Home > Kinh Điển > Phat-Noi-Kinh-Bon-Tuong-Y-Tri

Phật Nói Kinh Bổn Tương Ỷ Trí


Tôi Nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại rừng cây Kỳ Ðà, vườn Cấp Cô Ðộc, nước Xá Vệ. Bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ kheo:

–Không thấy, không rõ nguồn gốc của hữu ái, nhưng nay thấy có từ hữu ái. Giả sử nguồn gốc của hữu ái này không có, nhưng nay lại có, nay thấy rõ ràng, nó vốn có nhân duyên đưa đến hữu ái.

Này Tỳ kheo, hữu ái có nguồn gốc chớ không phải không có nguồn gốc. Này Tỳ kheo, những gì là nguồn gốc của hữu ái?

–Ðó là si.

Này Tỳ kheo, si cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của si?

–Ðó là năm (triền) cái.

Này Tỳ kheo, năm triền cái cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của năm triền cái?

–Ðó là ba ác hạnh.

Này Tỳ kheo, ba ác hạnh cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của ba ác hạnh?

–Ðó là không thu nhiếp các căn.

Này Tỳ kheo, không thu nhiếp các căn cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của không thu nhiếp các căn?

–Ðó là không có Chánh niệm.

Này Tỳ kheo, không có Chánh niệm cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của không có Chánh niệm là gì?

–Ðó là bất tín.

Này Tỳ kheo, Bất tín cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của bất tín là gì?

–Ðó là nghe điều ác, phi pháp.

Này Tỳ kheo, nghe điều ác, phi pháp cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của sự nghe điều phi pháp là gì?

–Ðó là gần gũi người không hiền.

Này Tỳ kheo, người không hiền cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của người không hiền?

–Ðó là hội họp cùng vui chơi với người không hiền.

Như vậy, này Tỳ kheo, do đầy đủ sự tụ hội với người không hiền, khiến cho đầy đủ người không hiền, do đầy đủ người không hiền nên khiến cho đầy đủ sự phi pháp, do đầy đủ sự phi pháp cho nên có đủ sự bất tín, do đủ sự bất tín nên khiến có đủ không chánh niệm, do có đủ không chánh niệm nên khiến có đủ sự không thu nhiếp căn, do có đủ sự không thu nhiếp căn, cho nên khiến cho có đủ sự phạm pháp của ba ác hạnh, do có đủ sự phạm pháp của ba ác hạnh, cho nên khiến có đủ năm triền cái, do có đủ năm triền cái cho nên khiến có đủ sự si mê, do có đủ sự si mê cho nên có đủ hữu ái của thế gian, như vậy sự ái lạc đầy đủ càng lúc càng tăng trưởng.

Trí tuệ giải thoát khỏi thế gian cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của trí tuệ giải thoát khỏi thế gian?

–Ðó là bảy giác ý.

Bảy giác ý cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của bảy giác ý?

–Ðó là bốn ý chỉ. Bốn ý chỉ cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của bốn ý chỉ?

–Ðó là ba hạnh thanh tịnh. Này Tỳ kheo, ba hạnh thanh tịnh cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của ba hạnh thanh tịnh là gì?

–Ðó là nhiếp thủ các căn. Nhiếp thủ các căn cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của nhiếp thủ các căn là gì?

–Ðó là Chánh niệm.

Này Tỳ kheo, Chánh niệm cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của chánh niệm?

–Ðó là gốc của Tín.

Này Tỳ kheo, Tín cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của Tín?

–Ðó là nghe kinh pháp.

Nghe kinh pháp cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của sự nghe kinh pháp?

–Ðó là tôn thờ bậc hiền giả.

Tôn thờ bậc hiền giả cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của sự tôn thờ bậc hiền giả?

–Ðó là tụ hội với bậc hiền giả.

Như vậy, này Tỳ kheo, do tụ hội với bậc hiền giả mới có thể tôn thờ bậc hiền giả, nhờ tôn thờ bậc hiền giả, nên liền được nghe lời pháp, nhờ nghe lời pháp nên liền có đức tin, do có đức tin liền được chánh niệm, do có chánh niệm nên nhiếp thủ các căn, do nhiếp thủ các căn liền được ba (hạnh) thanh tịnh, nhờ ba hạnh thanh tịnh nên liền được bốn ý chỉ, nhờ được bốn ý chỉ, nên liền được bảy giác ý, nhờ có bảy giác ý liền có vô vi, giải thoát, được thoát khỏi thế gian như vậy, nhờ chuyển hóa nguồn gốc, khiến cho thoát khỏi thế gian.

Ðức Phật nói như vậy, các đệ tử phụng hành.

Kinh Sách Liên Quan

Tìm không thấy