Duyên Khởi.
Vào năm 1934, ngài Thái Hư đã từng giảng qua Kinh Dược Sư một lần tại Chùa A Dục Vương ở Ninh Ba, pháp duyên rất thịnh. Bài giảng của ngài đã được ghi lại thành một bộ Kinh Dược Sư Giảng Ký rất hay.
Đất nước của chúng ta bị nhiều tai nạn, đặc biệt là năm nay, Đại lục đã bị náo động bởi một trận lụt lớn chưa từng có. Hôm nay chúng ta hoằng dương pháp môn Dược Sư là một sự việc vô cùng có ý nghĩa. Bởi vì tất cả mọi loại tai nạn đều là do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm. Phật giáo đứng trên lập trường từ bi giải cứu khổ nạn cho chúng sinh, cho nên thiết lập pháp môn tiêu tai, khiến cho chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng, thoát khỏi tai nạn.
Bổn tự (Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan) sẽ tổ chức pháp hội Dược Sư vào tháng 9 này, cầu nguyện cho tất cả mọi người, từ Tổng thống cho đến quan dân, đều được tiêu tai, diên thọ, miễn nạn, được phước, cho nên trước khi khai mạc pháp hội, chúng ta sẽ giảng giải quyển kinh này để mọi người hiểu rõ ý nghĩa. Tương lai mỗi người khi tham gia pháp hội, một mặt nương vào sự gia bị của uy lực của Tam bảo, một mặt tự mình y vào pháp để tiến tu, thì mới có thể chân chánh đạt thành mục đích của sự tiêu tai miễn nạn. Đây là nhân duyên gần của sự giảng giải bổn kinh. Ngài Thái Hư, lúc giảng quyển kinh này, nói có ba nhân duyên lớn:
(1) Loài người thời cận đại chú trọng đến sự an lạc hiện đời.
Hiện nay mọi người đều xem trọng đời sống thực tế, mong muốn có một cuộc sống lý tưởng, an lạc. Phật pháp nói về “lạc” có ba loại: (a) Hiện pháp lạc (an lạc hiện đời), (b) Hậu thế lạc (an lạc đời sau), và (c) Cứu cánh giải thoát lạc (an lạc của sự giải thoát rốt ráo). Chúng sinh trên thế gian có đủ loại khổ não bức bách, cho nên mong muốn thoát ly đau khổ, đạt được an lạc. Thế nhưng, tất cả mọi sự mong cầu an lạc đều không ngoài ba loại an lạc hiện đời, an lạc đời sau và an lạc giải thoát rốt ráo. Đây là vì căn tính của chúng sinh khác biệt, sinh hoạt trong không gian và thời gian khác biệt, cho nên sự mong cầu cảnh giới an lạc cũng có sự khác biệt. Có những chúng sinh mong cầu sự an lạc đời sau, có những chúng sinh mong cầu sự an lạc giải thoát rốt ráo, thế nhưng loài người hiện nay thì lại đặc biệt xem trọng sự an lạc hiện đời. Đức Thích Tôn khai sáng Phật giáo, tinh thần căn bổn là dẫn dắt chúng sinh đạt được sự an lạc giải thoát rốt ráo, cho nên nói rằng Phật pháp là pháp xuất thế. Thế nhưng, sự mong cầu của chúng sinh không giống nhau, nếu chỉ giảng nói đến sự an lạc giải thoát rốt ráo thì không thể thích ứng rộng rãi đến tất cả chúng sinh có căn tính khác nhau, cho nên đức Phật Thích Ca đã khai sáng pháp môn Dược Sư (Tịnh độ Đông phương) và pháp môn A Di Đà (Tịnh độ Tây phương). Mọi người đều cho rằng đức Phật Dược Sư là “diên thọ” (tăng tuổi thọ), đức Phật A Di Đà là “độ vong” (tiếp dẫn người chết), nhưng thật ra, đây là nói theo người đời. Nếu căn cứ vào Chánh nghĩa của Phật pháp mà nói, pháp môn Tịnh độ của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang ở phương Đông là thích ứng cho một loại chúng sinh mong cầu “hiện thế lạc” (an lạc hiện đời), còn pháp môn Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây là thích ứng cho một loại chúng sinh mong cầu “hậu thế lạc” (an lạc đời sau). Thế nhưng, hai pháp môn này đều là phương tiện để dẫn dắt người tu tiến nhập Đại thừa, để đạt đến mục đích cuối cùng là sự an lạc giải thoát.
Xưa nay, bất luận là thế giới Tây phương Cực Lạc, hoặc thế giới Đông phương Tịnh Lưu Ly, chúng ta đều không biết đến, mà đều là nhờ đức Phật Thích Ca giảng nói cho nên chúng ta mới biết. Cho nên đây đều là phương tiện thiện xảo của đức Thế Tôn đại bi cứu thế. Vì muốn dẫn đạo những chúng sinh yêu cầu “hiện pháp lạc”, cho nên khai thị pháp môn Tịnh độ của đức Phật Dược Sư ở phương Đông, vì muốn dẫn đạo những chúng sinh yêu cầu “hậu thế lạc”, cho nên khai thị pháp môn Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây. Hai pháp môn đều là diệu dụng của pháp môn cứu cánh viên mãn (nghĩa là thành Phật). Ngài Thái Hư đặc biệt đề xướng pháp môn Dược Sư này là vì hiện nay mọi người đều quá chú trọng đến pháp môn niệm Phật, cầu sau khi chết được vãng sinh Tây phương Cực Lạc, điều này đưa đến sự hiểu lầm của mọi hàng lớp trong xã hội hiện nay. Thật ra, Phật pháp là dựa trên sự giải thóat lạc của đức Thích Ca, khai phát thành hai Tịnh độ phương Đông và phương Tây để có thể đồng thời hoằng dương hiện sinh lạc và hậu thế lạc. Pháp môn chú trọng hiện thế lạc, trên thực tế, thích ứng với căn tính của nhân loại hiện nay, cho nên ngài Thái Hư mới đặc biệt tuyên dương, để thích ứng với loài người ở thời đại này, đồng thời phát huy đại dụng của Phật pháp.
(2) Tịnh độ Đông phương và Trung Quốc.
Đức Phật nói: “Từ đây qua phương Tây hơn mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc”, đồng thời cũng nói: “Từ đây qua phương Đông hơn mười hằng hà sa cõi Phật có thế giới tên Tịnh Lưu Ly.” Đức Thế Tôn khai thị hai pháp môn lớn, đương nhiên là hai Tịnh độ Đông phương và Tây phương đều có ý nghĩa chân thực, thế nhưng, đức Thế Tôn xuất sinh ở Ấn Độ, nếu từ tiểu thế giới của chúng ta mà nhìn, thì điều này lại vô cùng thích hợp, và có nhiều ý nghĩa sâu xa phong phú. Như các giống người ở về phía Tây Ấn Độ, phần lớn có khuynh hướng tư tưởng giống như Tịnh độ A Di Đà, và các giống người ở về phía Đông Ấn Độ, phần lớn có khuynh hướng tư tưởng giống như Tịnh độ Dược Sư. Điều này nói rằng, từ Ấn Độ đi về phía Tây, tư tưởng tôn giáo của các giống dân ở vùng đó, bất luận là Hồi giáo hoặc Cơ Đốc giáo (Christianity), đều là tín ngưỡng Nhất thần, sau khi chết cầu sinh về cõi Trời, chú trọng đến tín ngưỡng và hậu thế lạc. Còn từ Ấn Độ đi về phía Đông, như Trung Quốc, thì không phải như vậy. Khổng Tử nói: “Chưa biết sinh, làm sao biết tử.” Tư tưởng văn hóa phương Đông đặc biệt chú trọng đến hiện sinh lạc, thực sự gần gũi với Tịnh độ của Phật Dược Sư. Cho nên quyển kinh này thích ứng nhất với tâm trạng của người Trung Quốc (Nd: văn hóa Đông phương nói chung).
(3) Y vào Tịnh độ Dược Sư để sáng lập “Nhân gian tịnh độ.”
Chúng ta đối với pháp môn Dược Sư, bình thường chỉ chú trọng đến việc “tiêu tai diên thọ”, mà không biết rằng đức Như Lai Dược Sư trong những đời quá khứ đã từng phát Bồ đề tâm, tu hành hạnh Đại bi, rồi sau đó mới thành tựu quả Phật Vô thượng, thành tựu thế giới Lưu Ly thanh tịnh quang minh. Đối với vấn đề này, trong Kinh Dược Sư nói rất tỉ mỉ, chúng ta tham gia pháp hội Dược Sư thì cần phải: một mặt, cầu nguyện ân đức của đức Như Lai Dược Sư gia bị, một mặt khác, noi theo nhân địa của Phật Dược Sư đã phát những Đại nguyện, tu hành những hạnh Đại bi, mà tinh tiến thực tiển tu tập để vun bồi việc “tự tịnh hóa tha” (thanh tịnh chính mình, cải hóa người khác), hoàn thành nhân gian tịnh độ. Vào năm 1933, ông Viện trưởng Đái Quý Đào (戴季陶) tổ chức pháp hội Dược Sư tại Hoa Sơn, đã lãnh đạo mọi người phát Mười hai Đại nguyện giống như đức Phật Dược Sư. Nếu như có thể y theo Đại nguyện này mà tu hành, thì không những những tai nạn nhỏ nhặt của chúng ta được tiêu trừ, mà ngay cả toàn thể quốc gia, xã hội, nhẫn đến toàn thể thế giới đều có thể chuyển thành Tịnh độ trang nghiêm. Bởi vì Tịnh độ Đông phương của đức Phật Dược Sư là y vào công đức của bổn nguyện mà thực hiện. Nếu chúng ta có thể thực hiện pháp môn này, thì cái thế giới ác trược đầy dẫy vô biên khổ nạn, cùng đất nước Trung Hoa Dân Quốc đang lâm nguy tai ách này, sẽ chẳng chuyển thành thế giới Tịnh Lưu Ly thanh tịnh hay sao? Cho nên chúng ta nghe giảng bộ kinh này thì cần phải hiểu rõ và thực hành đúng như lời dạy trong kinh, mà mong cầu sự thiết lập nhân gian tịnh độ.