Home > Pháp Luận > Gioi-Thieu-Kinh-Lang-Gia

Dẫn Nhập


Lăng già (Laṅkā), ngọn núi đỉnh cao chót vót luôn khuất mờ trong mây trắng bồng bềnh giữa biển khơi. Chung quanh là sóng dữ từng cơn cao ngập trời. Trên đỉnh cao ấy là im lặng tuyệt vời, đầy ánh sáng của Trí tuệ hun đúc từ mặt trời, tràn ngập Tình thương của tâm Đại bi thấm nhuần từ từng cơn sóng biển. Nhiều người muốn đến đó, để leo lên đỉnh cao lặng im đó mà hòa nhập thể điệu vô ngôn, như Thiền sư Không Lộ,

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Chính nơi chốn cô liêu ẩn mật đó, Đức Phật truyền cho thế gian một thông điệp diệu kỳ: Sự khai mở nguồn tâm. Với chất liệu nầy, con người chinh phục đỉnh cao của núi mà không làm cho cuộc đời thêm nghiệt ngã; đi vào biển động đầy sóng dữ mà lòng bao dung trọn yêu thương.

Kinh Lăng già (Laṅkāvatāra Śūtra) ra đời từ đó.

Tô Đông Pha, nhà thơ, cư sĩ kiệt xuất của Trung Hoa vào đời Đường, có lời tán thán:

"Kinh Lăng già ý nghĩa sâu xa uẩn áo, văn tự súc tích mà cổ kính. Người đọc khó lòng chấm câu cho đúng, nói gì đến việc bỏ lời để đạt ý, quên nghĩa để ngộ tâm sao?” (Lăng già nghĩa triếp u diễu, văn tự giản cổ. Độc giả hoặc bất năng cú, nhi huống di văn dĩ đắc nghĩa, vong nghĩa dĩ liễu tâm giả hồ?. 楞 伽 義 輒 幽 眇 。 文 字 簡 古 。 讀 者 或 不 能 句 。 而 況 遺 文 以 得 義 。 忘 義 以 了 心 者 乎 。”[1]

Thi sĩ còn dành tâm huyết của mình để viết lời tựa cho kinh nầy như sau:

Kinh Lăng già A bạt đa la bảo là sở thuyết của chư Phật đời trước, vi diệu đệ nhất, chân thật liễu nghĩa. Gọi là Phật ngữ tâm phẩm. Tổ sư Đạt ma trao cho Nhị Tổ, nói: “Ta thấy trong tất cả kinh sách ở miền Chấn Đán, chỉ có kinh Lăng già bốn quyển này có thể dùng để ấn tâm, tổ tổ tương truyền, lấy làm tâm pháp..[2]

Tư tưởng chủ đạo của kinh Lăng già (Laṅkāvatāra) đề cập đến cảnh giới Thánh trí tự chứng (Ayrajñānagocara), nên có ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng Đại thừa (Mahāyāna) qua các tông phái.

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, hạt giống từ cây đại thụ Ấn Độ nay lại được nầy mầm khi gieo trên mảnh đất Thiền ở một xứ sở xa xôi. Ban đầu Thiền tông đã dùng kinh nầy để truyền tâm ấn, sau đến thời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, không dùng kinh Lăng già (Laṅkāvatāra) để ấn chứng nữa mà dùng Kinh Kim Cang (Vajracchadikā Śūtra).

Lại nữa, nội dung chính của kinh Lăng già (Laṅkāvatāra) nhằm trình bày những nền tảng triết học của kinh nghiệm. Tất cả đều xuất phát từ bản tâm, điểm xuất phát của giáo lý Như lai tạng (thatāgatagarbha) như được trình bày qua kinh Thắng Man và tư tưởng Nhất thừa qua kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīka), Nhập pháp giới qua Kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka).

Đây cũng chính là nền tảng để giáo lý Duy thức (Duy tâm) được triển khai sau nầy qua các luận sư Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân.

Kinh Lăng già (Laṅkāvatāra) chính là sự triển khai thành hiện thực tư tưởng Đại thừa (Mahāyāna) bằng bản nguyện của hàng Bồ tát, bằng lý tưởng tu học qua khai phát Bồ đề tâm, như bài kệ mở đầu của Bồ tát Đại Huệ, là sự dung thông giữa Giác ngộ (Trí) và Tình thương (Bi):

Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.
Nhất thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.
Viễn li ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.
Tri nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm.
Nhất thiết vô niết bàn
Vô hữu niết bàn Phật
Vô hữu Phật niết bàn
Viễn ly giác sở giác.
Nhược hữu nhược vô hữu
Thị nhất thiết câu ly
Mâu ni tịch tĩnh quan
Thị tắc viễn ly sanh
Thị danh vi bất thủ
Kim thế hậu thế tịnh.

Dịch nghĩa:

“Khi quán tưởng thế gian này bằng trí và bi, sẽ thấy nó giống như hoa đốm giữa hư không, không thể nói nó có sinh ra hay bị diệt đi, vì cả hai phạm trù “có” và “không” đều không dùng được ở đây.

“Khi quán tưởng muôn vật bằng trí và bi, sẽ thấy nó như ảo giác, ngoài sức lãnh hội của tâm thức, cũng không thể nói nó “có” hoặc “không”, vì cả hai phạm trù đều không dùng được ở đây.

“Khi quán tưởng thế gian này bằng trí và bi, sẽ thấy nó như chiêm bao, không thể nói nó là hằng hữu bất biến (thường kiến) hoặc trầm tịch trong hư vô (đoạn kiến) cũng không thể nói nó “có” hoặc “không”, vì cả hai phạm trù đều không dùng được ở đây.

“Khi quán tưởng pháp giới bằng trí và bi, sẽ thấy tất cả vốn bản lai thanh tịnh, vô nhiễm (vô tướng), không tự tánh (vô ngã) trong không có thế giới chủ quan (nhân) gây phiền não chướng, ngoài không thể giới khách quan (pháp) gây sở tri chướng (nhĩ diệm).

“Khi lìa cả hai tướng đối đãi người giác và quả vị giác (giác, sở giác), sẽ thấy không đâu có niết bàn, không có Phật nào ở niết bàn, không có niết bàn nào của Phật.

“Khi quán tưởng thể tánh vắng lặng của Mâu ni, tự tại ngoài vòng sanh diệt, không chấp “có’, không chấp “không”, cả hai phạm trù luận lý đều dứt sạch, ắt không thủ chấp, nên được thanh tịnh ngay ở đời nay và đời sau. [3]

Như lời thông điệp nhiệm mầu, bài kệ vạch ra cho chúng ta con đường thực tiễn để đi vào cõi Thánh trí tự chứng. Lời tán thán của Bồ tát Đại Huệ như bay vút giữa tầng không, chao liệng giữa đỉnh non Lăng già, hòa nhập vào tiếng reo trầm hùng của sóng biển. Đến nay đã hơn 2500 năm, sự thể nhập của đạo Giác ngộ và Giải thoát chính là bằng từng bước chân của những người mang lý tưởng thực hành Bồ tát đạo, vượt lên trên những dị biệt, những chấp trước, những đối cực nhị biên, v.v… để vận hành sâu sắc giá trị miên viễn của Trí tuệ và Từ bi.