hay đọa lạc, lấy cái gì để làm chuẩn? Theo Phật pháp thì đó là do nghiệp lực. Nghiệp lực tức là những năng lượng do hành vi tạo tác. Những người thọ báo ở đời này là do những nghiệp lực đời trước, những nghiệp thiện nghiệp ác của đời trước (chưa hình thành quả báo) và đời này, tiếp tục quyết định tương lai của đời sau nữa. Tín đồ Phật giáo khi nói về nghiệp lực thì cho là xấu, nhưng thật ra, quan điểm này không đúng lắm, những năng lượng được tích lại của việc khởi tâm hành, tốt xấu đều là nghiệp. Theo nghiệp lực của chính mình mà quyết định quả báo của chính mình, do đó Phật pháp nói: “Tự làm tự nhận”.
Những thiện nghiệp và nghiệp ác của đời trước còn lưu lại, đời này tạo ra nghiệp lực rất nhiều, vậy thì những loại nghiệp lực nào đưa đến đời sau? Trong đó, có ba loại như sau:
4.1. Tùy theo nặng nhẹ: Bất luận thế nào, khi bệnh sắp chết thì nghiệp lực khởi lên, những việc tốt việc xấu ngay trong đời bình thường mà chúng ta tạo ra rất nhiều, lúc này có một hiện tượng rất lớn, đó là không cần biết việc tốt hay việc xấu nhưng nó đều hiện ra, chúng ta nương theo năng lượng này mà thọ báo. Một người giết cha, trong tâm lúc nào cũng nhớ, không quên được, cho dù cố quên đi, nhưng vẫn còn một lực ám ảnh rất mạnh, khi lâm chung những tội lỗi này hiện lên. Cũng vậy, một người thật hiếu thảo khi lâm chung những thiện nghiệp đó cũng tự nhiên hiển hiện trước mắt. Cũng giống như người mắc nợ, khi họ sắp chết, những chủ nợ đều đến, trong đó, chủ nợ nào mạnh nhất thì tới trước nhất.
4.2. Tùy theo thói quen: Có người không tạo ra nghiệp ác cực nặng, hoặc thiện cực lớn, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, họ tạo ra những thói quen, từ đó hình thành một năng lượng rất lớn, tuy là việc ác nhỏ nhưng chịu quả báo lớn, nghiệp thiện nhỏ nhưng vẫn hưởng được thiện quả lớn. Nên có câu nói: “Nước nhỏ giọt, tích lũy lâu cũng đầy bình”. Đức Phật có dùng một ví dụ cây đại thọ, từ lúc sinh ra và lớn lên nó nghiêng về hướng đông, thì khi tiều phu chặt nó, thì kiểu gì nó cũng sẽ ngã về hướng đông, điều này không cần nghi ngờ gì. Người ta thường nói rằng, oan hồn theo đòi mạng, đó là trường hợp những người thường hay giết heo, dê, rắn rết, v.v., thì khi sắp chết, sẽ thấy chúng theo đòi mạng, lúc ấy hoảng loạn đau khổ vô cùng. Những con vật bị chết đó, hầu hết đã theo nghiệp lực của chúng nó mà thọ thai, còn người động tay giết hại nó, thì vô hình trung để lại nghiệp sát hại, càng lúc tích lũy càng nặng. Vì thế, khi nghiệp lực hiện tiền thì thấy heo, dê, rắn rết, v.v., đến đòi mạng, rồi tùy theo nghiệp mà thọ nhận quả báo.
Có câu chuyện kể rằng: Có một người vì quá túng bấn nên nung nấu ý định giết người cướp của, một đêm nọ, hắn đã giết một người giàu có và cướp tiền về nhà. Nhưng cũng từ đó, hắn luôn có cảm giác người bị hại đang ở sau lưng mình, đòi tiền đòi mạng. Một ngày nọ, người bị hại tìm đến, thật ra, người này chỉ bị thương chứ chưa chết, nhưng kẻ giết người cho đây là oan hồn đòi mạng, nên sợ đến chết ngất. Trong Phật pháp nói đến tướng của hạnh hiện tiền thì mới phù hợp với đạo lý. Người làm ác khi lâm chung hiện ra trạng thái khổ não, làm công đức lành thì lúc lâm chung tất nhiên được an nhàn vui vẻ, tất cả đều do nghiệp lực tạo ra, tùy theo nặng hay nhẹ, tùy theo thói quen mà hiện ra.
4.3. Tùy theo kí Đức: Chỉ cho người lúc bình thường không tạo những thiện ác lớn, cũng không có tích tập thói quen gì cả, đến lúc lâm chung, bỗng nhiên nghĩ tới chuyện gì thì theo niệm thiện hoặc niệm ác này mà thọ báo. Trong Phật pháp đối với những người trọng bệnh, chúng ta thường khuyên họ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tán thán những công đức bố thí trì giới mà hàng ngày họ đã làm, khiến cho họ khởi ý niệm về công đức, tâm niệm thiện thì nương nhờ những năng lượng này mà có thể đi những con đường tốt hơn. Có người thiện nghiệp rất nhiều, nhưng khi lâm chung bị tác động mạnh, trong tâm buồn rầu, niệm ác bắt đầu hiện lên dẫn đến đọa lạc. Nếu trong một năm làm ăn rất tốt, đáng tiếc cuối năm không tốt thì khiến cho những nỗ lực cả năm gần như mất hết. Do đó, đối với người lâm chung, bất luận là người già hay trẻ, tốt nhất là mọi người không nên khóc lóc, làm phiền đến tinh thần người mất khiến cho họ khởi tâm phiền não. Vì thế, chúng ta nên khuyên gia quyến hãy nén lòng, chỉ chuyên tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, v.v. Như lúc bình thường làm ăn không tốt, nhưng cuối năm, mọi việc được giải quyết thuận lợi thì vẫn có thể trải qua một cái Tết vui vẻ.
Chẳng qua, nghiệp lúc bình thường mạnh hơn nghiệp lúc lâm chung, như trong cuộc sống họ làm những việc ác quá nặng, lúc lâm chung muốn người này khởi niệm thiện cũng rất khó. Nhưng trong cuộc sống, họ có nghiệp thiện lớn hoặc thói quen làm lành, thì khi lâm chung điều này sẽ giúp thêm những niệm thiện, điều này có được lợi ích vô cùng.
5. Lý do từ tử mà sinh
Làm thế nào từ tử mà sinh được?
Một hơi thở không vào được, hệ thần kinh ngừng hoạt động, hơi ấm trên cơ thể không còn gọi là chết. Chúng ta hay nói từ trong bụng mẹ sinh ra thì gọi là sinh, trong Phật pháp không nói như thế, mà cho rằng nghiệp thức trong quá khứ là nhân, kết hợp với tinh cha huyết mẹ (ở đây nói về con người), từ khi hình thành bào thai tức là bắt đầu một sinh mạng mới, đó chính là sinh. Do đó, những người sợ con cháu nhiều, làm phiền lụy nên phá thai cũng phạm vào giới sát sinh.
Sau khi chết lại tiếp tục sinh đúng không? Điều này không nhất định như vậy. Vì có hai trường hợp: Có khi chết xong lại tái sinh, có khi chết xong không còn tái sinh vào lại cõi đời này nữa. Người chết xong tái sinh lại do nghiệp lực dẫn dắt. Theo nghiệp thiện được quả báo thiện, theo nghiệp ác bị quả báo ác. Một người khi có nghiệp thiện và nghiệp ác, thì vĩnh viễn không thể thoát khỏi sinh tử hay sao? Sự thật mà nói, đơn thuần nghiệp lực chưa chắc khiến cho chúng ta tái sinh, vì ngoài nghiệp lực ra còn có phiền não làm trợ duyên. Phiền não quan trọng nhất, tức là “ái” (yêu thích) sinh mạng. Tham luyến thế gian, ham muốn sinh tồn, một niệm ham muốn này xuất hiện thì tức là đã trồng xuống cội gốc sinh tử tử sinh.
Người tu hành Phật pháp phải diệt sinh tử, tức là đoạn trừ tham ái sinh mạng. Ví như có hạt giống nhưng không tưới nước bón phân thì không thể nào mọc mầm được. Cũng vậy, tuy nghiệp nhiều nhưng không có phiền não thì những tham ái cũng không thể nảy mầm. Chỉ vì tham muốn vinh hoa, phú quý, chấp trước sinh mạng, nên không thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Muốn thoát khỏi nó thì phải triệt để thấu rõ, cắt đứt sự tham ái mới kết thúc được nghiệp sinh tử trong quá khứ; sinh tử của quá khứ đã cắt đứt được thì sinh tử trong tương lai mới không hình thành. Khi chúng ta chưa thoát khỏi sinh tử, tôi hi vọng quý vị nhớ rằng: Đừng làm ác, hãy làm nhiều điều thiện. Trồng nhân thiện sẽ gặt quả báo thiện. Đừng tham đắm vào sự sống này, thì mới chán ghét nó, đưa đến thoát khỏi bể khổ sinh tử.