Home > Pháp Luận > Van-Thien-Dong-Quy

Thiền Sư Diên Thọ Chùa Vĩnh Minh (904 975)


Thiền Sư Diên Thọ, tự là Xung Huyền, người đời Tống, con nhà họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, Ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến bầy dê quỳ mọp nghe kinh.

Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần Ngài lấy tiền công quỹ đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Việc phát giác ra, bị pháp ty thẩm định, xử Ngài vào tội tử hình. Lúc sắp đem đi chém, Văn Mục Vương cho người rình xem, nếu thấy Ngài nhan sắc thản nhiên, không tỏ vẻ buồn rầu lo sợ thì phải đem về trình lại. Thấy Ngài trước sau vẫn an nhiên điềm tĩnh, sứ giả trao sắc chỉ cho quan giám trảm, rồi dẫn về diện kiến vua. Khi nhà vua hỏi duyên cớ Ngài đáp:

“Tôi dụng của công, thật đáng tội chết. Nhưng toàn số tiền đó tôi dùng để mua cứu được muôn ức sanh mạng, thì dù thân này có chết cũng được vãng sanh về cõi Liên Bang, thế nên tôi không lo sợ”.

Văn Mục Vương nghe qua cảm động, rơi lệ tha bổng. Ngài xin xuất gia, nhà vua bằng lòng.

Năm ba mươi tuổi, Ngài nương theo Thiền sư Thúy Nham ở chùa Long Sách xuất gia. Sau đó tham học với Quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai, ban đầu tu tập thiền định, tỏ ngộ tâm yếu, được Quốc sư ấn khả. Ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc Thanh, trong lúc thiền quán thấy Bồ Tát Quán Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại.

Sau đó, Ngài ở núi Tuyết Đậu tại Minh Châu, pháp hội rất hưng thịnh, đồng thời phục hưng chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Ngoài giờ giáo hóa, Đại sư thường ở bên dòng thác ngồi tụng kinh, tọa thiền, trầm mặc. Đại sư mặc y phục thì thô sơ, dùng thức ăn rất đạm bạc.

Năm Kiến Long thứ 2 (961) đời Tống, Trung Ý Vương thỉnh Ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, giáo hóa đại chúng, cho nên người đời gọi là Đại sư Vĩnh Minh. Sư đề xướng tinh thần viên dung tất cả pháp, lấy tâm làm tông, bốn chúng khâm phục. Ở chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ được 1, 700 vị Tăng. Đại sư lập công khóa mỗi ngày đêm hành trì 108 điều. Hai điều đặc biệt trong đó là: tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm mười muôn câu Phật hiệu.

Trọn đời Ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Đại sư thường truyền giới Bồ Tát, mua chim cá phóng sanh, thí thực cho quỷ thần, tất cả công đức đều hồi hướng Tịnh độ.

Ngài có trước tác bộ Tông Cảnh Lục 100 quyển, dung hội chỉ thú dị đồng của ba tông:

* Hoa Nghiêm.

* Pháp Hoa.

* Duy Thức.

Đối với sự phân chia tông chỉ giữa các tông phái đương thời, Ngài giữ thái độ điều hòa.

Vua nước Cao Ly thấy được bộ sách này, bèn sai sứ thần sang bày tỏ lễ nghĩa của người đệ tử, đồng thời phái ba mươi sáu vị Tăng trong nước đến Trung Hoa học pháp với Ngài. Do đó, Thiền của tông Pháp Nhãn lại được thịnh hành ở Hải Đông. Đại sư còn soạn thuật tập Vạn Thiện Đồng Quy. Giáo nghĩa trong đây viên dung vô ngại, đồng quy về nhất tâm, bảo rằng:

“Tám vạn pháp môn đều đưa đến giải thoát, một niệm lành nhỏ cũng dẫn tới Chân như”, lời lẽ chỉ dạy về Tịnh độ rất thiết yếu.

Ngoài ra Đại sư còn trước tác Thần Thê An Dưỡng Phú 1 quyển, Duy Tâm Quyết 1 quyển, Định Huệ Tương Tư Ca 1 quyển v.v…tất cả hơn 60 bộ.

Niên hiệu Khai bảo năm thứ 8 (975), ngày 26 tháng 2, vào buổi sáng sớm Đại sư lên chánh điện đốt hương lễ Phật. Lễ xong, Ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo, rồi ngồi kiết già trên pháp tòa mà thị tịch, thọ 72 tuổi. Trung Ý Vương ban tôn hiệu là “Thiền Sư Trí Giác”.

Đại sư là Tổ thứ ba của tông Pháp Nhãn, đồng thời cũng được tôn xưng là Tổ thứ sáu của tông Tịnh độ.

(Theo Mấy Điệu Sen Thanh, Tống Cao Tăng Truyện, Phật Quang Đại Từ Điển).