Kính lễ mười thân Lô xá na,
Các đức Như Lai khắp pháp giới,
Ba môn thành Phật, luân viên mãn,
Hải hội Phổ Hiền và Văn thù.
Ta trong sanh tử làm phàm phu,
Mong cầu vãng sanh Tịnh độ Phật,
Cúi xin từ bi tăng trí niệm,
Khai lí sâu mầu lợi tự tha,
Khiến pháp trụ lâu báo ân Phật.
Pháp tánh mịt mờ không giới hạn, biển Phật mênh mông chẳng bến bờ. Thế thì Xiển đề thành Phật là thuyết cùng tột, phi tình[1] giác ngộ là lời nhiệm mầu. Đại thánh giai vị cao tột thật khó cùng, dù bậc hiền thông tuệ cũng không thể đạt đến, huống gì hàng phàm ngu đời mạt pháp mà muốn hợp với diệu ý của Đại sư sao? Cho nên hôm nay tôi tìm hiểu các bản văn khắp nơi, nêu ra yếu chỉ thành Phật rồi sơ lược lập năm môn:
- Các môn thành Phật.
- Những hạng người nhất định chứng đắc.
- Giáo nghĩa sai biệt.
- Những hạng người mau được thành Phật.
- Hỏi đáp phân biệt.
1. CÁC MÔN THÀNH PHẬT
Có ba môn thành Phật là Vị thành Phật, Hạnh thành Phật, Lí thành Phật. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển ba ghi: “Căn cứ theo ý của một bộ kinh từ đầu đến cuối thì thấy có ba môn thành Phật: một là căn cứ theo vị, hai là căn cứ theo hạnh, ba là căn cứ theo lí.
1.1. Vị thành Phật
Ở đây căn cứ theo năm bậc như Thập trụ… thuộc Tam thừa Chung giáo[2] mà bàn về việc thành Phật. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí ghi: “Sáu tướng[3] phương tiện tức sau Thắng tấn phần thuộc tâm cuối cùng của Thập tín thì vào Thập giải, tức thành Phật. Đây là giai vị Bất thoái của Chung giáo, vì sáu tướng thuộc Nhất thừa dung nhiếp đầy đủ các giai vị cho đến quả Phật”. Ý cho rằng Trụ thứ nhất Phát tâm trụ tức Tổng tướng; Trụ thứ hai là Biệt tướng; Trụ thứ hai… đồng mang nghĩa phát tâm, nên cũng gọi là Đồng tướng; Trụ thứ hai… mỗi mỗi lại không có trong nhau, nên gọi là Dị tướng, nương Trụ thứ hai… để thành tổng phát tâm, nên gọi là Thành tướng; Trụ thứ hai… mỗi mỗi trụ tại pháp của tự thân, thường không tạo tác, nên gọi là Hoại tướng. Cho nên riêng Trụ thứ hai… thâu nhiếp giai vị Tổng phát tâm, tức thành Phật. Địa luận ghi: “Bồ tát Tín địa đồng một duyên khởi với Phật pháp bất tư nghị, dùng nghĩa sáu tướng: tổng, biệt… để khái quát”. Cho nên Hoa nghiêm Nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương ghi: “Biết rõ nhân quả đồng thời, tương dung tương tức, mỗi mỗi thâu nhiếp tất cả và làm chủ bạn lẫn nhau. Mọi người nên suy nghĩ kĩ, việc này không còn phải nghi ngờ gì!”.
Tín địa tức Tín hành địa, thuộc Tam hiền trước Thập địa (Hai phần giải thích trong quyển chín của Hoa nghiêm kinh thám huyền kí có một phần giải thích giai vị này).
Hỏi: Tại sao không nói là nương vào Tín vị mà thành?
Đáp: Quyển bốn của Hoa nghiêm kinh thám huyền kí ghi: “Nếu theo Chung giáo thì Tín địa này chỉ là phương tiện của Thập trụ, chứ không tự thành một giai vị riêng”. Cho nên kinh Anh lạc ghi: “Trước khi vào giai vị Sơ phát tâm trụ thì có mười tâm này”. Kinh Nhân vương chỉ nói đến ba bậc hiền, mười bậc thánh, chứ không nói bốn bậc hiền. Kinh này nói bốn mươi giai vị sau đều có ba tâm là nhập, trụ, xuất, và cũng đã nêu mười tên, luận về mười nghĩa… chỉ Tín vị là không có việc này, nên biết như vậy.
Hỏi: Sơ Phát tâm trụ thành Phật là do năm vị nhiếp nhau mà thành hay sáu vị[4] nhiếp nhau mà thành?
Đáp: Nếu chia ra, thì sáu vị nhiếp nhau mà thành. Nếu Thập tín nhiếp Sơ trụ thì do năm vị[5] nhiếp nhau mà thành. Nói chia ra sáu vị, thì trong bộ Ngũ giáo chương quyển hạ ghi: “Một là căn cứ theo Kí vị[6] để trình bày, đó là từ Thập tín đến quả Phật gồm có sáu giai vị khác nhau, hễ chứng một giai vị thì chứng được tất cả các giai vị. Vì sao? Vì sáu giai vị nắm giữ lấy nhau, làm chủ bạn lẫn nhau, nhập trong nhau, tương tức và viên dung”. Đoạn này ý nói khi giai vị Sơ phát tâm là chủ, thì các giai vị trước sau khác đều là bạn, cho đến khi Phật quả là chủ thì các giai vị trước đều là bạn. Nói nhập trong nhau chính là căn cứ theo dụng. Nói tương tức là căn cứ theo thể. Nói viên dung tức thể dụng vô ngại. Nói về nghĩa các giai vị nhiếp nhập lẫn nhau, thì trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển năm nêu ra ba nguyên nhân: Một, do đà la ni môn duyên khởi tương nhiếp; hai, do tâm bồ đề Phổ Hiền bao trùm sáu giai vị; ba, do pháp tánh không có thủy chung. Ba nguyên nhân này là tổng, năm nguyên nhân được nêu ở quyển sau là biệt. Hợp tổng và biệt thành tám nguyên nhân. Đà la ni là tổng trì, vì mỗi mỗi giai vị nhiếp lẫn nhau, nên gọi là tổng trì. Sáu mươi hạnh Phổ Hiền là hạnh của sáu hành vị như trước đã nêu,
cho nên nói là bao trùm sáu giai vị. Ý nói tuy hạnh Nhất thừa Phổ Hiền, nhưng một hạnh tức tất cả hạnh, mượn giai vị Chung giáo để xét thì một vị tức tất cả vị. Như vậy, hạnh này nương vào hạnh Tín mãn mà thành nên gọi là Hạnh thành Phật, nương vào các giai vị Trụ… mà thành nên gọi là Vị thành Phật, như vậy mới khế hợp yếu chỉ Kí vị.
Hỏi: Nói giai vị Sơ phát tâm là Phật, phải chăng là do lí sở y bình đẳng cho nên nói sơ phát tâm tức Phật?
Đáp: Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển năm ghi: “Về câu ‘tức Phật’, có người cho là nói quả trong nhân, hoặc cho là hiểu đồng cảnh Phật, hoặc nói căn cứ theo lí bình đẳng, hoặc căn cứ theo giáo Tam thừa đều có thể nói ‘tức Phật’. Ở đây xem xét toàn bộ văn kinh, căn cứ theo Viên giáo Nhất thừa, thì thấy thỉ chung thâu nhiếp nhau, viên dung vô ngại, thỉ tức chung, chung cùng sánh đồng như nguyên thỉ”. Cho nên biết lí, trí, hành, vị đều viên dung vô ngại.
Hỏi: Nói sơ phát tâm thâu nhiếp hết các giai vị trước sau mà thành Phật, vậy theo sở nhiếp mà gọi là Phật hay theo năng nhiếp mà gọi là Phật?
Đáp: Như trong bộ Yếu kí đã nói.
Hỏi: Có văn nào minh chứng cho việc lập Vị thành Phật chăng?
Đáp: Có rất nhiều đoạn văn minh chứng. Như trong Ngũ giáo chương có bảy đoạn, ba đoạn đầu và đoạn thứ năm là minh chứng chung, ba đoạn còn lại minh chứng riêng cho giai vị Sơ phát tâm thành Phật. Bảy đoạn:
- Một, câu “Tại một địa gồm thâu công đức của tất cả giai vị” trong kinh Hoa nghiêm (bản Cựu dịch).
- Hai, câu “Biết một tức nhiều, nhiều tức một” trong kinh văn trên.
- Ba, kinh Hoa nghiêm (Cựu dịch quyển 31, Tân dịch quyển 45) có bài kệ:
Không thể nói năng, không thể nói,
Đầy khắp tất cả, không thể nói, Trong bất khả thuyết các kiếp số,
Nói không thể nói, không cùng tận.
- Bốn, kinh Hoa nghiêm (Cựu dịch quyển 10, Tân dịch quyển 17) có đoạn: “Có thể phân biệt biết rõ tâm của tất cả chúng sanh (có thể tính biết tâm hành của chúng sanh); còn có thể tính biết tất cả vi trần cõi (số vi trần cõi nước cũng như thế).
- Năm, dẫn luận Thập địa ghi: “Từ Bồ tát Tín địa cho đến Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn cùng là một duyên khởi; dùng nghĩa của sáu tướng tổng, biệt… để bao quát hết thảy.” Có nhiều thuyết nói đại ý của đoạn văn này chỉ cho các đoạn chánh văn sau: Một, có người cho đây là đoạn văn so sánh hạnh môn trong quyển ba, nên luận ấy nói: “Kinh ghi: ‘Tín tức là tin sở hành sở nhập vốn có của chư Phật Như Lai, cho đến tin Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn không khoảng giữa, không hai bên mà cảnh giới Như Lai khởi, nơi vô lượng hạnh môn mà cảnh giới
Như Lai nhập’. Đây là chỉ cho sự”. Nay phá thuyết này như sau: “Thuyết này thật sai lầm! Vì sao? Vì trong việc so sánh hành môn ấy không nói đến sáu tướng. Hơn nữa trong đó chỉ nói Tín hành mà không nói đến Tín địa. Lại dẫn văn này để chứng minh cho nghĩa giai vị Sơ phát tâm đến Phật quả, chứ chẳng phải nghĩa Sơ địa chứng đắc Phật quả. Vì thế thuyết này sai lầm”.
Có người cho đoạn nói về mười nhập trong quyển một là đoạn dẫn chứng cho văn này. Cho nên văn ấy nói: “Tất cả Bồ tát bất tư nghị Phật pháp…”, tức định rằng: “Bồ tát Tín địa trước Thập địa chính là Phật quả bất tư nghị Phật pháp, là một duyên khởi. Vì sáu tướng phương tiện viên dung và tương tức, cho nên trong mỗi một giai vị đều có đủ sáu giai vị. Mỗi mỗi giai vị tròn đầy đều đạt đến quả Phật.
- Sáu, câu: “Bồ tát sơ phát tâm tức là Phật…”.
- Bảy, kinh Hoa nghiêm (Cựu dịch quyển chín, Tân dịch quyển mười bảy) ghi: “Quán như vậy, tức dùng phương tiện nhỏ hẹp mà mau được công đức của tất cả chư Phật. Vì thường thích quán sát pháp tướng không hai, nên thật có lí này vậy (Nếu các Bồ tát có được quán hạnh tương ưng như thế, thì đối với các pháp sẽ không sanh kiến giải nhị biên, tất cả Phật pháp mau chóng được hiện tiền); sơ phát tâm liền thành Chánh giác, biết tánh chân thật của tất cả pháp (tức tự tánh của tâm), đầy đủ tuệ thân, chẳng phải từ người khác mà liễu ngộ”.
Hỏi: Quán như vậy là pháp quán gì?
Đáp: Kinh ghi: “Nuôi lớn tâm đại bi, phân biệt rõ tất cả chúng sanh, nhưng không bỏ chúng sanh cũng không lìa tịch diệt. Tu hạnh nghiệp vô thượng nhưng không mong cầu quả báo; quán tất cả chúng sanh như huyễn như mộng, như ánh chớp, như âm vang, như hóa hiện”. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển năm ghi: “Có ba câu hỏi chính là hỏi tu Phạm hạnh, hỏi thành tựu giai vị và hỏi được quả vị”, như trong kinh ghi: “Vì sao mới vừa tu Phạm hạnh liền đầy đủ giai vị Bồ tát Thập trụ, mau chóng thành tựu Vô thượng bình đẳng bồ đề?”. Trong câu hỏi thứ ba có pháp và dụ, cho đến trong phần đáp, trước tiên lặp lại văn trước, sau đó phát khởi văn sau. Trong phần phát khởi văn sau lại có hai lớp là nêu nhân nhỏ mà được quả lớn. Trong đó mỗi mỗi lại có hai phần là nêu lên và giải thích. Trong phần nêu lên, thì nói “Dùng phương tiện nhỏ” là nói đến nhân, nói “Mau được …” là nói quả. Trong phần giải thích hỏi “Vì sao nhân nhỏ mà mau chóng được quả lớn?” thì đáp là “Vì thường thích quán bi trí, không hữu không phải hai pháp”, cho nên “mau chóng được quả lớn”. Vì thế nói: “Nên thật có lí này vậy”. Những nghĩa khác như trong bộ Quảng kí đã dẫn chứng.
1.2. Hạnh thành Phật
Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển ba ghi: “Căn cứ vào hạnh, hoàn toàn không căn cứ theo giai vị, thì có Tự phần, Thắng tấn phần, Cứu cánh tức cho đến quả Phật”. Hoa nghiêm nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương quyển hạ ghi: “Do tín mà thành, nên gọi là Hạnh Phật, không phải Vị Phật”.
Hỏi: Nếu không y cứ vào giai vị, vì sao các đoạn văn đều nói gửi vào giai vị Thập tín mãn[7] để gồm thâu các giai vị sau tức thành Phật?
Đáp: Hạnh thành Phật có hai nghĩa: một là y cứ vào đức đương thể của Nhất thừa; hai là căn cứ vào cách gửi vào giai vị. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển bốn ghi: “Nếu theo Viên giáo thì có hai nghĩa: một, căn cứ theo tự pháp Phổ Hiền thì tất cả đều không có giai vị; hai theo cách gửi vào các giai vị thì đồng với Chung giáo. Nhưng khi Tín mãn nhập vị[8], thì đã gồm thâu tất cả giai vị, đầy đủ không thiếu giai vị nào. Đây là căn cứ theo hạnh thâu nhiếp vị”. Như vậy
Thám huyền kí quyển ba nói theo nghĩa thứ nhất, còn các đoạn văn khác nói theo nghĩa thứ hai. Về đức đương thể của Phổ Hiền, thì Thám huyền kí quyển bốn ghi: “Vì Thập tín mãn thì thành tựu giai vị đầu của Hiền vị, cho nên đồng với ba nghiệp rộng lớn của Phổ Hiền… Ba nghiệp này bao trùm nhân quả, cùng khắp tất cả nơi, xuyên suốt tất cả thời, luôn khởi đại dụng trong pháp giới vô biên, đây là qui tắc thường hằng, luận theo đương tướng chứ không y cứ vào giai vị. Nay căn cứ theo Tín môn để hiển hiện thì thuộc về tín”. Lại nữa, đoạn trên vừa nói “Hoặc chỉ căn cứ theo đức đương thể của Phổ Hiền để luận”, thì như trong phẩm Phổ Hiền đã nói. Phẩm Phổ Hiền nêu ra sáu mươi hạnh, mà một hạnh này tức tất cả hạnh, tất cả hạnh tức một hạnh, lớp lớp vô tận. Vì thế không y cứ theo thứ tự giai vị của hạnh này. Thám huyền kí quyển mười sáu ghi: “Thứ hai là luận về hạnh Phổ Hiền. Trước hết nói chỗ đối trị rộng lớn, có trăm nghìn chướng ngại. S au đó nói đến pháp năng trị cũng rộng lớn, có sáu mươi hạnh”. Thám huyền kí lại ghi tiếp: “Lại nữa, pháp giới bị chướng ngại trùng trùng vô tận như lưới trời Đế Thích, nên chủ thể làm chướng ngại đồng với chỗ bị chướng ngại, cũng trùng trùng vô tận”.
Nói đến Tự phần và Thắng tấn phần, thì Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển hai ghi: “Nói chung hai phần này đều có bảy lớp: Một, chia theo sanh và thục của một hạnh; hai, chia theo hai hạnh, như hạnh bố thí đã thành thì kế tiếp tu hạnh trì giới; ba, chia theo tự lợi và lợi tha; bốn, chia theo hành vị, nghĩa là được vị thì gọi là Thắng tấn; năm, chia theo so sánh chứng ngộ; sáu, chia theo hai vị, nghĩa là giai vị trước đã thành thì gọi là Tự phần, hướng đến giai vị sau thì gọi là Thắng tấn; bảy, chia theo nhân quả, tức nhân thành thì gọi là Tự phần, chứng quả thì gọi là Thắng tấn”. Tự phần và Thắng tấn phần ở đây đúng với lớp thứ bảy, tức khi viên nhân Phổ Hiền thành tựu, thì hướng đến diệu quả Tánh khởi[9]. Cho nên trong sớ nói “Bao trùm nhân và quả”.
Hỏi: Theo nghĩa sau, thì ở đây nói Tín mãn là gọi chung cả mười giai vị Tín hay chỉ có Tín thứ mười mới gọi là Tín mãn?
Đáp: Chung cho mười giai vị Tín. Vì khi chưa nhập Trụ vị, thì phải theo thứ tự tu tập mười Tín tâm, cũng tức là trải qua một, hai, ba kiếp tăng tu mười tâm, bước vào Sơ trụ thì gọi là Tín mãn. Cho nên Thám huyền kí quyển 4 ghi: “Nếu theo Chung giáo, thì giai vị Tín này là phương tiện của Sơ trụ, chứ không phải giai vị nào khác”. Kinh Anh lạc bản nghiệp ghi: “Trước khi vào giai vị Sơ trụ thì có mười tâm: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tiến tâm, Tuệ tâm, Định tâm, Bất thoái tâm, Hồi hướng tâm, Hộ tâm, Giới tâm, Nguyện tâm. Tăng tu các tâm này trải qua một, hai, ba kiếp mới vào Sơ trụ. Mỗi tâm có mười tăng, mười tâm thành trăm pháp minh môn, bấy giờ gọi là vào giai vị Tập chủng tánh. Cho nên Thập tín không phải giai vị mà chỉ là hạnh phương tiện”.
Hỏi: Một, hai, ba kiếp là trong giới hạn vạn kiếp hay ngoài vạn kiếp?
Đáp: Trong vạn kiếp. Cho nên Khởi tín luận sớ ghi: “Kinh Anh lạc bản nghiệp nói Bồ tát Tín tướng tu mười giới pháp trải qua một nghìn kiếp sẽ vào Thập tín tâm rồi vào Sơ trụ”. Giải thích ý này như sau: “Nói vào Sơ trụ tức Trụ thứ nhất là Sơ phát tâm trụ. Vì đến giai vị này mới được tâm bất thoái, nên cũng gọi là vào Thập tín tâm, chứ không phải nói Thập tín trước Thập giải.
Đã nói trải qua mười nghìn kiếp mới vào giai vị Sơ trụ chứ không nói hơn mười nghìn kiếp, nên biết trong giới hạn của một vạn kiếp”.
Hỏi: Thập tín mãn tâm và Sơ phát tâm trụ có gì khác nhau chăng?
Đáp: Không khác nhau, Cho nên Khởi tín luận sớ ghi: “Thập tín mãn tâm này không phải là
Thập tín trước Thập giải”. Thám huyền kí quyển 4 ghi: “Ở đây căn cứ theo nghĩa viên mãn mười tín tâm. Tại nơi kia thì căn cứ theo giai vị đầu tiên của mười Trụ, nên hai giai vị này không khác nhau.
Hỏi: Nếu như vậy, viên mãn mười tín tâm tức thành Phật, thì gọi là Vị thành Phật, vì sao gọi là Hạnh thành Phật?
Đáp: Ở đây nói theo nghĩa thì khác, ở kia nói theo thể thì không khác. Nghĩa là theo giai vị bất thoái thì gọi là vị, theo nghĩa Tín tâm hạnh gọi là hạnh.
Hỏi: Thập tín mãn tâm của Tam thừa Chung giáo hiện tám tướng thành Phật có gì khác với Thập tín mãn tâm thành Phật của Nhất thừa?
Đáp: Đối với Tam thừa Chung giáo, khi giai vị này thị hiện thành Phật thì các giai vị sau đều không được tự tại. Vì chưa chứng, nên chỉ ngay một giai vị ấy tạm thời khởi hiện mà thôi. Còn Nhất thừa thì không như thế, bởi vì khi giai vị thứ nhất khởi công dụng này thì các giai vị sau cũng đồng thời khởi. Vì đều chứng tất cả, vì đều là thật hạnh, nên bao trùm cả sáu giai vị.
Hỏi: Nghĩa của Tam thừa và Nhất thừa sai biệt như thế, vậy Biệt giáo đâu đồng với Thắng tấn phần Thập tín mãn mà lại khởi công dụng này?
Đáp: Vì muốn mọi người dễ tin giai vị Tín mãn của Nhất thừa thành Phật, nên lập phương tiện đối với giáo ấy mà trước tiên nói như thế.
Hỏi: Đối với Nhất thừa, trong một giai vị có tất cả các giai vị và Tín mãn tức thành Phật, vậy đâu cần nói đến các giai vị sau?
Đáp: Nói các giai vị sau, tức tất cả giai vị sau có trong giai vị đầu, giai vị đầu có trong tất cả giai vị sau.
Hỏi: Nếu trong giai vị đầu có đủ các giai vị sau, được giai vị đầu tức được các giai vị sau, thì cũng có thể trong giai vị sau có cũng giai vị đầu. Vậy khi không được sau vị sau thì lẽ ra không được giai vị đầu chứ?
Đáp: Đúng lí thì như vậy! Nhưng khi được giai vị đầu thì nhất định được các giai vị sau. Cho nên vì được giai vị sau, nên nhất định được giai vị đầu.
Hỏi: Tại sao khi được giai vị đầu thì được tất cả các giai vị sau?
Đáp: Hành giả Nhất thừa ngay khi tu một hạnh đã bao trùm cả pháp giới hạnh, tu tất cả hạnh cũng bao trùm một hạnh. Hạnh ‘một tức nhiều’ này gửi vào vị của Chung giáo mà so sánh, thì hễ được một giai vị tức đồng thời được tất cả giai vị, tự tại vô ngại.
Hỏi: Vì sao hạnh Nhất thừa, trong một hạnh tu tất cả hạnh, trong tất cả hạnh tu một hạnh?
Đáp: Vì quán tất cả pháp như huyễn, như mộng, như ánh chớp, như âm vang, như huyễn hóa, nên một hạnh tức tất cả hạnh. Phẩm Phạm hạnh kinh Hoa nghiêm ghi: “Quán tất cả pháp như huyễn cho đến như hóa. Quán sát như vậy, tức dùng phương tiện nhỏ mà được tất cả công đức của Phật… Sơ phát tâm liền thành Chánh giác”. Theo ý ở đây, chúng ta hãy bàn về hai thí dụ đầu. Thí dụ thứ nhất như huyễn, các nhà ảo thuật có thể dùng ảo thuật hóa một chiếc khăn thành các hình tượng như núi non, các con vật lớn nhỏ… Như vậy tòa núi lớn này hoàn toàn do chiếc khăn hóa thành, các con vật lớn nhỏ cũng như vậy. Thể tánh đã không phải là hai, thì hình tướng đâu khác! Cho nên nêu một con vật nhỏ thì toàn thể núi lớn thảy đều thâu nhiếp trong đó. Như vậy nhà ảo thuật vô minh dùng ảo thuật hóa một pháp giới thành các loại hình tượng Y tha[10]. Vậy một hạt bụi chính là một pháp giới hóa thành tòa núi lớn. Do đó quán một hạt bụi như huyễn, thì các tòa núi lớn… đều gồm thâu trong đó. Cho nên, hễ nêu một pháp thì tất cả pháp trong pháp giới đều đồng thời được nêu. Vì thế một hạnh tức tất cả hạnh, tất cả hạnh tức một hạnh. Phẩm Thập nhẫn kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ tát này thâm nhập các pháp, quán pháp duyên khởi như huyễn, trong một pháp hiểu tất cả pháp, trong nhiều pháp biết một pháp”. Kinh lại ghi: “Hoặc biến chớp mắt thành trăm năm, sức huyễn tự tại vui thế gian”. Thí dụ thứ hai như mộng, như người nằm mộng thấy mình sống từ thời niên thiếu cho đến tuổi già, nhưng khi tỉnh giấc thì thời gian mới trong chớp mắt. Các pháp như mộng cũng như vậy. Cho nên kinh ghi: “Trong mộng thấy trăm năm, tỉnh rồi chỉ chớp mắt”. Cho nên thời gian tuy vô lượng, nhưng thâu nhiếp trong một sát na. Từ đó biết rằng một niệm tu hành tức vô lượng kiếp tu hành. Thời gian như thế thì các việc khác cũng như thế. Đối với diệu nghĩa Nhất thừa, chỉ cần lưu tâm chỗ này. Cho nên khi được giai vị đầu tiên, liền đồng thời được tất cả các giai vị.
Hỏi: Đã nói được giai vị đầu tiên liền được tất cả các giai vị, tại sao các kinh luận còn nói đến thứ tự các giai vị?
Đáp: Vì các kinh này kiến lập các giai vị có hai đặc tánh rất khéo léo: Một là căn cứ theo tướng và môn mà phân ra các giai vị trước sau để gửi vào giai vị đồng Tam thừa, vì dẫn phương tiện ấy, nên thuộc Đồng giáo. Hai là căn cứ vào thể và pháp, thì các giai vị trước và sau dung nhập trong nhau, viên dung tự tại, khác với Tam thừa, nên thuộc Biệt giáo. Nhưng vì chẳng thay đổi môn mà luôn tương tức, chẳng phá hoại tướng mà hằng có trước sau, cho nên hai nghĩa dung thông chứ không trái nhau.
Hỏi: Nếu môn đầu tiên như Tín … tức tất cả, thì sao không nói tâm đầu tiên của Thập tín thành Phật mà phải nói mãn tâm thành Phật?
Đáp: Nếu theo Biệt giáo thì không y cứ vào giai vị thành Phật, nhưng ở đây nói theo nghĩa gửi vào giai vị Chung giáo của Tam thừa. Trong giáo ấy, giai vị Tín mãn không còn lui sụt, nên mới được nhập vị. Nay gửi vào đó thì được nhập vị xứ, đồng thời được hạnh tướng của tất cả giai vị trước và sau. Cho nên không nói đến tâm đầu tiên của Thập tín, vì tâm này chưa được bất thoái, chưa thành tướng giai vị, chỉ mới là hạnh vị mà thôi.
Hỏi: Giai vị Tín mãn không còn lui sụt mới được nhập vị, nên gọi là Tín mãn. Vậy nên nói là Trụ vị[11] thành Phật chứ sao gọi là Tín mãn thành Phật?
Đáp: Vì do tin mà thành nên gọi là Hạnh Phật, chứ chẳng phải là vị Phật.
Hỏi: Căn cứ vào đoạn văn nào mà lập nghĩa thành Phật này?
Đáp: Căn cứ vào câu: “Công đức một niệm của Bồ tát sơ phát tâm sâu rộng không bờ mé”. Hiền Thủ phẩm sớ trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí ghi: “Đó chính là tối sơ Tín thành tựu phát tâm trong ba loại phát tâm mà luận Khởi tín đã nói”, nên gọi là “sơ”, đồng với Sơ phát tâm trụ trong đoạn văn sau và văn trong phẩm Phát tâm công đức. Ở đây nói theo tâm cuối cùng của Thập tín, văn kia thì căn cứ theo giai vị đầu tiên của Thập trụ, cho nên không khác nhau. Hơn nữa Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển mười tám ghi: “Nếu dùng hạnh nhiếp vị, thì thành tựu tâm cuối cùng của Thập tín tức thành Phật, như phẩm Hiền Thủ đã nói. Cách thức này cũng không thuộc Viên giáo và những giáo khác hoàn toàn không có. Đây là phép tắc chung của tông Nhất thừa”. Khởi tín luận sớ ghi: “Tín thành tựu phát tâm, tức vị tại Thập trụ và tại cả Thập tín. Tức trong giai vị Thập tín tu tập thành tựu Tín tâm, phát tâm quyết định liền bước vào sơ tâm của Thập trụ, gọi là Tín thành tựu phát tâm”. Trong đó, hạnh Thập tín hoàn mãn là Tín thành tựu, bước vào Sơ trụ của Thập trụ gọi là phát tâm.
Hỏi: Vì sao phát tâm nói trong phẩm này căn cứ vào Thập tín chung tâm?
Đáp: Vì phẩm Hiền Thủ kinh Hoa nghiêm nói đến hạnh Thập tín, nên căn cứ vào Thập tín mãn tâm mà thuyết.
Hỏi: Vì sao hạnh và đức của Bồ tát Tín mãn này sâu rộng vô biên?
Đáp: Thám huyền kí nói do có bốn việc khó, nên dù là Bồ tát sơ tâm nhưng công đức lại rộng lớn vô biên. Bốn việc khó:
- Khó về trụ xứ, nghĩa là ở nơi sinh tử phiền não mà có thể phát tâm, nên sinh công đức rộng lớn.
- Khó về thời gian, nghĩa là nếu từ lâu đã phát tâm, một bề không dao động thì chưa đủ gọi là khó, hôm nay ngược lại với việc này, nên được công đức rất lớn.
- Khó về cảnh, nghĩa là có thể cầu bồ đề vô hạn này là rất khó, vì tâm theo cảnh, nên được công đức rất lớn.
- Khó về tâm, nghĩa là nếu phát tâm có tiến có thoái bất định thì công đức không lớn, nay trái ngược với điều này, nên công đức rất lớn”.
Hương Tượng vấn đáp[12] ghi:
Hỏi: Theo Sớ sao, thì trong pháp môn Sơ bồ đề tâm, được pháp môn Tín rồi, phải trải mười nghìn kiếp mới thành Phật, đó là Hạnh thành Phật, chứ chẳng phải Vị thành Phật. Đây là căn cứ theo thời gian thành của Hạnh Phật Nhất thừa hay thời gian thành của Hạnh Phật Tam thừa?
Đáp: Đối với các giáo Tam thừa, thì trong mười nghìn kiếp tu Thập tín hạnh mãn lại thị hiện nơi Hạnh Phật mãn của Nhất thừa. Nên đây chẳng phải Hạnh Phật tín mãn Tam thừa, cũng chẳng phải Hạnh Phật tín mãn thuộc Nhất thừa. Nhưng chẳng động mười nghìn kiếp, mà mười nghìn kiếp này chính là trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp mới thành tựu Hạnh Phật tín mãn. Như vậy nghĩa một kiếp, hai kiếp… thành tựu Hạnh Phật, so sánh với đây cũng có thể biết.
1.3. Lí thành Phật.
Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển ba ghi: “Thứ ba, căn cứ theo lí thì tất cả chúng sanh đều đã thành Phật rồi, không cần phải thành nữa, vì các tướng đều bặt dứt”. Ý cho rằng tất cả chúng sanh đều lấy chân làm thể, tùy theo thể tánh ấy mà luận đến tướng sai biệt. Nay tướng ấy đã tận diệt, chỉ còn một vị bình đẳng, cho nên nói đều là Phật.
Hỏi: Phật nghĩa là Giác, nhưng chúng sanh còn ở địa vị mê, đâu thể bình đẳng một vị mà nói “Vì lấy chân làm thể nên đều là Phật”?
Đáp: Lấy lí nhất chân làm thể của chúng sanh, thì tướng cũng không sai biệt. Cho nên tất cả chúng sanh, khi giác ngộ thì thân Phật hiện. Vì chúng sanh sở hiện đồng với thân Phật năng hiện, nên chúng sanh đều thành Phật.
Hỏi: Nghĩa thành Phật của Nhất thừa này là căn cứ theo lí mà luận hay gồm cả sự?
Đáp: Gồm cả lí và sự. Trong đó lí sở y của Phật là lí, các công đức của trí năng y… đều là sự. Lí sự này gọi chung là thân Phật. Vì đều là sở hiện của thân Phật này, nên năng đồng sở mà đầy đủ cả lí và sự.
Hỏi: Như thế thì tất cả chúng sanh phát tâm tu hành đều thành tựu ư?
Đáp: Phát tâm tu hành thành tựu là y cứ theo Phật Thích ca. Phật Thích ca lúc mới phát tâm đã thâu nhiếp tất cả chúng sanh. Khi chúng sanh đều phát tâm rồi, cũng nhiếp tất cả các môn tu hành khổ hạnh khó làm trong vô số đại kiếp. Tất cả đều tu hành rồi, thì lại thâu nhiếp môn thành Phật nơi cội Bồ đề. Tất cả đều thành Phật rồi, cho đến niết bàn cũng như vậy. Một Đức
Phật đã thâu nhiếp như thế, các Đức Phật trong ba đời khắp mười phương cũng như thế. Cho nên, trước trước đã thành rồi, thì sau sau cũng tiếp tục thành. Như vậy thì Phật năng hiện và chúng sanh sở hiện không thiếu một nghĩa nào, nên các giai vị đều đầy đủ.
Hỏi: Vì sao biết được khi nhiếp Phật môn thì thấy tất cả chúng sanh phát tâm tu hành rồi, cũng thấy những chúng sanh sau đó phát tâm tu hành cho đến thành Phật?
Đáp: Kinh Hoa nghiêm quyển ba mươi bảy ghi: “Này Phật tử! Trong thân Như Lai thấy tất cả chúng sanh phát tâm bồ đề, tu hạnh Bồ tát thành Đẳng chánh giác, cho đến thấy tất cả chúng sanh tịch diệt niết bàn”. Quyển ba mươi hai kinh này cũng ghi: “Tất cả chư Phật điều phục, giáo hóa chúng sanh. Cho nên trong từng niệm niệm mà thành Đẳng chánh giác, chứ chẳng phải trước tiên ngộ chánh pháp của chư Phật, cũng chẳng trụ Giác địa mà thành Chánh giác”. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển mười sáu giải thích đoạn văn trước như sau: “Nói về môn Hiện nhân quả (đề mục): Vì thân Bồ tát bình đẳng với chúng sanh, cho nên chúng sanh đều hiện trong đó. Vì chúng sanh sở hiện đồng với Phật năng hiện, cho nên tất cả chúng sanh đều thành Phật”. Thám huyền kí lại ghi: “Nếu theo Viên giáo, thì tất cả chúng sanh xưa nay đã phát tâm rồi, cũng tu hành rồi, thành Phật rồi, không cần phải thành nữa, đã đầy đủ lí sự”. Nói “cho đến niết bàn”, tức nêu tướng đầu tiên cho đến tướng cuối cùng trong tám tướng thành đạo[13].
Hỏi: Giải thích đoạn văn đầu tiên này gồm có mấy nhân?
Đáp: Trong kinh đã dùng mười nhân để giải thích. Cho nên kinh Hoa nghiêm quyển ba mươi lăm ghi: “Tất cả đều là nhất tánh, vì vô tánh, vô tướng, vô tận, vô sanh, vô diệt; ngã mà chẳng phải tánh ngã; chúng sanh mà chẳng phải tánh chúng sanh; giác mà vô sở giác; pháp giới vô tự tánh; hư không giới vô tự tánh”. Thám huyền kí ghi: “Vì sao chúng sanh đồng tánh bồ đề? Nay lược dùng mười nhân để giải thích nghĩa này: Một, vì chúng sanh đều nương vào bồ đề vô tự tánh, nên đồng với bồ đề thành chánh giác; hai, vì không có tướng tự nhiễm; ba, không cùng tận; bốn, xưa nay không sanh; năm, xưa nay không diệt (bốn nguyên nhân này trong một câu kinh trên); sáu, tánh của ngã tự không; bảy, các duyên sanh chẳng phải thật sanh; tám, dẫu khởi trí giác ngộ, nhưng thật không có pháp để giác ngộ; chín, pháp giới được nương gá cũng vô tánh; mười, bản tánh không giới vốn vô tự thể”.
Hỏi: Thế nào gọi là: Như vậy, biết tất cả pháp ấy đều vô tánh?
Đáp: Sau khi nói như vậy, kinh lại kết luận: “Như vậy, biết tất cả đều vô tánh, Vô tận trí, Tự nhiên trí, tất cả Như Lai có tâm đại bi cùng tột, độ thoát tất cả chúng sanh”. Thám huyền kí ghi:
“Từ câu: ‘Như vậy, biết tất cả pháp ấy đều vô tánh’ trở xuống là phần tổng kết. Trong đó nói Vô tận trí, vì chiếu dụng không giới hạn; nói Tự nhiên trí, vì không đợi tác ý công dụng; nói tâm đại bi cùng tột, vì đồng thể nhiếp phục giáo hóa”. Về nghĩa đồng thể nhiếp hóa, thì luận Khởi tín ghi: “Chúng sanh ngoại duyên có hai loại là duyên sai biệt và duyên bình đẳng. Duyên bình đẳng, nghĩa là tất cả chư Phật và Bồ tát đều nguyện cứu độ chúng sanh, tự nhiên huân tập, hằng thường không bao giờ rời bỏ. Vì đồng thể trí lực, nên tùy thuận chúng sanh nào đáng được thấy nghe mà thị hiện các sự việc. Nghĩa là chúng sanh nương vào tam muội mới được bình đẳng thấy các Đức Phật”. Đại thừa Khởi tín luận nghĩa kí ghi: “Nói ‘nguyện cứu độ chúng sanh’, tức biểu thị tâm bình đẳng; nói ‘tự nhiên… ’ tức biểu thị cho việc thường hằng tác dụng ứng cơ. Nói ‘vì đồng thể trí lực’ tức giải thích thành tựu nghĩa thường hằng tác dụng. Nói ‘tùy thuận chúng sanh nào đáng được’ tức hiển thị tướng tác dụng. Thứ hai là nói về nghĩa đối cơ hiển thị bình đẳng. Nghĩa là các Bồ tát từ giai vị Thập trụ về sau đều nương sức tam muội mà thấy Phật, thân lượng bình đẳng, không có tướng giới hạn đây kia, cho nên gọi là bình đẳng nhìn thấy”.
Hỏi: Nếu tất cả chúng sanh đều thành Phật, vì sao hiện có chúng sanh không phải là Phật?
Đáp: Đây là chỗ thấy không đồng của Quyền giáo; nhưng đối với cơ Viên giáo thì chúng sanh xưa nay đã thành Phật.
Hỏi: Chỗ thấy của hạng căn cơ nào không đồng?
Đáp: Hoa nghiêm kinh Thám huyền kí ghi: “Giáo nhân thiên thì có đủ nhân ngã và pháp ngã thật. Giáo Tiểu thừa cho chúng sanh chỉ là sự nhóm họp của năm uẩn thật pháp, xưa nay không có nhân. Đại thừa sơ giáo thì cho đó là sự biến hiện của thức, như huyễn tựa như có, nhưng đương tướng[14] tức không, không nhân, không pháp. Đại thừa chung giáo thì cho tất cả đều là duyên khởi của Như Lai tạng, toàn thể tức Như, đầy đủ hằng sa công đức mới là chúng sanh. Cho nên kinh Bất tăng bất giảm ghi: ‘Chúng sanh tức pháp thân, pháp thân tức chúng sanh.
Pháp thân và chúng sanh đồng nghĩa mà khác tên’.
Giải thích: ‘Tông này căn cứ vào lí chúng sanh tức Phật. Nếu theo Đốn giáo thì tướng chúng sanh xưa nay diệt tận, còn lí tánh thì xưa nay hiển hiện, sừng sững lộ bày, không cần phải đối đãi với một pháp nào. Cho nên không thể nói tức Phật hay không tức Phật, giống như đại ý Tịnh Danh ngậm miệng không lời’”. Vì thế chỗ thấy của mỗi căn cơ khác nhau.
Nay ông ở vào giai vị Nhân thiên để quán chúng sanh kia đương tướng tức không, còn chẳng thể được, huống gì thấy được các việc trong Viên giáo! Cho nên những chúng sanh hiện hữu mà ông thấy đó, ta không căn cứ vào giáo kia để nói họ thành Phật, nhưng chỉ cần phá sạch tình kiến, thì pháp giới hiện trọn vẹn, tất cả chúng sanh đều thành Phật. Đây gọi là giáo hóa rốt ráo, không giống với những tông khác. Cho nên đoạn kinh sau kết luận: “Như Lai có lòng đại bi vô hạn cứu độ chúng sanh”.
Hỏi: Lời giải thích đoạn văn kết luận giống như luận biện theo lí, vì sao trong phần giới thiệu có nói nhân của năm giai vị như Phát tâm… và quả tám tướng như thành Phật…?
Đáp: Đây là dùng môn Pháp tánh dung thông để giải thích. Đó là sự tùy lí mà dung thông, cho nên được nói tương tức tương nhập. Hơn nữa trong các giáo khác, thì quán vô sanh chỉ chiếu soi lí tánh. Còn trong Viên giáo thì đầy đủ tất cả pháp Phật và Bồ tát, có thể y cứ vào tông chỉ này mà tư duy. Thám huyền kí quyển mười lăm khi giải thích đoạn kinh sau có ghi: “Thứ bảy là Chánh giác tự tại, có hai cách giải thích: một là theo văn giải thích, hai là theo nghĩa giải thích.
- Theo văn giải thích: Nghĩa là tất cả chúng sanh, mỗi mỗi đều được điều phục giáo hóa. Từ phương diện sở hóa, mỗi mỗi đều thị hiện thành Chánh giác, nên nói niệm niệm đều là Phật. Đã nói thị hiện thành, thì chẳng phải từ trước không giác nay mới giác, nên nói ‘Chẳng phải không giác ngộ từ trước…’. Đây là hiện công dụng Hóa thân.
- Theo nghĩa giải thích: Một vị Phật biến khắp tất cả chúng sanh, bao trùm vi trần cõi mười phương, thâu tận ba đời, niệm niệm đồng thời, trước sau đều thành Chánh giác. Đây chính là thật thành, chẳng phải là hóa. Nhưng không thành thì thôi, đã thành thì xưa nay thành. Cho nên nói ‘Chẳng phải không giác ngộ từ trước…’. Vì thâu tận ba đời, không chúng sanh quá khứ nào không thành, nên nói ‘Chẳng trụ nơi Học địa’. Nghĩa này, căn cứ theo tông chỉ mà suy nghĩ.
Hỏi: Ba loại thành Phật này có thông với nhau chăng?
Đáp: Lí thành Phật có thể thông với hai loại trước (Vị thành Phật và Hạnh thành Phật), nhưng hai loại trước không thông nhau.
Hỏi: Vì sao Lí thành Phật lại thông với hai loại trước?
Đáp: Giai vị Thập tín mãn thành Phật là cũng luận theo lí sự dung thông, giai vị Trụ… cũng như vậy. Cho nên Hoa nghiêm Nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương ghi: “Nhưng nghĩa vô tận này đều thuộc môn sơ phát tâm. Cho nên kinh nói: ‘Bồ tát sơ phát tâm, công đức một niệm lớn như biển’, cho đến nói: ‘Sơ phát tâm liền thành chánh giác’.
Hỏi: Như trên nói: ‘Một niệm liền thành Phật’. Nghĩa này trong giáo Tam thừa đã có, vậy nghĩa nói ở đây có gì khác?
Đáp: Giáo Tam thừa chỉ nhìn từ lí mà nói như thế, còn Nhất thừa này thì đầy đủ tất cả giáo nghĩa, lí sự, nhân quả. Như trên nói tất cả pháp môn và tất cả chúng sanh đồng thời thành Phật.
Sau đó mới nối tiếp đoạn phiền não, cũng không trụ nơi học địa mà thành chánh giác, đầy đủ Thập Phật để hiển thị vô tận công đức nghịch thuận và Nhân đà la vi tế, chín đời, mười đời…, biến thông khắp các giai vị từ Thập tín mãn tâm cho đến Thập giải, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Phật địa. Các giai vị này trở thành đồng thời, không còn trước sau, mỗi mỗi đầy đủ tất cả. Nhưng một niệm này không khác với trăm nghìn kiếp”.
Hỏi: Như vậy thì có thể lập hai loại thành Phật, sao lại lập đến ba loại?
Đáp: Hai loại trước thì nghĩa hẹp, một loại sau nghĩa rộng, nên phải lập thành ba. Vì sao? Vì Lí thành Phật cũng thông với tất cả giai vị phàm phu trước Thập tín mãn tâm. Còn hai loại thành Phật trước chỉ giới hạn ở Tín mãn và Sơ trụ, nên có rộng hẹp khác nhau.