Home > Giảng Kinh > Giang-Giai-Kinh-Bao-Tich

1. Đối Chiếu “Kinh Đại Bảo Tích” Và “Kinh Bảo Tích”


“Kinh Đại Bảo Tích” số lượng 120 quyển, do ngài Bồ đề Lưu chi bắt đầu biên dịch vào đời Đường năm thứ 2 niên hiệu Vũ Hậu Thần Long đến năm thứ 2 niên hiệu Tiên Thiên hoàn thành, là một trong năm bộ Kinh lớn được tôn sùng có địa vị rất cao trong Phật giáo Trung Quốc. Bộ Kinh này gồm 49 hội được biên tập tổng hợp từ 49 Kinh khác nhau, tuy ngài Bồ đề Lưu chi phụng chiếu dịch, nhưng thật tế chỉ là sự biên dịch vì trong 49 hội nếu như trước đó đã dịch chính xác thì không dịch lại, vì bản dịch trước chưa rõ ràng, nhiều chỗ bị thiếu xót hay tiền nhân dịch dở dang cho nên tiếp tục phiên dịch. Vì vậy hiện tại “Kinh Đại Bảo Tích” là công trình biên tập từ các bản dịch của nhiều dịch giả, ngài Bồ đề Lưu chi dịch 27 hội, còn dịch giả khác trước đó dịch 22 hội, nếu tính số quyển thì Ngài dịch được gần hai phần ba, đến khi ngài Bồ đề Lưu chi dịch tiếp thì đại bộ này được biên tập hoàn thành, nên mọi người thường cho bộ Kinh này do Ngài dịch.

Kinh này vì sao đặt tên là Bảo Tích? Có người cho rằng: “Kinh Bảo Tích” là một bộ tùng thư, vì Bảo Tích là tập hợp nhiều loại Kinh điển (có ý nghĩa tích tập Pháp bảo). Đương nhiên, “Kinh Đại Bảo Tích” được cho là sự biên tập của nhiều loại Kinh điển, vào thời đại ngài Huyền Trang đã có như vậy, căn cứ “Từ Ân Truyện” chép: “Vào tết nguyên đán (năm cuối đời của Ngài Huyền Trang) theo sự thỉnh cầu của Tăng chúng nên Ngài dịch “Kinh Đại Bảo Tích”. Nói một cách nghiêm túc hiện tại chuẩn bị giảng giải “Pháp Hội Phổ Minh Bồ tát” (Hội thứ 43 trong “Kinh Đại Bảo Tích thuộc quyển thứ 112”) mới là nguyên thuỷ của “Kinh Bảo Tích”, còn “Kinh Đại Bảo Tích” chỉ mượn hai chữ “Bảo Tích” để đem 49 bộ Kinh điển khác nhau biên tập thành một bộ lớn. Do đó trong 49 hội này, mỗi hội có nội dung không giống nhau, vì vốn không có một luận đề nhất quán thì cũng không thể nói nó có thứ lớp nhất định, sự kiết tập 49 hội đó có ý nghĩa hoàn toàn khác với sự kiết tập 16 hội trong “Kinh Đại Bát nhã” và 9 hội trong “Kinh Hoa Nghiêm”. 

Hiện tại giảng “Pháp Hội Phổ Minh Bồ tát” thuộc “Kinh Đại Bảo Tích” là bản “Kinh Bảo Tích” (48 hội còn lại là tổng hợp biên tập mà có tên gọi là Bảo Tích) xưa nhất, điều này từ hai điểm để trình bày:

I. Trước đây được nói đến “Kinh Bảo Tích”, đều chỉ cho Kinh này:

1. Tiêu đề của hội là “Kinh Cổ Đại Bảo Tích”, dịch ý tổng hợp thành “Phẩm Bảo Tích” biên tập trong “Kinh Đại Thừa Bảo Vân”.

2. Ngài Long Thọ trong “Đại Trí Độ Luận” (quyển 28) trích dẫn “Kinh Bảo Đảnh” để thuyết minh vấn đề Bồ tát mới phát tâm thù thắng hơn hàng Nhị thừa, đây là quan điểm ở trong Kinh này, qua đó biết được từ “Bảo Đảnh” là cách dịch khác của từ “Bảo Tích”.

3. Đời Ngụy Ngài Bồ đề Lưu chi ‘Bodhiruci’ (hoặc Ngài Lặc na ma đề ‘Ratnamati’) dịch “Đại Bảo Tích Kinh Luận” 4 quyển, tương truyền do Bồ tát Thế Thân trước tác, nhưng căn cứ vào bản dịch Tây Tạng thì lại cho là Bồ tát An Huệ đệ tử của ngài Thế Thân trước tác Luận này. Nói cách khác “Đại Bảo Tích Kinh Luận” là bản giải thích “Hội Bồ tát Phổ Minh” trong bản Kinh này.

II. Thánh giả Đại thừa xưa đặc biệt xem trọng Kinh này

1. Đại thừa Trung quán (Không tông) Bồ tát Long Thọ sử dụng đề cập “Kinh Bảo Đảnh” chính là bản Kinh này, phần trên đã thảo luận qua. “Đại Trí Độ Luận” nói đến: “Thanh văn không như lỗ chân lông không, Bồ tát không giống như hư không”, bài kệ trong “Trung quán Luận”: “Như Lai nói pháp không, vì lìa các kiến chấp”, được trích dẫn từ bản Kinh này.

2. Du Già Đại thừa (Hữu tông) Bồ tát Di Lặc trong “Du Già Sư Địa Luận, Phần Nhiếp Quyết Trạch (quyển 79 và 80)” có thuyết minh mười sáu việc chánh hành của Bồ tát là thuộc một phần quan trọng trong Kinh; ngài An Huệ trước tác “Đại Bảo Tích Kinh Luận” cũng là giải thích trình bày mười sáu việc này mà hình thành tác phẩm đó; và “Nhiếp Đại Thừa Luận, Phẩm Sở Tri Tướng” nói đến thành tựu ba mươi hai pháp mới gọi là Bồ tát và mười ba loại Trung đạo do Duy Thức học giả thường nói đều là căn cứ vào bản Kinh này; đặc biệt câu “thà khởi ngã kiến lớn như núi Tu di, chớ nên khởi không kiến nhỏ như hạt cải” trở thành lời vàng ngọc được Du Già Đại thừa đặc biệt xem trọng.

Như thế cho thấy hai tông Không và Hữu (hai tông chánh thống của Ấn Độ Đại thừa) đều xem trọng “Kinh Bảo Tích” (Hội Bồ tát Phổ Minh), nên chúng ta biết được giá trị của bản Kinh này.